Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và chế độ sinh hoạt

Ngày 11/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư vòm họng khá hiếm ở Hoa Kỳ tuy nhiên lại có tần suất cao tại các nước Đông Nam Á. Tình trạng bệnh này rất khó phát hiện sớm có thể do triệu chứng của bệnh giống một số tình trạng bệnh khác tại vùng họng. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào từng giai đoạn của ung thư vòm họng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cấu trúc và chức năng vòm họng

Vòm họng là phần trên của hầu họng nằm phía sau mũi và phía trên khẩu cái mềm, có dạng hình hộp, rộng khoảng 2 cm và dài 4 cm. Thứ tự của vùng họng thanh quản từ trên xuống gồm: Vòm họng, hầu họng và hạ hầu. Khu vực này có vòng bạch huyết Waldayer có nhiệm vụ bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Vòm họng đóng vai trò là đường dẫn không khí đi từ mũi đến cổ họng.

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 là gì?

Ung thư vòm họng, hay còn được gọi là ung thư biểu mô vòm họng, đây là loại ung thư phổ biến nhất ở vòm họng. Ung thư biểu mô là bệnh ung thư bắt đầu từ các tế bào lót bề mặt của các cơ quan trong cơ thể, được gọi là tế bào biểu mô.

Có 4 giai đoạn ung thư vòm họng. Chúng được phân loại dựa trên hệ thống TNM tương ứng với kích thước khối u (T: Tumor), di căn hạch lân cận (N: Nodes) và di căn xa (M: Mestatastic).

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 được định nghĩa khi:

  • Khối u còn giới hạn tại vùng vòm họng hoặc có thể lan đến khoang mũi. Có thể hiện diện tế bào ung thư ở hạch bạch huyết vùng cổ ở 1 bên hoặc 2 bên. Các hạch có đường đính không quá 6cm. Tương ứng với T0 hoặc T1, N1, M0.
  • Ung thư phát triển và lan sang các khu vực cạnh vòm họng (khoang cạnh hầu). Có sự hiện diện tế bào ung thư ở hạch bạch huyết vùng cổ hoặc vùng sau họng ở 1 hoặc cả 2 bên. Tương ứng với T2, N0 hoặc N1, M0.

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn 2

Trong hầu hết trường hợp, người bệnh ung thư vòm họng sẽ nhận thấy một khối u ở vùng cổ gáy. Có thể có một hoặc nhiều khối u và thường không gây đau. Những khối này xuất hiện khi ung thư lan đến các hạch bạch huyết ở cổ và khiến chúng sưng lên.

Ngoài ra còn có một số dấu hiệu cảnh báo khác như:

  • Ù tai;
  • Giảm hoặc mất thính lực;
  • Có cảm giác nghẹt và đầy trong tai;
  • Nhiễm trùng tai dai dẳng;
  • Nhức đầu;
  • Nghẹt mũi;
  • Chảy máu mũi;
  • Khó mở to miệng;
  • Đau vùng hàm mặt;
  • Tê hoặc dị cảm ở mặt;
  • Khó thở hoặc khó nói.
Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và chế độ sinh hoạt 2
Ù tai là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

Nhiều triệu chứng ung thư vòm họng có sự trùng lặp với triệu chứng của các bệnh khác ít nghiêm trọng hơn. Cần lưu ý rằng, không phải cứ có một hoặc nhiều triệu chứng trên có nghĩa là bạn bị ung thư vòm họng. 

Biến chứng của ung thư vòm họng giai đoạn 2

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ báo cáo rằng có 63% số người mắc bệnh ung thư vòm họng ở Mỹ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán và điều trị. Giống như nhiều loại ung thư khác, tỷ lệ sống của ung thư vòm họng sẽ cải thiện nếu bệnh được chẩn đoán sớm trước khi nó di căn:

  • Khối u tại chỗ: Có khoảng 82% số người bệnh ung thư vòm họng tại chỗ còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán và điều trị.
  • Khối u lan đến các cơ quan lân cận: Có khoảng 72% số người bệnh ung thư vòm họng có lan sang các cơ quan lân cận còn sống sau 5 năm kể từ khi chẩn đoán và điều trị.
  • Khối u di căn: Có khoảng 49% số người mắc bệnh ung thư đã di căn đến các cơ quan xa vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán và điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng của ung thư biểu mô vòm họng ở giai đoạn sớm có thể mơ hồ hoặc tương tự các bệnh lý khác ở vùng hầu họng. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường và dai dẳng nào trong cơ thể khiến bạn khó chịu, chẳng hạn như nghẹt mũi hoặc chảy máu mũi bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tìm nguyên nhân.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng giai đoạn 2

Giống với những loại ung thư khác, ung thư biểu mô vòm họng xảy ra khi có một hoặc nhiều đột biến gen xuất hiện khiến các tế bào phát triển vượt khỏi sự kiểm soát của chu kỳ tế bào, xâm lấn các cấu trúc xung quanh và di căn đến các bộ phận khác. Trong vòm họng chứa nhiều loại tế bào khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ung thư vòm họng được phân thành ba loại gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy sừng hóa (loại 1): Các tế bào ung thư trong mô lót vòm họng được bao phủ bởi keratin. Keratin là một loại protein có trong tóc và móng tay.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy không sừng hóa (loại 2): Các tế bào ung thư trong các mô vòm họng không được bao phủ bởi keratin.
  • Ung thư biểu mô không biệt hóa hoặc biệt hóa kém, bao gồm ung thư biểu mô lympho và các biến thể thoái biến (anaplastic) (loại 3): Đây là những tế bào ung thư trông rất khác với các tế bào khỏe mạnh khi nhìn dưới kính hiển vi. Các tế bào ung thư kém biệt hóa hoặc không biệt hóa phát triển và lây lan rất nhanh.

Các chuyên gia y học hiện nay vẫn không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây đột biến gen nào dẫn đến ung thư vòm họng. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư vòm họng giai đoạn 2?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng giai đoạn 2 gồm:

  • Hút thuốc lá nhiều hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào (chủ động hoặc thụ động).
  • Tiêu thụ thường xuyên và nhiều rượu bia và các loại đồ uống có chứa cồn.
  • Có tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh ung thư vòm họng.
  • Chủng tộc: Ung thư vòm họng phổ biến hơn ở dân số Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc và Bắc Phi. Những người nhập cư vào Mỹ từ châu Á cũng có nguy cơ cao hơn so với người châu Á sinh ra ở Mỹ.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng cao gấp ba lần so với phụ nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư vòm họng giai đoạn 2

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng giai đoạn 2 gồm:

  • Virus Epstein-Barr (EBV): Đây chính là loại virus gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân. EBV thường gặp ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng.
  • Thường xuyên ăn thực phẩm muối chua: Những người ăn chế độ ăn nhiều thịt, cá muối và các sản phẩm muối chua khác có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn.
  • Tiếp xúc với nhiều bụi và khói có thể làm tăng nguy cơ.
Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và chế độ sinh hoạt 3
EBV thường gặp ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm ung thư vòm họng 2

Phương pháp chẩn đoán

Người bệnh nghi ngờ ung thư vòm họng giai đoạn 2 sẽ được bác sĩ tiến hành khám tổng quát, khai thác kĩ bệnh sử và các yếu tố nguy cơ của bạn. Ngoài ra bác sĩ có thể khám hạch để xem kích thước, mật độ và dấu hiệu sưng đau của hạch.

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ đề nghị thăm khám qua nội soi tai mũi họng của bạn để quan sát cấu trúc của vùng vòm họng và các bất thường lân cận nếu có.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Một số cận lâm sàng bác sĩ có thể chỉ định để chẩn đoán bệnh và giai đoạn bệnh gồm:

  • Nội soi tai mũi họng kết hợp lấy một mẫu mô tại vị trí khối u (sinh thiết) để tiến hành phân tích đặc điểm bệnh học của khối u.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) vùng đầu, cổ, ngực, bụng giúp đánh giá kích thước khối u và khả năng xâm lấn cũng như di căn của khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 2

Bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị dựa trên một số yếu tố như giai đoạn ung thư, mục tiêu điều trị, sức khỏe tổng thể và các tác dụng phụ mà người bệnh phải đối mặt trong quá trình điều trị. Điều trị ung thư biểu mô vòm họng giai đoạn 2 thường bắt đầu bằng xạ trị hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X hoặc proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với các khối u vòm họng nhỏ, xạ trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết. Trong các tình huống khác, xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị.

Xạ trị có nguy cơ gây ra tác dụng phụ, bao gồm đỏ da tạm thời, giảm thính lực và khô miệng. Xạ trị vùng đầu và cổ, đặc biệt khi kết hợp với hóa trị, thường gây ra loét họng và miệng khá nặng. Đôi khi những vết loét này gây khó khăn cho việc ăn uống. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể tiến hành đặt một ống vào dạ dày (sonde dạ dày) của người bệnh để cung cấp nước và thức ăn. 

Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và chế độ sinh hoạt 4
Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 2 bằng phương pháp xạ trị

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị bằng thuốc sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc tiêm qua tĩnh mạch. Hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô vòm họng giai đoạn 2 theo ba cách:

  • Hóa trị đồng thời với xạ trị sẽ nâng cao hiệu quả của xạ trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ khi kết hợp cả 2 phương pháp khiến người bệnh khó dung nạp hơn.
  • Hóa trị sau xạ trị. Hóa trị được sử dụng để tấn công bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau xạ trị. Nhiều người trải qua hóa trị liệu sau khi điều trị xạ trị không thể chịu đựng được các tác dụng phụ và phải ngừng điều trị.
  • Hóa trị trước xạ trị là phương pháp điều trị bằng hóa trị liệu được thực hiện trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi điều trị đồng thời. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định phương pháp này có thể cải thiện tỷ lệ sống sót ở những người bị ung thư biểu mô vòm họng hay không.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường không được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 2. Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ các hạch bạch huyết bị ung thư di căn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ khối u vòm họng nếu khối u có ảnh hưởng lớn đến các cấu trúc và chức năng của các cơ quan lân cận.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vòm họng giai đoạn 2

Chế độ sinh hoạt:

Quá trình điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 2 có thể gây khô miệng. Một số phương pháp giúp bạn có thể giảm bớt tình trạng này và các biến chứng (loét, nhiễm trùng) gồm:

  • Đánh răng nhiều lần trong ngày với bàn chải lông mềm và chải răng nhẹ nhàng.
  • Súc miệng với nước muối ấm sau mỗi bữa ăn.
  • Uống đủ 2 lít nước lọc mỗi ngày giúp khoang miệng luôn ẩm.
  • Nhai kẹo cao su không đường để giúp tuyến nước bọt tăng tiết.
  • Tránh những loại thực phẩm khô, cay, nóng.
  • Tránh những loại đồ uống có tính acid và gây kích ứng như rượu và cà phê.
Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và chế độ sinh hoạt 5
Súc miệng với nước muối ấm sau mỗi bữa ăn

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 2 cần có chế độ dinh dưỡng đủ dưỡng chất, bao gồm:

  • Nhóm chất bột đường: Từ cơm, mì, bún, bánh mì, khoai,... giúp cung cấp glucose cho quá trình sinh năng lượng.
  • Nhóm chất đạm: Từ thịt, cá, gia cầm, hải sản, các loại nấm, các loại đậu,...giúp cung cấp các acid amin cần thiết cho cơ thể.
  • Nhóm chất béo: Ưu tiên các chất béo không bão hòa từ các loại hạt, quả bơ, các chất béo từ cá có dầu như cá hồi, cá ngừ, cá trích,...
  • Nhóm vitamin và khoáng chất: Có nhiều trong các loại rau củ, trái cây.
  • Thực phẩm cần tránh: Tránh các loại thực phẩm nhiều acid như trái cây họ cam quýt, dứa,... và các loại thức ăn đóng hộp.
Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và chế độ sinh hoạt s3
Người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 2 cần có chế độ dinh dưỡng đủ dưỡng chất

Phương pháp phòng ngừa ung thư vòm họng giai đoạn 2 hiệu quả

Những phương pháp phòng ngừa bên dưới giúp bạn ngăn ngừa ung thư vòm họng:

  • Tránh thuốc lá (chủ động và thụ động);
  • Hạn chế rượu, bia và các loại đồ uống có cồn;
  • Quan hệ tình dục lành mạnh và có biện pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
  • Tránh một số loại thực phẩm muối chua (thịt muối, cá khô, dưa cải chua,...).

Các câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng giai đoạn 2

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 có chữa hết được không?

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có tiên lượng khá tốt. Khoảng 82% số người bệnh ung thư vòm họng với khối u khu trú sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán và điều trị.

Tôi nên hỏi bác sĩ những câu hỏi gì về bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 2?

Một số câu hỏi bạn có thể hỏi bác sĩ để biết rõ về tình trạng bệnh của mình bao gồm:

  • Ung thư giai đoạn nào?
  • Ung thư còn khu trú tại vòm họng hay đã di căn đến những cơ quan khác?
  • Các phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của tôi?
  • Việc điều trị sẽ kéo dài bao lâu?
  • Khả năng phục hồi bệnh như thế nào?
  • Chế độ sinh hoạt của tôi cần lưu ý những gì?

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 có lây truyền không?

Bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 2 không lây truyền. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh có thể lây truyền gồm virus gây u nhú ở người Human Papilloma Virus (HPV) hoặc Epstein-Barr Virus (EBV).

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 có tái phát sau điều trị không?

Ung thư vòm họng có thể tái phát, phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ tiến triển của bệnh, sự đáp ứng với điều trị. Việc tái khám định kỳ cực kỳ quan trọng giúp người bệnh phát hiện sớm dấu hiệu tái phát và có chiến lược điều trị phù hợp.

Có thể tầm soát ung thư vòm họng được không?

Bạn có thể thăm khám Tai mũi họng định kỳ giúp tầm soát ung thư vòm họng. Các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi tai mũi họng tổng quát giúp bạn phát hiện sớm các bất thường tại những cơ quan này.

Nguồn tham khảo
  1. Nasopharyngeal Cancer: https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/about.html
  2. Nasopharyngeal Cancer: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21661-nasopharyngeal-cancer
  3. Nasopharyngeal Cancer: Stages and Grades: https://www.cancer.net/cancer-types/nasopharyngeal-cancer/stages-and-grades
  4. Guo R, Mao YP, Tang LL, Chen L, Sun Y, Ma J. The evolution of nasopharyngeal carcinoma staging. Br J Radiol. 2019 Oct;92(1102):20190244. doi: 10.1259/bjr.20190244.
  5. Liu Z, Chen Y, Su Y, Hu X, Peng X. Nasopharyngeal Carcinoma: Clinical Achievements and Considerations Among Treatment Options. Front Oncol. 2021 Nov 29;11:635737. doi: 10.3389/fonc.2021.635737.

Các bệnh liên quan

  1. Polyp mũi

  2. Ung thư hầu họng

  3. liệt dây thần kinh khứu giác

  4. Nấm họng

  5. Ho

  6. Dị vật trong tai

  7. Viêm họng cấp

  8. Viêm tai ngoài ác tính

  9. Viêm họng

  10. Nghẹt mũi