Mặc dù ăn ít nhưng nhiều lúc bạn cảm thấy ăn nhanh no hơn bình thường, không thể ăn thêm được nữa và nhiều giờ sau vẫn cảm thấy no thì đó chính là biểu hiện của chứng đầy hơi khó tiêu.
Thậm chí ở nhiều trường hợp còn có biểu hiện buồn nôn, ợ nhiều, có vị chua trong miệng hay khó chịu trong dạ dày. Chứng bệnh này thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt.
Chứng đầy hơi khó tiêu thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt
Đầy bụng khó tiêu là bệnh gì?
Đầy bụng khó tiêu là biểu hiện của triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này xảy ra khi thức ăn nhiều giờ trong dạ dày vẫn không được tiêu hóa, tích lại gây cảm giác bụng tức, đầy hơi khó tiêu. Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của đầy hơi khó tiêu là bụng phình to, căng cứng, cảm giác óc ách như đầy nước, gây khó chịu ngay cả khi không ăn.
Nguyên nhân đầy bụng khó tiêu
Thói quen ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn uống có mối liên hệ chặt chẽ đến chứng đầy bụng khó tiêu. Việc ăn quá nhiều, ăn quá nhanh hay tiêu thụ các thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi sẽ làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra kém hiệu quả hơn. Những thực phẩm dễ gây đầy bụng, khó tiêu như thức ăn giàu đạm, hải sản, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm tái, sống hay đồ uống có cồn.
Việc ăn uống sinh hoạt không lành mạnh, ăn nhanh, không nhai kỹ, ăn không đúng bữa, vừa ăn xong liền ngồi yên một chỗ hay nằm ngay sẽ khiến cho quá trình chuyển hóa thức ăn bị ảnh hưởng, gây đầy bụng khó tiêu.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa
Các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn, bị nhiễm độc tố sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn gây hại cho đường đường ruột, vi khuẩn HP xâm nhập và sinh sôi, hậu quả sẽ khiến chức năng hệ tiêu hóa hoạt động kém. Ngoài ra, suy nhược cơ thể, stress, căng thẳng, mất ngủ kéo dài sẽ làm giảm tiết các men tiêu hóa, giảm nhu động đường tiêu hóa gây chướng hơi, đầy bụng.
Suy nhược cơ thể, stress, căng thẳng có thể gây ra chướng hơi, đầy bụng
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
Các loại thuốc kháng sinh nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ tiêu diệt các lợi khuẩn, làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, dẫn đến triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu hay tiêu chảy. Bên cạnh đó, có một người bệnh tự ý dùng thuốc khi bị bệnh hay uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ điều trị, dẫn đến chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng.
Các bệnh lý về hệ tiêu hóa
Tình trạng khó tiêu, đầy hơi chướng bụng còn có thể xảy ra khi người bệnh mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày, tá tràng hay ung thư dạ dày. Các bệnh này làm khả năng co bóp tống thức ăn bị ảnh hưởng và làm chậm quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, bệnh tuyến tụy, sỏi mật, viêm gan sẽ làm suy giảm chức năng tụy, gan mật, và giảm enzym tiêu hóa.
Chức năng gan suy giảm
Chức năng gan kém cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đầy hơi khó tiêu. Gan có chức năng tiết ra mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu như gan gặp vấn đề hay bị tổn thương sẽ làm giảm quá trình tiết mật, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa đặc biệt là đối với đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ.
Nếu như tình trạng đầy bụng khó tiêu xuất hiện cùng với các biểu hiện khác như da xấu nổi mụn nhọt và mẩn ngứa, nước tiểu có màu vàng, cơ thể mệt mỏi suy nhược thì bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình.
Mất ngủ, căng thẳng kéo dài
Các vấn đề về tâm lý như áp lực công việc, căng thẳng, buồn bực, mất ngủ có thể tác động đến nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa là hệ thần kinh trung ương, từ đó có thể gây khó tiêu, đầy bụng. Đặc biệt khi căng thẳng kéo dài kết hợp sử dụng thuốc an thần, chất kích thích sẽ khiến bộ máy tiêu hóa hoạt động kém dần.
Cách chữa đầy bụng khó tiêu
Thói quen ăn uống khoa học
Bạn nên xấy dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa chứng đầy bụng khó tiêu
Để chữa đầy bụng khó tiêu, đầu tiên bạn cần chọn các thực phẩm lành mạnh, cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường, nên ăn nhiều rau, trái cây vì chúng chứa nhiều chất xơ rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, cần ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế đồ ăn chiên rán, nhiều tinh bột, không nên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe.
Chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý
Thường xuyên vận động thể dục thể thao nhẹ nhàng, dành thêm thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi hay nghe nhạc sẽ giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa căng thẳng, nhờ đó giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, trơn tru hơn. Bên cạnh đó cần ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày để giúp cơ thể được thư giãn và nạp lại năng lượng.
Đầy bụng khó tiêu là triệu chứng rất phổ biến mà hầu như ai cũng từng gặp phải. Tình trạng này thường gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống thường ngày. Vì vậy, để hạn chế gặp phải chứng bệnh này bạn cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và hạn chế hết mức có thể các thực phẩm gây hại đến hệ tiêu hóa.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp