Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân và cách điều trị tình trạng đau tại buồng trứng

Ngày 27/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều phụ nữ sẽ cảm thấy đau tại buồng trứng và điều đó có thể gây lo ngại. Dưới đây là một số thông tin có thể giúp giải thích cảm giác đau buồng trứng như thế nào, nguyên nhân gây ra nó và những bước tiếp theo bạn nên thực hiện.

Đau tại buồng trứng là những cơn đau xung quanh buồng trứng mà bạn cảm thấy được. Nếu bạn bị đau buồng trứng, bạn có thể cảm thấy đau khó chịu ở bụng dưới (vùng dưới rốn), xương chậu hoặc ở lưng dưới. Đôi khi chỉ có một buồng trứng bị đau (đau 1 bên) nhưng cũng có thể cảm thấy đau ở cả hai buồng trứng (đau cả 2 bên).

Đau tại buồng trứng có cảm giác như thế nào?

Buồng trứng là một cơ quan nhỏ, hình bầu dục ở hai bên tử cung (buồng trứng phải và buồng trứng trái). Buồng trứng tạo ra và lưu trữ những quả trứng tham gia vào quá trình thụ tinh mà bạn cần để sinh sản. Buồng trứng cũng tạo ra các hormone kích thích sự rụng trứng và kinh nguyệt.

Cảm giác đau tại buồng trứng, nguyên nhân và cách điều trị 1
Buồng trứng và tử cung trong cơ thể

Đau buồng trứng có thể là mãn tính hoặc cấp tính. Đau mãn tính là cơn đau xảy ra thường xuyên và kéo dài vài tháng, trong khi đau cấp tính là cơn đau xảy ra đột ngột kéo dài một vài giờ hoặc một vài ngày sau đó hết đau.

Điều quan trọng là bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín nếu bạn bị đau buồng trứng hoặc vùng chậu. Một số tình trạng nghiêm trọng có thể gây đau buồng trứng, tìm ra nguyên nhân gây ra cơn đau càng sớm càng tốt vì điều đó sẽ giúp quyết định việc điều trị kịp thời và hiệu quả.

Đau buồng trứng có thể từ nhẹ đến nặng. Một số người cho biết cơn đau âm ỉ đến rồi đi, trong khi những người khác cho biết cơn đau buồng trứng của họ rất dữ dội và đột ngột. Đau buồng trứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường của bạn hằng ngày, gây khó khăn trong việc đi lại, thay đổi tư thế,... Thông thường, cơn đau buồng trứng trở nên trầm trọng, đau hơn khi thực hiện một số hoạt động nhất định như khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.

Buồng trứng nằm trong khu vực có nhiều cơ quan khác như ruột thừa, thận và ruột . Vì lý do này, các tình trạng ảnh hưởng đến các cơ quan đó có thể bị nhầm lẫn với chứng đau buồng trứng. Một số ví dụ về các tình trạng có thể khiến bạn nhầm lẫn mình bị đau buồng trứng là:

  • Viêm ruột thừa.
  • Sỏi thận.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Táo bón.
  • Viêm túi thừa.
Cảm giác đau tại buồng trứng, nguyên nhân và cách điều trị 2
Đau tại buồng trứng có thể bị nhầm lẫn với một số cơn đau khác

Nguyên nhân gây đau buồng trứng

Một số nguyên nhân gây đau buồng trứng là:

  • Đau khi rụng trứng: Là cơn đau xảy ra mỗi tháng khi phóng noãn hoặc rụng trứng. Sự rụng trứng xảy ra vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt. Đau buồng trứng trong thời kỳ rụng trứng thường có cảm giác như đau âm ỉ ở một bên xương chậu.
  • Hành kinh: Một số người bị đau ở khu vực xung quanh buồng trứng ngay trước hoặc khi họ có kinh. Giống như cơn đau khi rụng trứng, nó không phải là điều đáng lo ngại. Nguyên nhân là do tử cung của bạn đang co bóp để làm bong ra lớp niêm mạc tử cung.
  • U nang buồng trứng: Là những nang nhỏ chứa đầy chất lỏng, dịch trong buồng trứng. Chúng thường không phải ung thư, tuy nhiên có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, như đau buồng trứng, đau khi quan hệ tình dục và chảy máu kinh nguyệt không đều. U nang buồng trứng có thể vỡ và gây chảy máu trong ổ bụng, gây đau bụng dữ dội.
  • U xơ tử cung: Là sự tăng trưởng, phát triển u bên trong lớp cơ của tử cung (không phải ung thư). Chúng có thể gây đau ở vùng xương chậu, bao gồm cả xung quanh buồng trứng. Một triệu chứng phổ biến khác của u xơ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường.

Một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây đau tại buồng trứng là:

  • Lạc nội mạc tử cung: Là khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những khu vực khác ngoài tử cung, chẳng hạn như ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra các triệu chứng như đau dữ dội ở buồng trứng.
  • Mang thai ngoài tử cung: Là khi thai phát triển bên ngoài tử cung của bạn, thường là trong ống dẫn trứng gây đau dữ dội ở buồng trứng và là trường hợp cấp cứu y tế.
  • Bệnh ung thư buồng trứng: Mặc dù hiếm gặp nhưng cơn đau ở buồng trứng có thể là do ung thư buồng trứng. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng cũng khác nhau, có thể gây đau buồng trứng dữ dội hoặc chỉ đau âm ỉ.
  • Xoắn buồng trứng: Là khi buồng trứng xoắn quanh các dây chằng giữ nó ở đúng vị trí. Thường xảy ra nhất do u nang, khối u hoặc do PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang). Xoắn buồng trứng có thể gây đau dữ dội và đột ngột ở buồng trứng và xương chậu. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và cần phải phẫu thuật để tháo xoắn buồng trứng.
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): Là bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến các cơ quan trong xương chậu, bao gồm cả buồng trứng. PID có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn và ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn. Các triệu chứng của PID bao gồm đau bụng, đau khi quan hệ tình dục và chảy máu bất thường.
Cảm giác đau tại buồng trứng, nguyên nhân và cách điều trị 2
Đau tại buồng trứng có thể do nhiều nguyên nhân

Điều trị đau buồng trứng như thế nào?

Phương pháp và kế hoạch điều trị đau buồng trứng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau, các bác sĩ thường điều trị đau buồng trứng bằng những cách sau:

  • Thuốc nội tiết như thuốc tránh thai, miếng dán hoặc vòng âm đạo để giảm những cơn co bóp, điều hòa hormone sinh dục.
  • Thuốc giảm đau như NSAID (thuốc chống viêm không steroid).
  • Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu .
  • Phẫu thuật truyền thống như phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật bụng mở.
  • Thuốc kháng sinh nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ PID hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD) .

Bất kỳ cơn đau buồng trứng dai dẳng, liên tục nào đều cần được đến khám tại các cơ sở y tế. Không phải tất cả các nguyên nhân gây đau buồng trứng đều nghiêm trọng, nhưng tốt nhất là nên thận trọng với chúng. Bạn nên nói cho các bác sĩ thăm khám biết về tất cả các triệu chứng để họ có thể chẩn đoán và đề nghị điều trị chính xác nhất. Những triệu chứng cần lưu ý:

  • Đau vùng xương chậu.
  • Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường.
  • Chảy máu bất thường hoặc chảy máu giữa các chu kỳ kinh.
  • Chảy máu sau mãn kinh.
  • Kinh nguyệt ra nhiều bất thường (thấm qua băng vệ sinh hoặc thay băng vệ sinh mỗi giờ).
  • Đau khi quan hệ tình dục.
Cảm giác đau tại buồng trứng, nguyên nhân và cách điều trị 3
Đến gặp bác sĩ để được tư vấn nếu bạn đau tại buồng trứng

Tóm lại, bài viết trên cung cấp thông tin về đau tại buồng trứng. Đau buồng trứng hoặc đau vùng chậu liên tục ở phụ nữ không nên được xem nhẹ và bỏ qua. Việc theo dõi sức khỏe và khám phụ khoa hàng năm có thể hữu ích vì những lần khám này giúp phát hiện ra các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm