Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Buồng trứng nằm ở đâu? Các tình trạng bất thường buồng trứng

Ngày 11/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Buồng trứng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Buồng trứng phóng thích trứng để thụ tinh và tạo ra các hormone estrogen và progesterone để duy trì chức năng nội tiết. Vậy buồng trứng nằm ở đâu, cấu tạo như thế nào là điều mà không phải ai cũng biết.

Buồng trứng là một phần hệ thống sinh sản của nữ giới nhưng không phải ai cũng nắm rõ những kiến thức về buồng trứng, chẳng hạn như buồng trứng nằm ở đâu? cấu tạo, chức năng của buồng trứng là gì?. Chính vì vậy, trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về cơ quan này để chị em hiểu rõ hơn về cơ thể mình.

Giới thiệu về buồng trứng

Buồng trứng là một phần của hệ thống sinh sản nữ cũng như hệ thống nội tiết. Buồng trứng có hình bầu dục nằm ở hai bên tử cung. Buồng trứng giúp bảo vệ, lưu trữ trứng, phóng thích trứng và tạo ra các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và quá trình mang thai. Bên trong mỗi buồng trứng có các nang trứng và bên trong mỗi nang trứng chứa 1 quả trứng.

Khi một bé gái được sinh ra, buồng trứng chứa tất cả số trứng một người sẽ có. Khi mới sinh, ước tính có khoảng 1 triệu quả trứng được lưu trữ trong buồng trứng, nhưng đến tuổi dậy thì còn khoảng 400.000 quả trứng. Chỉ có khoảng 500 trong số này sẽ trưởng thành và được phóng thích. Buồng trứng của bạn sẽ giải phóng trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt cho đến khi bạn mãn kinh. Quá trình này được gọi là rụng trứng. Trong quá trình rụng trứng, một trong hai buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng trưởng thành. Nếu tinh trùng thụ tinh với trứng thành công, quá trình mang thai sẽ bắt đầu. Đôi khi buồng trứng của bạn có thể giải phóng nhiều hơn một quả trứng (điều này có thể dẫn đến đa thai).

Góc giải đáp: Buồng trứng nằm ở đâu? 1
Buồng trứng là một phần của hệ thống sinh sản nữ cũng như hệ thống nội tiết

Chức năng của buồng trứng

Buồng trứng đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và mang thai ở phụ nữ. Buồng trứng phóng thích trứng để thụ tinh và tạo ra các hormone estrogen và progesterone để duy trì chức năng nội tiết của buồng trứng.

Thứ nhất, trong buồng trứng chứa nang trứng là những túi nhỏ chứa trứng chưa trưởng thành. Mỗi tháng, từ ngày thứ 6 đến ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt, hormone kích thích nang trứng (FSH) sẽ khiến một trong các nang trứng trưởng thành. Vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, lượng hormone luteinizing (LH) tăng đột ngột khiến buồng trứng giải phóng trứng (rụng trứng).

Trứng bắt đầu di chuyển qua một cấu trúc rỗng, hẹp gọi là ống dẫn trứng đến tử cung. Khi trứng di chuyển qua ống dẫn trứng, nồng độ progesterone tăng lên, giúp niêm mạc tử cung dày lên hỗ trợ cho quá trình mang thai.

Thứ hai, buồng trứng tiết ra hormon estrogen và progesterone. Những hormone này đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản và kinh nguyệt. Sản xuất estrogen cao nhất trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt trước khi rụng trứng. Progesterone tăng lên trong nửa sau của chu kỳ để chuẩn bị tử cung cho trứng được thụ tinh (nếu quá trình thụ thai xảy ra).

Nếu không có tinh trùng hoặc trứng không được thụ tinh, cơ thể sẽ ngừng sản xuất progesterone vào khoảng 9 ngày sau khi rụng trứng. Sau đó trứng sẽ được đẩy ra khỏi tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt.

Góc giải đáp: Buồng trứng nằm ở đâu? 2
Buồng trứng tạo ra các hormon estrogen và progesterone, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản và kinh nguyệt

Những thông tin giải phẫu học

Buồng trứng nằm ở đâu?

Buồng trứng gồm buồng trứng phải và buồng trứng trái nằm ở 2 bên tử cung ở vùng bụng dưới, dựa vào thành chậu trong một khu vực được gọi là hố buồng trứng. Buồng trứng nằm sau vòi tử cung, trên thành chậu hông bé, dính vào lá sau dây chằng rộng, dưới eo chậu trên khoảng 10mm. Buồng trứng được giữ cố định bởi một số cơ và dây chằng, dây chằng buồng trứng nối buồng trứng với tử cung.

Kích thước buồng trứng

Kích thước buồng trứng có liên quan đến độ tuổi. Buồng trứng có thể lớn bằng quả kiwi (khoảng 6cm) trước khi mãn kinh. Khi lớn tuổi, buồng trứng sẽ nhỏ hơn và có thể nhỏ tới 2cm (hoặc kích thước bằng hạt đậu) sau khi mãn kinh. Kích thước trung bình của buồng trứng là khoảng 4cm. Các nghiên cứu cho thấy kích thước buồng trứng sẽ giảm dần sau mỗi 10 năm của cuộc đời khi bạn bước sang tuổi 30.

Góc giải đáp: Buồng trứng nằm ở đâu? 3
Buồng trứng gồm buồng trứng phải và buồng trứng trái nằm ở 2 bên tử cung ở vùng bụng dưới

Cấu tạo buồng trứng

Buồng trứng có ba lớp:

  • Bề mặt - được hình thành bởi lớp biểu mô hình khối đơn giản (được gọi là biểu mô mầm). Bên dưới lớp này là một lớp mô liên kết dày đặc.
  • Vỏ - bao gồm một mô đệm liên kết với nhiều nang trứng. Mỗi nang chứa một tế bào trứng, được bao quanh bởi một lớp tế bào nang.
  • Tủy - được hình thành bởi mô liên kết lỏng lẻo và mạng lưới mạch máu, mạch bạch huyết và sợi thần kinh, đi vào qua rốn buồng trứng.

Các tình trạng bất thường buồng trứng

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các triệu chứng của PCOS có thể bao gồm kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh, u nang buồng trứng, nồng độ androgen tăng cao, mụn trứng cá, khó duy trì cân nặng hợp lý. Do liên quan đến hiện tượng rụng trứng bất thường hoặc không rụng trứng nên đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp vô sinh ở nữ giới.

U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng bên trong buồng trứng. Hầu hết các u nang ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều lành tính, một số có thể gây biến chứng nguy hiểm hoặc có nguy cơ ác tính. Mặc dù có tên nghe giống nhau nhưng u nang buồng trứng và bệnh buồng trứng đa nang là những tình trạng hoàn toàn khác nhau. Trong khi PCOS có liên quan đến sự rụng trứng bất thường thì u nang buồng trứng thường không cản trở quá trình rụng trứng. Phụ nữ thường phát triển u nang trong những năm sinh đẻ và thậm chí họ có thể không biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u nang buồng trứng có thể gây ra một số vấn đề về sinh sản.

Góc giải đáp: Buồng trứng nằm ở đâu? 4
U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng bên trong buồng trứng

U nang bì là u nang buồng trứng lành tính (không gây ung thư) có thể chứa nhiều loại mô khác nhau như tóc, mỡ và đôi khi là xương hoặc sụn.

Lạc nội mạc tử cung, hay u nội mạc tử cung, hình thành khi các tế bào nội mạc tử cung di chuyển ngược qua ống dẫn trứng và bám vào buồng trứng. Cũng giống như niêm mạc tử cung bình thường, những mảnh niêm mạc tử cung có vị trí bất thường này sẽ phát triển và sau đó bong ra (chảy máu) trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Khi chảy máu  kéo dài, những vùng này sẽ lớn hơn, cuối cùng hình thành u nang.

Xoắn buồng trứng không phổ biến nhưng có thể là một tình trạng nghiêm trọng và gây đau đớn. Cơn đau xảy ra bất ngờ và dữ ngờ ở vùng chậu, thường là ở bên phải, đau liên tục hoặc đôi khi đau từng cơn. Điều này xảy ra khi buồng trứng hoặc đôi khi là ống dẫn trứng bị xoắn, có thể cắt đứt lưu lượng máu đến các cơ quan này. Nếu không điều trị ngay lập tức, nó có thể dẫn đến hoại tử buồng trứng.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã có cái nhìn rõ hơn về cấu tạo, chức năng của buồng trứng, đặc biệt là giải đáp được thắc mắc "buồng trứng nằm ở đâu?". Ngoài ra, tất cả những vấn đề liên quan đến buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, do đó nên thăm khám phụ khoa và thăm khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ buồng trứng.

Xem thêm: Vỡ nang buồng trứng là gì? Dấu hiệu khi bị vỡ nang buồng trứng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm