Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm ruột thừa: Nguyên nhân và chẩn đoán điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng. Nguyên nhân phổ biến gây viêm là do ruột thừa bị tắc nghẽn làm vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, gây viêm sưng và hóa mủ. Ruột thừa bị viêm khi không điều trị kịp thời có thể vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm ruột thừa là gì?

Ruột thừa có độ dài khoảng 1 - 20cm hoặc hơn, nhưng trung bình vào khoảng 8 - 10cm và đường kính trung bình là 4 - 5mm. Một đầu của ruột thừa bám dính và thông với phần đầu của ruột già (hay còn gọi là manh tràng), còn đầu còn lại thì bịt kín. 

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng. Nguyên nhân phổ biến gây viêm là do ruột thừa bị tắc nghẽn làm vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, gây viêm sưng và hóa mủ. Ruột thừa bị viêm khi không điều trị kịp thời có thể vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng. Đây là bệnh lý cấp cứu bụng ngoại khoa vô cùng phổ biến và thường phải mổ. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa

Dấu hiệu đầu tiên của viêm ruột thừa là tình trạng đau bụng bắt đầu từ vùng quanh rốn rồi chuyển dần cơn đau xuống vùng hố chậu phải. Cơn đau thường nặng hơn nếu bạn ho, hắt hơi, di chuyển, xoay, thở mạnh.

Các triệu chứng khác bao gồm: Buồn nôn, sưng vùng bụng và sốt nhẹ. Nếu bạn không đến bệnh viện kịp thời, viêm ruột thừa có thể dẫn đến hậu quả ruột thừa vỡ.

Bạn có thể gặp phải các dấu hiệu không được đề cập ở trên, nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến bệnh xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.

Biến chứng có thể gặp của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa nếu không được mổ sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Viêm phúc mạc toàn bộ.
  • Áp xe ruột thừa.
  • Và những tình trạng bệnh trầm trọng khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ khi gặp các dấu hiệu sau:

  • Sốt;
  • Nôn mửa;
  • Tiêu chảy hoặc có máu trong phân;
  • Sờ thấy bụng cứng hoặc đau bụng kèm sốt.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa

Nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa vẫn chưa được xác định chính xác. Bệnh xảy ra có thể là do:

  • Sự tắc nghẽn: Chất thải của thức ăn hoặc phần cứng của phân có thể ngăn chặn lỗ nối giữa ruột thừa với ruột già.
  • Bệnh nhiễm trùng: Viêm ruột thừa cũng có thể xảy ra sau một bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm virus đường tiêu hóa, hoặc các loại viêm ruột khác.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là căn bệnh phổ biến, cứ 10 người thì có 1 người bị viêm ruột thừa, hầu hết ở độ tuổi từ 10 đến 30 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm ruột thừa

Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Người bệnh bị nhiễm trùng đường ruột.
  • Gia đình có người từng bị viêm ruột thừa hoặc bị xơ nang.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm ruột thừa

Bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng, và thông qua vài xét nghiệm như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT).

Phương pháp điều trị viêm ruột thừa hiệu quả

Phương pháp điều trị viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ. Có hai phương pháp cắt ruột thừa phổ biến là cắt ruột thừa nội soi và cắt ruột thừa hở:

  • Cắt ruột thừa nội soi: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đèn soi được đưa vào bên trong bụng để quan sát và cắt bỏ ruột thừa.
  • Cắt ruột thừa hở: Là thủ thuật cắt ruột thừa qua đường mổ ở bên phải của bụng dưới.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, thuốc giảm đau và có thể cả thuốc làm mềm phân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm ruột thừa

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh thực hiện bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi sự gắng sức.
  • Giới hạn tối đa các hoạt động xung quanh vùng được phẫu thuật.
  • Di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách cẩn thận.
  • Trong vòng 2 - 4 tuần sau phẫu thuật, hạn chế việc tham gia vào hoạt động thể thao.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và quan tâm đến vết mổ và tình trạng sức khỏe để phát hiện và thăm khám kịp thời khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Những lời khuyên trên sẽ giúp bảo vệ sự phục hồi sau phẫu thuật và đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra một cách an toàn và hiệu quả.

Chế độ dinh dưỡng:

Sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa, người bệnh nên ưu tiên bổ sung những loại thực phẩm sau:

  • Đồ ăn mềm;
  • Đồ ăn dễ tiêu;
  • Đồ ăn giàu chất xơ;
  • Đồ ăn giàu đạm;
  • Đồ ăn giàu kẽm và vitamin C, A.

Những lựa chọn thực phẩm này sẽ giúp cung cấp dinh dưỡng cần thiết và hỗ trợ quá trình phục hồi sau phẫu thuật ruột thừa. Tuy nhiên, luôn lưu ý tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.

Phương pháp phòng ngừa viêm ruột thừa hiệu quả

Hiện tại, không có biện pháp chắc chắn để ngăn ngừa viêm đau ruột thừa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn nhiều chất xơ có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh này.

Bên cạnh đó, để tránh các biến chứng sau phẫu thuật cắt ruột thừa, rất quan trọng phải sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào với vết mổ như đỏ hoặc xuất hiện máu, bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ. Nếu bạn gặp các triệu chứng như sốt, buồn nôn và đau bụng, có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng khác và bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức để được kiểm tra và điều trị.

Nguồn tham khảo
  1. https://benhvienthucuc.vn/viem-ruot-thua-o-tre-cach-de-bo-me-nhan-biet-va-xu-tri-kip-thoi/
  2. https://vnexpress.net/suc-khoe/7-loai-ung-thu-pho-bien-o-phu-nu-4044859.html/

 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày ruột cấp tính

  2. Trĩ

  3. Loét dạ dày tá tràng

  4. Polyp đại tràng

  5. Hội chứng ruột kích thích

  6. Giãn tĩnh mạch thực quản

  7. Són phân

  8. Hội chứng cơ nâng hậu môn

  9. Viêm gan E

  10. Chán ăn