Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân và dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch kém

Ngày 03/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi có hệ miễn dịch kém, bạn sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh, chậm hồi phục và thường xuyên tái đi tái lại. Vậy thực trạng này do đâu mà có và làm thế nào để cải thiện tình hình? Tham khảo bài viết để tìm ra câu trả lời nhé!

Hệ miễn dịch kém là nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta liên tục gặp phải các vấn đề sức khỏe ở tất cả các cơ quan. Đặc biệt nếu tình trạng này diễn ra ở mức độ nghiêm trọng thì khả năng mắc phải những bệnh lý nguy hiểm, nan y là điều khó tránh khỏi.

Hệ miễn dịch kém là gì?

Hệ miễn dịch là hệ thống những tế bào, chất tiết, mô, cơ quan,... tham gia vào quá trình chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể. Điển hình nhất là virus, ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn,...

Hệ miễn dịch kém hay suy giảm miễn dịch là hiện tượng hệ cơ quan này không hoàn thành tốt vai trò bảo vệ cơ thể trước các yếu tố nguy cơ. Chúng có thể là kết quả của sự khiếm khuyết, vắng mặt của một số nhân tố trong hệ thống miễn dịch hoặc tác động tiêu cực từ môi trường ngoài.

Hệ miễn dịch kém do đâu? Làm thế nào để ngăn ngừa và khắc phục? 2
Hệ miễn dịch kém sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra

Người có hệ miễn dịch suy giảm thường rất dễ mắc bệnh. Nhẹ thì mẩn ngứa, phát ban, rối loạn tiêu hóa,... nặng có thể làm phát sinh nhiều bệnh lý đáng ngại như: Nhiễm trùng huyết, ung thư, lao phổi,...

Dấu hiệu đặc trưng của hệ miễn dịch kém

Khi hệ thống miễn dịch làm việc kém hiệu quả, chúng sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng những dấu hiệu điển hình sau:

  • Nhiễm trùng nặng hoặc kéo dài và tái diễn nhiều lần;
  • Thường xuyên viêm nhiễm đường hô hấp: Viêm xoang, viêm amidan tái phát, viêm phổi;
  • Tổn thương da và vùng niêm mạc: Loét miệng, phát ban, viêm lợi, mụn cóc, chàm;
  • Tiêu hóa kém, ăn không ngon miệng, buồn nôn, tiêu chảy;
  • Thiếu máu, lượng tiểu cầu thấp, chậm phát triển.

Nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch kém có thể do nguyên nhân di truyền hoặc tác động từ bên ngoài. Cụ thể như sau:

Di truyền

Sự thiếu hụt tế bào bạch cầu lympho B: Hiện tượng này phát sinh chủ yếu do bệnh Bruton. Khi mắc phải vấn đề sức khỏe nói trên, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân sẽ thiếu hụt đáng kể lượng tế bào lympho B, từ đó làm giảm hẳn lượng kháng thể tiết ra từ loại tế bào này. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới và di truyền liên kết với giới tính (do gen trên nhiễm sắc thể X quy định).

Thiếu hụt tế bào bạch cầu lympho T: DiGeorge - Hội chứng bất sản tuyến ức bẩm sinh - sẽ khiến lượng tế bào lympho T giảm xuống mức đáng báo động. Người mắc phải hội chức này sẽ có chức năng miễn dịch rất kém và thường xuyên tái diễn tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra.

Khiếm khuyết tế bào thực bào: Sự khiếm khuyết tế bào thực bào làm phát sinh bệnh u hạt mạn tính. Đây là một dạng rối loạn suy giảm miễn dịch xảy ra ở cả hai giới nhưng tỉ lệ bắt gặp ở nam nhiều hơn nữ. Dấu hiệu thường gặp là xuất hiện nhiều tổn thương u hạt ở gan, phổi, nhiễm trùng tái phát, thiếu máu, tăng gammaglobulin,...

Thiếu hụt bổ thể: Thiếu hụt bổ thể sẽ dẫn đến phù mạch di truyền, một bệnh lý di truyền trội với các triệu chứng thường gặp như: Phù mạch ở da, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp trên.

Hệ miễn dịch kém do đâu? Làm thế nào để ngăn ngừa và khắc phục? 1
Khi chức năng miễn dịch suy giảm, các dấu hiệu bất thường sẽ xuất hiện ồ ạt ở nhiều hệ cơ quan trong cơ thể

Các nhân tố bên ngoài

Virus: HIV là tác nhân vi sinh gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Loại virus này tấn công trực tiếp vào tế bào lympho CD4+, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch, tăng gấp bội nguy cơ ung thư và nhiễm trùng.

Bệnh đường máu: Các bệnh lý đường máu như: Đa u tủy, ung thư hạch, bạch cầu,... đều làm giảm khả năng sản sinh ra tế bào miễn dịch. Vậy nên sức đề kháng của bệnh nhân sẽ suy yếu đi thấy rõ.

Hóa chất độc hại: Những độc tố bên ngoài môi trường như thuốc trừ sâu, chất phóng xạ, kim loại nặng,... sẽ làm tăng sự xuất hiện của các gốc tự do trong cơ thể. Từ đó gây suy yếu, phá hủy các tế bào miễn dịch và khiến khả năng phòng chống bệnh tật của cơ thể ngày càng kém hơn.

Thuốc: Thuốc chống thải ghép, thuốc điều trị động kinh, corticosteroid, thuốc hóa trị,... đều ảnh hưởng đến số lượng và khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch theo chiều hướng tiêu cực. Kết quả là làm giảm lượng cytokine sinh ra, cản trở quá trình hình thành kháng thể và khiến hệ miễn dịch không còn giữ được chức năng vốn có.

Béo phì: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối tương quan mật thiết giữa béo phì và hệ miễn dịch kém. Cụ thể, khi bị béo phì, người bệnh phải đối diện với nhiều bệnh lý liên đới: Tiểu đường, tim mạch, ung thư,... và tất cả những yếu tố nguy cơ này đều gây suy giảm miễn dịch ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuổi tác: Quá trình lão hóa sẽ gây rối loạn khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Độ nhạy với nhiễm trùng cũng có xu hướng tăng lên, việc tiêm chủng ít phát huy tác dụng và nguy cơ mắc bệnh viêm mạn tính sẽ tăng cao hơn thấy rõ. Ngoài ra, người già có chức năng tiêu hóa kém nên lượng dưỡng chất dung nạp vào cơ thể không đáng là bao. Và đây cũng là căn nguyên khiến hệ miễn dịch làm việc kém hiệu quả.

Dinh dưỡng kém: Khi thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể sẽ không có đủ dưỡng chất và nguyên liệu để nuôi dưỡng, tái tạo tế bào lympho T, tế bào lympho B cũng như các thành phần khác của hệ thống miễn dịch. Do đó suy giảm chức năng miễn dịch là điều ắt sẽ xảy đến trong ngày một ngày hai.

Hệ miễn dịch kém do đâu? Làm thế nào để ngăn ngừa và khắc phục? 3
Vấn đề sức khỏe này phát sinh do nhiều nguyên nhân: Béo phì, lão hóa, dùng thuốc, nhiễm độc, ăn uống thiếu lành mạnh,...

Hệ miễn dịch kém có phòng ngừa được không?

Các giải pháp phòng ngừa chỉ được áp dụng cho trường hợp hệ miễn dịch kém do tác động từ nguyên nhân bên ngoài. Còn với hiện tượng suy giảm miễn dịch bẩm sinh thì không thể ngăn ngừa từ trước mà chỉ có thể phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị kịp thời mà thôi.

Cụ thể, để phòng chống hoặc cải thiện tình trạng suy giảm miễn dịch, bạn hãy chú ý đến một số phương diện sau:

Vệ sinh

Bạn nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên mỗi ngày. Cụ thể hãy tắm nước ấm, rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đánh răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày. Đặc biệt đừng quên làm sạch môi trường sống, tiêu độc khử trùng để loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều loại rau củ quả giàu chất xơ và vitamin. Đồng thời, không lạm dụng thịt đỏ, dầu mỡ và đồ ngọt. Ngoài ra, hãy hạn chế xuống mức thấp nhất việc sử dụng đồ uống có gas, đồ uống có cồn và hút thuốc lá để phòng chống hiện tượng suy giảm miễn dịch.

Hệ miễn dịch kém do đâu? Làm thế nào để ngăn ngừa và khắc phục? 4
Nếu thực hiện theo các khuyến cáo trên thì chức năng miễn dịch của bạn sẽ có nhiều cải thiện

Tăng cường thể chất

Tích cực vận động để nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng phòng chống bệnh tật. Bạn có thể chọn một bộ môn phù hợp với thể lực, tập luyện vừa sức và duy trì đều đặn mỗi ngày là cách hiệu quả nhất để tăng cường hệ miễn dịch.

Kiểm soát căng thẳng

Tránh xa căng thẳng vì đây là căn nguyên hàng đầu làm suy giảm lượng tế bào lympho, tế bào giết tự nhiên. Bạn có thể điều chỉnh tâm lý bằng cách tập yoga, thiền định, nghe nhạc hoặc trò chuyện tâm giao.

Đeo khẩu trang

Khẩu trang là biện pháp giúp bạn tránh tiếp xúc với mầm bệnh, bảo vệ bạn khỏi các tác nhân gây cúm cũng như các loại vi rút thông thường. Đồng thời, không đến những nơi đang có bệnh truyền nhiễm để hạn chế bị lây bệnh.

Những thông tin quan trọng nhất xoay quanh chủ đề hệ miễn dịch kém trong bài viết này của Nhà thuốc Long Châu. Bạn hãy dựa vào những kiến thức bổ ích nói trên để điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ, tập luyện. Từ đó từng bước nâng cao sức đề kháng của mình nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm