Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Nguyên tắc truyền máu là gì? Các phản ứng truyền máu nguy hiểm như thế nào?

Ngày 04/10/2022
Kích thước chữ

Các nguyên tắc truyền máu cơ bản được xây dựng nhằm mục đích phòng tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình truyền máu, có khả năng gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Truyền máu được chỉ định cho các trường hợp xuất huyết nặng, thiếu máu nặng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bỏng nặng hoặc mắc các bệnh về máu. Trong quá trình truyền máu, cần nắm rõ các nguyên tắc truyền máu cơ bản để đảm bảo an toàn cho người bệnh, phòng tránh các phản ứng truyền máu có thể xảy ra. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu các nguyên tắc truyền máu cũng như các phản ứng có thể gặp phải trong bài viết dưới đây nhé!

Nhóm máu là yếu tố quan trọng trong truyền máu

Để thực hiện truyền máu, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là nhóm máu. Các hệ thống nhóm máu được phân chia thành 2 loại, bao gồm: Hệ thống nhóm máu ABO và hệ thống nhóm máu Rh.

Nguyên tắc truyền máu cơ bản là gì? Các phản ứng truyền máu nguy hiểm như thế nào? 1 Nhóm máu là yếu tố quan trọng hàng đầu trong truyền máu

Hệ thống nhóm máu ABO

Vào năm 1901, nhà bác học Landsteiner đã phát hiện ra rằng: Huyết thanh của người này có khả năng làm ngưng kết hồng cầu của người kia và ngược lại. Hiện tượng ngưng kết này sau đó đã được giải thích là do sự kết hợp của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu người này với kháng thể có trong huyết tương của người kia. 

Cụ thể, kháng thể a làm ngưng kết hồng cầu có kháng nguyên A; kháng thể b làm ngưng kết hồng cầu có kháng nguyên B. Trong huyết tương của mỗi người không có kháng thể chống lại kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu của chính mình.

Dựa vào các loại kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết tương, người ta phân các nhóm máu thành 4 loại:

  • Nhóm máu A: Người mang nhóm máu A có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu, có kháng thể b trong huyết tương.
  • Nhóm máu B: Người mang nhóm máu B có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu, có kháng thể a trong huyết tương.
  • Nhóm máu AB: Người mang nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu, trong huyết tương không chứa kháng thể a và b.
  • Nhóm máu O: Người mang nhóm máu O không có kháng nguyên A và kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu, trong khí đó huyết tương chứa cả kháng thể a và kháng thể b.

Hệ thống nhóm máu Rh (D)

Hệ thống nhóm máu Rh được phân loại dựa vào yếu tố Rh- một loại protein đặc biệt có trong các tế bào máu:

  • Nhóm máu Rh+: Những người có nhóm máu Rh+ có kháng nguyên D trên hồng cầu. Đây là nhóm máu phổ biến với đại đa số người trên thế giới.
  • Nhóm máu Rh-: Những người có nhóm máu Rh- không có kháng nguyên D trên hồng cầu. Nếu nhóm máu Rh- gặp phải kháng nguyên D có thể gây ra các phản ứng vô cùng nguy hiểm. Do vậy, trong trường hợp người có nhóm máu Rh- thực hiện truyền máu hoặc người phụ nữ có nhóm máu Rh- mang thai, cần hết sức cẩn trọng.

Các nguyên tắc truyền máu cơ bản

Dưới đây là các nguyên tắc truyền máu cơ bản cần tuân thủ một cách chặt chẽ:

  • Truyền theo chỉ định và truyền cùng nhóm máu (theo hệ thống nhóm máu ABO). Ví dụ: Người nhóm máu A truyền máu nhóm A; người nhóm máu B truyền máu nhóm B…
  • Trong trường hợp cấp cứu, không bắt buộc truyền cùng nhóm máu. Tuy nhiên cần đảm bảo nguyên tắc: Không để xảy ra hiện tượng ngưng kết hồng cầu trong máu của người nhận và không truyền quá 2 đơn vị máu (500ml). 

Đối với hệ thống nhóm máu ABO: Nhóm máu O có thể truyền cho các nhóm máu còn lại; nhóm A và B truyền được cho nhóm AB; nhóm AB không truyền được cho 3 nhóm máu còn lại. 

Đối với nhóm máu Rh: Nhóm máu Rh+ có thể nhận cả máu Rh+ và Rh-, trong khi nhóm máu Rh- chỉ có thể nhận máu Rh-.

  • Trước khi truyền máu, cần thực hiện đầy đủ xét nghiệm nhóm máu, kiểm tra kĩ chất lượng túi máu. Cần đảm bảo máu truyền không nhiễm các bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai…
  • Thực hiện phản ứng chéo tại giường trước khi truyền máu: Trộn hồng cầu của máu người cho với huyết thanh của máu người nhận và ngược lại. Nếu cả hai đều không có hiện tượng ngưng kết hồng cầu thì mới được thực hiện truyền máu cho người bệnh.
  • Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn trong quá trình truyền máu.
  • Thực hiện phản ứng sinh vật Ochlecber.
  • Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh trước, trong và sau khi truyền máu.
Nguyên tắc truyền máu cơ bản là gì? Các phản ứng truyền máu nguy hiểm như thế nào? 2 Nguyên tắc truyền máu cơ bản: Không để xảy ra hiện tượng ngưng kết hồng cầu

Bên cạnh đó, cần sẵn sàng xử lý các tai biến truyền máu, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế thực hiện truyền máu.

Một số phản ứng có thể gặp khi truyền máu

Các phản ứng truyền máu do miễn dịch

Phản ứng tan máu cấp: Nguyên nhân chủ yếu là do truyền nhầm nhóm máu hệ ABO, gây ra sự ngưng kết hồng cầu trong máu người nhận, dẫn tới hiện tượng tan máu nội mạch cấp tính. Biểu hiện của phản ứng tan máu cấp là sốt, rét run, khó thở, vô niệu, suy hô hấp, hạ huyết áp, sốc, đái huyết sắc tố… Đây là một trong những phản ứng truyền máu vô cùng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nếu không được xử lí kịp thời.

Phản ứng tan máu muộn: Do hệ miễn dịch chống lại các đồng nguyên kháng hồng cầu được sinh ra sau khi người nhận máu tiếp xúc với kháng nguyên lạ. Hiện tượng này xảy ra sau 1 - 2 tuần kể từ khi truyền máu. Trong trường hợp tan máu nặng, người bệnh có biểu hiện: Sốt rét run, vàng da, màu niêm mạc nhợt nhạt…

Phản ứng sốt không do tan máu: Nguyên nhân là do nhóm bạch cầu và tiểu cầu của người cho và người nhận không phù hợp, từ đó gây ra sốt, có thể kèm rét run. Hiện tượng này xảy ra trong hoặc ngay sau khi truyền máu.

Các phản ứng dị ứng: Nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí có thể có phản ứng phản vệ như sốc phản vệ, tụt huyết áp, khó thở, co thắt phế quản, đau bụng, vã mồ hôi, nôn…

Nguyên tắc truyền máu cơ bản là gì? Các phản ứng truyền máu nguy hiểm như thế nào? 3 Suy hô hấp là một trong những dấu hiệu của phản ứng tan máu cấp trong truyền máu

Các phản ứng truyền máu do nhiễm trùng

Viêm gan: Người bệnh thường không có hoặc có ít triệu chứng như vàng da, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, sốt nhẹ…

Nhiễm HIV và HTLV-1: Tỉ lệ nhiễm HIV sau truyền máu là rất thấp do máu sau khi lấy ở người cho đều đã được thực hiện sàng lọc HIV.

Các nguy cơ khác: Sốt rét, giang mai, máu nhiễm khuẩn…

Các phản ứng do truyền máu lượng lớn

Quá tải tuần hoàn: Hiện tượng này xảy ra do truyền một lượng máu lớn với tốc độ nhanh, đặc biệt với người bệnh có bệnh tim hoặc phổi. Quá tải tuần hoàn có thể gây ra suy tim phải, phù phổi cấp, khó thở… và có khả năng gây tử vong cao.

Nhiễm độc citrat: Gây giảm calci máu, từ đó có thể khiến rối loạn chức năng tim.

Tăng kali máu: Có thể gây ra rung thất, ngừng tim.

Nguyên tắc truyền máu cơ bản là gì? Các phản ứng truyền máu nguy hiểm như thế nào? 4 Quá tải tuần hoàn do truyền máu có thể gây suy tim phải

Tóm lại, các phản ứng truyền máu vô cùng đa dạng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Do vậy, để phòng tránh tối đa những phản ứng có thể gặp phải khi truyền máu, cần tuân thủ đúng các nguyên tắc truyền máu cơ bản.

Trên đây là những nguyên tắc truyền máu cũng như một số phản ứng có thể gặp phải khi truyền máu. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã nắm được những thông tin hữu ích về vấn đề này. Nhà Thuốc Long Châu xin kính chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và mong rằng bạn sẽ tiếp tục ủng hộ Nhà Thuốc trong tương lai!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin