Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu thông tin về nhóm máu: Vai trò quan trọng trong cấp cứu y tế

Ngày 10/11/2024
Kích thước chữ

Tìm hiểu về nhóm máu không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ thể mình mà còn cần thiết trong nhiều trường hợp khẩn cấp. Vậy nhóm máu là gì? Có bao nhiêu nhóm máu? Điều gì xảy ra nếu truyền nhầm nhóm máu? Cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm câu trả lời ngay bây giờ bạn nhé!

Nhóm máu ở người đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong y học và hầu hết chúng ta đều đã nghe nói đến. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ nhóm máu là gì? Nhóm máu được phân loại thế nào? Lý do bạn cần biết nhóm máu của mình là gì? Nếu bạn cũng là một trong số đó, đây chính là bài viết dành cho bạn!

Nhóm máu là gì? Tại sao nên biết mình mang nhóm máu gì?

Nhóm máu là một đặc điểm di truyền. Nó được xác định bởi các kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu thông qua xét nghiệm máu. Những kháng nguyên này có tác dụng giúp cơ thể chúng ta nhận biết các tế bào máu của chính mình và phát hiện các tế bào máu lạ.

Việc mỗi người trong chúng ta biết mình mang nhóm máu gì là thực sự cần thiết. Khi nào cần xác định nhóm máu? Việc xác định nhóm máu rất quan trọng khi cần truyền máu. Trong cuộc sống chúng ta sẽ không thể tránh khỏi các tình huống tai nạn, phẫu thuật hay các tình huống y tế khẩn cấp cần truyền máu. Khi biết nhóm máu của người bệnh, bác sĩ có thể chọn đúng loại nhóm máu phù hợp để truyền.

Xác định nhóm máu cũng là việc cần làm khi phụ nữ mang thai. Nếu có hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp theo dõi sức khỏe và điều trị phù hợp. Bất đồng nhóm máu mẹ con là hiện tượng nhóm máu của người mẹ không tương thích với nhóm máu của thai nhi, gây thiếu máu tán huyết vàng da ở trẻ sơ sinh.

Xác định nhóm máu sẽ giúp một số người biết mình mang nhóm máu hiếm như Rhnull. Từ đó, họ sẽ có kế hoạch dự phòng cho các trường hợp cần truyền máu khẩn cấp. Ngoài ra, khi ghép tạng cũng cần xác định nhóm máu để giảm thiểu nguy cơ đào thải.

Tổng quan về nhóm máu: Giúp bạn hiểu rõ hơn về nhóm máu 1
Bạn đã biết mình mang nhóm máu gì chưa?

Phân loại các hệ thống nhóm máu

Dưới đây là một số cách phân loại nhóm máu hiện đang được áp dụng phổ biến:

Phân loại nhóm máu theo hệ thống ABO

Một cách phân loại nhóm máu phổ biến nhất là phân loại theo hệ thống nhóm máu ABO. Theo hệ thống này, có 4 nhóm máu phổ biến gồm: A, B, AB và O. Trong đó, nhóm máu A chỉ mang kháng nguyên A. Nhóm máu B chỉ mang kháng nguyên B. Nhóm máu AB mang cả hai kháng nguyên A và B. Còn nhóm máu O không mang bất cứ kháng nguyên nào. 

Người nhóm máu AB có thể nhận máu được hiến từ các nhóm máu A, B, O, AB. Tuy nhiên, vì sự hiện diện của cả hai kháng nguyên trên tế bào hồng cầu loại AB, những người có nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho những người có cùng nhóm máu AB với họ. Trong khi đó, người có nhóm máu O có thể hiến cho hầu hết các nhóm máu còn lại.

Phân loại theo hệ thống Rh

Hệ thống Rh xác định nhóm máu dựa trên sự hiện diện của kháng nguyên Rh (còn gọi là yếu tố Rh) trên bề mặt hồng cầu. Nếu có kháng nguyên Rh, nhóm máu được xem là Rh dương tính (Rh+). Ngược lại, nếu không có kháng nguyên Rh, nhóm máu được xem là Rh âm tính (Rh-). Đặc điểm này đặc biệt quan trọng trong quá trình mang thai. Nếu mẹ có nhóm máu Rh- và con có Rh+ có thể xảy ra phản ứng miễn dịch gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi.

Nhóm máu Rhnull

Một loại nhóm máu đặc biệt hiếm gặp là nhóm Rhnull, còn được gọi là "nhóm máu vàng". Nhóm máu này không có bất kỳ kháng nguyên Rh nào, một tình trạng cực kỳ hiếm chỉ xuất hiện ở một số ít người trên toàn thế giới. Những người có nhóm máu Rhnull thường được khuyến cáo bảo tồn máu của chính mình do khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nếu cần truyền máu. Đồng thời, máu của họ cũng rất quý giá và có thể được hiến cho người có bất kỳ nhóm máu Rh nào khác.

Tổng quan về nhóm máu: Giúp bạn hiểu rõ hơn về nhóm máu 2

Điều gì xảy ra nếu truyền nhầm nhóm máu?

Truyền nhầm nhóm máu là một sai lầm y tế nghiêm trọng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Khi truyền nhầm nhóm máu, các kháng thể trong huyết tương của người nhận sẽ nhận diện các hồng cầu lạ (có kháng nguyên khác với nhóm máu của mình) và tấn công chúng. Quá trình tấn công này dẫn đến việc phá hủy các hồng cầu truyền vào, giải phóng hemoglobin và các chất độc hại vào máu. Các mảnh vỡ của hồng cầu bị phá hủy có thể gây tắc nghẽn mạch máu. Điều này dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy thận cấp, suy hô hấp, tổn thương nhiều cơ quan.

Các triệu chứng thường gặp khi truyền nhầm nhóm máu là:

  • Triệu chứng thường gặp đầu tiên là người bệnh bị sốt.
  • Do các mảnh vỡ hồng cầu gây tổn thương thận nên họ cũng có triệu chứng đau lưng.
  • Bệnh nhân gặp cảm giác khó thở do bị phù phổi.
  • Do hemoglobin giải phóng vào máu dẫn đến triệu chứng vàng da.
  • Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc và tử vong.
Tổng quan về nhóm máu: Giúp bạn hiểu rõ hơn về nhóm máu 3
Truyền nhầm nhóm máu là một sai lầm y khoa nghiêm trọng

Những câu hỏi thường gặp về nhóm máu

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về nhóm máu mà có thể bạn quan tâm:

Nhóm máu của bạn có thể thay đổi không?

Nhóm máu của một người thường được xác định ngay từ khi sinh ra và không thay đổi trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, nhóm máu có thể thay đổi do những biến động lớn trong cơ thể. Chẳng hạn, sau khi cấy ghép tủy xương từ một người có nhóm máu khác, cơ thể người nhận có thể dần sản xuất các tế bào máu theo nhóm của người hiến tủy, dẫn đến thay đổi nhóm máu. Một số trường hợp bệnh lý nặng như ung thư máu hoặc các bệnh tự miễn, cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào máu và dẫn đến thay đổi về nhóm máu, mặc dù tình trạng này rất hiếm gặp.

Nhóm máu được di truyền như thế nào?

Nhóm máu được di truyền từ bố mẹ thông qua các gen quy định kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Đối với hệ thống nhóm máu ABO, mỗi người thừa hưởng một gene từ mỗi bố và mẹ. Chẳng hạn, nếu một người có gene A từ bố và gene B từ mẹ, người đó sẽ có nhóm máu AB. 

Trong khi đó, nếu một người nhận gene O từ cả bố và mẹ, người đó sẽ có nhóm máu O. Hệ thống Rh cũng được di truyền tương tự, với gene quy định kháng nguyên Rh dương tính hoặc âm tính. Vì vậy, dựa vào nhóm máu của bố mẹ, có thể dự đoán một phần nào về nhóm máu của con, mặc dù vẫn có khả năng các thế hệ sau có nhóm máu khác nhau do sự kết hợp đa dạng của các gene.

Cách xác định nhóm máu của mình

Làm sao để biết mình nhóm máu gì? Có rất nhiều cách nhận biết nhóm máu không chính xác được chia sẻ trên mạng. Tuy nhiên, chỉ có xét nghiệm máu mới cho kết quả chính xác và đáng tin cậy. Xét nghiệm này giúp xác định sự có mặt của các kháng nguyên A, B và Rh trên hồng cầu của bạn, từ đó xác định nhóm máu. Các bộ xét nghiệm nhóm máu tại nhà không đảm bảo độ chính xác. Kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị khi được thực hiện bởi các cơ sở y tế uy tín.

Tổng quan về nhóm máu: Giúp bạn hiểu rõ hơn về nhóm máu 4
Lấy mẫu máu xét nghiệm để xác định nhóm máu

Sở hữu nhóm máu hiếm có nguy hiểm không?

Nhóm máu hiếm thường không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc sở hữu nhóm máu hiếm có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Khi cần truyền máu, người có nhóm máu hiếm sẽ khó tìm được nguồn máu tương thích hơn so với những người có nhóm máu phổ biến. Khi mang thai, nếu mẹ bầu và thai nhi có nhóm máu khác nhau, đặc biệt là về yếu tố Rh, có thể xảy ra tình trạng bất đồng nhóm máu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Nhóm máu - một đặc điểm sinh học tưởng chừng đơn giản lại ẩn chứa nhiều bí ẩn và có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống. Đối với mỗi người, việc hiểu rõ về nhóm máu của mình là rất cần thiết. Trong tương lai, với sự phát triển của khoa học, chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều thú vị hơn về nhóm máu và ứng dụng nó vào việc chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Nhóm máu