Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cha mẹ cần thận trọng khi dùng máy lạnh trong phòng của bé. Đặc biệt là nên lưu ý điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh thích hợp cho trẻ sơ sinh, phù hợp với hệ hô hấp còn non nớt của bé.
Đa số cha mẹ, đặc biệt là ông bà nội ngoại, đều cho rằng cơ thể trẻ sơ sinh còn non nớt, khả năng chịu đựng và thích nghi với môi trường kém nên luôn quan tâm đến việc giữ ấm cho con như mặc quần áo kín, bao tay bao chân, đội mũ, quấn tã và khăn nhiều lớp để cơ thể con không bị lạnh. Vì vậy nhiều gia đình không dám cho trẻ sơ sinh nằm máy lạnh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có nên nằm máy lạnh không? Nhiệt độ máy lạnh thích hợp cho trẻ sơ sinh là bao nhiêu?
Theo PGS.TS.BS Huỳnh Thoại Loan, trẻ sinh khỏe mạnh, đủ tháng và nặng từ 3,5 kg trở lên đều có đủ lớp mỡ để giữ nhiệt cho cơ thể. Cơ chế điều tiết thân nhiệt của trẻ cũng đã hoạt động để trẻ sơ sinh ngủ ngon và an toàn ở cùng một nhiệt độ phòng như người lớn. Ngược lại, nếu cha mẹ ủ quá ấm, đắp nhiều chăn sẽ không có lợi mà còn có thể gây ra một số ảnh hưởng không tốt cho bé.
Vì vậy, cha mẹ có thể yên tâm cho bé nằm phòng máy lạnh khi vào hè. Trái ngược với lo lắng của phụ huynh, theo các chuyên gia sức khỏe khi trẻ nằm phòng máy lạnh sẽ nhận được những lợi ích về sức khỏe như:
Nhưng cũng cần lưu ý là ở trẻ sinh non, cân nặng dưới 3,5 kg thì cha mẹ nên đợi đến khi trẻ lớn hơn 1-2 tháng, tùy theo sự phát triển của bé rồi mới cân nhắc việc cho con dùng điều hòa.
Trẻ sơ sinh chưa có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể như trẻ lớn hay người lớn, nhất là trẻ non tháng. Trong điều kiện trẻ được mặc quần áo, mang bao tay, mang vớ chân, đội mũ và đắp chăn thì nhiệt độ lý tưởng ở trong phòng máy lạnh là từ 26 – 28 độ C.
Tùy vào từng loại máy lạnh mà có sự chênh lệch nhất định giữa nhiệt độ trên điều khiển (remote) với nhiệt độ phòng. Do đó cha mẹ cần linh hoạt khi bật điều hòa. Trong cùng một nhiệt độ phòng, người lớn có thể thấy se lạnh, nhưng trẻ sơ sinh tỏa nhiệt nhiều nên sẽ cảm thấy mát. Cha mẹ nên giảm nhiệt độ phòng dần đến khi thấy trẻ không ra mồ hôi và ngủ ngoan. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, lưu ý điều chỉnh mức chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và ngoài trời không quá 10 độ C.
Trong điều kiện thời tiết quá nóng thì mới nên sử dụng máy lạnh. Nếu trời mát thì nên mở cửa phòng cho thoáng. Gió mát và không khí tự nhiên vẫn tốt nhất cho cơ thể bé.
Sử dụng máy lạnh trong thời tiết nắng nóng ngoài việc đem lại cảm giác thoải mái giúp bé ngủ ngon và những lợi ích như giảm chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (SIDS) thì cũng dễ làm khô hệ hô hấp, dễ dẫn đến các bệnh lý như: viêm hô hấp, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản.
Để sử dụng máy lạnh đúng cách, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Luồng gió từ máy lạnh khi thổi trực tiếp vào cơ thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, nhất là đối với trẻ em. Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Vị trí lắp đặt máy lạnh nên ở trên cao, cánh cửa gió của máy lạnh không đặt trực tiếp hướng về phía cơ thể trẻ, đặc biệt là các bộ phận mặt mũi miệng. Nếu quạt gió của điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu thì với những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Ngoài ra, sử dụng điều hòa lâu dài có thể làm giảm sự lưu thông không khí trong phòng. Trong phòng sử dụng điều hòa, việc lưu thông không khí rất quan trọng. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay. Khi dùng điều hòa cha mẹ nên bật quạt thông gió để tạo sự thông thoáng không khí trong phòng. Có thể kết hợp gắn thêm một quạt máy trong phòng và bật quạt ở chế độ gió nhẹ để không khí lưu thông.
Mẹ chỉ nên cho bé nằm máy lạnh tối đa 2 – 3 giờ mỗi lần. Nghĩa là cứ khoảng 2-3 giờ, mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10-15 phút. Đây cũng là thời gian để trao đổi không khí tù đọng với bên ngoài, cũng như mở cửa đón nắng vào trong phòng bé.
Lưu ý là không nên đột ngột đưa trẻ từ phòng máy lạnh ra môi trường bên ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ bị sốc nhiệt dẫn đến sốt, cảm cúm, ho,.. Nếu muốn đưa trẻ ra ngoài, phải tắt điều hòa nhiệt độ, để trẻ tiếp tục ngồi trong căn phòng đó một lúc cho cơ thể thích nghi với nhiệt độ tăng dần của căn phòng. Khi nhiệt độ trong phòng gần với nhiệt độ ngoài trời, lúc đó mới nên đưa trẻ ra ngoài.
Mặt khác, khi bé đang ở môi trường nhiệt độ nắng nóng ra nhiều mồ hôi, mẹ cũng nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, không cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột.
Bên cạnh việc lau dọn giữ gìn phòng của trẻ thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập, cha mẹ cũng cần phảivệ sinh máy lạnh sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc và vi khuẩn hay mầm bệnh lưu trú lâu ngày trong máy làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé.
Khi bật điều hòa làm mát, hơi nước trong không khí sẽ ngưng tụ và thoát ra ngoài qua ống dẫn, làm giảm độ ẩm trong phòng. Nếu không chú ý bổ sung độ ẩm, trẻ có thể bị khô da, khô mũi khiến trẻ dễ bị bệnh. Mẹ có thể sử dụng một số cách bù ẩm phổ biến như dùng máy phun sương, đặt chậu nước hoặc treo khăn ướt trong phòng…
Mẹ cần lưu ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho bé để làm ẩm niêm mạc mũi, đồng thời cho trẻ bú đủ sữa để tránh cho cơ thể bị mất nước. Khi trẻ ngủ, mẹ nên đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Kiểm tra và thay tã ướt kịp thời để tránh cho bé bị lạnh. Khi ngủ say thân nhiệt trẻ thường hạ thấp hơn bình thường, thỉnh thoảng mẹ nên sờ lưng hoặc gan bàn chân kiểm tra thân nhiệt con để có thể điều chỉnh độ ấm lạnh phù hợp nhất cho bé.
Dưới sự trợ giúp từ máy lạnh, việc chăm sóc trẻ trong những ngày hè nắng nóng của cha mẹ sẽ trở nên dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sinh non, sốt siêu vi hay gặp tình trạng sức khỏe đặc biệt như hen suyễn, dị ứng không khí trong phòng máy lạnh… cha mẹ cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để có những quyết định tốt nhất cho con.
Thoa Vy
Nguồn: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.