Nhổ răng số 8 là gì? Những điều bạn cần biết về nhổ răng số 8
Ngày 21/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hầu hết mọi người sẽ mọc răng số 8 ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, răng số 8 mọc lại gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu kéo dài. Hơn nữa, khi răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng, làm ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe. Nhiều người sẽ lựa chọn nhổ răng số 8 để chấm dứt những cơn đau và các rủi ro do loại răng này đem lại.
Răng số 8 thường mọc rất muộn và không có vai trò trong chức năng nhai. Tuy vậy, loại răng này lại đem đến nhiều phiền toái vì chúng thường mọc lệch và gây đau đớn và ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Vậy nhổ răng số 8 có nguy hiểm hay gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không? Hãy cùng bài viết tìm hiểu về quy trình và những điều cần lưu ý khi nhổ răng số 8.
Nhổ răng số 8 là gì?
Nhổ răng số 8 là thủ thuật nha khoa được thực hiện để loại bỏ một hoặc nhiều răng số 8. Răng số 8 (còn gọi là răng khôn) là răng hàm trong cùng, nằm ở vị trí số 8 tính từ răng cửa. Thông thường, răng số 8 sẽ bắt đầu mọc ở độ tuổi từ 17 - 25 tuổi. Mỗi người sẽ sở hữu tối đa 4 răng khôn, nhưng có những người chỉ mọc 1, 2 hoặc 3 chiếc, thậm chí có người không có chiếc nào.
Tại thời điểm răng số 8 bắt đầu mọc thì các răng trưởng thành đã mọc hoàn chỉnh và xương hàm gần như không còn đủ khoảng trống để răng có thể mọc lên bình thường. Do đó, răng số 8 thường mọc ngầm, mọc lệch, mọc chen chỗ các răng khác, dẫn đến sưng, đau đớn, thậm chí gây nhiễm trùng hoặc các vấn đề răng miệng khác. Khi đó, cần phải tiến hành nhổ bỏ răng số 8.
Có nên nhổ răng số 8 không? Khi nào nên nhổ và không nên?
Răng số 8 thuộc hệ thống răng hàm nhưng lại gần như không đảm nhiệm chức năng nhai nghiền thức ăn hoặc tác dụng về mặt thẩm mỹ. Việc có nên nhổ răng số 8 hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng răng của mỗi người. Nếu răng số 8 mọc đúng vị trí và không gây ra nguy hiểm hay biến chứng cho sức khỏe răng miệng thì không cần thiết phải nhổ răng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Tổ chức Chăm sóc Răng Miệng Hoa Kỳ (OHA), phần lớn răng khôn đều phải nhổ dù sớm hay muộn, ước tính có khoảng 85% răng khôn bị nhổ bỏ thay vì được giữ lại vĩnh viễn.
Trường hợp nên nhổ răng số 8
Quá trình mọc răng số 8 thường diễn ra không thuận lợi do rất nhiều nguyên nhân. Vì vậy, những trường hợp sau thường sẽ được bác sĩ chỉ định nhổ răng số 8:
Răng mọc ngầm: Răng số 8 nằm hoàn toàn trong nướu hoặc chỉ nhú một phần ra khỏi nướu gây ra tình trạng đau nhức, viêm lợi, nhiễm trùng, u nang,...
Răng mọc lệch, chèn ép răng số 7: Răng số 8 mọc chen chúc hoặc đâm vào răng số 7, có nguy cơ làm hỏng răng, mất răng, tiêu xương,...
Răng mọc gây biến chứng: Răng khôn mọc gây tình trạng đau nhức, viêm nha chu, nhiễm trùng lặp đi lặp lại và gây ảnh hưởng đến các răng lân cận.
Răng bất thường: Răng khôn bị sâu, mắc các bệnh lý về răng miệng, răng có hình dạng bất thường hoặc không có răng đối diện ăn khớp, có khe giắt thức ăn giữa răng khôn và răng bên cạnh,...
Nhu cầu chỉnh hình: Người cần làm chỉnh hình, trồng răng giả hoặc niềng răng.
Trường hợp không nên nhổ răng số 8
Dù răng số 8 không có vai trò cụ thể đối với cơ thể, nhưng không phải tất cả răng số 8 đều cần phải nhổ. Đối với những trường hợp dưới đây, có thể giữ lại răng số 8:
Răng số 8 mọc thẳng, bình thường và không gây biến chứng hay đau nhức, khó chịu.
Răng số 8 không gây ảnh hưởng đến răng số 7, không tác động lên cấu trúc của hàm.
Hình dạng của răng số 8 bình thường, không gây lo ngại.
Ngoài ra, một số trường hợp sau không nên nhổ răng số 8 và có thể cân nhắc sử dụng phương pháp khác thay cho nhổ răng:
Người mắc các bệnh mạn tính như chứng rối loạn đông máu, tiểu đường, huyết áp, tim mạch,…
Răng khôn liên quan trực tiếp đến các cấu trúc quan trọng như dây thần kinh, xoang hàm,...
Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt.
Nhổ răng số 8 đau không?
Nhổ răng số 8 là một thủ thuật nhanh chóng và ít gây đau đớn. Quá trình nhổ răng được thực hiện dưới tác dụng của thuốc gây tê, do đó người bệnh sẽ không cảm thấy đau đớn hay khó chịu. Về cơ bản, nhổ răng khôn có đau không phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ thực hiện, tình trạng mọc của răng và kỹ thuật nha khoa. Tuy nhiên, răng số 8 thường có chân răng cao hơn và liên kết với nhiều dây thần kinh hơn so với các răng khác. Do đó, sau khi hết thuốc tê, tùy vào cơ địa của mỗi người mà người bệnh có thể cảm thấy đau ít hoặc nhiều. Thông thường, tình trạng đau sẽ giảm đi sau 2 - 3 ngày sau khi nhổ răng.
Nhổ răng số 8 liệu có nguy hiểm không?
Nhổ răng số 8 đúng tiêu chuẩn y khoa sẽ không gây nguy hiểm. Hiện nay, việc nhổ răng số 8 đã là phổ biến và ít xảy ra biến chứng nhờ vào kỹ thuật nha khoa ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vẫn sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ xảy ra biến chứng sau khi nhổ răng khôn như:
Nhiễm trùng và viêm ổ răng: Vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm khiến xương hàm và nướu bị sưng đau kéo dài, ổ răng khôn có dịch mủ trắng hoặc vàng, bốc mùi hôi kèm triệu chứng sốt cao.
Nhiễm trùng máu: Ổ răng bị nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí là vết mổ bị hoại tử và có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.
Tổn thương các cấu trúc liên quan: Dây thần kinh, mạch máu, xương hàm, xoang hoặc các răng lân cận có thể bị tổn thương do nhổ răng số 8. Triệu chứng thường thấy là chảy máu, tê hoặc ngứa vùng lưỡi, môi dưới, cằm, răng và nướu. Tình trạng này thường xảy ra tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn, ít có trường hợp bị vĩnh viễn.
Có nên nhổ 4 răng số 8 cùng lúc không?
Nhổ 4 răng số 8 cùng lúc sẽ giúp người bệnh tiết kiệm thời gian cũng như không phải chịu đau nhiều lần và các răng hồi phục cùng lúc. Tuy nhiên, nhổ 4 răng cùng lúc sẽ gây đau đớn, chảy máu nhiều hơn so với việc chỉ nhổ 1 hoặc 2 răng. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc nhổ 4 răng khôn cùng lúc. Trường hợp bệnh nhân có và cần nhổ cả 4 răng khôn cùng lúc, bác sĩ cần kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng răng mọc, sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra phương án phù hợp và an toàn.
Các phương pháp nhổ răng số 8
Hiện nay, có 2 phương pháp nhổ răng số 8 phổ biến, cụ thể như sau:
Phương pháp truyền thống
Bác sĩ sử dụng dao để rạch mở phần nướu răng, sau đó dùng kìm và bẩy để lấy răng số 8 ra khỏi hàm. Sau đó, tiến hành khâu vết mổ và vệ sinh khoang miệng. Phương pháp nhổ răng số 8 truyền thống có giá thành thấp, tuy nhiên rủi ro sẽ cao hơn. Vì vậy, khi chọn phương pháp này, cần chọn cơ sở nha khoa uy tín để giảm nguy cơ gặp biến chứng sau khi nhổ răng.
Sử dụng công nghệ sóng siêu âm Piezotome
Piezotome là công nghệ nhổ răng hiện đại, được tiến hành thông qua sóng siêu âm, mũi khoan siêu mảnh sẽ bóc tách phần nướu xung quanh chân răng và lấy răng số 8 ra. Công nghệ này không tác động tới xương hàm hoặc các mô mềm nên ít sưng đau, ít chảy máu, không gây biến chứng và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, nhổ răng khôn bằng phương pháp Piezotome có giá thành khá cao so với phương pháp nhổ răng truyền thống.
Quy trình nhổ răng số 8
Thông thường, quy trình nhổ răng số 8 được thực hiện với các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra và chụp X-quang răng
Đây là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng trong quy trình nhổ răng số 8. Bác sĩ thăm khám, kiểm tra và chụp X-quang răng để đánh giá kích thước, tư thế và vị trí răng mọc để xây dựng phương án nhổ răng phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định một số xét nghiệm liên quan để loại bỏ yếu tố rủi ro và đảm bảo an toàn.
Bước 2: Vệ sinh và khử trùng răng miệng
Bệnh nhân sẽ được vệ sinh khoang miệng sạch sẽ bằng dung dịch khử trùng chuyên dụng trong nha khoa để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng viêm nhiễm trong quá trình nhổ răng.
Bước 3: Gây tê tại vị trí cần nhổ
Thông thường, bác sĩ sẽ gây tê tại vị trí cần nhổ răng để người bệnh không cảm thấy đau đớn và quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi.
Bước 4: Nhổ răng số 8
Tùy vào độ khó của răng, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật tiểu phẫu khác nhau để lấy răng số 8 ra khỏi hàm. Đặc biệt, trường hợp răng khôn mọc ngầm trong xương, bác sĩ cần cắt xương hàm, chia nhỏ thân và chân răng để đưa từng phần răng ra khỏi nướu.
Bước 5: Khâu vết thương và kết thúc quá trình nhổ răng
Sau khi răng số 8 được nhổ hoàn toàn, bác sĩ khâu vết thương bằng chỉ khâu chuyên dụng, vệ sinh khoang miệng và cầm máu cho người bệnh.
Kết thúc quá trình nhổ răng, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và kháng sinh cũng như hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng để vết thương mau lành và tránh nhiễm trùng.
Chi phí nhổ răng số 8 bao nhiêu?
Hiện nay, chi phí nhổ răng số 8 thường dao động trong khoảng từ 1 - 5 triệu đồng/răng, tuỳ thuộc vào tình trạng răng. Tùy vào mức độ lệch của răng cũng như với mỗi nha khoa khác nhau, chi phí nhổ răng sẽ có sự khác biệt. Bạn có thể tham khảo mức giá nhổ răng số 8 trung bình sau đây:
Răng số 8 mọc thẳng: 1.000.000 - 1.500.000 đồng/răng.
Răng số 8 mọc lệch mức độ 1: Khoảng 1.000.000 đồng/răng.
Răng số 8 mọc lệch mức độ 2: 2.000.000 - 2.500.000 đồng/răng.
Răng số 8 mọc ngầm mức độ 1: 3.000.000 - 3.500.000 đồng/răng.
Răng số 8 mọc ngầm mức độ 2 (chân răng khó): 4.000.000đ - 5.500.000 đồng/răng.
Những lưu ý trước và sau khi nhổ răng số 8
Trước khi nhổ răng số 8, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị và bác sĩ có chuyên môn để quá trình nhổ răng diễn ra an toàn.
Trước khi nhổ răng, cần thông tin đến bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý hoặc các loại thuốc đang sử dụng.
Ăn no và vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi nhổ răng.
Không nên nhổ răng khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai và cho con bú.
Sau khi nhổ răng và thuốc tê hết tác dụng, lưu ý một số vấn đề sau để giúp giảm tình trạng sưng nhức cũng như nhiễm trùng vùng nhổ răng:
Cắn chặt bông gòn trong khoảng 30 phút sau khi nhổ răng để cầm máu.
Trong 24 giờ đầu, chườm đá lạnh bên ngoài má trong 15 - 20 phút để giảm sưng và giảm đau. Từ ngày thứ 2 sau nhổ nên đổi sang chườm ấm.
Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Sau 6 tiếng nhổ răng, có thể súc miệng với nước muối ấm hoặc dung dịch súc miệng có kháng sinh để làm sạch răng miệng.
Ăn các món ăn mềm, lỏng và bổ sung thêm sữa, sữa chua và các loại thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng, nhanh lành vết thương.
Hạn chế nói chuyện hoặc cử động cơ hàm nhiều, cố gắng nhịn ho, hắt hơi, xì mũi,… để tránh kích thích vết nhổ làm chảy máu nhiều hơn.
Không dùng tay, lưỡi hay bất cứ vật dụng nào chạm vào vết thương.
Không ăn thức ăn cứng, quá nóng hoặc quá lạnh.
Không sử dụng cà phê, rượu bia và thuốc lá trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi nhổ răng.
Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bị sốt hoặc tình trạng đau nhức, sưng tấy không cải thiện vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.
Nhổ răng số 8 là một thủ thuật đơn giản nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định. Chính vì vậy, bạn cần lựa chọn địa chỉ nha khoa uy tín để hạn chế rủi ro khi nhổ răng. Đồng thời, cần tuân thủ đúng theo chỉ định chăm sóc răng miệng của bác sĩ trước và sau khi nhổ răng số 8 để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.