Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em

Ngày 23/09/2022
Kích thước chữ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em rất nguy hiểm. Trẻ bị hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới đột tử. Đây là thông tin cần biết về hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ dưới 8 tuổi mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ chiếm 1 - 3%. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng khó lường vì nó ảnh hưởng đến hành vi, bệnh lý và nguy cơ đột tử. Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Dấu hiệu nhận biết và xử trí thế nào khi trẻ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ? Ba mẹ xem các thông tin dưới đây để được giải đáp nhé!

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là gì?

Đối với trẻ sơ sinh, sự thay đổi trong nhịp thở là hiện tượng thường gặp và không nguy hiểm. Trẻ có thể thở gấp, sau đó thở chậm lại hoặc ngưng thở trong 10 giây trước quay về nhịp thở bình thường. Chu kỳ thở này xuất hiện ở 6 tháng đầu sau khi sinh và chỉ xảy ra trong 5% thời gian ngủ của trẻ.

Tuy nhiên, nếu trẻ ngưng thở đi kèm với triệu chứng bất thường thì có thể là hội chứng ngưng thở ở trẻ sơ sinh. Hoặc trẻ đã qua 6 tháng nhưng vẫn rối loạn nhịp thở cũng là biểu hiện của hội chứng ngưng thở. Ngưng thở khi ngủ là trẻ ngừng hô hấp từ 5 - 10 giây trong khi đang ngủ. Hiện tượng này lặp lại nhiều lần trong đêm dẫn tới thiếu oxy và rối loạn giấc ngủ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em 1 Ngưng thở khi ngủ ở trẻ là trẻ ngừng hô hấp 5-10 giây và lặp lại nhiều lần

Dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ở trẻ em

Hội chứng ngưng thở xảy ra trong lúc trẻ ngủ nên khó nhận biết. Ba mẹ cần theo dõi biểu hiện bất thường của trẻ khi ngủ, kết hợp thêm các triệu chứng liên quan. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em:

  • Trẻ thở khò khè, thường thở bằng miệng và há miệng khi ngủ. Trong tiếng thở có thể xuất hiện tình trạng thở gấp, thở hổn hển.
  • Trẻ ngủ phát ra tiếng ngáy lớn nhiều lần trong đêm. Đôi lúc nhịp thở của trẻ sẽ dừng lại chừng 5 - 10 giây.
  • Giấc ngủ của trẻ bị bứt rứt không yên, có thể bị mộng du. Thỉnh thoảng trẻ bị thức giấc, khó chịu hoặc quấy khóc.
  • Khi ngủ trẻ dễ bị tè dầm hoặc đi tiểu nhiều lần, ra nhiều mồ hôi.
  • Ban ngày, trẻ dễ cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc, giảm sự tập trung, hiếu động thái quá. Trẻ ngáp nhiều hơn, dễ buồn ngủ và hay ngủ gật.
  • Dấu hiệu ít gặp và cảnh báo nguy hiểm là trẻ lả đi, da xanh xao. Lay nhẹ người trẻ nhưng không thấy trẻ phản ứng lại.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ dựa trên các dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ở trẻ, khám lâm sàng vùng hầu họng và xét nghiệm Polysomnography (đánh giá giấc ngủ). Phát hiện trẻ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cần được điều trị sớm.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em 2 Hội chứng ngưng thở khiến trẻ dễ thức giấc, quấy khóc trong đêm

Nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ

Nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là viêm amidan, viêm VA ở vòm mũi họng. Vòm mũi họng bị nhiễm trùng dẫn tới phù nề gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Các nguyên nhân khác là béo phì hoặc bị bệnh bẩm sinh về hệ xương, thần kinh như bại não, chứng loạn dưỡng cơ, bệnh Down.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào? Trước hết, nó khiến trẻ ngủ không ngon giấc, suy giảm sức khỏe, chậm phát triển. Về lâu dài, trẻ mắc hội chứng này sẽ bị rối loạn hành vi, tính cách trở nên hung hăng hơn. Trẻ giảm tập trung, giảm trí thông minh gây ảnh hưởng xấu đến học tập và khả năng sinh hoạt hàng ngày.

Ngưng thở khi ngủ dẫn tới thiếu oxy trong máu, tim đập không đều, suy tim. Mối nguy lớn nhất của hội chứng ngưng thở là gây đột tử. Vì vậy, ba mẹ cần để ý những bất thường trong giấc ngủ của trẻ, phát hiện dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ở trẻ để có biện pháp điều trị kịp thời.

Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em

Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ chẩn đoán, trẻ sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Đối với trẻ béo phì, việc giảm cân là cần thiết để cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ. Trẻ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khi ngủ nên nằm nghiêng người để dễ thở hơn. Có thể dùng gối chuyên dụng hoặc dụng cụ nâng hàm trong vòm họng giúp hô hấp dễ dàng hơn.

Trường hợp trẻ mắc hội chứng ngưng thở do các mô mềm bên trong vòm họng gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc tiến hành tiểu phẫu. Theo hướng dẫn của bác sĩ, ba mẹ có thể cho trẻ dùng các loại thuốc: Kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc giảm phù nề kết hợp súc họng. Chữa viêm amidan tại nhà, ba mẹ tham khảo thêm phương pháp sử dụng các bài thuốc đông y.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em 3 Viêm amidan, viêm VA mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể điều trị bằng thuốc

Việc cắt bỏ amidan không ảnh hưởng nhiều đến hệ miễn dịch của trẻ. Ba mẹ yên tâm cho trẻ làm tiểu phẫu cắt amidan để chữa hội chứng ngưng thở khi ngủ. Với các vấn đề bẩm sinh về hệ xương, bác sĩ làm tiểu phẫu để nâng cao xương hàm hoặc sửa vách ngăn mũi bị lệch. Trường hợp ngưng thở nặng và kéo dài, trẻ có thể cần được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.

Phòng tránh hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em

Để tránh béo phì gây tắc nghẽn đường thở, ba mẹ nên cho trẻ ăn uống lành mạnh kết hợp vận động hợp lý. Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, phòng tránh viêm nhiễm amidan và VA. Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan có tới 60% là do di truyền. Nếu ba hoặc mẹ có tiền sử viêm amidan càng phải thận trọng phòng ngừa cho trẻ.

Ba mẹ điều trị kịp thời và dứt điểm khi trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp. Vi khuẩn từ đường hô hấp có thể xâm nhập gây viêm nhiễm amidan. Để tăng cường đề kháng và chống lại vi khuẩn gây bệnh, ba mẹ bổ sung cho trẻ các vitamin, khoáng chất, thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng, miễn dịch.

Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ cũng là cách để phát hiện sớm hội chứng ngưng thở ở trẻ em. Khi thấy trẻ có dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ở trẻ em, ba mẹ nên cho trẻ đến khám ở các cơ sở y tế nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin