Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản và hiệu quả

Ngày 18/08/2023
Kích thước chữ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản và hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé!

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngừng thở từ 10 giây trở lên trong giấc ngủ gây nên việc gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến rối loạn nhịp sinh học và nhiều bệnh lý khác. Ngưng thở khi ngủ có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Do đó, hãy cùng tìm hiểu cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản sau để có phương pháp điều trị, phòng ngừa.

Tìm hiểu về hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một tình trạng rối loạn trong giấc ngủ, người bệnh trải qua các giai đoạn ngừng thở kéo dài ít nhất 10 giây, dẫn đến mức độ oxy trong máu giảm. Sau đó, hoạt động hô hấp sẽ phục hồi và gây ra những cơn thức giấc.

Hội chứng ngừng thở khi ngủ bao gồm các biểu hiện sau:

Ngừng thở tắc nghẽn: Đây là biểu hiện phổ biến nhất, thường xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn, nhưng vẫn có sự chuyển động của ngực và bụng do cơ quan hô hấp cố gắng vượt qua tắc nghẽn.

Ngừng thở trung ương: Đây là tình trạng ít gặp hơn, nơi luồng khí không còn đi qua mũi và miệng và không có sự chuyển động của ngực và bụng do trung tâm điều chỉnh hô hấp không hoạt động. Thường thì tình trạng này liên quan đến các vấn đề thần kinh cơ.

Ngừng thở hỗn hợp: Đây là một tình trạng kết hợp của cả hai loại trên, trong đó người bệnh có thể trải qua cả hiện tượng ngừng thở tắc nghẽn và tình trạng ngừng thở trung ương.

cach-chua-ngung-tho-khi-ngu-don-gian-va-hieu-qua-4.jpg
Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp trên

Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một tình trạng phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và gây ra các tình trạng thức giấc liên quan.

Dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

Ngủ ngáy: Đây là một trong những dấu hiệu thường thấy nhất. Những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có cơn ngưng thở trong khi ngủ, đi kèm theo tiếng ngáy ồn ào, thường xảy ra tăng đột ngột vào cuối giai đoạn ngưng thở. Tiếng ngáy thường nặng hơn khi ngủ nằm sấp và giảm đi khi ngủ nghiêng.

Mệt mỏi suốt ngày: Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường trải qua tình trạng mệt mỏi do thiếu ngủ, gây ra khó khăn trong việc tập trung vào công việc, suy giảm khả năng ghi nhớ, thay đổi tâm trạng và dễ cáu gắt.

Buồn ngủ ban ngày: Bệnh nhân có thể bất chợt buồn ngủ trong suốt ngày, thậm chí trong lúc đang thực hiện các hoạt động. Điều này có thể dẫn đến tình trạng ngủ gật, thậm chí làm mất tập trung khi lái xe hoặc làm việc.

Đau đầu khi thức dậy: Một triệu chứng phổ biến khác là cảm giác đau đầu khi thức dậy sau giấc ngủ. Nguyên nhân thường liên quan đến sự thay đổi nồng độ oxy trong não trong suốt thời gian ngủ.

Những biểu hiện này có thể là dấu hiệu chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ và bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Biến chứng nguy hiểm của chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ gây suy giảm nồng độ oxy trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Nguy cơ từ chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm:

  • Tai nạn giao thông do buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe.
  • Các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim và các rối loạn nhịp tim.
  • Rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường loại 2.
  • Tăng áp phổi gây áp lực lớn lên tim.
  • Vấn đề về tư duy như suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
  • Rối loạn tâm trạng bao gồm nguy cơ tăng cao của trầm cảm và sự cáu kỉnh.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng.
  • Tăng nguy cơ các biến chứng liên quan đến gây mê trong phẫu thuật.
cach-chua-ngung-tho-khi-ngu-don-gian-va-hieu-qua.jpg
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra biến chứng tim mạch

Trong trường hợp chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, biến chứng thường phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến rối loạn hô hấp. Do đó, tình trạng ngưng thở kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tăng nguy cơ gây tử vong.

Cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản và hiệu quả

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở y khi ngủ, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp y khoa nhằm mục đích giảm tính nghiêm trọng của bệnh và tránh các biến chứng do bệnh gây ra.

Can thiệp y khoa

Các cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản và hiệu quả bằng can thiệp y khoa:

Dùng máy thở áp lực dương:

Sử dụng máy thở áp lực dương (Positive Airway Pressure - PAP) có thể giúp giảm tần suất các biến cố hô hấp trong khi ngủ, giảm tình trạng buồn ngủ ban ngày và cải thiện các triệu chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy ngủ.

Một loại phương pháp phổ biến là áp lực đường thở dương liên tục (Continuous Positive Airway Pressure - CPAP). Với phương pháp này, áp lực không khí được duy trì ổn định và đặt lớn hơn so với áp suất không khí xung quanh, giúp duy trì đường hô hấp trên thông thoáng.

Dùng máy kích thích thần kinh:

Sử dụng máy kích thích thần kinh bằng cách kết nối vào dây thần kinh hạ nhiệt (đây thần kinh vận động lưỡi) để kích thích nó, giúp đẩy nhẹ lưỡi về phía trước khi thở trong giấc ngủ.

Điều này giúp ngăn lưỡi bị tụt ra phía sau và tạo ra tắc nghẽn. Một loại máy kích thích thần kinh tương tự cũng có thể dùng để điều trị ngưng thở khi ngủ trung ương bằng cách kích thích cặp dây thần kinh cơ hoành kết nối với cơ hoành, giúp tăng cường hoạt động hô hấp.

Phẫu thuật:

Các phương pháp phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn trong vùng mũi, họng và khí quản. Các loại phẫu thuật bao gồm:

  • Nhiệt điện cực (Somnoplasty): Sử dụng sóng điện từ để thu nhỏ mô mềm xung quanh phần trên của khí quản.
  • Cắt amiđan/cắt VA: Loại bỏ amiđan và VA có thể giúp mở rộng lỗ thông nhau giữa miệng, cổ họng và đường mũi, giảm tắc nghẽn.
  • Uvulopalatopharyngoplasty (UPPP): Loại bỏ lưỡi gà và các mô mềm khỏi vòm miệng mềm và hầu họng, giúp không khí đi qua dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật hàm: Thay đổi vị trí của hàm để ngăn mô mềm đè lên đường thở.

Dùng dụng cụ răng miệng:

Dụng cụ hỗ trợ miệng bao gồm khí cụ nâng hàm dưới và khí cụ ổn định lưỡi, giúp định vị lại vị trí hàm và lưỡi để đảm bảo đường thở luôn thông thoáng.

Dùng thuốc:

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng chúng vẫn chưa được phê duyệt chính thức. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân theo hướng dẫn y tế khi sử dụng thuốc.

cach-chua-ngung-tho-khi-ngu-don-gian-va-hieu-qua-3.jpg
Dùng máy thở áp lực dương giúp giảm chứng ngưng thở khi ngủ

Lưu ý rằng việc chọn phương pháp điều trị phù hợp cần phải dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người và cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của chuyên gia y tế.

Thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống

Trong trường hợp ngưng thở khi ngủ nhẹ, việc thay đổi lối sống tại nhà có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và tránh các biến chứng gây hại.

Duy trì cân nặng hợp lý: Bảo đảm duy trì cân nặng trong khoảng hợp lý rất quan trọng. Béo phì có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, tạo nguy cơ cho chứng ngưng thở khi ngủ. Thực hiện vận động thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống cân đối giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ.

Tập thể dục: Tập thể dục đều đặn từ 45 - 60 phút/buổi và 3 - 5 buổi mỗi tuần có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường độ bão hòa oxy trong máu, cải thiện chức năng hô hấp và giảm triệu chứng ngưng thở khi ngủ.

cach-chua-ngung-tho-khi-ngu-don-gian-va-hieu-qua-1.jpg
Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe hệ thống hô hấp

Thay đổi tư thế ngủ: Tư thế ngủ có thể ảnh hưởng đến tình trạng ngưng thở. Chọn tư thế nằm nghiêng có thể giảm triệu chứng ngưng thở và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí khô có thể gây kích ứng đường hô hấp và tăng nguy cơ tắc nghẽn. Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể cung cấp độ ẩm cho không khí, giúp mở đường thở và cải thiện giấc ngủ.

Hạn chế uống rượu, bia và hút thuốc: Rượu và thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Hạn chế uống rượu và bia, thậm chí tốt hơn là không sử dụng, cũng như bỏ thuốc lá có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tránh dùng thuốc an thần: Một số loại thuốc như thuốc chống lo âu, thuốc ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên cân nhắc tham khảo ý kiến bác sĩ giảm hoặc ngừng sử dụng các loại thuốc này để cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Điều trị dị ứng: Nếu bạn có vấn đề về dị ứng mũi, vệ sinh mũi và tránh tiếp xúc với dị nguyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về đường thở, cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trên không đủ giảm triệu chứng hoặc nếu tình trạng ngưng thở khi ngủ của bạn nghiêm trọng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Xem thêm: 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.