Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngủ ngáy ở trẻ em khi nào là bệnh lý? Cách khắc phục là gì?

Ngày 26/09/2022
Kích thước chữ

Khi chăm sóc bé, các bà mẹ thường lưu ý từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhiều trẻ ngủ ngáy khiến mẹ không ít lần lo lắng. Vậy ngủ ngáy ở trẻ em có nguy hiểm không? Khắc phục thế nào?

Trẻ ngủ ngáy tưởng chừng rất bình thường nhưng đôi khi lại tiềm ẩn những mối nguy về sức khỏe. Ngủ ngáy ở trẻ em càng cần theo dõi đặc biệt hơn để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vậy ngủ ngáy có phải biểu hiện bệnh lý không? Mẹ có thể giúp bé khắc phục chứng ngủ ngáy thế nào? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Ngủ ngáy là gì?

Ngủ ngáy là tình trạng người ngủ phát ra âm thanh mới cường độ lớn hoặc nhỏ khác nhau từ đường thở. Tình trạng này diễn ra do đường thở có vật cản nên các cấu trúc của hệ hô hấp bị rung khi thở. Sự rung này gây ra âm thanh gọi là tiếng ngáy. Các nhà khoa học phân chia ngủ ngáy thành 2 loại: 

  • Ngủ ngáy thói quen thường không do tác động bên ngoài, duy trì dài ngày và là dạng ngủ ngáy có hại cho sức khỏe con người. 
  • Ngủ ngáy triệu chứng là loại ngủ ngáy gây ra do các thay đổi yếu tố bên ngoài như thời tiết, gối ngủ... Dạng ngủ ngáy này có thể tự mất đi và không gây nguy hại cho sức khỏe. 
ngủ ngáy ở trẻ em có nguy hiểm không Ngủ ngáy có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi

Ngủ ngáy là một trong những nguyên nhân gây triệu chứng mất ngủ và được coi là triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ. Trong thời gian kéo dài, ngủ ngáy ở trẻ em có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. 

Nguyên nhân ngủ ngáy ở trẻ em 

Thông thường, ngủ ngáy ở trẻ em có thể xảy ra do các nguyên nhân như: 

  • Trẻ bị viêm amidan hoặc viêm VA.
  • Trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Xuất hiện các hạch lớn vùng họng làm cản trở đường thở của trẻ.
  • Trẻ mắc các bệnh cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng cũng dễ bị ngủ ngáy.
  • Ngủ ngáy thường xảy ra ở những trẻ bị dị dạng lệch vách ngăn hoặc polyp mũi.
  • Trẻ sống trong môi trường nhiều khói thuốc.
  • Trẻ bị thừa cân, béo phì.
  • Trẻ gặp bất thường trên cấu trúc vòm miệng, khuôn mặt.
  • Trẻ còn nhỏ có đường thở hẹp cũng có thể trải qua thời gian bị ngủ ngáy sinh lý.

Ngủ ngáy ở trẻ em được chia thành hai loại: Sinh lý và bệnh lý. Trong đó, ngủ ngáy sinh lý có thể tự khỏi và không đáng ngại. Ngủ ngáy bệnh lý cần tìm đúng nguyên nhân mới có thể điều trị triệt để. Đối với trẻ trong giai đoạn 3 - 10 tuổi, nếu ngủ ngáy tiếng to và thường lặp lại quá 3 ngày mỗi tuần hoặc có thể bị ngưng thở khi ngủ tức là đang bị ngủ ngáy bệnh lý. 

Nguyên nhân gây ngủ ngáy ở trẻ em Ngủ ngáy ở trẻ em có thể do sinh lý hoặc bệnh lý

Ngủ ngáy bệnh lý ở trẻ em nguy hiểm thế nào?

Ngủ ngáy ở trẻ em có thể đi kèm chứng ngưng thở khi ngủ (sự tắc nghẽn một phần hay toàn phần đường thở lặp lại liên tục) hoặc rối loạn thở khi ngủ (khó thở trong suốt thời gian ngủ). Cả hai tình trạng này đều có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ như:

  • Gây mất ngủ giữa đêm khiến trẻ buồn ngủ vào ban ngày. Nếu lặp lại nhiều lần trẻ sẽ mệt mỏi, giảm khả năng học tập. 
  • Chứng rối loạn thở khi ngủ có thể khiến cơ thể tăng sản xuất nước tiểu ban đêm. Đây là nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ
  • Trẻ ngủ ngáy và mất ngủ thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tăng trưởng. Hậu quả tất yếu là trẻ chậm phát triển về thể chất. 
  • Trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, béo phì và các bệnh lý liên quan đến phổi.
  • Ngủ ngáy ở trẻ còn làm giảm oxy vào máu và oxy lên não. Hậu quả là lâu ngày trẻ sẽ giảm chú ý, suy giảm khả năng học tập. 
  • Những trẻ ngủ ngáy to có thể làm ảnh hưởng đến cả giấc ngủ của những người xung quanh. 
ngủ ngáy ở trẻ em khi nào đáng lo Trẻ ngủ ngáy và bị mất ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần

Chắc hẳn, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết khi nào cần đặc biệt lưu ý về tình trạng ngủ ngáy ở trẻ em. Cha mẹ cần cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy các biểu hiện như: 

  • Trẻ ngáy to thường xuyên, dài ngày và lặp lại nhiều lần.
  • Khi ngáy có kèm triệu chứng hít mạnh, khụt khịt, thở hổn hển.
  • Trẻ đái dầm không xác định được các nguyên nhân khác.
  • Đi kèm với triệu chứng ngáy ngủ thường xuyên, trẻ thay đổi tâm tính, hay buồn ngủ ban ngày, hay cáu kỉnh, học tập giảm sút.

Cách điều trị ngủ ngáy ở trẻ em

Cách điều trị ngủ ngáy ở trẻ em cần tùy thuộc vào từng nguyên nhân: 

  • Nguyên nhân gây ngáy liên quan đến các bệnh đường hô hấp trên như viêm VA, viêm amidan cần điều trị hai căn bệnh này trước. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định nạo VA hay phẫu thuật amidan cho trẻ trong trường hợp cần thiết. 
  • Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng cũng cần được điều trị triệt để.
  • Trẻ bị thừa cân, béo phì cần áp dụng các biện pháp giảm cân khoa học để cân nặng trở về mức lý tưởng.
  • Trẻ ngủ ngáy do môi trường nhiều khói thuốc thì chính người lớn cần thay đổi. Người hút thuốc nên cai dần thuốc lá hoặc không hút thuốc lá trong nhà. 
Cách trị ngủ ngáy ở trẻ em Tìm đúng nguyên nhân mới giúp trẻ điều trị ngáy ngủ hiệu quả
  • Trước khi ngủ trẻ nên được nhỏ nước muối sinh lý. Nếu bật điều hòa trong phòng nên có máy tạo ẩm để giúp trẻ dễ thở hơn. 
  • Trẻ bị ngủ ngáy nên nằm ngủ tư thế nằm nghiêng thay vì nằm ngửa.
  • Chăn, ga, gối, đệm cần được thay mới và giặt sạch hàng tuần để tránh các tác nhân gây khó thở. 
  • Các bậc cha mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh đường hô hấp. Nếu cần thiết, mẹ có thể cho trẻ dùng các thực phẩm chức năng tăng đề kháng.
  • Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động ngoài trời và chơi môn thể thao yêu thích. Theo các bác sĩ, bơi lội là bộ môn rất tốt cho phổi.

Ngủ ngáy ở trẻ em đôi khi làm các bậc phụ huynh lo lắng. Hy vọng qua bài viết này, cha mẹ có thể nhận biết ngủ ngáy sinh lý, ngủ ngáy bệnh lý. Nếu áp dụng tất cả những biện pháp nêu trên mà trẻ không có dấu hiệu giảm ngáy cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để khám và tư vấn. Mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng các thuốc chữa ngáy ngủ không rõ nguồn gốc để tránh “tiền mất tật mang” nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Ngủ ngáy