Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về thuốc long đờm

Ngày 27/08/2022
Kích thước chữ

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống các tác nhân gây bệnh ở trong đường hô hấp. Ho thường thấy là ho khan và ho có đờm. Đối với ho có đờm thường hay dùng các loại thuốc long đờm để điều trị.

Thuốc long đờm có tác dụng giúp chất nhầy ở đường hô hấp được loại bỏ, sử dụng trong nhiều trường hợp ho có đờm. Nếu sử dụng đúng cách, thuốc sẽ hỗ trợ điều trị hiệu quả. Cùng đi tìm hiểu bài viết dưới đây về thuốc long đờm nhé!

Tại sao cơ thể lại tiết nhiều đờm?

Đờm hay chất nhầy được tiết ra ở cổ họng có vai trò bảo vệ đường hô hấp của bạn khỏi những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, bụi bẩn. Tuy nhiên, khi phần chất nhầy này được sản sinh ra quá nhiều thì thường do các vấn đề về sức khỏe. Một số lý do làm làm tăng sinh đờm ở cổ họng có thể kể đến như:

Hút thuốc lá

Hút thuốc là được coi là nguyên nhân phổ biến nhất làm cơ thể tăng sản xuất đờm nhiều hơn bình thường. Lúc này đờm thường có màu xanh hoặc vàng. Nhiều trường hợp có thể thấy màu đỏ do máu từ những niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương chảy ra.

Những điều cần biết về thuốc long đờm 1 Hút thuốc lá làm cơ thể gia tăng tiết đờm nhiều hơn bình thường

Hen suyễn

Đường hô hấp của những người mắc bệnh hen suyễn tương đối nhạy cảm, do đó dễ bị nhiễm trùng và dị ứng với môi trường xung quanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng sinh nhiều đờm.

Những bệnh về hô hấp khác

Các bệnh cảm cúm thông thường cũng khiến bệnh nhân có xu hướng tiết nhiều dịch thể nhầy hơn. Ngoài ra những người mắc viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị tổn thương đường hô hấp, có thâm nhiễm các tế bào viêm, cũng tiết nhiều đờm xanh, đờm vàng hơn bình thường.

Một số nguyên nhân khác

  • Độ ẩm không khí quá thấp.
  • Uống quá ít nước hoặc chất lỏng.
  • Sử dụng nhiều cà phê, trà, rượu dẫn đến mất nước.
  • Sử dụng một số loại thuốc.
  • Trào ngược dạ dày.
  • Viêm xoang, lao phổi…

Thuốc long đờm là gì?

Thuốc long đờm hay thuốc tiêu đờm được sử dụng nhằm làm long tiết dịch nhầy từ niêm mạc phế quản và khí quản. Bao gồm hai loại là thuốc làm tăng dịch tiết và thuốc tiêu nhầy. Mục đích của chúng làm thay đổi cấu trúc hoặc độ nhớt của đờm, từ đó chất nhầy này có thể dễ dàng được tống ra khỏi đường hô hấp nhờ những động tác khạc nhổ thông thường.

Những điều cần biết về thuốc long đờm 2 Thuốc long đờm làm tăng tiết dịch nhầy từ niêm mạc phế quản

Thuốc tăng dịch tiết

Có tác dụng làm tăng tiết dịch ở đường hô hấp, giúp bảo vệ niêm mạc, chống lại những tác nhân kích thích và loại trừ chúng. Có hai cơ chế chính của thuốc:

  • Kích thích các thụ thể từ niêm mạc dạ dày, gây phản xạ đối giao cảm, từ đó làm tăng tiết dịch ở đường hô hấp. Tuy nhiên, liều gây tác dụng sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và có thể gây nôn. Một số thuốc thường thấy là: Natri iodid, kali iodid, natri benzoat, amoni acetat, hoạt chất emetin…
  • Trực tiếp kích thích các tế bào xuất tiết: Tinh dầu dễ bay hơi như terpin, eucallyptol, gaicol… Những tinh dầu này còn có tác dụng sát khuẩn tốt. 

Thuốc làm tiêu chất nhầy

Những thuốc này có thể làm thay đổi cấu trúc và dẫn đến giảm độ nhớt của dịch nhầy. Chính vì lý do đó, chất nhầy có thể dễ dàng được đưa ra khỏi đường hô hấp nhờ hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc nhổ thông thường. Ngoài ra, còn có cơ chế cắt đứt các cầu nối disulfua-S-S của các sợi Mucopolysaccharid, từ đó làm lỏng dịch nhầy của niêm mạc.

Vì làm tiêu nhầy, nên cần chú ý ở những bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, do có thể phá vỡ lớp bảo vệ ở nơi này. Một số thuốc như N-Acetylcystein, bromhexin, ambroxol…

Một số thuốc long đờm được sử dụng hiện nay

N-Acetylcystein

Thuộc nhóm thuốc tác động lên đờm, làm tiêu chất nhầy, được sử dụng trong các bệnh lý của đường hô hấp như viêm phế quản cấp, mạn. Tuy nhiên không dùng cho những người có tiền sử bệnh hen. Bên cạnh đó đây cũng là thuốc giải độc khi quá liều paracetamol.

Cần lưu ý những tác dụng không mong muốn có thể gặp như buồn nôn,nôn, buồn ngủ, đau đầu hoặc dị ứng. Không được dùng cùng các thuốc chống ho hoặc thuốc làm giảm tiết dịch.

Thuốc có nhiều dạng bào chế để phù hợp với nhiều đường dùng như đường uống, khí dung hoặc tác dụng tại chỗ. Vì tác dụng nhanh nên đôi khi có thể làm tràn dịch khí quản nếu người bệnh không có khả năng ho nhằm tống chất nhầy ra ngoài.

Bromhexin (bisolvon)

Bromhexin (bisolvon) có tác dụng điều trị những rối loạn đường hô hấp đi kèm cùng với ho có đờm. Với điều trị nhiễm khuẩn, bromhexin tăng sự xâm nhập của một vài kháng sinh vào dịch tiết nhằm tăng đáp ứng với kháng sinh.

Thuốc cũng cần thận trọng với bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh hen phế quản, suy gan, suy thận. Một số tác dụng phụ có thể gặp như rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, đau đầu, tăng nhẹ enzym gan. Bromhexin dùng đường khí dung đôi khi gây ho hay co thắt phế quản với những người nhạy cảm. Thuốc còn có thể sử dụng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.

Thuốc chứa Carbocistein

Có tác dụng tiêu đờm, được sử dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính như viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính. Thuốc sẽ làm đờm bớt dính và dày, dễ dàng được khạc nhổ ra khỏi cổ họng. Bên cạnh đó, thuốc còn có thể ngăn sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng lồng ngực.

  • Xem ngay: Thuốc Olesom - Siro tan đàm, trị ho, tiêu chất nhầy trong điều trị bệnh hô hấp cho trẻ em và người lớn.

Lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm

  • Không lạm dụng thuốc. Việc lạm dụng thuốc sẽ gây nên tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Bệnh nhân nên tuân thủ theo đúng sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
  • Người bệnh hen suyễn cần lưu ý khi sử dụng những thuốc long đờm, vì thuốc sẽ gây co thắt phế quản. Cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn để sử dụng thuốc đúng.
  • Những người suy nhược sức khỏe không thể khạc nhổ cũng không nên sử dụng thuốc long đờm do có thể gây ứ đọng đờm làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Không dùng thuốc giảm ho kèm thuốc long đờm. Nếu bệnh nhân muốn giảm ho thì cần thực hiện hút đờm nhầy ra trước.
  • Nên sử dụng thuốc từ 8 - 10 ngày, không tự ý kéo dài thời gian sử dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Đối với trẻ em, cần được sự tư vấn kỹ lưỡng của y bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.
Những điều cần biết về thuốc long đờm 3 Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất

Thuốc long đờm cần sử dụng đúng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên môn, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra. Hy vọng bài viết đã đem lại thông tin hữu ích tới bạn đọc.

Ánh Vũ

Nguồn: Tham khảo tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Long đờmThuốc