Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về xét nghiệm Syphilis ab và bệnh giang mai

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giang mai là căn bệnh xã hội khá phổ biến hiện nay, chủ yếu lây qua đường tình dục. Căn bệnh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người mắc phải. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc về xét nghiệm Syphilis ab - một trong những phương pháp giúp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh giang mai.

Xét nghiệm Syphilis ab là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm Syphilis ab? Trước khi tìm hiểu về phương pháp xét nghiệm này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản về bệnh giang mai cũng như ảnh hưởng của bệnh giang mai đối với người mắc phải bạn nhé.

Tổng quan về bệnh giang mai

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng kinh điển gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum. Căn bệnh này lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, ngoài ra còn lâu truyền qua đường máu và lâu từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh khiến trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Các biểu hiện lâm sàng của giang mai vô cùng đa dạng và phong phú. Tùy theo từng giai đoạn mà người bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau. Cụ thể:

Thời kỳ thứ nhất

Ở thời kỳ thứ nhất, các tổn thương thường xuất hiện sau khoảng 3 - 4 tuần kể từ khi nhiễm xoắn khuẩn giang mai. Đặc trưng của thời kỳ này là sự xuất hiện săng giang mai với các đặc điểm:

  • Là một vết trợt nông, hình bầu dục hoặc hình tròn, không có gờ nổi cao, có nền cứng và có màu đỏ thịt tươi.
  • Xuất hiện chủ yếu ở niêm mạc sinh dục: Ở nữ giới săng xuất hiện chủ yếu ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ còn ở nam giới, săng xuất hiện chủ yếu ở quy đầu, bìu, dương vật, miệng sáo. Ngoài ra, săng còn có thể xuất hiện ở môi, miệng và lưỡi…

Ngoài săng, người bệnh còn có thể bị nổi hạch. Hạch vùng bẹn sưng to, nổi thành chùm, trong đó sẽ có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.

Thời kỳ thứ 2

Thời kỳ này sẽ bắt đầu sau khoảng 6 - 8 tuần kể từ thời điểm xuất hiện săng. Các triệu chứng lâm sàng người bệnh có thể có trong thời kỳ này bao gồm:

  • Xuất hiện các nốt đào ban rải rác ở thân mình.
  • Sẩn giang mai với nhiều hình thái khác nhau: Sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có hoặc không có viền vảy xung quanh. Sẩn giang mai dạng trứng cá, vảy nến hoặc sẩn hoại tử… Sẩn phì đại thường gặp ở bộ phận sinh dục và hậu môn.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng khác như viêm hạch lan tỏa và rụng tóc kiểu rừng thưa.

Thời kỳ thứ 3

Thời kỳ thứ 3 của giang mai sẽ bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng cụ thể như sau:

  • Gôm giang mai xuất hiện ở da, cơ và xương;
  • Tổn thương tim mạch;
  • Tổn thương thần kinh gây bại liệt.

Lưu ý: Trong một số trường hợp, giữa thời kỳ thứ nhất và thời kỳ thứ 2 và giữa thời kỳ thứ 2 đến thời kỳ thứ 3, bệnh không có triệu chứng lâm sàng. Đây được gọi là giang mai kín và chỉ được phát hiện khi xét nghiệm huyết thanh.

Những điều cần biết về xét nghiệm Syphilis ab và bệnh giang mai 1
Tác nhân gây bệnh giang mai là xoắn khuẩn Treponema pallidum

Bệnh giang mai có nguy hiểm không?

Bệnh giang mai, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng bệnh sẽ ngày càng trở nặng, gây ra rất nhiều các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm. Chẳng hạn như:

  • Ảnh hưởng tim mạch: Giang mai thường gây ra biến chứng phình động mạch, làm ảnh hưởng đến van tim và tăng nguy cơ dẫn đến suy tim.
  • Ảnh hưởng đến thần kinh: Vi khuẩn giang mai tác động lên hệ thần kinh gây tổn thương thần kinh. Với những bệnh nhân mắc phải các tình trạng như viêm mạch máu não, viêm màng não… kèm theo bệnh giang mai sẽ có nguy cơ cao bị suy nhược thần kinh, động kinh, rối loạn trí nhớ, thậm chí là mất trí nhớ, đột quỵ…
  • Người bệnh giang mai giai đoạn cuối có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, liệt, mù loà, ảo giác, tổn thương tim mạch, phình động mạch chủ, viêm màng não… thậm chí là tử vong.

Đối với trẻ sơ sinh mắc giang mai bẩm sinh do bị lây nhiễm từ mẹ, trẻ có thể mang các dị tật như biến dạng khuôn mặt, điếc, mù, các vấn đề về thần kinh, thậm chí trẻ có thể bị tử vong ngay sau khi sinh ra.

Tuy là căn bệnh nguy hiểm song với sự phát triển của y học hiện nay thì căn bệnh này có thể điều trị được nếu như phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Chính vì thế, việc phát hiện sớm xoắn khuẩn giang mai có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều trị.

Những điều cần biết về xét nghiệm Syphilis ab và bệnh giang mai 2
Giang mai gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người mắc nếu không điều trị sớm

Xét nghiệm Syphilis ab là gì?

Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu xét nghiệm Syphilis ab là gì. Trong y khoa, Syphilis ab là viết tắt của cụm từ Syphilis antibodies, dịch ra tiếng việt là kháng thể giang mai.

Theo đó, xét nghiệm Syphilis ab là xét nghiệm kháng thể giang mai. Xét nghiệm này được sử dụng nhằm mục đích xác định sự có mặt của các kháng thể giang mai trong huyết thanh, huyết tương từ đó giúp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh giang mai. Điều này sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra hướng can thiệp y tế kịp thời và phù hợp.

Thông thường, Syphilis sẽ ủ bệnh khoảng 21 ngày kể từ thời điểm xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể và sau khoảng 3 - 4 tuần thì các tổn thương sẽ xuất hiện. Thời điểm này là thời điểm lý tưởng để làm xét nghiệm Syphilis ab.

Những điều cần biết về xét nghiệm Syphilis ab và bệnh giang mai 3
Xét nghiệm Syphilis ab là gì?

Các phương pháp xét nghiệm Syphilis ab

Dưới đây là 3 phương pháp xét nghiệm Syphilis ab, bạn đọc có thể tham khảo:

Xét nghiệm RPR

Xét nghiệm RPR là xét nghiệm sàng lọc và phát hiện kháng thể giang mai trong máu của người bệnh. Xét nghiệm này không chỉ giúp phân biệt xoắn khuẩn giang mai đối với các vi khuẩn gây bệnh khác trong xét nghiệm Syphilis lần đầu mà còn có ý nghĩa lớn trong việc theo dõi tiến triển điều trị cũng như hiệu quả điều trị bệnh đối với những trường hợp đã nhiễm giang mai trước đó. Cụ thể:

  • Trong trường hợp kết quả xét nghiệm RPR âm tính thì chứng tỏ người thực hiện xét nghiệm không mắc bệnh giang mai còn nếu kết quả dương tính thì có khả năng người đó đã mắc giang mai và để chắc chắn hơn, các bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm TPHA.
  • Nếu kết quả cho thấy số kháng thể có xu hướng giảm thì chứng tỏ đáp ứng điều trị của người bệnh tốt. Ngược lại nếu số lượng kháng thể tăng hoặc không thay đổi thì các bác sĩ sẽ cân nhắc và điều chỉnh phương pháp điều trị.

Xét nghiệm VDRL

Xét nghiệm VDRL cũng là một xét nghiệm kiểm tra các kháng thể giang mai, có thể thực hiện được trên dịch tuỷ sống và máu. Xét nghiệm này nhằm kiểm tra các kháng thể mà cơ thể tạo ra để đáp ứng với các kháng nguyên từ các tế bào bị tấn công bởi vi khuẩn.

Kết quả xét nghiệm cho ra là âm tính với kháng thể giang mai có thể cho thấy người xét nghiệm không mắc căn bệnh này song người đó có thể mắc bệnh nếu kết quả cho ra là dương tính. Trong trường hợp xét nghiệm VDRL dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một xét nghiệm cụ thể hơn để khẳng định chẩn đoán.

Xét nghiệm TPHA

Dựa trên nguyên lý của phản ứng ngưng kết, xét nghiệm TPHA giúp xác định sự hiện diện của kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai có trong huyết tương của người mắc giang mai.

Nếu kết quả xét nghiệm cho ra là âm tính thì có nghĩa không tồn tại vi khuẩn giang mai, song nếu kết quả là dương tính thì khả năng người thực hiện xét nghiệm đã nhiễm bệnh.

Những điều cần biết về xét nghiệm Syphilis ab và bệnh giang mai 4
Xét nghiệm TPHA là một trong những xét nghiệm Syphilis được áp dụng phổ biến hiện nay

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh xét nghiệm Syphilis ab hay xét nghiệm kháng thể giang mai mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về căn bệnh giang mai cũng như loại xét nghiệm này. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong bài viết hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm