Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi an toàn

Ngày 26/03/2023
Kích thước chữ

Chào đời là khoảnh khắc đánh dấu sự có mặt của em bé với thế giới xung quanh. Trong đó, tuần đầu tiên sau sinh là thời gian diễn ra nhiều sự thay đổi đột ngột của em bé. Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi bắt đầu thích nghi và sinh hoạt theo môi trường sống mới, khác hẳn với trong bụng mẹ.

Tuần đầu tiên sau chào đời không chỉ bỡ ngỡ với em bé mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt, những bà mẹ lần đầu tiên sinh có nhiều điều lo lắng về việc chăm sóc bé. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi và lưu ý khi chăm sóc. 

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Tuần đầu tiên sau sinh là khoảng thời gian cực kỳ quan trong đối với bé. Bé dường như vẫn chưa quên được những thói quen đã hình thành trong bụng mẹ. Giai đoạn 7 ngày đầu tiên này bé sẽ tập dần từ việc hít thở, tiêu hóa, ánh sáng, âm thanh và các vận động cơ thể khác. Bố mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc đúng cách để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho bé trong thời gian này:

Những thay đổi của bé so với trong bụng mẹ

Giai đoạn 7 ngày đầu tiên, cơ thể của bé đang tập thích nghi với môi trường mới. Bé dần hoàn thiện các kỹ năng cần thiết như bú mẹ, đi vệ sinh, cử động chân tay hay ánh mắt. Nếu bố mẹ tinh ý khi chăm sóc, có thể thấy bé có thể làm được nhiều hành động, cụ thể như sau:

  • Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi dễ bị giật mình khi gặp phải các tiếng động lớn.
  • Bé nở nụ cười tự phát. Nụ cười chỉ mang tính phản xạ tự nhiên khi bé ngủ chứ chưa biểu lộ cảm xúc. 
  • Khua tay khua chân.
  • Nhìn chằm chằm hoặc theo dõi các vật thể ở cự ly gần.
  • Nhịp thở không đều.
  • Sinh hoạt hầu hết sẽ là ngủ và bé chỉ thức giấc khi đói hoặc đi vệ sinh.
Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi an toàn 1Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi phải thích nghi nhiều với môi trường sống bên ngoài bụng mẹ

Đặc điểm của trẻ trong 1 tuần đầu tiên sau sinh

Điều cần thiết ở trẻ sơ sinh chính là sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ. Bố mẹ cần theo dõi và nắm rõ các đặc điểm sau đây của trẻ trong 1 tuần đầu tiên sau sinh:

  • Về hô hấp: Bé sơ sinh 1 tuần tuổi thường có nhịp thở không đều. Lý do bởi vì phổi còn yếu và bé vẫn đang học cách thở. Đôi lúc bé sẽ có những cơn ngưng thở ngắn không quá 15 giây. Tuy nhiên, tình trạng này khá bình thường, mẹ không cần quá lo lắng. 
  • Về cân nặng: Theo chuyên gia, trong 1 tuần đầu tiên bé có thể bị sụt cân nặng 5 - 10% so với lúc mới sinh. Bé sẽ nhanh chóng lấy lại cân nặng sau đó. Thông thường, cân nặng của bé sẽ tăng khoảng 0,1 - 0,2 kg mỗi tuần trong những tháng đầu. 
  • Về thị lực: Bé chỉ có thể nhìn được các vật thể ở cự ly 20 - 25cm. Ví dụ như bé sẽ nhìn rõ mặt mẹ nhất khi bú. Ngoài ra, các tế bào mắt còn non nên bé chỉ nhìn được các sắc độ đen, trắng và xám. Đặc biệt, bé thường nhìn vào lông mày, chân tóc hoặc miệng, đôi mắt hay khuôn mặt của bạn. 
  • Về tiêu hóa: Trẻ sơ sinh có thể đi vệ sinh nhiều lần, phân thường có màu xanh đậm (phân su). Khi bé bú mẹ thì phân su sẽ dần chuyển hóa thành màu vàng. Thông thường, 1 em bé sơ sinh có thể đi vệ sinh 8 - 12 lần/ngày. 
  • Vàng da sau sinh: Hầu hết 60% các em bé xuất hiện tình trạng vàng da sau sinh từ 7 - 10 ngày. Tình trạng này sẽ tự khỏi và không có ảnh hưởng tiêu cực nào. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần theo dõi các dấu hiệu và tìm phương pháp điều trị nếu bé bị vàng da lâu ngày. 
  • Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi thường bú 60 - 90ml sữa mỗi ngày hoặc có thể hơn.
Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi an toàn 2Trong tuần đầu tiên sau chào đời, bé bắt đầu có những cử động chân tay

Các chỉ số quan trọng của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Trẻ sơ sinh được phân loại theo 3 cách sau:

  • Nhỏ đối với tuổi thai (SGA);
  • Trung bình so với độ tuổi dự kiến;
  • Lớn đối với tuổi thai (LGA).

Số đo về chiều cao và cân nặng của em bé phụ thuộc vào việc sinh đủ tháng hay thiếu tháng. Nếu em bé của bạn nhẹ cân quá sẽ dễ gặp phải các bệnh lý về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh. Nếu em bé thừa cân sẽ gặp nguy cơ béo phì, tim mạch, tiểu đường. 

Ở Việt Nam, trẻ sơ sinh có cân nặng trung bình từ 2,9 - 3,8kg. Nếu trẻ sinh đủ tháng (39 - 40 tuần 6 ngày), cân nặng khi sinh thấp ở mức dưới 2,5kg và cao ở mức trên 4kg. Bé trai có chiều cao trung bình là 49,9cm. Chiều cao trung bình của bé gái là 49,1cm. 

Theo nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, hầu hết trọng lượng của trẻ sơ sinh giảm khoảng 10% so với lúc sinh từ 3 - 4 ngày đầu tiên. Bé sẽ lấy lại được trọng lượng sau 7 - 10 ngày. Chu vi vòng đầu trung bình của bé gái 1 tuần tuổi khoảng 35cm và bé trai là 36cm.

Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Đối với trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, các mẹ cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc đúng cách. Dưới đây là những lưu ý cho mẹ trong tuần đầu tiên chào đời mẹ cần quan tâm. 

Dây rốn

Dây rốn là bộ phận quan trọng trong tuần đầu tiên chào đời của bé. Nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ gây nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thông thường, dây rốn sẽ tự rụng sau khoảng 1 tuần. Mẹ hãy giữ cho dây rốn sạch sẽ và khô ráo. Trước khi làm vệ sinh cuống rốn, mẹ phải vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc cồn 90 độ. Nếu dây rốn ướt và có dịch vàng hoặc có dấu hiệu viêm, mủ, mẹ hãy lau nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý 0,9% và bôi Betadine pha loãng tỷ lệ 1/10. Tuyệt đối không được dùng cồn để lau trực tiếp vào rốn của bé. 

Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi an toàn 3Mẹ giữ cho dây rốn của bé luôn khô ráo

Tắm cho bé

Nước tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn ở nhiệt độ thích hợp là 32 - 37,7 độ C. Mẹ đảm bảo nước không quá nóng, phòng tắm kín gió. Mẹ hãy cẩn thận, tránh làm ướt vùng rốn. Mẹ có thể sử dụng sữa tắm em bé xoa nhẹ nhàng lên cơ thể cho bé, không nên dùng nước lá cây vì có thể gây dị ứng. Sau khi tắm xong, dùng khăn khô mềm lau sạch sẽ và mặc quần áo. 

Khi tắm, mẹ có thể thấy có chất gây trắng bao phủ cơ thể bé. Tuy nhiên, đây là màng vernix bảo vệ da khi trong bụng mẹ nên hoàn toàn bình thường. Mẹ có thể nhẹ nhàng lau sạch sáp hoặc vernix sẽ tự thấm vào da sau một thời gian ngắn. Ngoài ra, do thay đổi môi trường sống khác với trong bụng mẹ, da trẻ có thể bị khô, nứt nẻ. Đây là tình trạng bình thường và không gây nguy hiểm cho bé. 

Thay tã lót

Trong những ngày đầu chào đời, em bé bài tiết phân su. Việc vệ sinh sạch sẽ và thay tã sẽ gặp khó khăn. Khi bé bắt đầu bú mẹ, phân sẽ chuyển từ xanh lá cây sang màu vàng tươi. Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi cần được thay tã nhiều hơn, khoảng 6 bỉm/ ngày. Mẹ hãy nhớ kiểm tra tã bỉm cho trẻ thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và sự thoải mái cho bé nhé. 

Cắt móng tay

Trẻ sơ sinh cần được cắt tỉa móng tay để ngăn ngừa trẻ tự mình cào xước lên mặt mũi, mắt miệng của bé. Mẹ hãy sử dụng bấm móng tay để cắt tỉa và cần người hỗ trợ giữ trẻ không cử động trong lúc cắt, hoặc sẽ cắt vào lúc bé đang ngủ.

Vỗ ợ hơi

Bạn nên vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi lần bú để tránh đầy hơi và khó chịu. Trẻ sơ sinh bú mẹ có thể không cần ợ hơi thường xuyên như bú bình vì bé hút ít khí hơn. Nhưng tùy vào thể trạng của từng em bé, mẹ hãy theo dõi thói quen ợ hơi của bé. Nếu thấy bé quấy khóc hoặc khó chịu sau khi ăn có thể bé đang cần ợ hơi mẹ nhé! 

Giấc ngủ của trẻ 

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi thường ngủ rất nhiều và vẫn theo quỹ đạo như trong bụng mẹ, thậm chí trẻ không ngủ vào ban đêm. Mẹ hãy kiên trì tập luyện cho giấc ngủ của bé vào cữ và tranh thủ ngủ cùng bé để tránh mệt mỏi. Theo nghiên cứu, trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 14 - 17 giờ mỗi ngày. Thậm chí, trẻ có thể ngủ gật khi ti mẹ. Mẹ hãy chú ý nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để đảm bảo bé ăn uống hiệu quả hơn. 

Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi an toàn 4Trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 14 - 17 tiếng/ngày

Trên đây là những lưu ý quan trọng dành cho mẹ khi chăm sóc em bé trong tuần đầu tiên sau chào đời. Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi gặp nhiều bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường sống so với trong bụng mẹ. Bố mẹ cần đặc biệt dành thời gian quan tâm, chăm sóc bé. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, bố mẹ hãy bình tĩnh và tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ nhé! 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com, Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin