Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Những thay đổi của mẹ và bé khi bầu 7 tháng

Ngày 07/05/2024
Kích thước chữ

Giai đoạn thai kỳ, nhất là khi bầu 7 tháng là thời kỳ mẹ và bé có nhiều thay đổi cần quan tâm và chăm sóc hơn. Bài viết này sẽ đem lại cho bạn thông tin cụ thể hơn về những thay đổi nói trên!

Thời kỳ mang thai được xem là một trong những giai đoạn nhạy cảm và yếu ớt nhất của người phụ nữ bởi những thay đổi và chuyển biến liên tục của cơ thể và tâm lý do sự phát triển của thai nhi trong bụng. Cụ thể đó là những thay đổi gì và có điểm gì cần đặc biệt lưu ý hay không, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Những thay đổi ở thai nhi khi bầu 7 tháng

Ở giai đoạn thai kỳ tháng thứ 7, em bé trong bụng mẹ đang lớn dần và có nhiều sự phát triển đáng kể hơn như:

  • Phát triển hệ thống phổi, phổi bắt đầu hoạt động.
  • Não cũng phát triển hơn, myelin bao bọc tất cả các sợi thần kinh.
  • Ruột, gan và thận ở giai đoạn này đã có thể tự chủ và xử lý phần nước ối mà em bé nuốt vào một cách hiệu quả.
  • Có thể định hình về khẩu vị rằng có yêu thích đồ ngọt hay không.
  • Phát triển các cơ quan sinh dục: Ở bé gái đã bắt đầu hình thành sự dự trữ tế bào trứng; ở bé trai, tinh hoàn đã đi xuống thành bao.
  • Phát triển về các giác quan: Mặc dù còn trong bụng mẹ nhưng ở tháng thứ 7 em bé đã có thể cảm nhận được tiếng động, giọng nói bên ngoài bụng mẹ và tuyệt vời hơn cả là bé có sự kết nối với mẹ cụ thể là cảm nhận được cảm xúc của mẹ.
  • Mắt của em bé ở giai đoạn bầu 7 tháng cũng đã phát triển hoàn thiện và có thể mở mắt.
  • Hình thành mô mỡ dưới da: Ở tháng thứ 7 cũng thai kỳ, các mô mỡ hình thành dưới da và điều này sẽ dễ dàng được nhận ra khi hình dáng của em bé ngày càng ít nếp nhăn hơn.
  • Phát triển về trọng lượng: Khi bầu được 7 tháng, trung bình một em bé có thể nặng khoảng 900 gam đến 1 ký 350 gam và dài khoảng 38cm.
  • Tiếp tục có những hành động đạp bụng, vươn vai trong bụng mẹ.
  • Vị trí nằm: Ở thời điểm 7 tháng, cận với tháng sinh, em bé có thể đang nằm thẳng và hướng đầu về phía tử cung.
Những thay đổi của mẹ và bé khi bầu 7 tháng 1
Ở tháng thai thứ 7 em bé đã dần hoàn thiện các cơ quan

Những thay đổi ở mẹ khi bầu 7 tháng

Song song với sự phát triển của thai nhi, ở giai đoạn bầu 7 tháng, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi rõ ràng hơn so với những tháng thai kỳ trước, có thể kể đến một số thay đổi chung của các mẹ bầu 7 tháng như:

  • Tăng cân: Mỗi tuần trung bình mẹ tăng 400g, đây là một con số đáng kể hơn so với những tháng thai kỳ trước đó.
  • Bị đau, gò và co thắt: Bắt đầu xuất hiện những cơn đau, co thắt nhẹ do bụng dưới lớn hơn và nặng nề hơn.
  • Xuất hiện tình trạng khó thở, trào ngược axit: Do tử cung đã phát triển trở lại và nhô cao về phía cơ hoành nên mẹ gặp tình trạng khó thở và trào ngược axit,...
  • Khó khăn hơn trong việc đi lại: Do sự phát triển của thai nhi đã chèn ép lên bàng quang và chân của mẹ bầu.
  • Bị đau thắt lưng: Do áp lực từ cân nặng và sự phát triển của thai nhi khiến bụng bầu lớn hơn làm mẹ bị đau thắt lưng
  • Thân nhiệt cao hơn: Mẹ bầu 7 tháng có thể sẽ thấy nóng ngay cả khi thời tiết có phần hơi lạnh. Một số mẹ còn bị đổ mồ hôi và cảm thấy khó thở do sự trao đổi chất trong cơ thể mẹ tăng lên, điều này kéo theo nhiệt độ cơ thể mẹ cũng tăng lên.
  • Đi tiểu nhiều hơn: Thai nhi càng lớn thì càng tạo áp lực cho bàng quang dẫn đến mẹ hay mắc tiểu và phải đi tiểu nhiều hơn.
  • Có sự thay đổi ở ngực: Ngực nặng hơn, mềm mại hơn, các mạch máu xuất hiện nhiều hơn, đầu ti sậm màu hơn và bắt đầu xuất hiện sữa son.
  • Chân tay bị sưng phù: Do sự tăng cung cấp máu nên tăng chân mẹ bắt đầu bị sưng phù.
  • Thay đổi tâm trạng: Tâm trạng thất thường, dễ lo lắng và bất an.
Những thay đổi của mẹ và bé khi bầu 7 tháng 2
Tháng bầu thứ 7 cơ thể mẹ có nhiều thay đổi do sự phát triển của thai nhi

Một số lưu ý cho mẹ bầu 7 tháng

Thời điểm bầu 7 tháng có thể được xem là chặng đường gần đến đích của mẹ bầu do đó mẹ bầu cần chú ý nhiều điều hơn trong sinh hoạt. Dưới đây là một số lưu ý dành cho mẹ bầu 7 tháng tuổi:

  • Mẹ nên đi khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện bất cứ sự thay đổi hoặc vấn đề nào xảy ra với mẹ và bé.
  • Tình trạng tay chân sưng phù nề gặp phải ở mẹ bầu là điều bình thường tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra một cách bất thường hay quá nghiêm trọng hoặc đi kèm với triệu chứng nhức đầu thì mẹ bầu nên nhanh chóng đi kiểm tra huyết áp để loại trừ bất cứ nghi ngờ nào về tiền sản giật (đât là một biến chứng nguy hiểm của thai kỳ).
  • Nếu mẹ bầu 7 tháng bị cảm hoặc sốt nghiêm trọng thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức vì điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến em bé trong bụng mẹ.
  • Nếu bị ngứa bất thường và dữ dội ở lòng bàn tay và lòng bàn chân thì mẹ bầu cũng cần nhanh chóng đi kiểm tra bởi đây có thể là dấu hiệu của ứ mật thai kỳ (một biến chứng hiếm gặp ở giai đoạn thai kỳ)
  • Nếu mẹ bầu 7 tháng gặp tình trạng chảy máu âm đạo phải ngay lập tức đưa đi cấp cứu vì đây có thể là dấu hiệu bong nong một phần hoặc nhau tiền đạo.
  • Ở những tháng cuối thai kỳ, khi nằm mẹ bầu nên nằm nghiêng về phía trái để tránh không chèn ép động mạch chủ và tĩnh mạch chủ.
  • Để duy trì tinh thần cũng như sức khỏe ổn định và khỏe mạnh mẹ bầu 7 tháng cũng nên tập các thể dục, yoga nhẹ nhàng, phù hợp với mẹ bầu.
  • Cuối cùng, để đảm bảo mẹ và bé cùng phát triển ổn định và tốt nhất, chế độ dinh dưỡng đủ chất và phù hợp là điều cực kỳ cần thiết.
Những thay đổi của mẹ và bé khi bầu 7 tháng 3
Mẹ bầu nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ thay đổi nào của cơ thể

Bầu 7 tháng nên bổ sung chất gì để tốt cho mẹ và bé

Như đã nói ở trên, với mẹ bầu 7 tháng thì việc cung cấp dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết và quan trọng. Vậy bầu 7 tháng nên bổ chất gì và chọn thực phẩm nào để tốt cho cả mẹ và bé?

  • Bổ sung vitamin C: Có thể chọn ăn cải bó xôi, thịt bò, trứng, rau xanh,... đây là những thực phẩm giàu vitamin C.
  • Bổ sung magie: Yến mạch, lúa mạch, đậu đen, hạnh nhân, hạt bí ngô,... là những thực phẩm giàu magie mà mẹ bầu có thể chọn.
  • Bổ sung canxi: Nói đến bổ sung canxi thì không thể không kể đến các thực phẩm như: Trứng, sữa, phô mai, hải sản,..
  • Bổ sung chất xơ: Để cải thiện hệ tiêu hóa cho mẹ bầu 7 tháng cũng như tốt cho sức khỏe của mẹ và bé thì điều tất yếu là phải bổ sung chất xơ. Mẹ có thể chọn ăn các loại trái cây như táo, ổi, kiwi và các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Bổ sung acid béo omega-3: Các thực phẩm như: Hải sản, trứng hay quả óc chó là lựa chọn tốt để mẹ bổ sung acid béo omega-3 cho cơ thể.
Những thay đổi của mẹ và bé khi bầu 7 tháng 4
Mẹ bầu 7 tháng cần bổ sung nhiều loại hạt dinh dưỡng

Và đó là những chia sẻ xoay quanh sự thay đổi của mẹ và bé ở giai đoạn bầu 7 tháng. Mong rằng những thông tin trên hữu ích với bạn, chúc các bạn trải qua giai đoạn thai kỳ thuận lợi và khỏe mạnh! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Mang thai