Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào? Bạn cần chuẩn bị những gì?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhau tiền đạo là yếu tố nguy cơ chính gây xuất huyết sau sinh và có thể dẫn đến bệnh tật hoặc tử vong cho người mẹ và trẻ sơ sinh. Tình trạng này cản trở người mẹ sinh con qua đường âm đạo an toàn và đòi hỏi cần phải sinh mổ. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán nhờ siêu âm định kỳ thai hoặc do chảy máu âm đạo. Nhau tiền đạo có thể gây biến chứng xuất huyết sau sinh không kiểm soát, điều này dễ dẫn đến việc phải cắt bỏ tử cung hoặc tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhau tiền đạo là gì?

Nhau tiền đạo (hay rau tiền đạo) là tình trạng nhau thai che kín một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung trong những tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này có thể gây chảy máu nghiêm trọng trước hoặc trong thời kỳ chuyển dạ.

Nhau thai phát triển trong tử cung của người mang thai giúp cung cấp thức ăn và oxy cho thai nhi phát triển và loại bỏ các chất thải từ máu của thai nhi. Khi có thai, tử cung sẽ giãn ra và phát triển, nhau thai thường ở vị trí thấp trong tử cung. Khi thai nhi phát triển, nhau thai sẽ di chuyển ra xa cổ tử cung lên phía trên của tử cung.

Đến tam cá nguyệt thứ ba, nhau thai sẽ ở gần đỉnh tử cung giúp tạo một đường thông thoáng để sinh nở dễ dàng. Tuy nhiên, nếu nhau thai bám vào phần dưới của tử cung sẽ che phủ một phần hoặc toàn bộ lỗ cổ tử cung trong những tháng cuối, được gọi là nhau tiền đạo.

Tùy theo vị trí bám của nhau thai mà nhau tiền đạo được chia thành:

  • Nhau bám thấp: Bánh nhau nằm ở vị trí thấp của tử cung nhưng cách xa lỗ trong cổ tử cung.
  • Nhau bám mép: Bánh nhau bám ở gần lỗ trong cổ tử cung nhưng không che lấp nó. Loại nhau tiền đạo này có thể sẽ tự biến mất trước ngày sinh.
  • Nhau tiền đạo một phần: Bánh nhau che phủ một phần lỗ trong cổ tử cung. bạn vẫn có thể sinh qua ngã âm đạo nếu mắc loại này.
  • Nhau tiền đạo toàn phần: Bánh nhau che phủ toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Bạn bắt buộc phải sinh mổ trong trường hợp này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhau tiền đạo

Triệu chứng chính của nhau tiền đạo là chảy máu âm đạo đột ngột từ nhẹ đến nặng. Bất kỳ dấu hiệu chảy máu nào cũng có thể báo hiệu bất thường của nhau thai và cần được kiểm tra. Các triệu chứng có thể gặp:

  • Chuột rút hoặc co thắt ở bụng, hông, lưng;
  • Chảy máu âm đạo sau đó hết và chảy máu lại sau đó vài ngày hoặc vài tuần;
  • Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ;
  • Chảy máu âm đạo ở nửa sau của thai kỳ.

Chảy máu âm đạo có thể khác nhau ở mỗi người và thường không kèm cơn đau nào.

NHAU TIỀN ĐẠO 4.gif
Chảy máu âm đạo là triệu chứng của bệnh

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nhau tiền đạo

Nếu bạn có nhau tiền đạo sẽ gây ra những rủi ro cho cả bạn và con bạn. Các biến chứng do nhau tiền đạo gây ra gồm:

Đối với người mẹ

  • Băng huyết sau sinh: Là khi lượng máu mất lớn hơn hoặc bằng 1000ml kèm theo các triệu chứng và dấu hiệu do mất máu nhiều trong vòng 24 giờ sau sinh. Chảy máu nghiêm trọng có thể xảy ra khi mang thai, chuyển dạ hoặc khi sinh. Điều này nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ vì nếu không điều trị kịp thời người mẹ có thể tử vong vì mất máu quá nhiều.
  • Mất máu: Thiếu máu, huyết áp thấp, da nhợt hoặc khó thở đều là những triệu chứng xuất hiện sau khi mất máu quá nhiều.
  • Nhau cài răng lược: Nhau thai bám sâu trong thành tử cung của bạn. Tình trạng này có thể gây chảy máu nghiêm trọng sau sinh cho người mẹ.
  • Nhau bong non: Nhau thai tách khỏi tử cung sớm trước khi em bé chào đời. Tình trạng này làm giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi, làm mẹ chảy máu nghiêm trọng. Việc này khiến bạn phải được sinh mổ cấp cứu để lấy thai ra.

Đối với trẻ

  • Sinh non: Nếu bạn bị chảy máu quá nhiều, bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai cấp cứu trước khi bé đủ tháng.
  • Cân nặng khi sinh thấp: Khó giữ ấm và khó tăng cân là những tác động tiềm ẩn của cân nặng khi sinh thấp.
  • Các vấn đề về hô hấp: Trẻ sinh sớm khi chưa đủ tháng làm phổi chưa phát triển đủ, khiến việc hô hấp trở nên khó khăn.
NHAU TIỀN ĐẠO 5.gif
Sinh non là biến chứng nguy hiểm cho trẻ và ảnh hưởng sự phát triển của trẻ sau này

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào bạn có tình trạng chảy máu âm đạo khi đang mang thai hãy đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhau tiền đạo

Nguyên nhân chính của nhau tiền đạo vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ với tình trạng tổn thương nội mạc tử cung và sẹo tử cung. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhau tiền đạo?

  • Mang thai khi trên 35 tuổi;
  • Thai phụ mang thai đôi hoặc ba;
  • Người hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện trong thời gian mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhau tiền đạo

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển nhau tiền đạo, bao gồm tiền sử bệnh và một số thói quen sinh hoạt như:

  • Vị trí bất thường của thai nhi như ngôi mông hoặc nằm ngang;
  • Tiền sử phẫu thuật liên quan đến tử cung như mổ lấy thai, phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung, hút và nạo tử cung;
  • Tiền sử sảy thai;
  • Nhau thai lớn;
  • Tử cung có hình dạng bất thường;
  • Sinh con nhiều lần;
  • Tiền sử đã từng được chẩn đoán nhau tiền đạo.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhau tiền đạo

Kiểm tra sức khỏe

Thông thường, những dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của nhau tiền đạo sẽ xuất hiện khi siêu âm thai định kỳ vào tuần thứ 20. Tuy nhiên đây chưa chắc bạn sẽ bị nhau tiền đạo ở tam cá nguyệt thứ ba vì nhau thai thường tự sửa chữa vì nhau thai thường ở vị trí thấp trong những tuần đầu của thai kỳ.

Gần 90% nhau thai được chẩn đoán nằm thấp ở tử cung sẽ biến mất trong tam cá nguyệt ba. Do đó cần siêu âm theo dõi nhau tiền đạo ở tuần thứ 28 đến 32 của thai kỳ. Tại thời điểm siêu âm cũng cần đánh giá xem bạn có nhau cài răng lược hay không vì đây là cũng là tình trạng xuất huyết âm đạo nguy hiểm cần phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Nếu bạn có tình trạng chảy máu âm đạo ở nửa sau của thai kỳ, các bác sĩ sẽ theo dõi vị trí của nhau thai bằng cách:

Siêu âm qua ngã âm đạo

Đầu dò siêu âm được đặt vào bên trong âm đạo để nhìn được bên trong âm đạo và cổ tử cung. Đây là phương pháp tốt nhất và được lựa chọn nhiều nhất hiện nay giúp chẩn đoán chính xác vị trí nhau tiền đạo.

NHAU TIỀN ĐẠO 6.gif
Siêu âm qua ngã âm đạo là phương tiện giúp chẩn đoán chính xác nhau tiền đạo

Siêu âm qua thành bụng

Đầu dò siêu âm được đặt lên vùng bụng và di chuyển quanh bụng để xem các cơ quan ở vùng chậu. Hình ảnh được hiển thị trên màn hình.

Được ưu tiên trên người bệnh có biểu hiện chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt hai hoặc tam cá nguyệt trước khi chỉ định siêu âm ngã âm đạo để tránh tổn thương âm đạo gây chảy máu thêm.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp MRI giúp xác định chính xác vị trí của nhau thai. MRI hữu ích trong các trường hợp nhau tiền đạo phía sau hoặc đánh giá khả năng xâm lấn bàng quang. Tuy nhiên phương pháp này tốn kém và chưa được chứng minh là mang lại lợi ích hơn so với siêu âm.

Phương pháp điều trị nhau tiền đạo

Sau khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào:

  • Lượng máu chảy: Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến điều trị;
  • Thời gian mang thai của bạn;
  • Tình trạng sức khỏe của thai nhi;
  • Vị trí của bánh nhau và thai nhi.

Theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người mẹ và thai nhi cần được thực hiện ngay sau khi được chẩn đoán thai tiền đạo. Xét nghiệm nhóm máu và chuẩn bị sẵn máu để truyền khi cần thiết.

Chảy máu âm đạo lượng ít hoặc không chảy máu

Đối với những trường hợp chảy máu âm đạo ít hoặc không chảy máu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nghỉ ngơi. Tức là bạn không được tác động vào âm đạo trong thời kỳ mang thai để ngăn ngừa biến chứng.

Bạn cần tránh quan hệ tình dục và tập thể dục. Nếu như bạn đột ngột chảy máu nhiều hơn hãy tìm đến các cơ sở y tế.

Chảy máu âm đạo lượng nhiều

Nếu bạn chảy máu âm đạo nhiều, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên sinh mổ khi có thể, thường là sau 36 tuần, tình trạng sức khỏe của thai nhi và thai phụ tốt. Nếu bạn quyết định sinh mổ, thai nhi có thể được tiêm corticosteroid để kích thích phổi phát triển nhanh hơn và magie sulfat để bảo vệ thần kinh thai nhi.

Chảy máu âm đạo không kiểm soát

Trong trường hợp bạn gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo ồ ạt, không thể kiểm soát được, bác sĩ sẽ thực hiện mổ lấy thai cấp cứu. Truyền máu liên tục để giữ tính mạng, cung cấp máu và oxy cho các cơ quan của cơ thể hoạt động bình thường.

NHAU TIỀN ĐẠO 7.gif
Truyền máu là chỉ định điều trị cần thiết khi bạn có tình trạng mất máu nhiều

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhau tiền đạo

Chế độ sinh hoạt:

Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, đó có thể là điều báo động cho những người làm cha mẹ. Dưới đây là một số điều cần lưu ý giúp bạn chuẩn bị và có thể ứng phó cho việc sinh nở:

  • Tìm hiểu kỹ về nhau tiền đạo: Hãy hỏi thăm những bà mẹ có nhau tiền đạo đã trải qua quá trình sinh con.
  • Chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh mổ: Tùy thuộc vào loại nhau tiền đạo, bạn có thể phải sinh mổ. Hãy nhớ rằng mục tiêu là sức khỏe của bạn và con.
  • Nghỉ ngơi: Việc nghỉ ngơi là rất quan trọng, đặc biệt là nghỉ ngơi cho phần chậu. Không làm việc nặng hay bưng bê các vật nặng.
  • Nằm trên giường, giảm hoạt động, tránh quan hệ tình dục là bắt buộc.
  • Tìm kiếm những việc nhẹ nhàng giúp bạn thư giãn và giải trí khi buồn chán như viết thư, làm một album ảnh, đọc sách.
  • Nuông chiều bản thân: Hãy tận hưởng và yêu thương bản thân bạn như mua một bộ đồ mới thoải mái, đọc một cuốn sách hay, xem những chương trình yêu thích,...
  • Hãy dựa dẫm vào bạn bè và gia đình để trò chuyện và hỗ trợ trong mọi việc hàng ngày.
  • Giữ tinh thần tích cực, lạc quan; bạn có thể lựa chọn yoga hay thiền.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé.
  • Không hút thuốc lá.

Phương pháp phòng ngừa nhau tiền đạo hiệu quả

Không có cách nào để ngăn ngừa nhau tiền đạo. Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, hãy khám thai định kỳ và siêu âm để theo dõi sự di chuyển của nhau thai, đặc biệt là từ tuần thứ 28 đến tuần 32 của thai kỳ. Điều này giúp bác sĩ điều trị có thể tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn, tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo dõi các triệu chứng của nhau tiền đạo và các triệu chứng cũng như dấu hiệu báo động của biến chứng. Đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu nghi ngờ có bất thường của bản thân và thai nhi.

Nguồn tham khảo
  1. Placenta Previa: https://www.healthline.com/health/placenta-previa
  2. Placenta Previa: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539818/
  3. Placenta previa: Types, prevention, and diagnosis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/placenta-previa
  4. Placenta Previa: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24211-placenta-previa 
  5. Placenta previa - Symptoms & causes: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/placenta-previa/symptoms-causes/syc-20352768

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư nội mạc tử cung

  2. Nang đơn thận

  3. Bệnh động mạch chủ

  4. Tắc sữa

  5. tiểu đường không phụ thuộc insulin

  6. Say nắng

  7. Ung thư hạch

  8. Ung thư tủy

  9. Suy tim sung huyết

  10. Hạ đường huyết tiểu đường