Những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe thường gặp ở các bạn trẻ
Ngày 28/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ai trong chúng ta cũng có những thói quen xấu mà những thói quen này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Cùng chúng tôi tìm hiểu về tác hại của thói quen xấu và cách thay đổi những thói quen này nhé.
Hiện nay mọi người thường có xu hướng tìm kiếm những giải pháp, những cách thức để bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhưng chúng ta lại vô tình để những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe thường gặp hiện nay.
Tác hại của thói quen xấu
Thói quen xấu là những hành vi, hành động được thực hiện thường xuyên trở thành phản ứng gần như tự động mà những hành vi này có tác động tiêu cực đến bạn thì được xem là thói quen xấu. Đặc điểm của thói quen xấu bao gồm tác động tiêu cực đến sức khỏe bao gồm cả giảm sức đề kháng, tăng khả năng mắc các bệnh hoặc các vấn đề về sức khỏe, gây áp lực cả về tinh thần như lo âu, căng thẳng,... và ảnh hưởng đến hệ thống xử lý cảm xúc và đưa ra các quyết định.
Những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe thường gặp
Hiện nay không khó gặp những thói quen xấu ở giới trẻ mà đôi khi chính bản thân bạn cũng không nhận ra. Dưới đây là một số thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe thường gặp như:
Thường xuyên ngủ trễ, ngủ không đủ giấc
Ngủ trễ, ngủ không đủ giấc là vấn đề lớn đối với hầu hết các bạn trẻ và người bận rộn với công việc. Ngủ trễ, ngủ không đủ giấc khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng dẫn đến suy giảm trí nhớ, đau đầu, mệt mỏi. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến mắc chứng rối loạn thần kinh, căng thẳng, lo âu. Không chỉ vậy, ngủ trễ cũng là nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa bị tác động bởi ban đêm là thời gian hệ tiêu hóa nghỉ ngơi và tái tạo niêm mạc dạ dày, vì vậy nếu bạn thường xuyên thức khuya sẽ khiến hệ tiêu hóa không được nghỉ ngơi và trở nên suy yếu. Ngoài những tác động tiêu cực nói trên, ngủ trễ, ngủ không đủ giấc sẽ khiến cơ thể bị rối loạn nội tiết, suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến làn da và suy giảm thị lực.
Nghe âm thanh với cường độ cao
Hiện nay nhiều bạn trẻ thường xuyên nghe âm thanh với cường độ cao vượt mức an toàn cho người nghe. Theo các chuyên gia cho biết, chúng ta nên duy trì cường độ âm thanh là 60dB là mức phù hợp, tuy nhiên nếu bạn sử dụng tai nghe thì có thể tăng lên đến 75dB. Ngoài ra, việc sử dụng tai nghe hàng giờ đồng hồ mỗi ngày sẽ khiến tai không thông thoáng, màng nhĩ bị ảnh hưởng lâu ngày sẽ khiến bạn gặp phải tình trạng mất thính giác hoặc thậm chí là mô não bị phá hủy từ đó khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thường xuyên ít vận động
Bạn thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động cũng là một trong những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Ít vận động khiến bạn gặp nguy cơ cao mắc bệnh béo phì và có thể gặp tình trạng mất canxi khi về già. Bệnh béo phì có thể có nguy cơ phát triển thành các bệnh như tiểu đường type 2, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, viêm khớp, xơ vữa động mạch hoặc ngưng thở khi ngủ.
Bỏ ăn sáng
Hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều có thói quen bỏ ăn sáng bởi nhiều lý do như không đủ thời gian hoặc cảm thấy không đói sau khi ngủ dậy. Tuy nhiên việc bỏ ăn sáng thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta. Bỏ ăn sáng sẽ khiến chúng ta có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày, suy giảm miễn dịch, lão hóa nhanh hoặc nguy cơ cao mắc bệnh béo phì,...
Hút thuốc lá
Vì nhiều lý do khiến các bạn trẻ hiện nay lựa chọn các chất kích thích để giải tỏa bản thân trong đó có việc sử dụng thuốc lá. Hút thuốc lá thường xuyên khiến cơ thể bạn tiếp xúc nhiều với nicotin gây hại đến sức khỏe. Không chỉ vậy, người hít phải khói thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Việc hút thuốc lá hoặc ngửi khói thuốc thường xuyên sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, lao phổi, bệnh tim, đột quỵ,...
Thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn
Đối với những người tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày thường có nguy cơ mắc bệnh thận, bệnh gan, các vấn đề về hệ tiêu hóa cũng như mắc bệnh tim mạch, tổn thương xương hay thậm chí bị ung thư cao hơn so với những người không thường xuyên tiêu thụ đồ uống có cồn.
Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh là thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe thường gặp. Ăn quá nhanh không chỉ khiến bạn không kịp thưởng thức hương vị món ăn mà còn khiến thức ăn chưa đủ nghiền nát làm dạ dày phải tốn nhiều thời gian để tiêu hóa. Lâu dần dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Ngoài ra, khi ăn quá nhanh, nuốt vội khiến thức ăn khó di chuyển qua đường tiêu hóa, dinh dưỡng khó được hấp thu và dễ chướng bụng sau khi ăn.
Làm nhiều việc cùng một lúc
Hiện nay hầu hết chúng ta sử dụng điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi. Chúng ta thường nhắn tin lúc đang đi bộ, kiểm tra email khi đang đi làm, đọc tin tức hoặc nghe podcast khi đang xếp hàng. Chúng ta có xu hướng làm nhiều việc cùng một lúc nhưng đây lại là thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Làm nhiều việc cùng một lúc không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà còn khiến bạn bị suy giảm trí nhớ, khiến não bộ hoạt động kém hơn.
Một số cách thay đổi những thói quen xấu
Việc hình thành một thói quen xấu không khó nhưng để thay đổi chúng không hề đơn giản. Sau đây là một số cách thay đổi những thói quen xấu mà bạn có thể tham khảo như:
Xác định yếu tố kích hoạt: Yếu tố kích hoạt các thói quen xấu là điểm đầu tiên hình thành thói quen xấu. Hãy dành thời gian theo dõi các thói quen xấu của bạn để xem chúng có xuất phát theo khuôn mẫu nào không.
Tập trung vào lý do bạn muốn thay đổi chúng: Hãy xem xét lý do vì sao bạn cần từ bỏ những thói quen xấu và lợi ích bạn nhận được khi thay đổi chúng là gì. Theo nghiên cứu năm 2012 cho thấy có thể dễ dàng thay đổi hành vi khi những thay đổi đó mang đến cho bạn giá trị hoặc có lợi hơn.
Nhờ bạn bè hoặc người thân trợ giúp: Nếu bạn của bạn hoặc người thân của bạn cùng muốn thay đổi những thói quen xấu thì hãy thực hiện cùng nhau, điều đó sẽ tạo động lực hơn rất nhiều cho bạn.
Thay thế bằng thói quen khác: Việc lặp đi lặp lại hành vi mới thì xung động tuân theo thói quen mới sẽ phát triển. Ví dụ bạn có thói quen ăn kẹo trong lúc làm việc, đôi khi bạn không đủ nghị lực để từ bỏ thói quen trong lúc đói. Thay vào đó bạn hãy đổi từ kẹo ngọt sang một ít loại hạt hoặc bánh ăn kiêng vẫn tốt hơn sử dụng kẹo, tuy nhiên đừng sử dụng chúng quá nhiều nhé.
Để lời nhắc cho chính bản thân mình: Sử dụng giấy ghi nhớ, nhãn dán hoặc lời nhắc trực quan ở bất cứ nơi nào diễn ra thói quen xấu đều có thể giúp bạn suy nghĩ lại về hành động của mình.
Thay đổi môi trường: Môi trường xung quanh là yếu tố tác động rất lớn đến bản thân bạn vì vậy để thay đổi thói quen xấu đòi hỏi bạn phải thay đổi môi trường xung quanh mình.
Từ những việc như bỏ ăn sáng hoặc thường xuyên ngủ trễ,... đều có thể trở thành những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Hy vọng thông tin trong bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn về tác hại của thói quen xấu đối với sức khỏe cũng như cách thay đổi thói quen xấu. Điều chỉnh những điều nhỏ nhặt nhất cũng đủ để cải thiện, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe chúng ta ngày càng tốt hơn. Hãy cùng theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật nhiều thông tin hơn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.