Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Chỉ cần sai phạm một trong những thói quen xấu dưới đây sẽ khiến tóc yếu dễ rụng hơn. Chính vì thế, bạn nên hạn chế mắc phải những lỗi lầm này khi chăm sóc mái tóc của mình.
Gội đầu không đúng cách là một trong những nguyên nhân khiến tóc yếu dễ gãy rụng. Theo nhiều chuyên gia về tóc, để sở hữu một mái tóc bóng mượt, chắc khỏe, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, lối sống lành mạnh, bạn còn phải biết chăm sóc tóc đúng cách. Bài viết này sẽ chỉ ra một số thói quen xấu làm cho tóc yếu và dễ rụng nhiều mà bạn nên từ bỏ ngay.
Nhiều người cho rằng gội đầu bằng nước nóng sẽ làm sạch da đầu tốt hơn và ít bị cảm lạnh. Thế nhưng, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, có hại cho da đầu và tóc. Nước nóng có nhiệt độ cao sẽ dễ làm bong tróc lớp niêm mạc da đầu, làm mất độ ẩm của tóc. Ngoài ra, khi thường xuyên gội đầu bằng nước nóng, nang tóc sẽ bị yếu, chân tóc sẽ khó bám chắc vào da dầu. Từ đó, tóc yếu và dễ gãy rụng hơn.
Vì thế, bạn tuyệt đối đừng bao giờ dùng nước nóng để gội đầu. Trong trường hợp tắm trễ hoặc khi thời tiết lạnh, bạn có thể dùng nước ấm để gội. Nhiệt độ nước hợp lý sẽ giúp làm sạch bụi bẩn, bã nhờn trên tóc, đồng thời đảm bảo cho mái tóc không bị hư tổn, các chất dinh dưỡng từ dầu xả sẽ dễ thẩm thấu vào tóc hơn.
Một thói quen xấu mà nhiều chị em mắc phải dễ khiến tóc yếu gãy rụng là cho dầu gội trực tiếp lên tóc. Thực tế trong thành phần của dầu gội chứa nhiều hóa chất, nếu không được pha loãng với nước mà trực tiếp đổ lên tóc thì sẽ dễ khiến da đầu bị kích ứng, dẫn đến tóc yếu dần đi.
Bên cạnh đó, dầu gội chưa được tạo bọt xà phòng sẽ bị giảm tác dụng làm sạch bụi bẩn, bã nhờn. Thói quen đổ trực tiếp dầu gội lên tóc còn khiến bạn khó làm sạch hết phần dầu gội còn sót lại, về lâu dài sẽ không tốt cho tóc và da đầu.
Dầu xả giúp tóc mềm mượt hơn, bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cần thiết cho tóc. Thế nhưng, bạn nên thoa dầu xả cách chân tóc cách một khoảng, không nên bôi sát chân tóc. Việc dùng dầu xả sát chân tóc sẽ dễ làm cho da đầu bị ẩm quá mức, dẫn đến tình trạng tóc yếu và rụng nhiều hơn.
Ngoài ra, dùng dầu xả sát chân tóc còn dễ làm cho da đầu bị bết dính, bám bụi nhiều, sinh ra gàu. Vì thế, dầu xả chỉ cần thoa lên phần thân và đuôi tóc là được, hạn chế thoa dầu xả lên chân tóc. Đặc biệt, để tránh tóc ẩm quá mức dẫn đến dễ bết dính vào ngày hôm sau, bạn nên dùng nước làm sạch tóc sau khi đã ủ tóc bằng dầu xả trước đó.
Gội đầu là cách để làm sạch bụi bẩn, loại bỏ bã nhờn trên tóc và da đầu. Thế nhưng, điều gì làm nhiều quá cũng không tốt. Gội đầu nhiều lần trong tuần cũng sẽ khiến da dầu dễ tổn thương, tóc yếu dễ rụng hơn.
Khi bạn gội đầu mỗi ngày, lớp màng bảo vệ và làm ẩm da đầu sẽ bị hao hụt đi. Da đầu phải tiết ra nhiều dầu hơn để cân bằng lại độ ẩm. Nếu không thì da đầu sẽ dễ bị khô và nang tóc sẽ khó giữ chặt được sợi tóc. Chính vì thế, mỗi tuần bạn chỉ nên gội đầu 2 đến 3 lần. Trong trường hợp tóc dễ bị bết dính do mồ hôi, bạn có thể cách ngày gội một lần.
Tuy rằng chải đầu là một trong những cách massage da đầu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu, nhưng thói quen chải đầu khi tóc còn ướt lại là việc không tốt cho da đầu và tóc. Khi tóc còn ướt, nang tóc nở to nên chân tóc sẽ không bám chặt vào da đầu. Khi bạn chải đầu, tác động lực mạnh sẽ khiến cho tóc sẽ rất dễ bị gãy rụng.
Cách tốt nhất là bạn nên để cho tóc khô tự nhiên hoàn toàn sau đó mới dùng lược răng thưa để chải đầu. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng máy sấy để làm khô tóc. Nhiệt độ cao từ máy sấy cũng là nguyên nhân làm tóc yếu, khô xơ và gãy rụng nhiều.
Trên đây là một số thói quen làm tóc yếu dễ rụng mà bạn nên từ bỏ ngay từ bây giờ. Sở hữu một mái tóc chắc khỏe, bồng bềnh không khó, bạn chỉ cần tránh xa những sai lầm này, kết hợp tăng cường thực phẩm tốt cho tóc và xây dựng lối sống lành mạnh, uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ,... Chúc bạn sẽ sớm cải thiện được tình trạng tóc gãy rụng nhiều để tìm lại mái tóc suôn mượt như trước đây.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng Hợp
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh
Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.