Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những thông tin ba mẹ cần biết về bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh

Ngày 12/08/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rôm sảy, vàng da, chàm sữa, da bé bị nổi hạt sần sùi,… là những bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh. Mặc dù hầu hết các bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh đều không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các bậc cha mẹ vẫn cần chú ý và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của trẻ về sau.

Làn da còn rất yếu và mỏng manh của trẻ sơ sinh thường rất dễ mắc các bệnh ngoài da. Các bệnh da liễu ở trẻ sơ sinh nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng kéo dài cho đến khi trưởng thành. Dưới đây là những thông tin ba mẹ cần biết về các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Những bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường mắc phải

Hăm tã ở trẻ sơ sinh

Hăm tã thường gặp ở những trẻ mặc tã cả ngày khi trẻ ra nhiều mồ hôi, nước tiểu đọng lại lâu trong tã bị bịt kín khiến da bị tổn thương. Hăm tã gây ngứa ngáy, càng gãi da càng trầy xước, thường nổi mẩn đỏ xuất hiện ở vùng da có nhiều nếp gấp và mông của bé. Vùng da bị phát ban có cảm giác ấm hơn so với các vùng da khác khiến bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc. Nếu da có vết loét thì cần đưa trẻ đi khám. 

Cách phòng tránh hăm tã cho bé:

  • Vệ sinh kỹ càng, sạch sẽ sau mỗi lần bé đi vệ sinh xong, mẹ nên vệ sinh “vùng kín” cho bé bằng nước ấm, sau đó dùng khăn bông mềm lau khô. Mẹ có thể dùng khăn ướt, không chứa cồn, không gây kích ứng da để vệ sinh cho trẻ.
  • Mẹ không nên cho bé mặc tã cả ngày, cần một khoảng thời gian trong ngày không mang tã để bé cảm thấy thoải mái và khô thoáng hơn.
  • Sử dụng kem hăm, phấn rôm sau khi tắm rửa và lau khô người cho bé.
  • Cuối cùng, mẹ nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi thay tã hoặc chạm vào da bé, nên kiểm tra tã thường xuyên để thay kịp thời.
Hăm tã là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh quá phổ biến do mặc bỉm hằng ngày Hăm tã là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh quá phổ biến do mặc bỉm hằng ngày

Bệnh vàng da

Vàng da cũng là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường gặp. Vàng da sơ sinh gồm 2 dạng là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi sau 1 - 2 tuần sau khi sinh, vàng da xuất hiện nhẹ ở mặt, cổ, ngực và không kèm theo bất kỳ triệu chứng khác. Ngược lại vàng da bệnh lý rất nguy hiểm, trẻ có thể bị co giật, hôn mê và không tự mất sau 1 - 2 tuần. Bệnh có thể phát hiện bằng mắt thường. Ba mẹ cần chú ý theo dõi trẻ để biết thời điểm đưa trẻ đi khám và điều trị.

Cách chữa vàng da cho trẻ sơ sinh:

  • Nếu nhẹ thì chỉ cần bú sữa mẹ nhiều hơn là có thể tự khỏi. 
  • Trị liệu bằng chiếu đèn là một phương pháp điều trị hiệu quả bằng cách chiếu ánh sáng xanh để phá vỡ bilirubin trong cơ thể.
  • Liệu pháp truyền máu: Em bé sẽ được truyền máu để thay thế máu bị hư hỏng, làm tăng tế bào hồng cầu và làm giảm nồng độ bilirubin.

Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh

Bệnh chàm sữa là một bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh khá phổ biến. Thời gian đầu cơ thể trẻ xuất hiện các nốt màu hồng, sau đó biến thành các mụn nước đỏ, nứt da, tiết dịch, đóng vảy và bong ra. Các vết chàm thường xuất hiện ở hai bên má sau đó lan rộng ra tay chân hoặc toàn thân. Vết chàm sữa có thể tự khỏi khi trẻ 2 - 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu đến tuổi này mà vẫn không lành thì có nguy cơ mắc bệnh chàm thể tạng. 

Cách điều trị chàm sữa:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, chỉ nên cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở lên.
  • Dùng thuốc đặc trị: Nếu thấy bé có dấu hiệu bị chàm sữa cần đưa trẻ đến bệnh viện da liễu để được khám và điều trị thích hợp. Tuỳ vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị. Không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các phương pháp dân gian khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
Những thông tin ba mẹ cần biết về bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh 2 Chàm sữa - Bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh khá phổ biến xuất hiện ở hai má sau đó lan ra tay chân

Nổi hạt kê

Mụn kê thường xuất hiện trên trán, mũi và má bé, đây là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường gặp. Mụn này lan rộng theo thời gian gây ngứa và sần sùi trên da. Mụn kê thường không đau, không ngứa. Tuy nhiên, nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách sẽ khiến da bị kích ứng hoặc viêm nhiễm, để lại sẹo trên da trẻ cả đời. 

Da bé bị nổi hạt sần sùi nhỏ màu trắng mọc thành chùm trên da hoặc màu đỏ hồng trên có mụn nước đôi khi xen lẫn mụn mủ trắng ở vùng da tiết nhiều mồ hôi như trán, ngực, lưng và háng.

Cách trị mụn kê cho bé:

  • Tắm cho bé: Nguyên nhân nổi mụn kê một phần là do thời tiết nắng nóng, do đó mẹ có thể tắm để làm mát da cho trẻ.
  • Chế độ dinh dưỡng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh vì vậy mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình để không gây hại cho sức khỏe của bé. Người mẹ nên ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ, đạm, vitamin và khoáng chất. Tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, sữa,...
  • Chăm sóc da cho bé: Da của trẻ mỏng manh nên tránh da cọ xát với quần áo hay để trẻ gãi, không tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, không nên chạm vào da trẻ quá nhiều tránh nhiễm trùng, viêm nhiễm nặng.

Nổi mề đay

Mề đay ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một bệnh lý da liễu thường gặp. Đây là bệnh khó điều trị, nếu trẻ có thói quen gãi ngứa sẽ khiến bệnh nặng hơn. Bệnh mề đay nổi trên da với những đám sần đỏ không đều, thành từng mảng, mề đay được chia làm 2 loại là mề đay cấp tính và mề đay mãn tính.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh mề đay là mẩn đỏ, ngứa da, sưng tấy. Trẻ bị nổi mề đay có thể do sức đề kháng yếu, dị ứng thức ăn, dị ứng hóa chất, dị ứng thời tiết, do dùng thuốc hoặc yếu tố di truyền. 

Cách điều trị nổi mề đay:

  • Ngâm em bé trong bồn tắm có chứa nước yến mạch thô để làm dịu làn da. Có thể cho bé xông hơi bằng lá kinh giới, tắm nước lá khế. 
  • Nếu tình trạng của bé vẫn không cải thiện, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện da liễu để được khám và điều trị thích hợp.

Thuỷ đậu

Thuỷ đậu khiến cơ thể trẻ nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người, quấy khóc, dần dần hình thành các mụn nước. Những ngày đầu bị nhiễm virus, trẻ bị sốt cao có khi lên đến 39 - 40 độ. Có biểu hiện ho, sổ mũi, thở khò khè, không bú sữa mẹ.

Phòng và điều trị thủy đậu - bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh dễ mắc phải: 

  • Mẹ nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai từ 3 đến 6 tháng. Kháng thể được truyền từ mẹ sang con và qua sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ mắc bệnh. 
  • Nếu mẹ mắc bệnh nên ngừng cho con bú ngay. Người mẹ cũng không được hôn hoặc ôm trẻ. 
  • Mẹ không được để bé đưa tay lên gãi và dùng thuốc bôi tại chỗ khi mụn nước đã vỡ để kháng viêm. 
  • Trẻ sơ sinh bị thủy đậu cần được tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, có thể dùng nước muối pha loãng để sát khuẩn.

Chân tay miệng

Khi bị bệnh chân tay miệng bé có thể bị sốt nhẹ hoặc cao. Nếu sốt cao không hạ nhiệt thì đây là dấu hiệu bệnh nặng. Da bé có tình trạng mẩn đỏ, nổi mụn nước ở một số vị trí như quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Trong một số trường hợp trẻ có thể bị chán ăn, bỏ bú, nôn mửa, tiêu chảy, quấy khóc.

Chăm sóc và điều trị cho trẻ bị tay chân miệng:

  • Ba mẹ có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà như dùng thuốc giảm đau, sát trùng bằng nước muối theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu như cháo loãng, sữa mẹ,… 
  • Tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát khuẩn nhẹ như nước lá trà xanh. Dùng dung dịch betadine thoa lên vùng da tổn thương sau khi tắm. 
  • Nếu tình trạng của bé vẫn không thuyên giảm với những cách chăm sóc trên, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn. 
Những thông tin ba mẹ cần biết về bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh 3 Chân tay miệng là tình trạng lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng nổi mụn nước

Phòng tránh bệnh ngoài da cho trẻ sơ sinh

Để phòng bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh, ba mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

  • Cho bé mặc quần áo bằng vải cotton hoặc lụa thoáng mát, không gây bí mồ hôi.
  • Để trẻ nằm và chơi ở nơi thoáng mát và sạch sẽ.
  • Thường xuyên tắm rửa cho trẻ bằng sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh.
  • Cha mẹ không nên tự ý sử dụng các loại kem, gel bôi cho trẻ.
  • Nếu bệnh ngoài da của trẻ không tự khỏi sau một thời gian ngắn và có các dấu hiện nặng hơn, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, dễ bị nhiễm trùng và trầy xước. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh ngoài da có thể để lại những biến chứng mãi về sau. Do đó các bậc phụ huynh nên có những kiến thức cơ bản về bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường gặp để bảo vệ con tốt hơn. Ba mẹ nên cho trẻ mặc quần áo bằng chất liệu thoáng mát, tắm rửa bằng sữa tắm cho trẻ sơ sinh hằng ngày. Một số bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi sau một thời gian chỉ bằng cách chăm sóc tại nhà nên ba mẹ không nên quá lo lắng mà tự ý sử dụng các loại kem bôi cho trẻ. Trường hợp trẻ có biểu hiện nặng cần đến khám bác sĩ sớm.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm