Những thông tin cơ bản về phương pháp phục hình tháo lắp không phải ai cũng biết
Ngày 23/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Mất răng không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Bên cạnh phương pháp phục hình cố định như làm cầu răng hoặc cấy implant, phục hình tháo lắp cũng là một lựa chọn bạn có thể cân nhắc. Vậy phục hình tháo lắp là gì?
Phục hình tháo lắp là một trong những phương pháp phục hình răng mất được nhiều người lựa chọn hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu ngay về phương pháp này.
Phục hình tháo lắp là gì?
Phục hình tháo lắp là phương pháp phục hình răng mất bằng cách sử dụng hàm tháo lắp thay thế răng mất bằng những chiếc răng giả được làm cố định trên chiếc hàm đó. Nền hàm tháo lắp có thể được làm bằng nhựa hoặc đúc khuôn kim loại còn răng giả phía trên có thể được làm bằng nhựa hoặc bằng sứ.
Ở phương pháp phục hình này, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm của bạn và sẽ thiết kế hàm giả tháo lắp theo đúng khuôn răng của bạn.
Hiện nay, có 2 loại phục hình tháo lắp đó là làm hàm giả toàn phần và làm hàm giả bán phần. Trong đó:
Hàm giả toàn phần được chỉ định trong trường hợp mất hết toàn bộ răng trên cung hàm. Thông thường, hàm giả toàn phần sẽ được làm sau khi răng đã được nhổ bỏ và các mô nướu đã lành thương. Thời gian thường là sau nhổ răng khoảng 8 - 12 tuần.
Hàm giả bán phần được chỉ định trong trường hợp mất một hoặc một số răng, trên cung hàm vẫn còn một hoặc nhiều răng tự nhiên. Hàm giả này không chỉ giúp lấp đầy một khoảng trống do mất răng gây ra mà còn giúp ngăn các răng trên cung hàm không bị xô lệch. Một hàm giả bán phần chính xác có thể tháo rời và có các móc kim loại hoặc móc nhựa để móc vào răng bên cạnh.
Thực tế cho thấy, tất cả các trường hợp mất răng dù là một hay nhiều răng, thậm chí là cả hàm đều có thể làm phục hình tháo lắp, trừ một số trường hợp có tiền sử dị ứng với nhựa nền hàm hoặc khớp cắn sâu không đủ khoảng cho nền hàm. Đối với những trường hợp này, bạn có thể cân nhắc chuyển sang các phương pháp phục hình khác, phù hợp hơn.
Ưu và nhược điểm của phục hình tháo lắp
Tương tự như các phương pháp phục hình khác, phục hình tháo lắp cũng sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định, cụ thể:
Ưu điểm
Ưu điểm của phương pháp phục hình tháo lắp có thể kể đến như:
Tiết kiệm về mặt chi phí: So với các phương pháp phục hình răng mất khác thì chi phí bạn phải chi trả cho phục hình tháo lắp thấp hơn rất nhiều. Đây là lý do mà nhiều người lựa chọn làm hàm giả tháo lắp thay vì các phương pháp phục hình khác.
Đảm bảo ăn nhai: Hàm giả tháo lắp được thiết kế vừa với khuôn răng của từng người, giúp lấp đầy khoảng trống của răng mất từ đó giúp cho việc ăn nhai trở nên thuận tiện hơn. Răng giả tháo lắp chịu được lực ăn nhai tốt do vậy bạn có thể ăn nhai thoải mái nhiều loại thức ăn khác nhau, trừ thức ăn dai, cứng.
Cải thiện thẩm mỹ: Răng giả trên nền hàm tháo lắp được làm bằng nhựa hoặc sứ, có màu sắc khá tương đồng với màu răng thật, nhờ vậy đảm bảo tính thẩm mỹ cho hàm răng, giúp người bệnh cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp.
Sử dụng đơn giản và tiện lợi: Hàm giả có thể được tháo ra lắp vào một cách dễ dàng chính vì thế mà việc vệ sinh hàm giả cũng như vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng hơn.
An toàn, không xâm lấn: Phục hình tháo lắp là phương pháp duy nhất không can thiệp vào răng thật của người bệnh, không cần mài răng hay không cần phẫu thuật. Đặc biệt, đối với những người già yếu, không đủ sức khoẻ và điều kiện để phục hình bằng phương pháp cố định thì phục hình tháo lắp là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì phục hình tháo lắp tồn tại một vài nhược điểm. Chính vì những nhược điểm này mà phương pháp phục hình tháo lắp bị đánh giá thấp hơn so với các phương pháp phục hình như làm cầu hoặc cắm implant.
Các nhược điểm của phục hình tháo lắp bao gồm:
Hàm giả tháo lắp dễ bị lỏng, tuột khi ăn nhai, cười nói hay bị mất khi tháo bỏ.
So với răng thật hay các loại răng giả phục hình cố định, khả năng chịu lực và độ bền của răng giả tháo lắp không cao. Sau một thời gian sử dụng, hàm có xu hướng bị nong rộng, gây đau tức vùng nướu răng, khiến cho việc ăn nhai bị lệch.
Phục hình tháo lắp chỉ giúp phục hình phần thân răng nên phương pháp phục hình này không ngăn chặn được tình trạng tiêu xương hàm.
Nếu vệ sinh không tốt, các mảng bám thức ăn đọng lại ở hàm giả sẽ gây ra mùi hôi khó chịu, thậm chí là gây viêm nhiễm niêm mạc miệng.
Những lưu ý khi làm phục hình tháo lắp
Khi làm phục hình tháo lắp, bạn cần nắm được một số lưu ý sau đây:
Ban đầu, khi mới mang hàm giả tháo lắp, người bệnh thường cảm thấy vướng víu, tăng tiết nước bọt, nói ngọng và có thể bị đau khi tháo lắp hoặc ăn nhai. Đặc biệt là những trường hợp mất nhiều răng hoặc mất răng đã lâu, khi mới mang hàm thường không ăn nhai được ngay, cần tập luyện mỗi ngày để làm quen. Sau một vài ngày, cảm giác khó chịu sẽ dần giảm đi và biến mất. Trong trường hợp đau nhiều, khó chịu nhiều, bạn cần báo với nha sĩ để có thể điều chỉnh lại sao cho phù hợp (nếu cần).
Hàm giả tháo lắp cần được vệ sinh mỗi ngày, tốt nhất là sau khi ăn, bạn nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ và vệ sinh hàm giả luôn.
Không nên đeo hàm giả khi đi ngủ. Hãy tháo hàm và ngâm trong dung dịch nước muối loãng hoặc dung dịch ngâm hàm giả chuyên dụng. Bạn cần đặc biệt chú ý, tuyệt đối không ngâm rửa hàm giả bằng nước nóng với điều này có thể khiến hàm giả bị biến dạng.
Hạn chế ăn đồ ăn dai cứng. Thay vào đó, bạn nên ăn thức ăn mềm khi mang hàm giả tháo lắp.
Trong quá trình sử dụng hàm giả tháo lắp, nếu gặp phải bất cứ vấn đề nào hãy liên hệ với bác sĩ để đặt lịch thăm khám và kiểm tra. Nếu không có vấn đề bất thường, bạn nên đi thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 3 - 6 tháng/lần bạn nhé.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về phương pháp phục hình tháo lắp mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp này từ đó có thêm thật nhiều kiến thức hữu ích giúp bạn đọc có thể dễ dàng lựa chọn hoặc tư vấn cho mọi người khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm