Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi có nghiêm trọng không?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi khá phổ biến, có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào. Các vết loét thường không nguy hiểm và sẽ khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, khi vết loét kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều lần hoặc có các biểu hiện khác lạ, cần liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời nếu đó là triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi là gì? 

Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi là tình trạng vết loét màu vàng/trắng, xung quanh hơi sưng đỏ, xuất hiện ở niêm mạc mô mềm của khoang miệng, lưỡi. Bệnh thường gây đau, ảnh hưởng đến ăn uống, nói chuyện nhưng không nguy hiểm và không lây.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

Vết loét có thể xuất hiện bất cứ đâu ở lưỡi, vùng má trong, trên lợi hoặc vòm miệng. Xung quanh vết loét sẽ sưng, đỏ và đau nhiều hơn khi đánh răng, súc miệng, ăn các thức ăn cay, chua, mặn. Bạn có thể bị một hoặc vài vết loét cùng lúc.

Vết loét thường nhỏ chừng vài mm, có hình bầu dục hoặc hình tròn và lành trong vòng 1 – 2 tuần mà không để lại sẹo. Đối với các vết loét lớn và sâu hơn (1 – 3 cm), có thể cần đến 6 tuần để lành lại.

Tác động của Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi đối với sức khỏe 

Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi sẽ gây đau, khó chịu cho bệnh nhân khi ăn uống, đánh răng. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

Chứng viêm loét thường không quá nghiêm trọng và sẽ hết trong vòng vài tuần mà không để lại biến chứng gì. Nếu vết loét lâu lành hoặc tái đi tái lại nhiều lần, cần liên hệ bác sĩ càng sớm càng tốt vì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh khác nghiêm trọng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn nếu có các dấu hiệu như vết loét lớn bất thường hoặc chảy máu, vết loét mới xuất hiện trước khi vết loét cũ lành lại, vết loét dai dẳng hơn 3 tuần, vết loét không đau, loét kéo dài đến môi, cơn đau không thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau thông thường, xảy ra vấn đề nghiêm trọng về ăn uống, loét có kèm sốt cao hoặc tiêu chảy.

Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng hơn như bệnh celiac, Behcet, viêm ruột, đái tháo đường, bệnh tự miễn, HIV/AIDS… Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

Thường không rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi. Bệnh có thể do: 

  • Tổn thương các mô nhỏ trong miệng do làm răng (trám răng...);

  • Vô tình cắn phải môi, lưỡi hoặc má;

  • Có phản ứng dị ứng với một số loại vi khuẩn;

  • Bị mắc cài chỉnh nha cà vào;

  • Thiếu hụt vitamin và khoáng chất (kẽm, sắt, B9, B12);

  • Ăn nhiều thực phẩm có tính acid (cam, dứa, dâu tây…) hoặc thức ăn quá cay, nóng;

  • Thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt;

  • Căng thẳng;

  • Thiếu ngủ;

  • Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm;

  • Do một số loại thuốc (NSAID, thuốc chẹn β…).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi?

Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi có thể xảy ra ở bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi, bao gồm:

  • Dùng bàn chải có lông cứng.

  • Sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng thành phần gây kích ứng niêm mạc (natri lauryl sulfat...).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

Bác sĩ sẽ xem vết loét của bạn để chẩn đoán. Nếu tình trạng viêm loét nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu.

Phương pháp điều trị Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Hầu hết các vết loét ở miệng, lưỡi sẽ tự lành trong thời gian ngắn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để giảm bớt đau đớn, khó chịu, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc như gel sát trùng, thuốc mỡ steroid, nước thuốc súc miệng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ và súc miệng với nước muối loãng để vết loét mau lành và hạn chế nhiễm trùng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị.

  • Có thể sử dụng ống hút khi uống nước.

  • Rửa vết loét bằng nước muối loãng hoặc súc miệng bằng bột baking soda hòa với nước.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thêm các vitamin (B6, B9, B12) và khoáng chất (kẽm, sắt), uống đủ nước.

  • Ăn ngũ cốc, trái cây và rau có tính kiềm (cần tây, cải xoăn, cải bó xôi…).

  • Dùng các thảo mộc tự nhiên như trà hoa cúc, rễ cam thảo, Myrrh, thực vật thuộc chi Echinacea.

  • Tránh ăn các thực phẩm có nhiều acid, quá mặn hoặc cay đến khi vết loét lành.

Phương pháp phòng ngừa Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Nhai chậm, hạn chế nói chuyện khi ăn để tránh cắn trúng môi.

  • Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất, ăn nhiều rau củ và trái cây tươi.

  • Đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh sự căng thẳng.

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng bàn chải mềm, sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng sau khi ăn.

Nguồn tham khảo

Healthline: https://www.healthline.com/health/mouth-ulcers

https://my.clevelandclinic.org/

https://www.nhs.uk/conditions/mouth-ulcers/

https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Mòn răng

  2. Hôi miệng

  3. Bạch sản

  4. Khô miệng

  5. Tụt lợi

  6. Tưa miệng

  7. U men xương hàm

  8. Viêm nha chu

  9. Viêm lợi

  10. Câm