Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Những vấn đề ăn uống do phẫu thuật, xạ trị và hóa trị của bệnh nhân ung thư

Ngày 26/05/2022
Kích thước chữ

Đây là một số lời khuyên về việc làm thế nào để xoay sở với những vấn đề về dinh dưỡng tùy thuộc vào phương pháp mà bạn đang điều trị.

Những phương pháp điều trị ung thư khác nhau có thể gây ra những rắc rối khác nhau khiến bạn cảm thấy khó khăn trong khi ăn uống.

Phẫu thuật ung thư ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân

Phẫu thuật được tiến hành để loại bỏ các tế bào ung thư và mô lân cận. Phương pháp này thường đi cùng với xạ trị và hóa trị.

Sau khi phẫu thuật, cơ thể cần thêm năng lượng và đạm (protein) để vết thương được chữa lành và phục hồi. Tuy nhiên, đây cũng thường là thời điểm mà nhiều người cảm thấy đau nhức và mệt mỏi. Bệnh nhân cũng thường khó ăn uống bình thường do các tác dụng phụ liên quan đến phẫu thuật. Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể cũng có thể bị thay đổi vì phẫu thuật liên quan đến một phần nào đó của miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, tụy, ruột kết (ruột già), hoặc trực tràng.

Tác dụng phụ của phẫu thuật ung thư có thể ảnh hưởng đến ăn uống

Sau khi phẫu thuật, loại tác dụng phụ mà bạn có thể bị ảnh hưởng và thời gian chúng kéo dài phụ thuộc vào loại phẫu thuật và sức khỏe của bạn. Phẫu thuật ung thư ở các bộ phận khác nhau có thể thay đổi khả năng ăn uống và gây ra nhiều tác dụng phụ ở bệnh nhân ung thư.

Khô miệng và thay đổi vị giác là tác dụng phụ của điều trị ung thư

Ví dụ, bạn có thể:

  • Khó nhai và khó nuốt;
  • Thay đổi vị giác;
  • Miệng khô;
  • Đau miệng;
  • Mất cảm giác ngon miệng;
  • Mệt mỏi;
  • Ợ nóng/ khó tiêu;
  • Cảm giác đầy bụng khi ăn;
  • Không hấp thu chất béo tốt;
  • Không hấp thu sữa tốt;
  • Giảm hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm;
  • Thực phẩm đi qua đường ruột nhanh hơn (khiến các chất dinh dưỡng ít được hấp thu hơn);
  • Mất nước;
  • Đầy hơi, chướng bụng;
  • Chuột rút;
  • Táo bón;
  • Khó thở.

Những tác dụng phụ này có thể được điều trị để bạn có thể đưa vào cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết cho việc chữa lành vết thương. Hãy nói với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang gặp phải để họ có thể giúp bạn xoay sở.

Xem thêm: Buồn nôn ở bệnh nhân ung thư: Nên làm và nên tránh những gì?

Xạ trị ảnh hưởng thế nào đến việc ăn uống

Trong xạ trị, tia xạ được hướng vào các khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong khi tất cả các tế bào bị ảnh hưởng bởi bức xạ, hầu hết các tế bào bình thường thường có thể phục hồi theo thời gian. Các loại tác dụng phụ gây ra do bức xạ phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khu vực điều trị, loại tia xạ và tổng liều lượng tia xạ, cũng như số lần chiếu xạ. Biểu đồ sau đây cho thấy những tác dụng phụ có thể xảy ra do xạ trị các vùng khác nhau trên cơ thể. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong khi điều trị trong khi một số khác lại xảy ra sau khi kết thúc điều trị.

Vùng điều trịTác dụng phụ liên quan đến ăn uống có thể xảy ra trong khi điều trịTác dụng phụ liên quan đến ăn uống có thể xảy ra hơn 90 ngày sau điều trị
Não, cột sốngBuồn nôn, nônĐau đầu, mệt mỏi
Đầu hoặc cổ: Lưỡi, thanh quản, a-mi-đan, tuyến nước bọt, khoang mũi, họngĐau miệng, khó nuốt hoặc đau khi nuốt, thay đổi hoặc mất vị giác, đau họng, khô miệng, nước bọt đặc quánhKhô miệng, tổn thương xương hàm, cứng hàm, thay đổi vị giác và khướu giác
Ngực: Phổi, thực quản, vúKhó nuốt, ợ nóng, mệt mỏi, chán ănHẹp thực quản, đau ngực khi vận động, tim to, viêm màng ngoài tim (màng xung quanh tim), xơ phổi hoặc viêm phổi
Bụng: Ruột già hay ruột non, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, tử cung, trực tràng, tụyChán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, khó hấp thu các sản phẩm từ sữa, thay đổi trong nước tiểu, mệt mỏiTiêu chảy, có máu trong nước tiểu hoặc bàng quang bị kích thích.

Tác dụng phụ thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ hai hoặc thứ ba của quá trình điều trị và thời gian đỉnh điểm là khoảng hai phần ba chặng đường của quá trình điều trị. Sau khi xạ trị kết thúc, hầu hết các tác dụng phụ kéo dài trong vòng 3 hoặc 4 tuần, nhưng một số có thể kéo dài lâu hơn.

Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ, hãy hỏi bác sĩ, y tá, hoặc những chuyên gia chăm sóc y tế khác xem các loại thuốc, thay đổi chế độ ăn, hoặc những việc khác có thể giúp bạn thoải mái hơn không.

Xem thêm: Cách xử trí khi mất cảm giác ngon miệng ở bệnh nhân ung thư

Trong xạ trị, tia xạ được hướng vào các khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư

Lời khuyên về dinh dưỡng cho bệnh nhân xạ trị

Việc ăn uống tốt trong khi xạ trị có thể khó thực hiện, đặc biệt trong trường hợp bạn phải đi đến một trung tâm điều trị xa nơi ở của mình.

Những lời khuyên sau có thể giúp ích:

  • Cố gắng ăn một cái gì đó ít nhất một giờ trước khi điều trị thay vì đến nơi với dạ dày trống rỗng, trừ khi bạn được bác sĩ dăn như vậy.
  • Mang theo đồ ăn nhẹ hoặc các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để ăn hoặc uống trong quá trình di chuyển (đi và về) nếu đó là một đoạn đường dài. Thực phẩm dễ mang đi có thể là những hộp chứa các loại hoa quả, gelatin, hoặc pudding; phô mai hoặc bơ đậu phộng với bánh quy giòn, lương khô hoặc ngũ cốc.
  • Hãy đảm bảo rằng bạn có uống nước/chất lỏng trong những bữa ăn được chia nhỏ, thường xuyên của mình nếu thức ăn không ngon, gây đau khi nuốt, hoặc gây tiêu chảy.
  • Hãy đảm bảo rằng bạn uống nhiều nước và các chất lỏng khác.
  • Hãy nhờ bạn bè và gia đình giúp đỡ trong việc mua thức ăn và chuẩn bị các bữa ăn.
  • Đừng nghĩ rằng bạn sẽ bị những tác dụng phụ tương tự như một ai đó đang được điều trị ung thư ở một vùng khác của cơ thể. Tác dụng phụ vẫn có thể khác nhau ngay cả khi các bệnh nhân nhận cùng một kiểu điều trị.
  • Cố gắng ăn những bữa ăn nhẹ được chia nhỏ và thường xuyên thay vì 3 bữa ăn lớn. Nếu bạn cảm thấy ăn ngon miệng hơn vào những thời điểm cụ thể trong ngày, bạn nên sắp xếp thời gian để ăn nhiều thức ăn vào những thời gian đó. Bạn cũng có thể được khuyên nên tăng thêm lượng calo và đạm (protein) vào thức ăn của mình.

Các chất bổ sung dinh dưỡng, chẳng hạn như những hỗn hợp chất lỏng thay thế (hỗn hợp kem sữa tươi, sinh tố có chứa nhiều calo và chất dinh dưỡng) có thể giúp ích. Bác sĩ, y tá, hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể có mẫu thử dành cho bạn.

Nếu bạn ăn kém ngon, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, đau miệng hoặc đau họng, khô miệng, nước bọt đặc quánh, khó nuốt, hoặc cảm thấy mùi vị thực phẩm thay đổi, hãy tham khảo các phần cụ thể trong hướng dẫn này để biết thêm thông tin về cách thức giúp kiểm soát các tác dụng phụ.

Nếu bạn gặp rắc rối trong việc ăn uống và đã theo một kế hoạch ăn uống đặc biệt dành cho bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hoặc một số bệnh mạn tính khác, một vài lời khuyên chung trong này có thể không hiệu quả đối với bạn. Hãy nói chuyện với bác sĩ, y tá, hoặc chuyên gia dinh dưỡng về cách tốt nhất để thay đổi thói quen ăn uống trong khi xạ trị.

Hãy nói cho bác sĩ hoặc y tá của bạn biết về bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn gặp phải để họ có thể kê toa các loại thuốc cần thiết cho bạn. Ví dụ, có những loại thuốc để kiểm soát buồn nôn và nôn hoặc để điều trị tiêu chảy.

Hóa trị ảnh hưởng thế nào đến việc ăn uống

Hóa trị là việc liệu pháp sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc thường được uống hoặc tiêm vào mạch máu.

Hình ảnh hóa trị

Thuốc dùng trong hóa trị có thể làm tổn thương tế bào ung thư và cả tế bào khỏe mạnh. Tế bào có khả năng bị tổn thương nhất là tủy xương, tóc và niêm mạc đường tiêu hóa, bao gồm miệng, thực quản, dạ dày và ruột. Tác dụng phụ phụ thuộc vào loại thuốc được dùng và cách thức sử dụng chúng. Những rắc rối trong ăn uống do tác dụng phụ thường gặp của hóa trị bao gồm:

  • Thay đổi vị giác;
  • Thay đổi thói quen đi tiêu (đại tiện);
  • Thay đổi vị giác và khướu giác;
  • Mệt mỏi;
  • Đau miệng hoặc lở loét ở vùng miệng;
  • Buồn nôn;
  • Nôn.

Có thể bạn không gặp những tác dụng phụ nói trên, nhưng nếu bạn có, hãy nói với bác sĩ hoặc y tá về chúng. Có thể khuyên bạn dùng các loại thuốc, chỉ cho bạn cách tự chăm sóc hàng ngày, và gợi ý những thay đổi trong chế độ ăn để giảm bớt ảnh hưởng của tác dụng phụ.

Lời khuyên về dinh dưỡng cho bệnh nhân hóa trị

Hầu hết bệnh nhân nhận hóa trị tại một trung tâm ngoại trú. Bạn phải mất từ một vài phút đến nhiều giờ để đi đến đó. Hãy đảm bảo rằng bạn đã ăn một cái gì đó trước khi điều trị. Hầu hết mọi người thấy rằng một bữa ăn nhẹ trước khi điều trị độ hơn một giờ là hiệu quả nhất. Nếu bạn sẽ phải ở đó trong vài giờ, hãy lập kế hoạch trước và mang theo thức ăn cho một bữa ăn nhỏ trong một túi cách nhiệt hoặc túi lạnh. Bạn nên tìm hiểu xem liệu nơi điều trị có tủ lạnh hay lò vi sóng để dùng hay không.

Đừng quá khắt khe với chính mình nếu tác dụng phụ làm cho bạn thấy khó khăn trong ăn uống. Hãy thử ăn những bữa ăn nhỏ, thường xuyên hoặc các bữa ăn nhẹ. Bỏ qua các loại thực phẩm chiên hoặc nhiều dầu mỡ vì chúng có thể khó tiêu hóa. Vào những ngày bạn thấy khỏe khắn và khẩu vị tốt, hãy cố gắng ăn các bữa ăn chính và các bữa ăn nhẹ. Hãy đảm bảo rằng bạn uống nhiều nước hoặc các loại chất lỏng (8 đến 10 ly có dung tích 240ml) mỗi ngày.

Hãy nhờ mọi người giúp đỡ trong việc mua thức ăn và chuẩn bị các bữa ăn. Nếu bạn không có ai để giúp đỡ, hãy suy nghĩ về việc gọi món ăn giao tận nhà hoặc ăn tại các trung tâm cộng đồng hay ăn ở các viện dưỡng lão.

Một số tác dụng phụ của hóa trị biến mất trong vòng một vài giờ sau khi điều trị. Nếu tác dụng phụ của bạn vẫn còn đó, hãy nói với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn biết. Sự chú ý kịp thời đến các tác dụng phụ liên quan đến dinh dưỡng có thể giúp bạn duy trì cân nặng, giữ vững tinh thần và giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Nếu bạn có các vấn đề như chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, đau miệng hoặc cổ họng, khô miệng, khó nuốt, hoặc cảm thấy mùi vị thực phẩm thay đổi, hãy tham khảo các phần cụ thể trong hướng dẫn này để biết thêm thông tin về cách thức làm giảm bớt những tác dụng phụ. Hãy đảm bảo rằng bác sĩ hoặc y tá của bạn biết về các tác dụng phụ để họ có thể giúp bạn khi cần.

Nếu bạn gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống và đã theo một số kế hoạch ăn uống đặc biệt dành cho bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hoặc một số bệnh mạn tính khác, hãy nói chuyện với bác sĩ, y tá, hoặc chuyên gia dinh dưỡng về cách tốt nhất để thay đổi thói quen ăn uống trong khi hóa trị.

Xem thêm: Đối mặt với sự tức giận của bệnh nhân ung thư

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin