Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhược thị có chữa được không?

Ngày 07/05/2022
Kích thước chữ

Có nhiều thông tin cho rằng khi đã mắc nhược thị nghĩa là bước vào giai đoạn suy giảm thị lực vĩnh viễn, không thể hồi phục. Vậy điều này có đúng không? Nhược thị có chữa được không? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu cụ thể bạn nhé!

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ nhược thị trên thế giới là 0,2-5,3 %, còn riêng ở Việt Nam là 2-5 %. Trẻ đẻ non có nguy cơ nhược thị gấp 4 lần trẻ đẻ đủ tháng. Nhược thị có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên hay gặp ở trẻ em hơn và chủ yếu xảy ra với trẻ nhỏ hơn 7 tuổi.

Việc điều trị nhược thị có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị và tuân thủ điều trị của bệnh nhân, do đó việc giúp mọi người hiểu biết hơn về nhược thị để đi khám phát hiện sớm là rất quan trọng. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu được định nghĩa về nhược thị cũng như tìm hiểu xem nhược thị có chữa được không.

Nhược thị là gì?

Nhược thị (Tiếng Anh là Amblyopia) hay còn gọi là mắt lười, là tình trạng giảm thị lực ở một hoặc hai mắt hoặc có sự khác biệt thị lực giữa hai mắt trên hai dòng (tính ở bảng đo thị lực) sau khi đã được điều chỉnh kính tối ưu hoặc điều trị nguyên nhân.

Nhược thị có chữa được không 1 Nhược thị là trình trạng hai mắt có khả năng nhìn không đều nhau

Nhược thị có thể là nhược thị cơ năng hoặc nhược thị thực thể.

  • Nhược thị cơ năng: Là tình trạng bệnh nhân nhược thị nhưng không tìm được nguyên nhân tổn thương. Cần loại trừ hết nguyên nhân thực thể gây nhược thị rồi mới chẩn đoán là nhược thị cơ năng.
  • Nhược thị thực thể: Khi tìm được nguyên nhân gây nhược thị, trong quá trình điều trị sẽ thấy được đích cụ thể cần nhắm vào.

Bệnh nhân bị nhược thị có các triệu chứng sau:

  • Nhìn mờ, mỏi mắt, có thể kèm theo lác hay sụp mi.
  • Hình ảnh vật trên võng mạc không rõ nét khiến trẻ nheo mắt, nhắm mắt, nghiêng đầu.
  • Giảm thị lực.

Việc thay đổi trục quang học thị giác dẫn đến đường dẫn truyền thần kinh từ võng mạc tới não bị bất thường, khiến cho một trong hai mắt nhận được ít tín hiệu thị giác hơn. Và mắt nhận được ít tín hiệu thị giác hơn biểu hiện là nhìn không rõ, do chức năng một bên không tốt, não bộ ưu tiên sử dụng chức năng của mắt tốt hơn. Về lâu về dài, mắt kém hơn sẽ coi như bị bỏ qua, tình trạng giảm thị lực ngày càng nặng. 

Bạn có thể hiểu đơn giản như hai chân cùng đi, một chân đi tốt, một chân không tốt. Chân không tốt nếu không kiên trì vận động cải thiện mà trái lại bỏ đó không sử dụng nữa, lâu ngày sẽ teo cơ, cứng khớp, mất chức năng di chuyển vốn có và trở nên vô dụng.

Nguyên nhân gây nhược thị

Nhược thị có chữa được không 2 Nhược thị có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ dưới 7 tuổi thì điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất

Các bệnh gây cản trở trục quang học thị giác: Sụp mi nặng, sẹo giác mạc ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, màng đồng tử, đục thủy tinh thể bẩm sinh, tổn thương dịch kính... Tiên lượng tiến triển nhanh hơn, tình trạng nặng hơn khi các tổn thương này xảy ra ở một bên và trước 3 tháng tuổi.

  • Lác mắt ở trẻ em: Gây ra tình trạng song thị nên não bộ sẽ loại bỏ tín hiệu từ một bên mắt mà chỉ xử lý hình ảnh mắt bên kia. Khi tình trạng này kéo dài, lâu dần sẽ khiến một bên mắt bị giảm thị lực dần. Lác trong có khả năng gây nhược thị nhiều hơn lác ngoài. Do đó, cần xác định lác là nguyên nhân gây nhược thị hay là hậu quả của nhược thị gây ra.
  • Tật khúc xạ: Trong trường hợp trẻ mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị nhưng trẻ không tự phát giác được, ba mẹ không đưa trẻ đi khám tầm soát, tới khi phát hiện thì đã ở tình trạng nặng khó hồi phục.
  • Lệch khúc xạ: Khúc xạ hai mắt không đều nhau. Gây nhược thị ở mắt có độ khúc xạ cao hơn, do hình ảnh của vật trên võng mạc luôn rõ nét ở mắt có độ khúc xạ thấp hơn.

Các đối tượng nguy cơ mắc nhược thị cần được chú ý theo dõi từ sớm như:

  • Trẻ sinh non.
  • Suy dinh dưỡng bào thai.
  • Tiền sử gia đình có người bị nhược thị hoặc người mắc các bệnh liên quan đến mắt.
  • Trẻ chậm phát triển.

Nhược thị có chữa được không?

Nhược thị có thể chữa được và có thể cải thiện tốt lên, sự hiệu quả của các phương pháp điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian bắt đầu điều trị, nguyên nhân, mức độ nhược thị, thị giác hai mắt, sự tuân thủ phương pháp điều trị của gia đình và bệnh nhân. Do đó cần phát hiện sớm những bất thường về thị lực của bệnh nhân, đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thời gian điều trị để đạt được kết quả điều trị tốt nhất là độ tuổi nhỏ hơn 7 tuổi. Và thời điểm này, trẻ chưa thể thực sự hiểu được những vấn đề sức khỏe đang xảy ra với bản thân, cho nên sự quan tâm của ba mẹ là rất cần thiết.

Việc tuân thủ điều trị là vô cùng quan trọng do nếu không tuân thủ không chỉ khiến quá trình điều trị không hiệu quả mà còn gây biến chứng nhược thị đảo ngược, khiến việc điều trị sau này khó khăn hơn.

Nhược thị có chữa được không 3 "Nhược thị có chữa được không?" - Câu trả lời là "Có"

Cách điều trị nhược thị hiệu quả

Nguyên tắc chung trong điều trị tình trạng nhược thị bao gồm:

  •  Hạn chế sử dụng mắt lành.
  •  Kích thích và tạo điều kiện tối ưu cho mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường.
  •  Ở nhược thị thực thể tìm ra các nguyên nhân gây nhược thị và điều trị triệt để.
  • Khám tổng thể nhãn cầu, loại từ các nguyên nhân gây nhược thị không hồi phục: Teo gai, thiểu sản gai, tổn hại hoàng điểm.
  • Tạo được hình ảnh vật rõ nét trên võng mạc.
  • Xác định chính xác tật khúc xạ, cấp kính tối đa, đeo liên tục.

Một số phương pháp điều trị nhược thị 

Phương pháp bịt mắt 

  • Bịt mắt bằng cách dán băng trực tiếp che mắt hoặc che lên trên mắt kính, có thể sử dụng kính tiếp xúc mờ hoặc đậm.
  • Thời gian bịt mắt: Người bị nhược thị nặng cần bịt mắt hoàn toàn trong ngày. Ngoài ra, có thể bịt hoàn toàn trừ 1 giờ hoặc bịt một nửa thời gian lúc thức (đối với trẻ dưới 1 tuổi).
  • Thời gian theo dõi phụ thuộc vào số tuổi của trẻ. Ví dụ: Trẻ 1 tuổi theo dõi sau 1 tuần, trẻ 2 tuổi theo dõi sau 2 tuần, trẻ 3 tuổi theo dõi sau 3 tuần...
  • Bỏ bịt mắt khi tình trạng mắt nhược thị không cải thiện sau 3 đến 6 tháng. Lưu ý trước khi bỏ bịt cần khám cẩn thận tổng thể nhãn cầu.
  • Để tránh nhược thị đảo ngược, cần lưu ý thường xuyên kiểm tra bên mắt lành.

Đây là 1 phương pháp tốt nhất để hạn chế sử dụng mắt lành, tỷ lệ thành công 30-92%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn phụ thuộc rất nhiều vào tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Nhược thị có chữa được không 4 Bịt mắt lành để não bộ tăng sử dụng mắt kém là nguyên lý của hầu hết phương pháp điều trị

Phương pháp gia phạt

Mục đích làm mở hình ảnh mắt lành bằng cách dùng thuốc hoặc kính.

  • Gia phạt gần: Dùng Atropin 1% tra vào mắt bên lành 1 giọt mỗi ngày và không chỉnh kính nếu có tật khúc xạ khiến đồng tử giãn ra, mắt bên lành chỉ nhìn được xa không nhìn được gần. Tuần đầu tiên, chỉ nên nhỏ 1 giọt/ngày. Ở tuần thử 2, chỉ nhỏ vào ngày cuối tuần, mỗi ngày 1 giọt. Ngoài ra, cần cấp kính tối ưu cho mắt bị nhược thị.
  • Gia phạt xa: Thặng chỉnh kính (thặng chỉnh kính bên lành lên ít nhất +3 diop) khiến mắt lành chỉ nhìn được gần, nhìn xa không rõ.
  • Gia phạt toàn bộ: Tra atropin hàng ngày và thặng chỉnh kính ở mắt lành, mắt nhược thị chỉnh kính bình thường.
  •  Đây là phương pháp khá rẻ tiền, do đó bệnh nhân sẽ dễ dàng tuân thủ điều trị hơn. Tuy nhiên, thuốc có thể có các tác dụng phụ ảnh hưởng đến bệnh nhân.

Kích thích sử dụng mắt nhược thị

Kích thích mắt nhược thị bằng việc xâu hạt cườm, tập đồ hình, tập trên máy Synoptophore, chơi game yêu cầu tập trung cao.

Nhược thị có chữa được không 5 Điều trị nhược thị cần phối hợp nhiều phương pháp

Các phương pháp điều trị nhược thị khỏi hoàn toàn

Các bệnh gây cản trở trục quang học thị giác: Sụp mi nặng, sẹo giác mạc ở trẻ 2 tuổi trở xuống, màng đồng tử, đục thủy tinh thể bẩm sinh, tổn thương dịch kính... 

  • Sụp mi nặng: Cần can thiệp phẫu thuật ngay khi sụp mi ảnh hưởng nặng đến thị giác. Xác định bằng Bruckner test.
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh một bên nặng hơn hai bên. Chỉ định phẫu thuật xử trí đục thủy tinh thể ở một mắt khi trẻ từ 4 đến 6 tuần tuổi, ở cả hai mắt khi trẻ từ 8 đến 10 tuần tuổi.
  • Lác mắt: Phẫu thuật xử trí mắt lác, chỉnh lại trục nhãn cầu, đeo kính.

Tật khúc xạ, lệch khúc xạ: Đeo kính tối ưu để điều trị tật khúc xạ.

  • Cận thị: Cần đeo kính phân kỳ và chọn kính có độ diop thấp nhất để cho thị lực tối đa.
  • Viễn thị: Chỉ cần đeo kính khi nhìn gần, khi đọc sách, kính hội tụ để ảnh của vật rơi vào đúng võng mạc.
  • Loạn thị: Thường kết hợp với cận thị, đeo kính cận thị kết hợp với kính loạn thị.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về nhược thị giúp bạn đọc hiểu được thế nào là nhược thị, cách phòng tránh nhược thị. Đặc biệt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời kết hợp với việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân thì nhược thị có thể điều trị được. Vì vậy khi thấy con bạn có những biểu hiện như hay nheo mắt, nhắm mắt khi nhìn, mắt lác hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để chẩn đoán và điều trị kịp thời, không bỏ phí thời gian vàng điều trị ba mẹ nhé! Mong rằng thông qua bài viết này bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi "nhược thị có chữa được không".

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin