Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Niềng răng bị nhiệt miệng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều vấn đề thường gặp khi niềng răng. Và một trong số đó chính là tình trạng nhiệt miệng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc niềng răng bị nhiệt miệng? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả cho tình trạng này ra sao?

Bên cạnh tình trạng viêm lợi khi niềng răng, có đến 90% những người niềng răng từng bị nhiệt miệng trong quá trình niềng. Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn với những người mới gắn mắc cài. Vậy đâu là nguyên nhân khiến niềng răng bị nhiệt miệng? Nếu bị nhiệt miệng khi niềng răng, bạn nên làm gì để điều trị và phòng ngừa?

Nhận biết khi niềng răng bị nhiệt miệng

Nếu một ngày nào đó bạn bỗng dưng cảm thấy đau, xót trong miệng, nhất là khi ăn uống, thì bạn hãy kiểm tra bên trong miệng vì có thể bạn đã bị nhiệt miệng. Nhiệt miệng xảy ra khi niêm mạc miệng bị tổn thương, dẫn đến viêm loét gây cảm giác đau đớn, khó chịu, khó ăn, khó nói.

Niềng răng bị nhiệt miệng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa 1
Niềng răng bị nhiệt miệng không phải chuyện hiếm gặp

Bạn có thể nhận biết niềng răng bị nhiệt miệng bằng cách quan sát bên trong khoang miệng. Nếu xuất hiện các đốm đỏ, thường có kích cỡ 1mm - 3mm, có thể viêm loét hoặc mới chỉ sưng đỏ, thì đó chính là triệu chứng của nhiệt miệng. Có thể, chỉ có duy nhất 1 nốt nhiệt miệng nhưng cũng có thể có nhiều nốt nhiệt miệng cùng một lúc.

Ban đầu, tổn thương có kích cỡ nhỏ, vết nhiệt chỉ sưng đỏ và đau. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vết nhiệt có thể loét ra, lớn hơn và đau hơn. Vị trí thường xuất hiện nốt nhiệt miệng nhất chính là má, trong môi, ở lưỡi, ở nướu, ở vòm miệng…

Vì sao niềng răng bị nhiệt miệng?

Niềng răng là một phương pháp nha khoa thẩm mỹ, dùng các khí cụ để nắn chỉnh, kéo các răng mọc sai lệch về đúng vị trí trên cung hàm. Phương pháp chỉnh nha này có tác dụng cải thiện tính thẩm mỹ cho hàm răng và cho cấu trúc khuôn mặt. Qua đó, chức năng nhai cắn của hàm, sự tự tin về diện mạo của người niềng răng cũng được cải thiện. Lý do những người niềng răng dễ bị nhiệt miệng hơn những người khác bao gồm:

Niềng răng dùng các khí cụ bằng các vật liệu kim loại, sứ như dây cung, mắc cài, thun,… Khi các mắc cài này cọ xát vào khoang miệng sẽ gây tổn thương niêm mạc miệng. Vi khuẩn, acid trong khoang miệng có thể khiến các vị trí tổn thương này bị viêm loét, gây nhiệt miệng. Có nhiều loại niềng răng phổ biến khác nhau, trong đó loại niềng răng dùng các khí cụ bằng kim loại, sứ, pha lê là dễ gây nhiệt miệng nhất.

Niềng răng bị nhiệt miệng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa 2
Những người mới niềng răng thường dễ bị nhiệt miệng hơn

Ngoài ra, khi mới niềng răng hoặc sau những lần nắn chỉnh khí cụ nha khoa, chúng ta sẽ có cảm giác đau nhức hơn bình thường. Cảm giác này có thể diễn ra trong vài ngày đầu. Khi đó, hầu hết người niềng răng đều không muốn ăn uống. Việc giảm tiêu thụ chất xơ, vitamin và khoáng chất khiến đề kháng giảm, vi khuẩn dễ tấn công và gây nhiệt miệng hơn. Cơ thể bị nóng do ít tiêu thụ rau củ quả cũng dễ bị sinh nhiệt và hình thành các vết nhiệt miệng hơn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng niềng răng bị nhiệt miệng chính là việc các khí cụ chỉnh nha gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng. Mảnh vụn thức ăn thừa tích tụ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi gây nhiệt miệng. Khô miệng khi niềng răng cũng khiến niêm mạc miệng dễ bị tổn thương hơn.

Niềng răng bị nhiệt miệng phải làm sao?

Nhiệt miệng khi niềng răng phải làm sao? Dưới đây là những việc bạn nên làm ngay để giảm triệu chứng khó chịu của nhiệt miệng:

  • Chú trọng đến việc vệ sinh răng miệng sau các bữa ăn để tránh khiến tình trạng nhiệt miệng thêm trầm trọng. Ngoài đánh răng, bạn còn nên súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước súc miệng diệt khuẩn. Việc này sẽ giúp các vết loét nhanh lành hơn.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, đặc biệt các thực phẩm có tính mát (rau má, trái cây họ cam quýt, sữa chua, bí đao, khổ qua, cà chua). Bạn có thể chế biến các loại rau, củ, quả có tính mát thành nước ép, sinh tố, hầm canh,... cho dễ ăn. Những thực phẩm giàu vitamin B, vitamin A, vitamin C cũng giúp các tổn thương trong khoang miệng nhanh lành hơn.
  • Khi bị nhiệt miệng bạn không nên ăn đồ cay nóng, đồ nếp. Tăng cường uống nước giúp ổn định độ pH trong khoang miệng, giảm tính acid nên cũng hạn chế cảm giác khó chịu của nhiệt miệng.

Để điều trị niềng răng bị nhiệt miệng, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa nhiệt miệng đơn giản như sau:

  • Dùng gel bôi hoặc thuốc trị nhiệt miệng chuyên dụng để sát khuẩn, giảm đau, làm lành tổn thương.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước súc miệng sát khuẩn nhiều lần trong ngày.
  • Nếu đau nhiều, ảnh hưởng đến việc ăn uống, ngủ nghỉ, bạn có thể uống thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn.
Niềng răng bị nhiệt miệng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa 3
Nước ép rau má thanh mát, giải nhiệt, hỗ trợ chữa nhiệt miệng

Phòng ngừa niềng răng bị nhiệt miệng

Niềng răng bị nhiệt miệng là cảm giác không hề dễ chịu. Vì vậy, tốt nhất bạn nên phòng ngừa nhiệt miệng ngay từ khi mới đeo khí cụ chỉnh nha. Bạn có thể lưu ý những việc sau:

  • Dùng loại bàn chải chuyên dụng cho răng niềng bởi chúng được thiết kế để làm sạch mảnh vụn thức ăn hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến các khí cụ chỉnh nha.
  • Kết hợp dùng thêm chỉ nha khoa, tăm nước để vệ sinh răng miệng sau mỗi lần ăn uống.
  • Dùng sáp chỉnh nha để bọc lại các cạnh sắc nhọn của mắc cài. Việc này sẽ giảm tổn thương khi niêm mạc miệng cọ xát với mắc cài.
  • Nếu thấy mắc cài bị lệch hay dây cung bị hỏng, bạn nên đến nha sĩ để điều chỉnh ngay. Những sai lệch này có thể làm tổn thương niêm mạc miệng và làm giảm hiệu quả chỉnh nha.
  • Niềng răng tại địa chỉ uy tín cũng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay tác dụng phụ.
Niềng răng bị nhiệt miệng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa 4
Sử dụng dụng cụ vệ sinh răng miệng chuyên dụng khi niềng răng

Niềng răng bị nhiệt miệng không phải là tình trạng hiếm gặp. Nhiệt miệng cũng không phải một biến chứng nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, cảm giác đau, xót có thể gây khó ăn, khó nói. Vì vậy, khi thấy những vết nhiệt miệng mới hình thành, bạn nên áp dụng ngay những cách điều trị trên đây để tình trạng nhiệt miệng sớm được kiểm soát. 

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm