Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nổi mề đay xông lá gì?

Ngày 19/05/2022
Kích thước chữ

Tại sao bạn lại nổi mề đay? Có phương pháp đơn giản giúp chữa trị mề đay tại nhà không? Nổi mề đay xông lá gì nhanh khỏi? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những vấn đề này nhé!

Nổi mề đay là tình trạng thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt ở trẻ em. Nổi mề đay xông lá gì? Cách chữa mề đay tại nhà là gì? Có biện pháp nào để ngăn ngừa tái diễn lần sau không? Bài viết sau đây của Nhà Thuốc Long Châu sẽ giải đáp cụ thể các vấn đề này gửi tới bạn đọc.

Nổi mề đay là bệnh gì?

Mề đay, mày đay hay sẩn phù là tình trạng bệnh lý của da thường thấy ở mọi độ tuổi khác nhau, không phân biệt giới tính. Đặc trưng bởi những nốt đỏ hồng khoảng vài mm tới vài cm ở trên da, có khi xuất hiện thành từng mảng lớn, gây ngứa ngáy khó chịu.

Tình trạng này là do các tác nhân kích thích tế bào mast và bạch cầu ái kiềm giải phóng các chất trung gian hóa học như histamin, bradykinin,... dẫn đến việc giãn các mao mạch và tĩnh mạch ở tầng trung bì da, dẫn đến phù nề. Đặc biệt khi da tiếp xúc với các chất gây dị ứng thì phản ứng này rất dễ xuất hiện. Đôi khi tình trạng mề đay có thể xuất hiện không rõ nguyên nhân.

Nổi mề đay xông lá gì? 1 Hình ảnh mề đay nổi trên da

Theo các nghiên cứu chỉ ra có tới khoảng 20% tỷ lệ có thể mắc mề đay, phần lớn các trường hợp đều tái lại nhiều lần, tuy nhiên bệnh không có tính chất lây nhiễm giữa người với người. Tùy từng tiến triển, có thể chia bệnh nổi mề đay thành hai dạng chủ yếu:

  • Mề đay cấp tính: Thường kéo dài không quá 6 tuần. Trường hợp này chiếm tới khoảng 70% số các ca nổi mề đay. Người bệnh đa phần có thể tự khỏi. Đây là kết quả của phản ứng quá mẫn typ I thường do thực phẩm (như hạt, quả mọng, chocolate, cá, sữa, phụ gia thức ăn,...) hoặc do một số loại thuốc gây phù mạch (như thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid như Aspirin, thuốc huyết áp,...).
  • Mề đay mãn tính: Bệnh kéo dài hơn 6 tuần, có thể tái đi tái lại nhiều lần, chiếm tới 30% số ca mề đay. Có thể do nguyên nhân tự phát không rõ lý do hoặc sự rối loạn miễn dịch của cơ thể.

Nguyên nhân nổi mề đay

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay trên cơ thể người, có thể kể đến như:

  • Các dị nguyên lạ: Các dị nguyên này khi tiếp xúc với cơ thể sẽ gây hiện tượng quá mẫn typ I, làm cơ thể nổi mẩn sẩn phù, ngứa ngáy. Hay gặp nhất là: Thuốc, thực phẩm, thời tiết, lông động vật, phấn hoa, mỹ phẩm,.. Đây là một nguyên nhân phổ biến thường gặp nhất ở căn bệnh này. 
  • Chất độc côn trùng: Những loài côn trùng nhỏ bé tưởng vô hại như ong, kiến, sâu, bọ nẹt,... chứa trong cơ thể những chất tiết, chất dịch độc với con người. Khi côn trùng đốt trên da người sẽ lập tức nổi những nốt sần, sưng phù.
  • Do dùng thuốc gây phù mạch: Thuốc chống viêm giảm đau không steroid - NSAIDS, thuốc huyết áp,....
  • Di truyền: Gia đình người thân đã có tiền sử mắc mề đay thì tỉ lệ nhạy cảm sẽ cao hơn người bình thường.
  • Ánh nắng mặt trời, sốt, căng thẳng lo âu: Các tác nhân kích thích này cũng có thể gây nên nổi mề đay.
  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn, ký sinh trùng cũng sẽ kích phát phù mạch toàn thân hoặc bộ phận.
  • Bệnh lý: Ung thư, rối loạn chức năng tuyến giáp, nồng độ progesterone tăng,...
  • Ngoài ra còn một số nguyên nhân tự phát chưa rõ.
Nổi mề đay xông lá gì? 2 Thực phẩm là một trong những tác nhân gây nổi mề đay

Nổi mề đay xông lá gì? 

Xông lá chính là phương pháp hữu hiệu giúp chữa trị mề đay đơn giản tại nhà. Đối với những trường hợp mề đay nhẹ, bạn có thể sử dụng các thảo dược dân gian để xông hơi sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu này.

Sử dụng lá khế xông hơi giúp chữa trị mề đay hiệu quả

Khế là một loại cây ăn quả được trồng rộng rãi ở khắp các hộ gia đình trên đất nước ta. Ngoài quả, lá khế còn được nhân dân tận dụng điều trị các loại bệnh khác nhau, trong đó có các bệnh ngoài da như nổi mề đay.

Đây là loại dược liệu lành tính, an toàn cho cả phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc,... Các thành phần có trong lá khế như photpho, vitamin, các chất chống oxy hóa,... sẽ giúp chữa lành các tổn thương trên da, giảm ngứa, viêm sưng do nổi mề đay gây ra.

Thường dùng lá khế tươi, rửa thật sạch với nước muối, để ráo rồi vò nhẹ, đem lên bếp đun, có thể kết hợp với các dược liệu khác. Sau đó trùm chăn và xông sẽ cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu này. Ngoài ra chúng ta có thể dùng nước lá khế để tắm cũng đem lại hiệu quả tương tự.

Nổi mề đay xông lá gì? 3 Nổi mề đay xông lá gì?

Lá kinh giới chữa trị mề đay

Mề đay có thể xuất hiện ở mặt và cổ do dị ứng với mỹ phẩm hay tác động từ ánh nắng mặt trời. Chúng ta có thể xông hơi bằng lá kinh giới trong trường hợp này để giảm nhẹ các triệu chứng. Kinh giới là dược liệu có tác dụng kháng khuẩn, giải độc, tiêu viêm, tính an toàn cao và hiệu quả.

Dùng lá tươi rửa thật sạch, có thể kết hợp với lá bưởi, hương nhu và thổ phục linh, đung sôi rồi trùm kín xông hơi trong vòng 5 -10 phút. Thực hiện 3 lần một tuần để đem lại hiệu quả tốt hơn. 

Lá ngải cứu

Là một loại cây có mùi đặc trưng, thường dùng kết hợp trị bệnh, nó còn có cái tên khác là ngải diệp. Cũng giống như hai loại trên, lá ngải cứu cũng có tác dụng kháng khuẩn, giải độc tốt lại an toàn và hiệu quả, giá thành rẻ nên cũng được ưu tiên lựa chọn trong các liệu pháp xông hơi. Đối với lá ngải cứu có thể dùng cả dạng tươi lẫn khô đem đi nấu nước sôi rồi xông trong vòng 15-20 phút. Lá ngải cứu tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm tốt.

Nổi mề đay xông lá gì? 3 Sử dụng lá ngải cứu xông hơi trị mề đay

Lưu ý khi xông hơi trị mề đay

Xông hơi là mẹo chữa mề đay cần kiên trì thực hiện để đem lại hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên biện pháp này cần lưu ý một số điều để hạn chế những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra:

  • Chỉ phù hợp với trường hợp biểu hiện nhẹ hay mới mắc bệnh, nếu mề đay kéo dài lâu thì hiệu quả mang lại khá ít.
  • Không nên xông nếu vùng da đó có vết thương hở, nhiễm trùng.
  • Nên làm sạch vùng da cần xông da trước để các lỗ chân lông thông thoáng, giúp hấp thu các chất và đào thải độc tố được dễ dàng hơn.
  • Những người bị cao huyết áp, tim mạch thì không nên dùng liệu pháp này.

Hy vọng qua bài viết trên đây, Nhà Thuốc Long Châu đã giải đáp được thắc mắc "nổi mề đay xông lá gì" của quý đọc giả! Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và nhớ theo dõi trang web để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn: Tham khảo tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin