Nội soi buồng tử cung là một trong những kỹ thuật hiện đại hỗ trợ việc chẩn đoán và chữa trị các bệnh phụ khoa nói riêng và chăm sóc sức khỏe của nữ giới nói chung. Trong bài viết này sẽ cung cấp cho mọi người về định nghĩa, quy trình thực hiện và biến chứng của phương pháp này.
Nội soi buồng tử cung là gì?
Nội soi buồng tử cung là một phương pháp sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, ví dụ như một ống kính có gắn camera nhỏ (ống nội soi buồng tử cung) giúp bác sĩ quan sát cấu trúc bên trong của tử cung (dạ con). Thông thường, trong quá trình tiến hành nội soi, bác sĩ sẽ thực hành luôn thủ thuật sinh thiết tử cung - có nghĩa là lấy đi những mảnh mô nhỏ của nội mạc tử cung để thực hiện xét nghiệm hoặc dùng kính hiển vi để quan sát.
Nội soi buồng tử cung hỗ trợ các bác sĩ biết được các nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết trong tử cung, ra máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt và xuất huyết âm đạo sau mãn kinh. Phương pháp này còn hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung hay dị dạng bẩm sinh ở tử cung.
Nội soi buồng tử cung hỗ trợ quan sát bên trong của tử cung
Nội soi là một phương pháp được đánh giá là an toàn và hiệu quả cao trong việc tìm và phát hiện các bệnh lý ở vùng tử cung. Trong một số trường hợp, phương pháp này còn hỗ trợ điều trị một số triệu chứng của các bệnh lý thường xuất hiện ở vùng này.
Khi nào nên thực hiện nội soi?
Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp nội soi buồn tử cung nhằm mục đích:
- Tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu âm đạo bất thường. Bác sĩ có thể dùng một dụng cụ đốt thông qua ống nội soi tử cung để đốt cầm máu. Vì vậy, nội soi buồng tử cung là phương pháp vừa cho mục đích chẩn đoán vừa dùng cho mục đích điều trị.
- Xem xét hình dạng, kích thước tử cung và những vết sẹo trên mô nội mạc tử cung để tìm ra nguyên nhân gây vô sinh hoặc vô kinh. Đôi khi, soi buồng tử cung còn giúp phát hiện được những bất thường bẩm sinh như tử cung có vách ngăn.
- Nếu các khu vực từ phần cổ tử cung tới vòi trứng bị tắc nghẽn, bác sĩ có thể thông tắc bằng cách sử dụng các dụng cụ đặc biệt thông qua ống nội soi.
- Tìm ra nguyên nhân của tình trạng sẩy thai nhiều lần: Các kỹ thuật khác cũng có thể được thực hiện đồng thời để tìm nguyên nhân và can thiệp điều trị.
- Tìm và lấy vòng tránh thai khi vòng đặt sai vị trí.
- Tìm và cắt bỏ polyp tử cung và u xơ nhỏ.
- Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung.
- Đặt dụng cụ tránh thai vào ống dẫn trứng.
Khi nào nên thực hiện nội soi
Quy trình thực hiện nội soi buồng tử cung
Dưới đây sẽ là những thông tin mà bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi nội soi cũng như quy trình nội soi buồng tử cung:
Trước khi thực hiện nội soi
Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bạn dùng gần đây. Hãy báo cho bác sĩ nếu:
- Đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai.
- Bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
- Rối loạn đông máu – cầm máu, hoặc đang uống các loại thuốc kháng đông máu như warfarin hay aspirin.
- Vừa chữa nhiễm trùng âm đạo, tử cung trong vòng 6 tuần trở lại.
- Mắc bệnh về tim và phổi.
Tốt nhất nên thực hiện nội soi tử cung khi bạn hết kinh và trước khi rụng trứng, vì đây là thời điểm mà tử cung có thể được quan sát rõ nhất, cũng để chắc chắn rằng bệnh nhân không có thai. Không nên thụt rửa hay dùng tampon hoặc các thuốc đặt âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi nội soi buồng tử cung.
Tốt nhất nên thực hiện nội soi tử cung khi bạn hết kinh và trước khi rụng trứng
Bác sĩ có thể sẽ dùng thuốc an thần để giúp bệnh nhân thư giãn trong quá trình soi, hoặc có thể dùng thuốc gây tê tại chỗ, tại vùng hoặc gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để chọn ra phương pháp giảm đau phù hợp nhất. Sau đó, bệnh nhân sẽ phải ký một số giấy tờ để đảm bảo rằng bạn hiểu đúng và đủ các rủi ro và đồng ý thực hiện.
Quy trình thực hiện
Bệnh nhân cần thông tiểu để làm trống bàng quang trước khi thực hiện nội soi buồng tử cung. Tiếp đó, người bệnh được đặt một đường truyền tĩnh mạch và nằm ngửa trên bàn với tư thế sản phụ khoa. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành rửa âm đạo bằng dung dịch sát khuẩn và tiến hành nong và nạo tử cung.
Ống soi sẽ được đưa vào âm đạo, đi qua cổ tử cung để vào buồng tử cung. Tiếp đến, bơm dung dịch hoặc khí vào buồng tử cung để tử cung được làm giãn ra. Bác sĩ sẽ tiến hành quan sát cẩn thận các thành tử cung, ghi hình lại và sinh thiết các tổn thương quan sát được.
Thời gian thực hiện phương pháp này có thể thay đổi từ 5 phút hoặc kéo dài 30 phút tùy theo mục đích của bác sĩ. Soi buồng tử cung có thể thực hiện ngoại trú và bệnh nhân có thể ra về trong ngày. Sau khi nội soi thì không thụt rửa hoặc quan hệ tình dục trong vòng 2 tuần. Nếu bệnh nhân có bất kỳ vấn đề gì, hãy liên hệ ngay với các bác sĩ.
Biến chứng nội soi buồng tử cung
Tất cả các thủ thuật, rủi ro biến chứng là việc không thể nào né tránh. Các bệnh nhân nên hỏi bác sĩ để được giải thích những rủi ro có thể đến. Sau khi thực hiện phương pháp này, bạn có thể ra huyết âm đạo ít và co thắt nhẹ vùng bụng dưới.
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Dị ứng với thuốc mê/thuốc tê.
- Chảy máu nhiều hoặc hình thành cục máu đông.
- Viêm nhiễm vùng chậu.
- Rách tử cung hoặc cổ tử cung nếu bị tổn thương.
- Tai biến do dịch hoặc do khí bơm vào lòng tử cung.
Bệnh nhân có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách cẩn thận tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho việc nội soi buồng tử cung, ví dụ như nhịn ăn và ngưng thuốc đúng quy định. Mong rằng qua bài viết này, mọi người đã có thêm nhiều kiến thức về nội soi buồng tử cung.
Phương Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp