Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm vùng chậu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng ở các cơ quan sinh sản của nữ giới: Cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và buồng trứng; áp xe có thể xảy ra. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có các dấu hiệu như đau bụng dưới, khí hư, sốt, đau khi giao hợp, cảm giác bỏng rát khi tiểu tiện, chảy máu âm đạo không đều… Bệnh viêm vùng chậu nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mãn tính, vô sinh và ung thư.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm vùng chậu là gì? 

Viêm vùng chậu là viêm nhiễm cấp đường sinh dục trên của phụ nữ, lây lan từ cổ tử cung đến tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và các cơ quan lân cận.

Nhiễm trùng cổ tử cung gây ra tiết dịch nhày mủ. Nhiễm trùng các vòi trứng (viêm ống dẫn trứng) và tử cung (viêm niêm mạc tử cung) có xu hướng xuất hiện cùng nhau. Nếu trầm trọng, nhiễm trùng có thể lan đến buồng trứng (viêm buồng trứng) và sau đó là phúc mạc (viêm phúc mạc). Viêm ống dẫn trứng với viêm niêm mạc tử cung và viêm buồng trứng, có hoặc không có viêm phúc mạc, thường được gọi là viêm phần phụ mặc dù các cấu trúc khác có liên quan. Mủ có thể tích tụ trong vòi (ứ mủ vòi trứng), và áp xe có thể hình thành (áp xe vòi - buồng trứng).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm vùng chậu

Đau bụng dưới, sốt, tiết dịch cổ tử cung và chảy máu tử cung bất thường là phổ biến, đặc biệt là trong hoặc sau khi hành kinh.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung thấy đỏ và dễ chảy máu. Dịch mủ nhày cổ tử cung là phổ biến; thông thường, nó có màu vàng-xanh lá cây và có thể nhìn thấy chảy ra từ ống cổ tử cung.

Viêm vòi trứng cấp

Đau bụng dưới là dấu hiệu thường gặp và hai bên nhưng cũng có thể chỉ một bên, ngay cả khi cả hai vòi đều có bị liên quan. Đau cũng có thể xảy ra ở vùng bụng trên. Buồn nôn và nôn thường gặp khi đau nặng. Xuất huyết không đều (do viêm niêm mạc tử cung gây ra) và sốt từng xảy ra tới 1/3 số bệnh nhân.

Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu có thể nhẹ hoặc không có. Sau đó, dấu hiệu căng tức khi chuyển động cổ tử cung, sự bảo vệ và sự hồi phục lại là phổ biến.

Thỉnh thoảng, xảy ra đau khi quan hệ hoặc rối loạn đi tiểu.

Nhiều phụ nữ có tình trạng viêm nghiêm trọng đủ để gây tổn thương sẹo dính có triệu chứng ít hoặc không có triệu chứng.

Viêm vùng chậu do N. gonorrhoeae thường là cấp tính hơn và gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn so với viêm do C. trachomatis, mà có thể không đau. Viêm vùng chậu do M. genitalium, giống như do C. trachomatis, cũng nhẹ và cần được xem xét ở những phụ nữ không đáp ứng với điều trị bậc 1 đối với viêm vùng chậu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm vùng chậu

Viêm cấp tính do lậu hoặc viêm cấp do Chlamydia có thể dẫn tới hội chứng Fitz-Hugh-Curtis (viêm quanh gan gây đau một phần tư trên phải ổ bụng). Nhiễm trùng có thể thành mạn tính, đặc trưng bởi đợt cấp xuất hiện thường xuyên và tái phát.

Áp xe vòi-buồng trứng (tập trung mủ trong phần phụ) phát triển ở khoảng 15% phụ nữ bị viêm vòi trứng. Nó có thể đi kèm với nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính và biến chứng này có nhiều khả năng bị nếu điều trị muộn hoặc không đầy đủ. Đau, sốt, và các dấu hiệu phúc mạc thường có và có thể nặng. Một khối u phần phụ có thể sờ thấy được, mặc dù sự căng đau quá mức có thể gây hạn chế việc khám. Áp xe có thể vỡ, gây ra các triệu chứng nặng và có thể là sốc nhiễm khuẩn.

Ứ nước vòi trứng là tắc nghẽn đầu vòi và giãn vòi trứng chứa dịch không phải là mủ; thường là không có triệu chứng nhưng có thể gây tức nặng, đau vùng tiểu khung mạn tính, đau khi quan hệ, và/hoặc vô sinh.

Viêm vòi trứng có thể gây sẹo và viêm dính, dẫn đến đau vùng chậu mạn tính, vô sinh và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn gặp phải:

  • Đau dữ dội vùng bụng dưới.

  • Buồn nôn và nôn mửa.

  • Sốt > 38,3oC.

  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm vùng chậu không nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Tiết dịch âm đạo có mùi, tiểu buốt hoặc chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể là các triệu chứng của nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Nếu những dấu hiệu và triệu chứng này xảy ra, hãy ngừng quan hệ tình dục và đi khám bác sĩ sớm. Điều trị kịp thời STI có thể giúp ngăn ngừa viêm vùng chậu.

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh chủ yếu trong viêm vùng chậu là Chlamydia trachomatisNeisseria gonorrheae.

Các tác nhân khác cũng có thể gây bệnh như

  • Gardnerella vaginalis, Mycoplasma hominis, Ureaplasma urealyticum.

  • Streptocoques, Staphylocoques, Haemophilus influenzae.

  • Enterobacteries (E.coli, Klebsiella yếm khí, Bacteroides fragilis).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm vùng chậu?

Viêm vùng chậu thường xảy ra ở phụ nữ < 35 tuổi. Hiếm xảy ra trước lần kinh nguyệt đầu tiên, sau khi mãn kinh và trong thời kỳ mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm vùng chậu

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Viêm vùng chậu trước đó.

  • Sự hiện diện của viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục (bạn tình có viêm nhiễm niệu đạo hoặc nhiễm lậu).

Các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là bệnh lậu hoặc viêm vùng chậu do chlamydia, bao gồm:

  • Trẻ tuổi < 25 tuổi.

  • Chủng tộc khác da trắng.

  • Tình trạng kinh tế xã hội thấp.

  • Nhiều bạn tình hoặc bạn tình mới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm vùng chậu

Tiêu chuẩn chẩn đoán tối thiểu viêm vùng chậu

Đau vùng hạ vị hoặc đau vùng chậu.

Đau khi di động cổ tử cung hoặc đau tử cung hoặc phần phụ.

Tiêu chuẩn thêm vào (một hay nhiều triệu chứng)

Nhiệt độ > 38,3oC.

Cổ tử cung viêm, chảy dịch đục như mủ.

Tăng bạch cầu.

Tăng CRP.

Có dữ liệu nhiễm N.gonorrhoeae hoặc C. Trachomatis ở cổ tử cung.

Phương pháp xét nghiệm

Tổng phân tích tế bào máu.

CRP.

β hCG.

CA 125.

Tổng phân tích nước tiểu.

Siêu âm.

Xét nghiệm khí hư âm đạo.

Test miễn dịch chẩn đoán Chlamydia trachomatis.

Viêm vùng chậu được nghi ngờ khi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ, có đau bụng dưới hoặc ra nhiều dịch cổ tử cung hoặc âm đạo không giải thích được viêm vùng chậu được xem xét khi xuất huyết âm đạo bất thường, quan hệ đau hoặc khó tiểu không giải thích được.

Viêm vùng chậu có nhiều khả năng hơn nếu có đau vùng bụng dưới, một hoặc cả 2 bên và cảm giác căng đau khi di động cổ tử cung. Sờ thấy một khối u phần phụ nghĩ tới áp xe vòi - buồng trứng. Bởi vì thậm chí cả nhiễm trùng có triệu chứng tối thiểu có thể có di chứng nặng nề, chỉ số nghi ngờ cần ở mức cao.

Nếu nghi ngờ viêm vùng chậu, PCR của mẫu cổ tử cung cho N. gonorrhoeaeC. trachomatis (với độ nhạy và đặc hiệu khoảng 99%) và thực hiện xét nghiệm mang thai. Nếu không làm được PCR, thực hiện cấy vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiễm trùng đường sinh dục trên có thể xảy ra ngay cả khi mẫu xét nghiệm ở cổ tử cung âm tính. Tại thời điểm chăm sóc, dịch tiết cổ tử cung thường được kiểm tra để xác định mủ; nhuộm Gram hoặc soi tươi khí hư bằng nước muối được sử dụng, nhưng các xét nghiệm này không nhạy và cũng như không đặc hiệu.

Nếu bệnh nhân không thể được kiểm tra đầy đủ vì đau, siêu âm được thực hiện càng sớm càng tốt.

Số lượng bạch cầu có thể tăng lên nhưng không hữu ích trong chẩn đoán.

Nếu xét nghiệm mang thai dương tính, cần nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, vì các dấu hiệu phát hiện được cũng tương tự.

Các nguyên nhân phổ biến khác của đau vùng chậu bao gồm lạc nội mạc tử cung, xoắn phần phụ, vỡ nang buồng trứng và viêm ruột thừa. 

Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis có thể giống viêm đường mật cấp tính nhưng thường có thể được phân biệt bằng các triệu chứng viêm phần phụ khi khám vùng chậu hoặc, nếu cần, bằng siêu âm.

Nếu khối u phần phụ hoặc vùng chậu nghi ngờ trên lâm sàng hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh trong vòng 48 đến 72 giờ, siêu âm sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt để loại trừ áp xe vòi-buồng trứng, mủ vòi và rối loạn không liên quan đến viêm nhiễm vùng chậu (ví dụ như thai ngoài tử cung, xoắn phần phụ). Nếu chẩn đoán không chắc chắn sau khi siêu âm thì nên nội soi ổ bụng; có mủ ở phúc mạc ở bụng khi nội soi thì đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán.

Phương pháp điều trị viêm vùng chậu hiệu quả

Phác đồ điều trị ngoại trú

Lựa chọn 1

Ceftriaxone 500mg (tiêm bắp) 1 liều duy nhất + Doxycycline 100mg x 2 lần/ngày (uống) trong 14 ngày (+/-) Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày (uống) trong 14 ngày.

Hoặc Cefoxitin 2g (TB) liều duy nhất, phối hợp với Probenecid 1g (uống) cùng lúc liều duy nhất + Doxycycline 100mg x 2 lần/ngày (uống) trong 14 ngày (+/-) Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày (uống) trong 14 ngày.

Hoặc Cephalosporin thế hệ 3 như Cefotaxim 1g hoặc Ceftizoxime 1g (TB) 1 liều duy nhất + Doxycycline 100mg x 2 lần/ngày (uống) trong 14 ngày (+/-) Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày (uống) trong 14 ngày.

Lựa chọn 2

Ofloxacin 400mg (uống) 2 lần/ngày trong 14 ngày, hoặc Levofloxacin 500mg (uống) 1 lần/ngày trong 14 ngày (+/-) Metronidazole 500mg (uống) x 2 lần/ngày trong 14 ngày.

Trường hợp dị ứng với Penicilline

Nhập viện và điều trị với Clindamycin 900mg truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ + Gentamicin liều đầu tiên 2mg/kg (tiêm mạch) hoặc (TB) sau đó duy trì 1,5mg/kg mỗi 8 giờ.

Sau 24 giờ lâm sàng cải thiện, chuyển sang: Clindamycin 450 mg uống mỗi 6 giờ cho đủ 14 ngày, hoặc

Doxycycline 100mg x 2 lần (uống)/ngày trong 14 ngày + Metronidazole 500mg (uống) x 2 lần/ngày trong 14 ngày.

Hoặc điều trị ngoại trú: Ofloxacin 400mg (uống) 2 lần/ngày trong 14 ngày, hoặc Levofloxacin 500mg (uống) 1 lần/ngày trong 14 ngày (+/-) Metronidazole 500mg (uống) x 2 lần/ngày trong 14 ngày. 

Phác đồ điều trị nội trú

Nguyên tắc điều trị nội trú

Điều trị với kháng sinh TM ít nhất 48 giờ.

Chuyển sang kháng sinh đường uống nếu sau 48 giờ triệu chứng lâm sàng cải thiện.

Lựa chọn 1

Cefoxitin 2g (TM) mỗi 6 giờ, hoặc Cefotetan 2g (TM) mỗi 12 giờ + Doxycycline 100mg (uống hay TM) mỗi 12 giờ.

Hoặc Cephalosporine thế hệ III như Ceftriaxone 1-2g (TM) 1 lần/ngày + Doxycycline 100mg (uống hay TM) mỗi 12 giờ.

Ngưng KS tĩnh mạch sau 48 giờ nếu tình trạng lâm sàng cải thiện, chuyển sang kháng sinh uống Doxycycline 100mg 1v x 2 lần/ngày (uống) cho đủ 14 ngày.

Lựa chọn 2

Clindamycin 900mg (TM) mỗi 8 giờ + Gentamicin liều đầu tiên 2mg/ kg (tĩnh mạch hoặc tiêm bắp), sau đó duy trì 1,5mg/kg mỗi 8 giờ.

Chuyển từ đường tĩnh mạch sang đường uống bắt đầu sau 48 giờ cải thiện các triệu chứng lâm sàng (sốt, buồn nôn, nôn, đau vùng chậu). Dùng Doxycycline 100mg x 2 lần/ngày (uống) cho đủ 14 ngày hoặc Clindamycin 450mg uống 4 lần/ngày trong 14 ngày.

Trường hợp bệnh nhân không dung nạp với Doxycycline, có thể sử dụng Azithromycine 1g đơn liều uống 1 lần/tuần x 2 tuần.

Lựa chọn 3

Ampicillin – Sulbactam 3g (TM) mỗi 6 giờ + Doxycycline 100mg (TM hoặc uống) mỗi 12 giờ.

Hiệu quả trong điều trị C. trachomatis, N. Gonorrhoeae, và vi khuẩn kỵ khí trên những bệnh nhân áp xe phần phụ.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm vùng chậu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Viêm vùng chậu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình và hỏi về tiền sử tình dục của bạn tình tiềm năng.

  • Nói chuyện với bác sĩ của bạn về các biện pháp tránh thai. Nhiều hình thức tránh thai không bảo vệ khỏi sự phát triển của viêm vùng chậu. Sử dụng các phương pháp rào cản, chẳng hạn như bao cao su, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả khi bạn uống thuốc tránh thai, hãy sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục với bạn tình mới để bảo vệ khỏi bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Nếu bạn hoặc bạn tình của bạn bị bệnh viêm vùng chậu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên được điều trị sớm để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh lây truyền qua đường tình dục hay khả năng tái phát của viêm vùng chậu.

  • Tránh thụt rửa âm đạo vì sẽ làm xáo trộn sự cân bằng của vi khuẩn trong âm đạo của bạn.

  • Tình dục một vợ một chồng.

  • Giảm số lượng bạn tình.

Nguồn tham khảo
  1. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com

  2. Mayoclinic.org: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pelvic-inflammatory-disease/symptoms-causes/syc-20352594 

  3. https://www.nhs.uk/conditions/pelvic-inflammatory-disease-pid/

  4. https://www.cdc.gov/std/pid/stdfact-pid.htm

  5. https://www.healthline.com/health/pelvic-inflammatory-disease-pid#complications

  6. https://phacdodieutri.com/viem-vung-chau/

Các bệnh liên quan

  1. Chuyển dạ đình trệ

  2. Viêm âm đạo do Trichomoniasis

  3. Bán hẹp bao quy đầu

  4. Đa niệu

  5. Lạc nội mạc trong cơ tử cung

  6. Huyết trắng do vi khuẩn

  7. Đau tinh hoàn

  8. Sa tử cung

  9. Ung thư âm hộ

  10. Nhiễm lậu cầu