Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nội soi thanh quản là gì? Những phương pháp được sử dụng trong nội soi thanh quản?

Ngày 12/11/2022
Kích thước chữ

Nội soi thanh quản là một phương pháp được thực hiện khá phổ biến, giúp bác sĩ chẩn đoán và phát hiện kịp thời các bệnh lý vùng thanh quản. Vậy nội soi thanh quản là gì? Có những phương pháp nào được bác sĩ sử dụng trong nội soi thanh quản? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!

Thanh quản là vùng thuộc đường hầu họng với chức năng đậy khí quản khi nuốt, tạo ra âm thanh khi giao tiếp. Nội soi thanh quản thường được bác sĩ chỉ định khi muốn thăm khám vùng thanh quản và đường hô hấp trên với các triệu chứng như ho, đau họng, giọng nói thay đổi… 

Nội soi thanh quản là gì?

Nội soi thanh quản là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, thăm khám trực tiếp bên trong vùng họng và thanh quản của bạn dưới sự hỗ trợ của các thiết bị y tế. Các thiết bị này sẽ được bác sĩ đưa sâu vào trong thanh quản ở giữa yết hầu và khí quản nhằm thu thập hình ảnh.

Nội soi thanh quản là gì? Những phương pháp được sử dụng trong nội soi thanh quản? 1 Nội soi thanh quản để tìm nguyên nhân gây khó chịu ở họng

Thiết bị thu thập hình ảnh có thể là một tấm gương y khoa, cũng có thể là một ống nội soi chuyên dụng ở dạng ống cứng hoặc ống mềm. Các ống nội soi này có kích thước nhỏ, dạng ống dài và được gắn đèn chiếu sáng và camera ở đầu. Tuỳ thuộc vào phương pháp thực hiện để bác sĩ lựa chọn thiết bị nội soi phù hợp.

Nội soi thanh quản là thủ thuật y tế ít xâm lấn, đơn giản. Thời gian để thực hiện nội soi thanh quản khá nhanh, có thể từ 5 - 10 phút/lần hoặc từ 15 - 20 phút/lần phụ thuộc vào phương pháp nội soi mà bạn được chỉ định.

Khi nào cần nội soi thanh quản?

Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng của bạn để chỉ định nội soi thanh quản:

  • Mùi của hơi thở: Khi hơi thở có mùi hôi, không biến mất nhanh.
  • Rối loạn chức năng hô hấp: Khó thở, thở khò khè, hụt hơi, thở gấp… 
  • Ho khan: Cơn ho mãn tính kéo dài do hút thuốc, ho ra máu. 
  • Khó nuốt: Khi nuốt nước bọt hoặc thức ăn cảm thấy cổ họng bị nghẹn, khó nuốt, bị vướng víu như có dị vật.
  • Các triệu chứng về cổ họng và giọng nói trên 3 tuần: Đau rát họng kéo dài, cổ họng sưng, khàn giọng, giọng nói thay đổi, nói không thành tiếng hoặc âm thanh bị biến đổi.
  • Sẹo hẹp khí quản: Thở rít, khó thở.
  • Các biểu hiện khác: Ù tai, bên trong tai đau dai dẳng kéo dài… 

Ngoài ra, nội soi thanh quản còn chỉ định trong chẩn đoán và điều trị một vài bệnh sau:

  • Kiểm soát bệnh: Hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm đem đi xem nghiệm, kiểm soát dấu hiệu ung thư vùng hầu họng, quan sát trực tiếp những điểm bất thường trên hình ảnh chụp CT của thanh quản.
  • Điều trị: Cắt bỏ khối u trong ung thư thanh quản ở giai đoạn đầu, hạt polyp… 
  • Loại bỏ dị vật: Lấy dị vật bị mắc như đồng xu, xương cá bị hóc… 

Nội soi thanh quản là gì? Những phương pháp được sử dụng trong nội soi thanh quản? 2 Nếu bạn thấy khó nuốt hãy đi kiểm tra

Các phương pháp thực hiện nội soi thanh quản

Nội soi trực tiếp bằng ống cứng

Đối với những người bệnh được chỉ định nội soi thanh quản bằng ống cứng sẽ được nhập viện nội trú và tiến hành gây mê toàn thân khi thực hiện. Điều này có nghĩa là bạn sẽ từ từ đi vào giấc ngủ và không cảm thấy đau trong suốt quá trình thực hiện nội soi khoảng 30 - 45 phút.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi bằng kim loại, sau đó đè đầu lưỡi của bạn xuống và nâng nắp thanh quản lên để có thể đưa ống nội soi vào sâu bên trong thanh quản.

Ngoài ra, nội soi bằng ống cứng còn giúp bác sĩ đưa thêm dụng cụ y khoa khác vào để thực hiện thủ thuật, điều trị, phẫu thuật hoặc lấy mẫu mô tế bào để xét nghiệm nếu có dấu hiệu bất thường.

Nội soi trực tiếp bằng ống mềm

Ban đầu, bạn sẽ được tiêm, xịt thuốc tê vào vùng miệng hoặc mũi. Bên cạnh đó, thuốc thông mũi cũng được sử dụng để hỗ trợ làm sạch và mở đường đưa ống nội soi vào bên trong.

Nội soi thanh quản là gì? Những phương pháp được sử dụng trong nội soi thanh quản? 3 Bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi mềm vào thanh quản

Bác sĩ sẽ tiến hành đưa một ống soi mềm được gắn camera và đèn chiếu sáng ở phía đầu ống vào trong mũi hoặc miệng của bạn. Sau đó, đưa ống soi từ từ xuống dưới họng và tới vị trí thanh quản để quan sát.

Với phương pháp nội soi thanh quản bằng ống mềm, chất lượng hình ảnh rõ nét, dễ quan sát. Ngoài ra, quy trình này khá nhanh chỉ kéo dài trong khoảng 10 - 15 phút. 

Nội soi gián tiếp

Đây là một phương pháp nội soi đơn giản nhất với thời gian thực hiện trong khoảng 5 - 10 phút cho một lần. Bác sĩ sẽ xịt thuốc để làm tê vòm họng trước khi tiến hành thủ thuật. 

Nội soi thanh quản gián tiếp thường chỉ định trong những trường hợp bệnh lý đơn giản, có thể chẩn đoán dễ dàng bằng mắt thường. Bởi vì bác sĩ không có nhu cầu quan sát, can thiệp sâu vào phía bên trong thanh quản như cắt bỏ khối u hay lấy mẫu mô, tế bào để sinh thiết… 

Bác sĩ sẽ dùng một chiếc gương cầm tay có cán dài. Nó giống như gương của bác sĩ nha khoa hay sử dụng. Bác sĩ từ từ đưa gương vào sâu trong vòm miệng của bạn, đồng thời dùng một tia sáng chiếu từ bên ngoài vào gương. Sau đó, quan sát hình ảnh được phản chiếu từ thanh quản lên tấm gương. 

Nội soi thanh quản có đau không?

Thực tế, nội soi thanh quản không hề đau đớn mà khá nhẹ nhàng. Bởi vì trước khi thực hiện, bác sĩ đã xịt hoặc tiêm thuốc tê vào vị trí nhất định nên bạn sẽ không cảm thấy đau đớn. Nếu xuất hiện cảm giác thì cũng rất nhẹ như hơi buồn nôn, buồn ho, ngứa mũi… 

Với kỹ thuật y tế hiện đại, nội soi thanh quản bằng ống mềm cùng với tay nghề cao của bác sĩ sẽ làm bạn yên tâm thực hiện mà không cảm thấy đau đớn, lo sợ. 

Một vài lưu ý khi nội soi thanh quản

Mặc dù các biến chứng sau khi thực hiện nội soi thanh quản rất ít xảy ra nhưng bạn vẫn cần lưu ý để đảm bảo cho sức khoẻ của chính mình:

  • Đau, sưng vùng cổ họng, miệng và lưỡi.
  • Nếu người bệnh nhạy cảm với dụng cụ nội soi có thể bị chảy máu vùng mũi, miệng.
  • Có thể bị ảnh hưởng tới giọng nói, bị khàn tiếng.

Nếu bạn cảm thấy đau rát vùng họng dữ dội, ho nhiều có thể xuất hiện máu thì ngay lập tức phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử lý và điều trị kịp thời.

Nội soi thanh quản là gì? Những phương pháp được sử dụng trong nội soi thanh quản? 3 Hãy tìm tới bác sĩ chuyên khoa nếu có dấu hiệu bất thường

Để đảm bảo quá trình thực hiện nội soi thanh quản diễn ra an toàn, hiệu quả thì người bệnh cần lưu ý một vài điều sau:

  • Nên để bụng rỗng trước khi thực hiện khoảng 8 tiếng.
  • Dừng sử dụng các thuốc điều trị khác trước khi khám 5 - 7 ngày để kết quả được chính xác.
  • Thực hiện các xét nghiệm khác nếu được bác sĩ yêu cầu khi phát hiện bất thường.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về nội soi thanh quản. Nội soi thanh quản không hề gây đau đớn, không cần nghỉ dưỡng quá lâu. Vì vậy khi được bác sĩ chỉ định nội soi thanh quản, bạn đừng lo lắng. Hãy theo dõi nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích khác nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.