Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Peel da kiêng ăn gì và nên ăn gì? Một số điều cần lưu ý

Ngày 16/08/2024
Kích thước chữ

Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ da từ bên ngoài thì việc bổ sung các thực phẩm từ bên trong cũng là một trong những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình peel da. Vậy peel da kiêng ăn gì?

Peel da là một trong những phương pháp làm đẹp được nhiều chị em hưởng ứng hiện nay. Sau khi peel da, làn da thường rất mong manh và nhạy cảm, vì vậy việc chăm sóc và phục hồi sau peel là một trong những điều quan trọng gây ảnh hưởng đến kết quả. Vậy peel da kiêng ăn gì?

Peel da là gì?

Peel da là một phương pháp sử dụng các chất hóa học để cải thiện vẻ ngoài của làn da. Trong quá trình này, dung dịch hóa học được thoa lên da, gây ra tổn thương có kiểm soát cho các lớp da ngoài cùng. Sau một thời gian, các lớp da bị tổn thương sẽ bong tróc, lúc này các tế bào da chết, vi khuẩn, bụi bẩn nằm sâu bên sẽ được được loại bỏ tạo ra lớp da mới khỏe mạnh, mịn màng hơn.

Trong peel da, một số hóa chất thường được sử dụng bao gồm:

Salicylic acid

Salicylic acid là một loại β-hydroxy acid gốc dầu, hòa tan trong lipid có khả năng thúc đẩy quá trình bong da trên lớp biểu bì mà không gây viêm nhiễm da. Bên cạnh đó, hoạt chất này cũng giúp sát khuẩn, làm sạch lỗ chân lông từ đó giúp việc peel da đạt được hiệu quả cao.

Alpha hydroxy acid (AHA)

Alpha hydroxy acid là một nhóm các hợp chất có nguồn gốc từ hoạt chất từ thiên nhiên như citric acid, glycolic acid, malic acid, tartaric acid và lactic acid. AHA tan trong nước có khả năng làm bong lớp biểu bì sừng và cung cấp độ ẩm cho da. Trong các hợp chất AHA, glycolic acid (GA) là hoạt chất thường được sử dụng nhiều nhất để peel da.

Peel da kiêng ăn gì và nên ăn gì? Một số điều cần lưu ý 1
Alpha hydroxy acid có khả năng làm bong lớp biểu bì sừng và cung cấp độ ẩm cho da

Trichloroacetic acid (TCA)

Trichloroacetic acid là một acid mạnh, có khả năng làm biến tính và đông tụ protein, tạo hiện tượng frosting (lớp màng trắng có thể nhìn thấy dễ dàng khi tiếp xúc với da). Hóa chất này thường được sử dụng trong liệu trình peel da từ trung bình đến sâu với nồng độ từ 10% đến 50%, ở những nồng độ khác nhau, TCA sẽ có các tác động lên da khác nhau, cụ thể:

  • Trichloroacetic acid (TCA) 10 - 25%: Thường được dùng trong peel nông, giúp hỗ trợ điều trị sắc tố da và làm sáng da.
  • Trichloroacetic acid (TCA) 35%: Nồng độ này được dùng trong peel trung bình có vai trò trị mụn, làm mờ đốm nâu và trẻ hoá da.
  • Trichloroacetic acid (TCA) trên 40%: Nồng độ này được dùng trong peel ở tầng sâu, ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ.

Dung dịch Jessner

Dung dịch Jessner là một loại dung dịch thường được sử dụng trong peel nông, có chứa thành phần 14% salicylic acid, 14% axetic acid và 14% resorcinol hòa tan trong 95% ethanol. Dung dịch này có khả năng tiêu sừng hiệu quả do đó được áp dụng cho nhiều mục đích bao gồm peel da body và da mặt. Nó hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, làm sáng nám da nhẹ, đồng thời cải thiện cấu trúc da và làm chậm quá trình lão hóa.

Quy trình peel da diễn ra như thế nào?

Để đạt được kết quả tốt nhất và bảo vệ sức khỏe làn da, việc hiểu rõ từng bước trong quy trình peel da là rất quan trọng. Dưới đây là các bước cơ bản trong quy trình peel da:

  • Làm sạch da: Trước khi thực hiện peel, da cần được làm sạch kỹ lưỡng bằng các dụng dịch chuyên dụng để loại bỏ bụi bẩn và lớp trang điểm. Bước này giúp tăng cường hiệu quả của liệu trình peel và giảm nguy cơ kích ứng.
  • Bảo vệ da: Bác sĩ sẽ tiến hành thoa mỡ vaseline, kem dưỡng ẩm lên những vùng da mỏng như khóe mắt, khóe mũi, khóe miệng để bảo vệ các vùng da trên trước tác động của hóa chất peel da. Bên cạnh đó, sử dụng băng dính hoặc kính bảo hộ để bảo vệ mắt.
  • Peel da: Khi thực hiện peel da, bác sĩ sẽ sử dụng chổi, bông gòn, gạc và các dụng cụ chuyên dụng để thoa dung dịch hóa học lên trên vùng da cần peel.
  • Rửa sạch da: Sau khi sản phẩm peel được loại bỏ, da sẽ được rửa sạch và làm dịu bằng các sản phẩm trung hòa. Các sản phẩm này sẽ giúp giảm bớt cảm giác bỏng rát, châm chích và ngăn không cho hóa chất tác động sâu hơn nữa.
  • Chăm sóc da sau peel: Sau liệu trình, da cần được phục hồi bằng cách chườm lạnh, sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, đắp mask,… Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tư vấn người peel da thực hiện các bước chăm sóc, sử dụng các loại kem chống nắng và kem dưỡng ẩm để bảo vệ da.
Peel da kiêng ăn gì và nên ăn gì? Một số điều cần lưu ý 2
Quá trình peel da cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín

Peel da kiêng ăn gì?

Sau khi peel da, chế độ ăn uống là điều quan trọng để giúp cho quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Vậy peel da kiêng ăn gì?

Thực phẩm nhiều đường

Việc sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, nước ngọt sau khi peel có thể làm gia tăng mức độ viêm trong cơ thể. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi da mà còn có thể làm da dễ bị kích ứng và nổi mụn.

Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ

Các chất béo bão hòa có trong thức ăn nhanh, đồ chiên xào và các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể làm tăng mức độ viêm trong cơ thể. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến làn da, gây ra các tình trạng đỏ, sưng hoặc kích ứng. Ngoài ra, các loại thực phẩm này thường thiếu các dưỡng chất cần thiết cho da, khiến làm chậm quá trình phục hồi.

Thực phẩm cay nóng

Peel da kiêng ăn gì? Sau khi peel da nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có nhiều ăn cay, nóng, chứa nhiều gia vị hăng như ớt, tiêu, mù tạt,… Bởi làn da sau khi peel thường sẽ hơi khô rát, nhạy cảm, việc sử dụng các thực phẩm cay nóng có thể sẽ khiến các mô tế bào tổn thương lâu lành hơn, da bị khô và mất đi độ ẩm vốn có.

Peel da kiêng ăn gì và nên ăn gì? Một số điều cần lưu ý 3
Peel da kiêng ăn gì? Peel da nên kiêng các thực phẩm cay nóng

Thực phẩm dễ gây sẹo

Các thực phẩm như thịt gà, rau muống, đồ nếp và thịt bò có thể nguy cơ gây sẹo sau khi tổn thương, do đó, nên chú ý tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các món ăn này sau liệu trình peel da.

Hải sản

Hải sản có chứa nhiều chất dinh dưỡng như đạm, canxi và khoáng chất tuy nhiên một số chất trong hải sản có thể tác động đến làn da nhạy cảm sau khi mới peel. Việc tiêu thụ hải sản có thể gây dị ứng, nổi mẩn ngứa hoặc các phản ứng khác, do đó, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn này, bạn nên tạm ngừng dùng hải sản cho đến khi làn da phục hồi hoàn toàn.

Peel da nên ăn gì?

Bên cạnh peel da kiêng ăn gì thì các thực phẩm cần được bổ sung sau khi peel da cũng là vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Dưới đây là những nhóm thực phẩm bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống để tăng cường sức khỏe của da và tối ưu hóa kết quả peel da:

Rau xanh và trái cây

Rau xanh và trái cây là các loại thực phẩm luôn được khuyến khích trong quá trình hồi phục sau khi peel da. Các rau xanh như cải bó xôi, rau diếp, trái cây tươi như cam, dưa hấu, dâu tây…  đều có chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, acid hữu cơ, muối khoáng, các chất chống oxy hóa. Các chất này giúp tăng cường quá trình tái tạo da, hỗ trợ sản xuất collagen, giúp làm sáng da, cải thiện kết cấu da và bảo vệ da.

Peel da kiêng ăn gì và nên ăn gì? Một số điều cần lưu ý 4
Bổ sung rau củ và trái cây giúp nhanh chóng hồi phục da 

Các loại cá

Các loại cá như cá hồi, cá thu,… có chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là omega-3, một loại acid béo thiết yếu giúp giảm viêm và duy trì độ ẩm cho da. Omega-3 cũng có tác dụng làm mềm da và cải thiện sức khỏe tổng thể của làn da, việc bổ sung cá vào chế độ ăn sẽ giúp da phục hồi nhanh chóng hơn.

Nước

Sau khi peel da, nhiều người thường cảm thấy da và môi hơi khô. Lúc này, việc bổ sung nước đều đặn, từ 1,5 đến 3 lít mỗi ngày là điều cực kỳ quan trọng để duy trì độ ẩm và hỗ trợ quá trình phục hồi của da.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn thắc mắc: Peel da kiêng ăn gì? Đối với những người vừa thực hiện peel da, nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có dầu mỡ, cay nóng, hải sản,… để giúp quá trình phục hồi da thuận lợi và nhanh chóng.

Xem thêm: Peel da mặt là gì? Công dụng và một số điều cần lưu ý

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.