Phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ em và cách chăm sóc trẻ bệnh
Ngày 09/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Viêm phế quản là một bệnh về đường hô hấp rất thường gặp ở trẻ em. Vì vậy chắc hẳn có nhiều cha mẹ thắc mắc rằng phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ em ra sao?
Viêm phế quản mô tả tình trạng viêm các ống thở hoặc đường hô hấp lớn của trẻ em, được gọi là phế quản. Có một số loại viêm phế quản khác nhau, nhưng hai loại phổ biến nhất là mãn tính, chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn và cấp tính, là tình trạng viêm màng nhầy của ống phế quản ở trẻ em.
Mặc dù đây thường là một tình trạng tương đối nhẹ nhưng trong giai đoạn đầu của viêm phế quản cấp tính, trẻ có thể bị ho khan, ho khan. Về sau, cơn ho sẽ trở thành ho nhiều, có nhiều chất nhầy (đàm nhớt). Cơn ho này thậm chí có thể khiến trẻ khó thở hoặc nôn mửa. Bài viết này sẽ cho bạn hiểu hơn về bệnh viêm phế quản cũng như phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ em.
Nguyên nhân và cách chẩn đoán viêm phế quản ở trẻ
Viêm phế quản là hội chứng lâm sàng gây ra do tình trạng viêm của khí quản và các phế quản lớn. Viêm phế quản cấp ở trẻ em là do nhiễm virus của hệ hô hấp và rất hiếm khi do vi trùng. Bệnh chiếm khoảng 40% các trường hợp được chẩn đoán nhiễm trùng hô hấp ở trẻ dưới 8 tuổi. Trẻ nhỏ nhiều hơn trẻ lớn và nam nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân
Virus là nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản ở trẻ em. Các virus thường gặp như Adenovirus, Influenza, virus hợp bào hô hấp (RSV), Parainfluenza, Rhinovirus, Human bocavirus, Coxsackievirus, hMPV, Herpes simplex virus. Vi trùng rất hiếm ở trẻ em bình thường, hầu như chỉ gặp ở trẻ tiếp xúc khói thuốc lá thường xuyên, mắc bệnh xơ nang hay suy giảm miễn dịch. Các vi trùng thường gặp là S.pneumoniae, H.influenzae, Chlamydia pneumoniae, M.catarrhalis, Mycoplasma species. Các nguyên nhân khác bao gồm dị ứng, trào ngược dạ dày - thực quản, nấm.
Chẩn đoán viêm phế quản
Bác sĩ sẽ hỏi phụ huynh trẻ các câu hỏi liên quan đến bệnh như:
Tuổi khởi phát, thời gian khởi phát.
Các triệu chứng có liên quan tới bữa ăn.
Các triệu chứng liên quan: Sốt, khò khè.
Ho: Thời gian, tính chất đàm, yếu tố làm tăng hay giảm ho.
Tiền sử bệnh trước đây: Ho, cơn khó thở, khò khè tái phát, chảy mủ tai, chậm lớn.
Tiền sử gia đình: Hen suyễn, viêm phế quản, viêm mũi xoang.
Môi trường: Tiếp xúc khói thuốc hay sử dụng than củi.
Bác sĩ sẽ khám và ghi nhận tình trạng dinh dưỡng và phát triển của trẻ, khám mũi họng tìm các triệu chứng viêm mũi dị ứng, chảy mũi sau, polyp mũi. Khám phổi để nghe ran ngáy, rít hay ran ẩm to hạt, nhưng thường không nghe thấy các ran bất thường.
Xét nghiệm cận lâm sàng cần thực hiện (không chỉ định thường quy):
X-quang phổi: Khi nghi ngờ bội nhiễm hay cần chẩn đoán phân biệt.
Các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán phân biệt hay khi nghi ngờ với các bệnh lý khác: Đo hô hấp ký/dao động xung ký, xét nghiệm dị ứng (test châm da, định lượng IgE đặc hiệu), siêu âm, nội soi tìm dấu trào ngược dạ dày - thực quản.
Chẩn đoán xác định trên lâm sàng khi có:
Hội chứng nhiễm siêu vi bao gồm sốt, ho, sổ mũi.
Không thở nhanh và không co lõm ngực ± phổi có ran ẩm, ngáy.
X-quang: Hội chứng phế quản.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suyễn, viêm hô hấp trên, dị vật phế quản bỏ quên.
Phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ em
Phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ em sẽ điều trị theo nguyên tắc sau:
Điều trị ngoại trú và chủ yếu làm giảm triệu chứng.
Không chỉ định kháng sinh và sử dụng corticoid.
Hướng dẫn dấu hiệu tái khám ngay.
Điều trị triệu chứng:
Uống nhiều nước giúp thanh thải đàm nhớt dễ dàng và tránh mất nước.
Hạ sốt bằng acetaminophen.
Thuốc ho chỉ định khi ho nhiều gây nôn ói, không ăn uống được, không ngủ được, thức giấc nhiều về đêm. Nên dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như Pectol E, ho Astex.
Thuốc giãn phế quản:
Không chỉ định thường quy.
Chỉ định khi trẻ có khò khè hay nghi ngờ suyễn.
Điều trị kháng sinh chỉ định khi có bằng chứng nhiễm trùng. Thuốc sử dụng: Như phác đồ điều trị viêm phổi.
Theo dõi và tái khám: Tái khám sau 3 - 5 ngày nếu còn ho. Tái khám cho trẻ ngay khi có các dấu hiệu sau:
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi, sức khỏe chung của trẻ và cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, không nên sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phế quản cấp tính bởi vì hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều do virus gây ra, ngay cả những trẻ bị ho kéo dài hơn 8 đến 10 ngày cũng thường không cần dùng kháng sinh.
Mục tiêu chính của điều trị là giảm bớt các triệu chứng. Cha mẹ có thể chăm sóc trẻ như sau:
Cho trẻ nghỉ ngơi và tránh hoạt động mạnh.
Sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen khi sốt và đau đầu, đau mỏi cơ.
Sử dụng thuốc ho theo toa bác sĩ.
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, để nguội, dễ tiêu hóa.
Trong hầu hết các trường hợp, không cho dùng thuốc kháng histamin vì có thể làm khô chất tiết, có thể làm cho cơn ho trở nên tồi tệ hơn. Đừng cho trẻ dưới 19 tuổi dùng aspirin hoặc thuốc có chứa aspirin trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Dùng aspirin có thể khiến con bạn có nguy cơ mắc hội chứng Reye, đây là một rối loạn hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, thường làm ảnh hưởng đến não và gan.
Trên đây là phác đồ điều trị viêm phế quản ở trẻ em, tuy nhiên khi trẻ có các triệu chứng của bệnh, nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế, không khuyến khích tự điều trị tại nhà. Cha mẹ cũng có thể giúp ngăn ngừa viêm phế quản cấp tính thông qua ngăn chặn sự lây lan của virus có thể dẫn đến bệnh này bằng cách dạy con che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người và tiêm vắc xin cúm hàng năm.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.