Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm phế quản mạn tính: Bệnh lý hô hấp tái phát nhiều lần

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp rất nguy hiểm, có khả năng biến chứng dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy hô hấp. Nghiêm trọng hơn, nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phế quản, ung thư phổi hoặc lao phổi và dọa tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị dứt điểm viêm phế quản mạn tính cũng gặp nhiều khó khăn, vì sự suy giảm đáng kể khả năng hô hấp của người bệnh. Do đó, người bệnh viêm phế quản mạn tính không được chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe và tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phế quản mạn tính là gì? 

Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý đường hô hấp rất nguy hiểm, đây là tình trạng viêm phế quản cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm dẫn đến tái đi tái lại nhiều lần, gây tổn thương nghiêm trọng ống phế quản tạo ra nhiều đàm, gây ho và khó thở.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị, có thể biến chứng thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) vô cùng nguy hiểm, khó điều trị, để lại nhiều di chứng lâu dài và thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản mạn tính

Tùy vào từng trường hợp, triệu chứng viêm phế quản mạn tính, tần suất và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau. Thông thường, viêm phế quản mạn tính bao gồm những triệu chứng đặc trưng:

  • Ho dai dẳng kéo dài.

  • Khạc đờm: Đờm thường có màu xanh, vàng, trắng. Lượng đờm tăng theo thời gian do sự sản xuất chất nhầy trong phổi và tích tụ lại trong các ống phế quản làm hạn chế luồng không khí gây khó thở, thở khò khè.

  • Khó thở, thở khò khè: Triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn nếu không điều trị kịp thời.

  • Ngoài ra, viêm phế quản mạn tính có những dấu hiệu khác: Mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, tức ngực, tắc nghẽn xoang hoặc hôi miệng, da xanh xao, nhợt nhạt,... Một số trường hợp còn có thể dẫn tới phù ngoại biên, sưng ở chân và mắt cá chân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm phế quản mạn tính

Viêm phế quản mạn tính có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời: Khí phế thủng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng áp động mạch phổi, bội nhiễm (áp xe phổi, lao phổi, viêm phổi), suy hô hấp cấp hoặc mạn tính, ung thư phổi. Đây là những căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản mạn tính

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính, những nguyên nhân chính:

Hút thuốc lá thường xuyên (chủ động và thụ động): Khói thuốc lá gây ảnh hưởng rất lớn đến phổi và phế quản, gây tổn thương nghiêm trọng. Những tổn thương này kéo dài khiến bệnh viêm phế quản mạn tiến triển nguy hiểm hơn.

Thường xuyên hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) cũng là nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính.

Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Chất thải độc hại: Khí công nghiệp, chất thải hóa học, khí độc,… là những yếu tố nguy hiểm gây kích ứng phổi, dẫn đến tình trạng viêm phế quản mạn tính.

Sức đề kháng không tốt: Người cao tuổi và trẻ sơ sinh, người thường xuyên bị cảm lạnh, mắc một số bệnh cấp hoặc mạn tính làm suy giảm hệ miễn dịch rất dễ bị virus tấn công, nguy cơ cao mắc bệnh viêm phế quản mạn tính.

Ngoài ra, sức đề kháng yếu, không đủ sức chống chọi các tác nhân gây bệnh là nguyên nhân khiến bệnh viêm phế quản cấp tính tái đi tái lại nhiều lần, dần dần trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến tình trạng viêm phế quản mạn tính.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phế quản mạn tính

Viêm phế quản mạn tính là căn bệnh phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ do có yếu tố hút thuốc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phế quản mạn tính

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Trẻ sinh non: Trẻ sinh non có nguy cơ suy phổi, tăng áp phổi và các dị tật bẩm sinh khác ở phổi do phổi phát triển chưa hoàn thiện.

  • Người trên 65 tuổi: Suy giảm sức đề kháng, dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương ở ngực và phổi.

  • Người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất độc hại.

  • Người nghiện thuốc lá, bia, rượu.

  • Người có tiền sử chấn thương đường hô hấp.

  • Khí hậu lạnh và khô.

  • Dị nguyên.

  • Trào ngược dạ dày.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phế quản mạn tính

Để chẩn đoán viêm phế quản mạn tính, bác sĩ tiến hành thăm khám và hỏi thăm tình trạng bệnh sử của bệnh nhân, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp. 

Sau khi thăm khám sơ bộ, bác sĩ thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận:

Kiểm tra chức năng phổi

  • Đo chức năng thông khí phổi là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao, có khả năng loại trừ nguyên nhân gây ra các cơn ho kéo dài hay xuất hiện trong bệnh viêm phổi, giãn phế quản,…
  • Kết quả đo chức năng thông khí phổi bình thường, không có tổn thương nhu mô phổi, người bệnh được chẩn đoán mắc viêm phế quản mạn tính.
  • Kết quả kiểm tra cho thấy hình ảnh rối loạn thông khí tắc nghẽn, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Chụp X–Quang phổi

  • Thông qua phim chụp X–Quang, bác sĩ xác định được tình trạng phổi của người bệnh, nhận thấy được những dấu hiệu: Mạch máu, ống dẫn khí, tổ chức kẽ phế quản dày lên.
  • Bên cạnh đó, chụp X–Quang phổi giúp xác định, phân biệt và loại trừ những khả năng do bệnh lý giãn phế quản, bệnh lý gây tổn thương nhu mô phổi: Viêm phổi kẽ, lao phổi, ung thư phổi,… có cùng triệu chứng là những cơn ho kéo dài.

Phương pháp điều trị viêm phế quản mạn tính

Tùy tình trạng cụ thể mà phương pháp điều trị viêm phế quản mạn tính sẽ khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc: Thuốc giãn phế quản, có tác dụng mở rộng đường lưu thông không khí đến phổi, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn;

  • Phục hồi chức năng phổi: Bài tập thể dục, bài tập về hô hấp và chế độ dinh dưỡng phù hợp với những người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, giúp người bệnh nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng và giúp thở dễ dàng hơn;

  • Sử dụng thiết bị làm sạch chất nhầy, giúp người bệnh có thể ho ra chất lỏng dễ dàng hơn;

  • Liệu pháp oxy giúp người bệnh viêm phế quản mạn tính thở tốt hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của viêm phế quản mạn tính

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

  • Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi đến những nơi ô nhiễm.

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí ẩm, ấm giúp giảm tình trạng ho và làm lỏng dịch đờm đường hô hấp.

  • Từ bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá hay những tác nhân gây ô nhiễm không khí khác.

  • Thở bằng miệng bằng phương pháp thở mím môi để làm giảm bớt tình trạng khó thở. 

Phương pháp phòng ngừa viêm phế quản mạn tính

  • Bỏ thuốc lá không chỉ bảo vệ hệ hô hấp của bản thân mà còn cho gia đình và những người xung quanh.

  • Không nên tiếp xúc những chất có nguy cơ gây dị ứng và hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại.

  • Đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi.

  • Luyện tập thể dục thể thao giúp tăng cường chức năng phổi.

  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng.

  • Tiêm vaccine phòng viêm phổi giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản mãn tính.

  • Vê sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ.

  • Khám sức khỏe định kỳ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/chronic-bronchitis

  2. https://www.healthline.com/health/copd/understanding-chronic-bronchitis

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bronchitis/symptoms-causes/syc-20355566

  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bronchitis/diagnosis-treatment/drc-20355572

  5. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/3993-bronchitis#:~:text=Chronic%20bronchitis%20is%20defined%20as,irritating%20substances%20in%20the%20air.

Các bệnh liên quan

  1. Xơ phổi vô căn

  2. Phổi tắc nghẽn mãn tính

  3. Viêm phổi do tụ cầu

  4. Chấn thương khí quản

  5. Bệnh tích protein phế nang

  6. Khó thở, hụt hơi

  7. Viêm xoang trán

  8. Viêm xoang sàng

  9. Sốc

  10. Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)