Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phân biệt viêm đại tràng và viêm dạ dày: Nâng cao hiệu quả điều trị

Ngày 23/08/2024
Kích thước chữ

Các bệnh lý về đường tiêu hóa luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Trong đó, viêm đại tràng và viêm dạ dày là những căn bệnh phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhiều người lại nhầm lẫn về hai bệnh lý này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt giữa viêm đại tràng và viêm dạ dày.

Viêm đại tràng và viêm dạ dày là hai bệnh lý đều thuộc hệ tiêu hóa. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng của hai bệnh lý này có những khác biệt nhưng nhiều người vẫn thường nhầm lẫn, cho rằng hai bệnh này giống nhau. Những yếu tố sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm về sự khác biệt giữa viêm đại tràng và viêm dạ dày.

Tổng quan về viêm đại tràng

Đại tràng hay còn gọi là ruột già, là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, có chiều dài có thể tới 1,9 mét, chiếm khoảng 1/5 chiều dài của toàn bộ ống tiêu hóa. Đại tràng có chức năng chứa các chất cặn bã trong quá trình tiêu hóa thức ăn từ ruột non xuống, chuyển hóa thành phân và thải ra ngoài.

Đại tràng gồm 3 phần chính là manh tràng, kết tràng và trực tràng. Viêm đại tràng là bệnh khá phổ biến, diễn ra khi quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Nếu tình trạng viêm nhiễm nặng có thể gây sung huyết, xuất huyết hay xuất hiện những ổ áp xe nhỏ. Vì vậy, bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình để tránh bị viêm đại tràng. 

Phân biệt viêm đại tràng và viêm dạ dày 2
Hình ảnh mô tả đại tràng ở người

Tổng quan về viêm dạ dày

Cấu tạo của dạ dày bao gồm 5 lớp: Thanh mạc, tấm dưới thanh mạc, lớp cơ, tấm dưới niêm mạc và niêm mạc. Khi thức ăn đến dạ dày, dạ dày sẽ co bóp, nghiền thức ăn giúp thức ăn tiếp xúc tốt với dịch vị; tiếp đó các enzyme tiêu hóa có trong dịch vị sẽ làm nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn trước khi chuyển xuống ruột non.

Viêm dạ dày chính là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác. Viêm dạ dày có 2 dạng: Cấp tính và mãn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh nên cần được phát hiện kịp thời và điều trị sớm. Nhiều người hay thờ ơ với các cơn đau của dạ dày nên thường bỏ qua, dẫn đến bệnh ngày một nặng hơn. 

Phân biệt viêm đại tràng và viêm dạ dày 3
Viêm dạ dày là bệnh lý phổ biến

Phân biệt viêm đại tràng và viêm dạ dày

Dựa vào nguyên nhân - triệu chứng - cơn đau, chúng ta có thể phân biệt được viêm dạ dày hay viêm đại tràng.

Nguyên nhân

Viêm đại tràng:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột như E.coli, Salmonella, Campylobacter. Các vi khuẩn này gây nhiễm qua thức ăn và nước uống không hợp vệ sinh.
  • Các loại giun đũa, giun tóc, giun kim sống ký sinh ở đại tràng cũng có thể gây ra tình trạng viêm đại tràng.
  • Khi vi khuẩn bệnh lao xâm nhập vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ gây viêm nhiễm niêm mạc ruột, từ đó gây lao đại tràng.
  • Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận trong hệ tiêu hóa, trong đó có đại tràng.
  • Táo bón kéo dài cũng là một nhân khá phổ biến gây nên tình trạng viêm đại tràng.
  • Chế độ ăn uống thiếu chất xơ, ăn nhiều thức ăn cay nóng, kích thích cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng.
  • Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, vảy nến cũng có khả năng làm tăng nguy cơ viêm đại tràng.

Viêm dạ dày:

  • Nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm nhiễm dạ dày mãn tính.
  • Sử dụng quá nhiều các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn không đúng giờ, bỏ bữa, ăn quá no hay để bụng quá đói, ăn quá khuya, sử dụng các thực phẩm ôi thiu hay sử dụng nhiều thực phẩm cay, nóng… đều có thể là nguyên nhân để khởi phát bệnh viêm dạ dày.
  • Đời sống tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng, nhiều áp lực trong trong công việc khiến cho tăng tiết acid dạ dày, ảnh hưởng xấu đến khả năng tái tạo tế bào niêm mạc mới, dẫn đến viêm dạ dày, hay nặng hơn là tạo thành các vết loát trong dạ dày.
  • Các nguyên nhân khác: Sử dụng thuốc Aspirin, thuốc kháng viêm Non-Steroid, Corticosteroid…
Phân biệt viêm đại tràng và viêm dạ dày 4
Nhiễm khuẩn, rượu bia là những nguyên nhân gây ra viêm đại tràng và viêm dạ dày

Triệu chứng

Viêm đại tràng:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc đau nhói ở bụng dưới. Tình trạng đau này có thể kéo dài, lặp đi lặp lại.
  • Một số người có thể xuất hiện tình trạng đau quặn bụng, có cảm giác co thắt, xảy ra đồng thời với đau bụng.
  • Viêm đại tràng có thể gây ra tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Có cảm giác muốn đi đại tiện liên tục.
  • Phân có dính máu, mủ hoặc chất nhầy.
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân.

Viêm dạ dày:

  • Cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị (nằm ở trên rốn và dưới vùng xương sườn) với cảm giác đau nhức, đau nhói, gia tăng khi ăn và giảm sau khi thức ăn được tiêu hóa.
  • Có cảm giác muốn nôn ói, khó chịu sau khi ăn. Cảm giác này xảy ra sau khi ăn, có khi kéo dài suốt ngày.
  • Có cảm giác ợ nóng, nóng rát vùng thượng vị, có cảm giác khó thở, bị nghẹn khi nuốt.
  • Khi dạ dày hoạt động không tốt, thức ăn tồn đọng nhiều dạ dày khiến người bệnh có cảm giác chướng bụng, khó tiêu sau khi ăn.
  • Viêm dạ dày làm giảm quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng, gây ra cảm giác biếng ăn, ăn không ngon miệng, làm người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi, sụt cân đột ngột.
  • Nếu tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng sẽ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Khi đó phân sẽ có màu đen, rất hôi hoặc có máu đỏ tươi. 

Vị trí cơn đau

Viêm đại tràng:

  • Vị trí đau bụng viêm đại tràng thường ở vùng hậu môn và xung quanh.
  • Cơn đau có thể kéo dài, thay đổi từ mức độ nhẹ đến nặng ở vùng dưới bụng, phần lớn tập trung ở bên trái.
  • Cơn đau có thể lan ra vùng trên bụng hoặc gần xương sườn.

Viêm dạ dày:

  • Đau vùng thượng vị, tập trung ở phía trên và phía sau xương ức, có thể lan ra phía sau lưng.
  • Có khi cơn đau xuất hiện ở vùng giữa thượng vị và bụng dưới. Cảm giác đau nặng nề, đau nhói.
  • Cơn đau co thắt cũng có thể có ở vùng bụng dưới, đặc biệt ở phía bên trái.
Phân biệt viêm đại tràng và viêm dạ dày 5
Cơn đau viêm đại tràng và viêm dạ dày có vị trí gần giống nhau

Hiện nay, với sự tiến bộ hàng ngày của y học, việc chẩn đoán chính xác các bệnh lý trong hệ tiêu hóa như viêm đại tràng và viêm dạ dày ngày càng được thực hiện dễ dàng hơn, ít gây đau cho bệnh nhân. Khảo sát y học cũng cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh viêm dạ dày, viêm đại tràng ở người Việt Nam là khá cao, lớn hơn 20% dân số. Việc chẩn đoán chính xác bệnh sẽ giúp cho hiệu quả điều trị được tăng lên nhiều lần.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm kiến thức về viêm đại tràng và viêm dạ dày. Việc nhận biết các dấu hiệu bệnh sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra được phương pháp chữa trị phù hợp. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này của Nhà thuốc Long Châu và hẹn gặp lại ở các bài viết về sức khỏe khác nhé. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin