Những triệu chứng viêm dạ dày bạn không nên bỏ qua
Ngày 23/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Viêm dạ dày là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc viêm nhiễm, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng viêm dạ dày điển hình như đau thượng vị, buồn nôn và chướng bụng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Một số người có thể nhầm lẫn triệu chứng viêm dạ dày với các bệnh lý khác do các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, ợ hơi và chướng bụng thường khá tương đồng với các vấn đề tiêu hóa như loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản hoặc hội chứng ruột kích thích. Điều này có thể dẫn đến việc chẩn đoán sai hoặc chậm trễ trong điều trị, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thông tin về bệnh viêm dạ dày một cách chi tiết nhất, giúp bạn nhận biết được bệnh viêm dạ dày dễ dàng hơn.
Triệu chứng chung của viêm dạ dày
Khi nhận thấy các triệu chứng sau, người bệnh cần chú ý đến khám bệnh để sớm phát hiện và điều trị viêm dạ dày kịp thời.
Đau vùng thượng vị
Đau vùng thượng vị là một triệu chứng điển hình của viêm dạ dày, gặp ở nhiều bệnh nhân. Những cơn đau thường kéo dài, có thể âm ỉ hoặc đi kèm cảm giác nóng rát. Triệu chứng này thường xuất hiện khi bệnh nhân đói, ăn quá nhiều thức ăn chua, cay, nóng hoặc thức khuya. Đặc biệt, đau thượng vị có thể trầm trọng hơn vào ban đêm và khi bệnh nhân căng thẳng, lo âu hoặc stress.
Ợ hơi và ợ chua
Trong giai đoạn đầu của viêm dạ dày, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, và ợ nóng. Nếu tình trạng ợ hơi và ợ chua kéo dài mà không rõ nguyên nhân, người bệnh nên đi khám để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời.
Mất ngủ hay khó ngủ
Khi cơn đau dạ dày xuất hiện thường xuyên và kéo dài, người bệnh có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ, dẫn đến mệt mỏi và suy kiệt. Nếu mất ngủ kéo dài, bệnh viêm dạ dày có nguy cơ diễn biến nghiêm trọng hơn.
Cảm giác đầy bụng, khó tiêu
Khi vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức và gây loét dạ dày, lượng acid trong dạ dày giảm mạnh, dẫn đến đầy hơi, khó tiêu, và cảm giác no nhanh. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tiêu hóa.
Các triệu chứng viêm dạ dày khác
Ngoài ra còn có một số triệu chứng viêm dạ dày khác phổ biến như:
Nấc cụt dai dẳng và không xác định được nguyên nhân.
Các triệu chứng viêm dạ dày có thể được phân loại thành 3 nhóm chính dựa trên mức độ và loại biểu hiện:
Triệu chứng viêm dạ dày cấp tính
Viêm dạ dày cấp tính thường xuất hiện đột ngột và kéo dài trong khoảng 5 đến 7 ngày với các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Cơn đau bụng thường tập trung ở vùng giữa bụng, có thể âm ỉ hoặc đau theo từng cơn, mỗi cơn kéo dài từ 30 đến 60 phút. Đau thường khởi phát khi đói, sau khi ăn quá no, hoặc vào ban đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Các triệu chứng này giảm nhanh khi người bệnh sử dụng thuốc trung hòa axit dạ dày.
Triệu chứng viêm dạ dày mạn tính
Trái ngược với viêm dạ dày cấp, viêm dạ dày mạn tính thường có ít hoặc không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh nhân có thể cảm thấy đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu sau ăn. Ngoài ra, một số người bệnh còn có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, và xanh xao do thiếu máu kéo dài.
Triệu chứng của các bệnh lý dạ dày khác
Ngoài triệu chứng viêm dạ dày cấp và mạn tính đã nêu, một số bệnh lý dạ dày khác cũng gây ra nhiều vấn đề cho bệnh nhân:
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Là tình trạng dịch dạ dày trào lên thực quản, gây ra triệu chứng điển hình như ợ nóng, trớ, và tăng tiết nước bọt. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây nuốt nghẹn, đau ngực không do bệnh lý tim mạch, ợ hơi, buồn nôn và khó tiêu. GERD ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và có thể dẫn đến viêm loét thực quản hoặc Barrett thực quản. Do triệu chứng tương đồng với viêm dạ dày, cần theo dõi và thăm khám bác sĩ để kiểm soát bệnh và tránh biến chứng.
Bệnh dạ dày phản ứng do chất ăn mòn: Bệnh này xảy ra khi các chất ăn mòn như axit, xà phòng hoặc chất tẩy rửa kích thích niêm mạc dạ dày, miệng, thực quản và ruột. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào bản chất và nồng độ của chất gây hại. Triệu chứng chủ yếu bao gồm chảy nước bọt, khó nuốt, và niêm mạc tiêu hóa sưng đỏ. Biến chứng có thể dẫn đến thủng thực quản, viêm trung thất, đau ngực dữ dội, hoặc viêm phúc mạc. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể bị chít hẹp thực quản hoặc tăng nguy cơ ung thư.
Loét dạ dày - tá tràng: Loét dạ dày - tá tràng là tổn thương sâu vượt qua lớp niêm mạc, thường do mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và phá hủy, như vi khuẩn Helicobacter pylori và thuốc kháng viêm. Triệu chứng tương tự viêm dạ dày, nhưng có thể nặng hơn với tiêu phân đen, nôn ra máu, hoặc đau bụng dữ dội khi thủng ổ loét.
Khó tiêu: Khó tiêu là tập hợp triệu chứng như đau hoặc khó chịu vùng thượng vị, no nhanh, đầy bụng, kèm theo buồn nôn, ợ hơi. Nó có thể do các bệnh lý như viêm loét, ung thư hoặc do thuốc. Nếu khó tiêu kéo dài trên 3 tháng mà không tìm ra nguyên nhân, được gọi là khó tiêu chức năng, phân thành hội chứng khó chịu sau ăn và hội chứng đau thượng vị.
Cần làm gì để giảm tình trạng của viêm dạ dày?
Có nhiều cách để giảm tình trạng đau bụng và khó chịu do đau dạ dày. Trước khi dùng thuốc tây, bạn có thể thử các biện pháp giảm đau tại nhà sau đây.
Xoa bóp bụng
Xoa bóp bụng là phương pháp vật lý trị liệu đơn giản giúp giảm đau dạ dày. Để thực hiện, bạn làm nóng hai bàn tay (có thể thêm vài giọt dầu nóng) rồi áp tay vào bụng, xoa từ trái sang phải và lên xuống. Chỉ nên xoa bóp sau khi ăn khoảng 1 giờ, mỗi lần từ 10-15 phút.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước rất quan trọng cho tiêu hóa. Thiếu nước làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng nguy cơ đau dạ dày. Người lớn nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày; trẻ nhỏ cần ít hơn, từ 950ml đến 1,2 lít.
Chườm ấm
Chườm ấm giúp thư giãn các mạch máu vùng thượng vị và giảm co thắt dạ dày. Bạn có thể chườm bụng trong 10-20 phút với nhiệt độ nước khoảng 50-60 độ C.
Hít thở đều
Nếu đau dạ dày do căng thẳng, hít thở sâu giúp ổn định tâm trạng và giảm đau bụng. Hít thở 2 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 3-5 nhịp.
Không nằm
Tránh nằm nghỉ khi đau dạ dày, vì điều này có thể làm axit dạ dày trào lên, gây ợ chua. Nên ngồi nghỉ ít nhất vài giờ cho đến khi cơn đau giảm.
Tránh thực phẩm khó tiêu
Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc giàu tính axit có thể làm tình trạng đau dạ dày tồi tệ hơn. Nên ăn trái cây và rau củ tươi để làm dịu dạ dày.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những biện pháp sơ cứu tạm thời mà bạn có thể áp dụng khi chưa thể đến các trung tâm y tế để được khám bệnh. Những cách này có thể giúp giảm bớt triệu chứng và mang lại cảm giác dễ chịu hơn trong thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những biện pháp này không thay thế cho sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế. Nếu tình trạng đau dạ dày kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, bạn nên nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của mình được chăm sóc đúng cách.
Việc nhận biết và hiểu rõ các triệu chứng viêm dạ dày là rất quan trọng để có thể điều trị kịp thời và hiệu quả. Các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ợ chua và chán ăn không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này kéo dài, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Sự chú ý và can thiệp sớm có thể giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến viêm dạ dày.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.