Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật hở van tim và những điều cần biết

Ngày 18/08/2022
Kích thước chữ

Hở van tim là một trong những bệnh lý tim mạch có thể gây ra suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ của người bệnh. Phẫu thuật hở van tim kịp thời sẽ giúp người bệnh hạn chế được những biến chứng nguy hiểm do hở van tim gây ra.

Phẫu thuật hở van tim bao gồm phẫu thuật sửa van tim trong trường hợp bệnh nhẹ và phẫu thuật thay van tim trong tình trạng bệnh nặng. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản xoay quanh phương pháp phẫu thuật này.

Bệnh hở van tim là gì?

Quả tim bình thường gồm có bốn buồng tim: Tâm nhĩ trái và tâm thất trái được phân chia bởi van hai lá, tâm nhĩ phải và tâm thất phải được phân chia bởi van ba lá. Ngoài ra, tim còn có các van động mạch phổi và van động mạch chủ. Các van này có vai trò giúp dòng máu chảy theo một chiều nhất định. Khi các van tim đóng lại không kín (do thoái hoá, giãn vòng nan, co rút hoặc do dây chằng van quá dài…). Khi đó dòng máu không còn đi theo một chiều mà bị chảy ngược trở lại trong thời kỳ van đóng lại. Tình trạng này được định nghĩa là hở van tim.

Bệnh hở van tim có thể đến từ nguyên nhân bẩm sinh hoặc do mắc phải (thấp tim, tổn thương mạch vành, thoái hoá van ở người già…). Trên thực tế, tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), bệnh hở van tim chủ yếu gây ra bởi thấp tim.

Phương pháp phẫu thuật hở van tim

Người bệnh hở van tim có thể có cuộc sống gần như bình thường trong trường hợp được phát hiện sớm và có những biện pháp điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu van tim bị tổn thương nặng và có nguy cơ dẫn đến suy tim, bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật can thiệp để ngăn ngừa diễn biến của bệnh.

Khi mức độ tổn thương của van chưa quá lớn, các bác sĩ có thể tiến hành sửa van để làm giảm tình trạng hở van. Trường hợp tổn thương van tim quá nặng, van tim sẽ cần được thay thế.

Phẫu thuật sửa van tim

Trong phẫu thuật sửa van tim, tuỳ thuộc vào cơ chế gây ra hở van tim mà các bác sĩ có từng cách sửa khác nhau như khâu dây chằng, đặt “đai” quanh vòng van để thu hẹp đường kính vòng van, giúp các lá van khép kín với nhau.

Lợi ích của phẫu thuật sửa van tim là tổ chức van tự nhiên được bảo tồn, chính vì vậy nên nguy cơ của dùng thuốc chống đông hay nhiễm trùng van sau mổ sẽ giảm đi rất nhiều.

Phẫu thuật hở van tim và những điều cần biết 1 Phương pháp phẫu thuật sửa van tim

Phẫu thuật thay van tim

Khi phẫu thuật sửa van không phù hợp hoặc không hiệu quả, tim cần được thay van mới. Van dùng để thay thế rất đa dạng nhưng thường được chia làm 2 nhóm:

  • Van sinh học: Là van được lấy từ tim của động vật hoặc từ người hiến tạng. Các van này đã được xử lý loại bỏ các thành phần gây thải ghép (mang tính kháng nguyên) và sửa lại một phần để phù hợp. Van sinh học có ưu điểm lớn là có cấu trúc tương tự như van tim của người được thay nên người bệnh sẽ không cần sử dụng thuốc chống thải ghép, thời gian sử dụng thuốc chống đông cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm là tuổi thọ không quá cao (từ 8 - 10 năm) do có thể diễn ra quá trình thoái hoá.
  • Van cơ học: Là loại van nhân tạo được làm từ những vật liệu tuổi thọ cao như carbon, ceramic, kim loại và chất dẻo. Tuy có tuổi thọ cao nhưng van cơ học có thể gây hoạt hoá quá trình đông máu và hình thành huyết khối, gây hẹp tắc van. Bệnh nhân sẽ cần sử dụng thuốc chống đông lâu dài, thường kéo dài suốt đời.

Khi tiến hành phẫu thuật thay van, bác sĩ sẽ quyết định loại van thích hợp cho bệnh nhân dựa vào kinh nghiệm chuyên môn và tình trạng bệnh cụ thể.

Phẫu thuật hở van tim và những điều cần biết 2 Phẫu thuật thay van tim

Lợi ích của phẫu thuật hở van tim

Bệnh hở van tim có thể dẫn đến suy tim nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cả tuổi thọ của bạn. Chính vì vậy, phẫu thuật hở van tim sẽ mang đến cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Sau phẫu thuật, phần lớn người bệnh tiến triển theo chiều hướng tốt, có thể làm những công việc mà trước phẫu thuật họ không đủ sức. Tình trạng sức khoẻ của người bệnh sau phẫu thuật có thể được cải thiện theo từng ngày trong khoảng 3 đến 6 tháng, một số trường hợp có kéo dài đến 1 năm. Sự phục hồi cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào chế độ tập luyện, hoạt động thể lực và tuân thủ quá trình điều trị.

Lưu ý sau phẫu thuật hở van tim

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn hợp lý, giàu chất dinh dưỡng rất quan trọng cho việc hồi phục sức khoẻ sau ca phẫu mổ. Sau khi phẫu thuật hở van tim, người bệnh nên hạn chế ăn muối và các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa, cà muối, các loại đồ hộp, cá khô, đồ ăn nhanh…Người bệnh cũng nên chú ý đến các loại rau xanh trong thực đơn của mình, lý do bởi những loại rau màu xanh thẫm có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống đông. Tốt nhất, hãy cố gắng xây dựng một chế độ ăn khoa học với tỷ lệ cân đối các loại thịt, cá, rau xanh, hoa quả cho mỗi bữa ăn.

Hoạt động thể lực

Chế độ hoạt động thể lực và tập luyện phù hợp sẽ giúp người bệnh hồi phục sức khỏe. Từ khi còn đang nằm viện, người bệnh nên thường xuyên vận động bằng cách đi bộ trong phòng hay ngoài hành lang. Hoạt động luyện tập sau phẫu thuật cần đảm bảo không bắt tim phải làm việc quá sức. Bằng việc hoạt động thể lực và tập luyện tăng dần mức độ từ từ qua mỗi ngày, chỉ vài tuần sau phẫu thuật, phần lớn người bệnh đã có thể đi bộ từ 3 đến 4km mỗi ngày.

Phẫu thuật hở van tim và những điều cần biết 3 Đi bộ giúp hồi phục sau phẫu thuật hở van tim

Trở lại với công việc

Trung bình, sau phẫu thuật, người bệnh mất từ 4 đến 6 tuần để sức khoẻ trở về bình thường. Đây là khoảng thời gian để xương ức liền hoàn toàn. Một số người bệnh có thể trở lại với những công việc bàn giấy khoảng 4 tuần sau mổ. Còn với những công việc có cường độ cao hơn, người bệnh cần nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần trước khi quay trở lại làm việc. Để có thông tin chính xác, bạn nên tham khảo bác sĩ của bạn để biết khi nào sức khoẻ đã phục hồi hoàn toàn.

Sử dụng thuốc chống đông

Sau phẫu thuật, người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông đều đặn để phòng tránh huyết khối do van tim nhân tạo. Những thuốc này giúp người bệnh kéo dài thời gian đông máu. Các thuốc chống đông (warfarin/coumarin) cần được theo dõi đều đặn bằng các xét nghiệm đông máu. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả của những xét nghiệm này để chỉ định thuốc hay điều chỉnh liều để duy trì tác dụng chống đông trong giới hạn cho phép.

Người bệnh cần tuân thủ những chỉ định về việc dùng thuốc một cách cẩn thận, uống thuốc đều đặn đúng liều và đúng theo đơn. Nếu quên uống thuốc, hãy gọi cho bác sĩ của bạn để có được hướng dẫn cụ thể, tuyệt đối không được tăng gấp đôi liều vào hôm sau. Bên cạnh đó, tác dụng thuốc chống đông bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ dinh dưỡng và các thuốc kèm theo nên việc xét nghiệm kiểm tra thời gian đông máu định kỳ rất quan trọng.

Phẫu thuật hở van tim và những điều cần biết 4 Lưu ý trong sử dụng thuốc chống đông

Qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về phẫu thuật hở van tim. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và có một trái tim khỏe mạnh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin