Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Phế cầu kháng thuốc: Thực trạng, hậu quả và các biện pháp phòng ngừa

Ngày 18/10/2024
Kích thước chữ

Thuốc kháng sinh là thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh hiện nay đã khiến hiện tượng kháng kháng sinh ngày một phổ biến. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin cơ bản về tình trạng phế cầu kháng thuốc.

Vậy phế cầu kháng thuốc là gì? Thực trạng phế cầu kháng thuốc hiện nay ra sao? Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này thông qua nội dung dưới đây.

Phế cầu kháng thuốc là gì?

Phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn gram dương, có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae. Đây là tác nhân chính gây ra nhiều căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở người, chẳng hạn như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa và nhiễm trùng huyết… Vậy phế cầu kháng thuốc là gì?

Kháng thuốc hay kháng thuốc kháng sinh là tình trạng thuốc không còn khả năng loại bỏ hoặc tiêu diệt những tác nhân gây bệnh. Cụ thể, hiện tượng phế cầu kháng thuốc xảy ra khi phế cầu có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh khiến kháng sinh không thể ức chế sự phát triển hay tiêu diệt được chúng.

Các chủng phế cầu kháng thuốc có thể kháng lại một hoặc nhiều loại kháng sinh khác nhau. Nói cách khác, phế cầu kháng thuốc có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh và tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh ngay cả khi điều trị với kháng sinh liều cao hoặc phối hợp điều trị bằng nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau và điều này gây ra không ít những khó khăn cho việc điều trị bệnh.

Theo các chuyên gia, phế cầu kháng thuốc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc do chọn lọc tự nhiên.

Thực tế cho thấy, không một ai có thể hoàn toàn tránh được tình trạng kháng kháng sinh, ngay cả những kỹ thuật tiên tiến như hỗ trợ tim phổi, cấy ghép hay lọc máu… cũng phải phụ thuộc vào khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh của kháng sinh. Chính vì lý do này mà việc kiểm soát cũng như giảm thiểu sự phát triển của các chủng phế cầu kháng thuốc cũng là một thách thức lớn trong y tế công cộng.

Phế cầu kháng thuốc: Thực trạng, hậu quả và các biện pháp phòng ngừa 1
Phế cầu kháng thuốc là gì?

Thực trạng phế cầu kháng thuốc

Cho đến năm 2000, tại Mỹ ghi nhận có đến 60 nghìn trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn xâm lấn gây ra bởi phế cầu khuẩn mỗi năm. Trong đó, có đến 40% trường hợp do phế cầu khuẩn kháng với ít nhất 1 loại thuốc kháng sinh. Những con số này đã giảm đáng kể au khi vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn cho trẻ em ra đời và sự thay đổi định nghĩa về tính kháng thuốc với penicillin.

Tính đến năm 2015, theo thống kê, có khoảng 30 nghìn ca bệnh nhiễm khuẩn xâm lấn do vi khuẩn phế cầu và có khoảng 30% trong tổng số ca bệnh nhiễm phế cầu khuẩn kháng thuốc. Tỷ lệ này có sự thay đổi theo từng quốc gia.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phế cầu khuẩn có đến 90 type huyết thanh và trong đó có 7 type huyết thanh bao gồm 6A, 6B, 9V, 14, 19A và 23F chiếm phần lớn các trường hợp phế cầu khuẩn kháng thuốc trước khi vắc xin liên hợp đầu tiên (PCV7) được sử dụng tại Hoa Kỳ vào năm 2000.

Năm 2010, sau khi triển khai tiêm vắc xin PCV7 và vắc xin cộng hợp phế cầu PCV13, chỉ còn lại type huyết thanh 19A của phế cầu khuẩn vẫn đang kháng thuốc. Hiện nay, cả 2 loại vắc xin này đều ngăn ngừa được nhiều bệnh nhiễm trùng gây ra bởi các chủng phế cầu kháng thuốc kháng sinh.

Phế cầu kháng thuốc: Thực trạng, hậu quả và các biện pháp phòng ngừa 2
Từ khi có vắc xin phòng bệnh tỷ lệ mắc phải tình trạng phế cầu kháng thuốc đã giảm

Phế cầu kháng thuốc gây ra những hậu quả nào?

Tình trạng kháng thuốc của phế cầu (Streptococcus pneumoniae) có nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và quản lý bệnh tật. Dưới đây là một số hậu quả chính:

  • Tăng độ nặng và tỷ lệ tử vong: Các trường hợp nhiễm trùng do phế cầu kháng thuốc thường phải đối mặt với tình trạng bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn so với các chủng nhạy cảm. Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng do các chủng phế cầu kháng thuốc còn có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở những người già, trẻ em và những người có miễn dịch yếu.
  • Chi phí điều trị cao hơn: Những trường hợp nhiễm phế cầu kháng thuốc có thể cần được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh đắt tiền hơn hoặc phức tạp hơn. Chưa kể, các ca bệnh phức tạp và nặng thường phải nằm viện điều trị và theo dõi lâu hơn, dẫn đến chi phí điều trị cao hơn cho bệnh nhân và hệ thống y tế.
  • Tăng nguy cơ bùng phát dịch: Sự xuất hiện và lan rộng của các chủng phế cầu kháng thuốc có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng và điều này làm tăng nguy cơ bùng phát thành dịch.
  • Tác động đến việc quản lý y tế công cộng: Sự gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng kháng thuốc làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế, đòi hỏi giải pháp quản lý và can thiệp tích cực. Bên cạnh đó, các bác sĩ và nhân viên y tế gặp khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm trùng kháng thuốc.
  • Gánh nặng tâm lý cho bệnh nhân và gia đình: Bản thân người bệnh và gia đình họ có thể phải trải qua cảm giác lo âu và stress khi phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Phế cầu kháng thuốc: Thực trạng, hậu quả và các biện pháp phòng ngừa 3
Phế cầu kháng thuốc gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người mắc phải

Làm sao để phòng ngừa tình trạng phế cầu kháng thuốc?

Như đã trình bày phía trên, tình trạng kháng thuốc của phế cầu là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Vậy làm sao để phòng ngừa tình trạng phế cầu kháng thuốc?

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn phế cầu kháng thuốc, cần áp dụng một số biện pháp tổng thể và cụ thể. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa có thể thực hiện:

  • Tiêm phòng vắc xin: Tiêm vắc xin phế cầu là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh do Streptococcus pneumoniae gây ra.
  • Sử dụng kháng sinh hợp lý: Bác sĩ và nhân viên y tế cần trang bị thêm kiến thức về cách sử dụng kháng sinh hợp lý, chỉ kê đơn khi thật sự cần thiết. Về phía người bệnh, chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có chỉ định từ bác sĩ, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, không nên tự mua thuốc hoặc sử dụng kháng sinh không được chỉ định.
  • Phát hiện sớm các triệu chứng nhiễm trùng nếu có: Giúp điều trị hiệu quả hơn và hạn chế sự phát triển của các chủng kháng thuốc. Cùng với đó, cần đảm bảo rằng người bệnh được điều trị đúng cách và theo dõi để điều chỉnh phác đồ nếu cần.
  • Cải thiện vệ sinh và sức khỏe cộng đồng: Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động giữ gìn môi trường sống và làm việc sạch sẽ, thông thoáng.
  • Duy trì thói quen sống lành mạnh: Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch, thường xuyên tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Tăng cường tuyên truyền về các nguy cơ của phế cầu kháng thuốc và các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng.
Phế cầu kháng thuốc: Thực trạng, hậu quả và các biện pháp phòng ngừa 4
Chủ động tiêm vắc xin phòng phế cầu là biện pháp phòng ngừa phế cầu kháng thuốc

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về phế cầu kháng thuốc mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tình trạng này đồng thời nắm được các biện pháp phòng ngừa phế cầu kháng thuốc.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin