Bệnh Bạch Hầu - Ho Gà - Uốn Ván là những bệnh truyền nhiễm, gây hậu quả, biến chứng nặng nề, thậm chí là đe dọa đến tính mạng tới tất cả mọi người, từ em bé mới sinh cho tới người cao tuổi. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa nhóm bệnh trên một cách đặc hiệu bằng việc chủng ngừa Vắc xin.
Phòng ngừa bệnh bằng vắc xin một cách chủ động, đặc hiệu là cách tốt nhất để chúng ta đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình và những người thân trong gia đình, nhất là các bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Một trong số đó là bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (BH - HG - UV). Đây là nhóm bệnh nếu không kiểm soát tốt, có thể sẽ bùng phát thành dịch rất nguy hiểm, đặc biệt trẻ em là những người dễ bị tấn công và thương tổn nhất. Để biết cách phòng bệnh cũng như một số thông tin về BH - HG - UV, hãy tham khảo qua bài viết này nhé.
Bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván là bệnh gì?
Với thời đại công nghệ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, hầu hết chúng ta đã nhận thức được nhóm bệnh BH - HG - UV. Rõ ràng rằng, đây đều là những căn bệnh hết sức nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm với tốc độ nhanh chóng và bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt. Đồng thời, nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, hoặc biến chứng, gánh nặng bệnh tật để lại nặng nề, lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng dẫn đến tử vong.
Bạch hầu
Bệnh này gây ra bởi sự tấn công của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn này có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.
Ho gà
Ho gà là bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Các triệu chứng ban đầu của nhiễm trùng đường hô hấp trên không đặc hiệu, sau đó là ho dữ dội hoặc kiểu co thắt, thường kết thúc bằng thở rít, âm độ cao, như tiếng gà (cơn ho gà).
Các biến chứng hô hấp, bao gồm ngạt thở ở trẻ sơ sinh là phổ biến nhất. Viêm tai giữa xảy ra thường xuyên. Viêm phế quản phổi (phổ biến ở người lớn tuổi). Động kinh thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng hiếm gặp ở trẻ lớn hơn. Xuất huyết não, mắt, da và niêm mạc có thể là hậu quả của các cơn ho kịch phát, đồng thời hậu quả gây ra chứng khô miệng. Xuất huyết não, phù não và viêm não do độc tố có thể gây tê liệt, khiếm khuyết trí tuệ (rối loạn tâm thần) hoặc rối loạn thần kinh khác. Thoát vị rốn và trực tràng đôi khi xảy ra. Ho gà có thể gây tử vong ở mọi lứa tuổi.
Uốn ván
Tác nhân chính gây bệnh uốn ván là trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Biểu hiện bệnh do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Thông thường, trực khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập qua những vết thương trên trên da, niêm mạc của người bệnh. Uốn ván có thể gây nên những biến chứng, gánh nặng bệnh tật ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh Uốn ván ở người lớn và trẻ em: Co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”. Co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
Bệnh Uốn ván ở trẻ sơ sinh (UVSS): Trẻ đẻ ra bình thường trong 2 ngày đầu, bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau sinh: Cứng hàm làm cho trẻ không thể bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới trong những năm cuối của thể kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì UVSS ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết/mắc của UVSS rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn. Tỷ lệ chết/mắc của uốn ván từ 10 - 90%, tỷ lệ chết cao nhất hay gặp ở trẻ nhỏ và người có tuổi.
Nhìn chung, 3 bệnh BH - HG - UV đều có nguy cơ lây nhiễm nhanh và gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như tính mạng, nhất là với trẻ nhỏ. Do đó, chúng ta không nên chủ quan mà phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn gây bệnh. Trong đó, đối tượng nguy hiểm nhất và dễ bị vi khuẩn tấn công nhất chính là trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Biện pháp phòng chống bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván
Biện pháp phòng bệnh là vấn đề đã được hầu hết mọi người quan tâm. Và cách phòng bệnh chủ động, đặc hiệu và hiệu quả nhất hiện nay với chi phí thấp nhất chính là tiêm vắc xin. Sau khi vắc xin ra đời, số liệu thống kê chỉ ra rằng tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh nhân giảm đáng kể, thậm chí trên nhiều quốc gia đã xóa bỏ hẳn những bệnh đó.
Sau khi nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, vắc xin phòng ngừa 3 loại bệnh đã được tích hợp trong một mũi tiêm.
Theo Quyết định và Hướng dẫn của Bộ Y Tế Việt Nam, việc tiêm phòng vắc xin BH - HG - UV cần được áp dụng cho mọi đối tượng để phòng ngừa bệnh cũng như ngăn đại dịch hình thành. Thông thường, mũi tiêm đầu tiên sẽ bắt đầu từ 2 tháng tuổi và phải tiêm nhắc lại trong suốt cuộc đời.
Những cột mốc tiêm nhắc vắc xin Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván
Tại Việt Nam, vắc xin này được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả các trẻ nhỏ với 3 liều cơ bản vào thời điểm trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại một lần vào lúc 18 tháng. Để phát huy tối đa hiệu quả phòng bệnh nâng cao, mỗi cột mốc cần được tiêm nhắc phòng bệnh.
Trẻ từ 4 - 6 tuổi các bậc phụ huynh có thể cho trẻ tiêm nhắc lại vắc xin 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt.
Trẻ từ 9 - 15 tuổi cũng là thời điểm nên tiêm vắc xin nhắc phòng bệnh.
Những người lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao vì sức khỏe yếu, sức đề kháng và miễn dịch kém. Do đó, nên tiêm phòng nhắc lại đối với vắc xin này.
Người lớn, thanh thiếu niên, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai tuần thứ 27 đến dưới 35 tuần thai cũng nên tiêm để phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván.
Những người có bệnh lý đi kèm như các bệnh lý phổi, hen suyễn, tim mạch, bệnh thận,... cũng nên chủ động tiêm phòng để ngăn ngừa vi khuẩn tấn công và gây bệnh.
Bên cạnh đó, mỗi người nên cứ 10 năm/lần tiêm nhắc lại vắc xin để duy trì đề kháng, nâng cao miễn dịch chống lại vi các vi khuẩn gây những bệnh này lâu dài.
Các bậc phụ huynh nên ghi nhớ và tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ em đầy đủ theo khuyến cáo của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất trong phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ.
Tóm lại, bệnh ho gà bạch hầu uốn ván là bệnh có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn. Do đó, để bảo vệ cơ thể tốt nhất, mỗi người nên chủ động tiêm phòng vắc xin, nhất là trẻ em. Bên cạnh đó, mọi người cũng đừng quên các cột mốc tiêm nhắc, điều này không chỉ kéo dài hiệu quả bảo vệ bản thân, mà còn tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.