Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Sinh con

Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết

Ngọc Vân

11/04/2025
Kích thước chữ

Sau sinh, cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần, trong đó có không ít trường hợp xuất hiện tình trạng huyết áp cao. Vậy phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, biến chứng và cách chăm sóc sức khỏe hiệu quả sau sinh.

Huyết áp cao sau sinh là một tình trạng đáng lo ngại, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ trong giai đoạn hậu sản nhạy cảm. Vậy, phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu thêm về tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Tại sao phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao?

Tăng huyết áp sau sinh là tình trạng huyết áp tăng cao xuất hiện trong vòng 48 giờ đến vài tuần sau khi sinh con. Tình trạng này có thể xảy ra ở những sản phụ từng bị tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, huyết áp cao sau sinh có thể xảy ra đột ngột, ngay cả khi thai kỳ hoàn toàn bình thường.

Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết 1
Sự mất cân bằng hormone có thể là nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao sau sinh ở một số mẹ bầu

Nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp sau sinh hiện chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết cho rằng sự thay đổi đột ngột cân nặng, sự mất cân bằng hormone sau sinh, rối loạn chức năng nội mạc mạch máu hay tác động của tình trạng viêm tiềm ẩn là các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật;
  • Béo phì, thừa cân;
  • Mang thai đa thai (song thai, tam thai...);
  • Tiền sử bệnh đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp mãn tính;
  • Di truyền gia đình có người từng mắc bệnh.

Dấu hiệu nhận biết huyết áp cao ở phụ nữ sau sinh

Việc nhận biết tăng huyết áp sau sinh có thể khó khăn do nhiều sản phụ không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Hơn nữa, đa số phụ nữ sau sinh tập trung vào việc hồi phục và chăm con nên thường bỏ qua các biểu hiện bất thường của sức khỏe.

Các triệu chứng cảnh báo bao gồm:

  • Huyết áp đo được trên 140/90 mmHg;
  • Xuất hiện đạm trong nước tiểu (protein niệu);
  • Đau đầu từ trung bình đến dữ dội;
  • Hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực tạm thời;
  • Đau vùng hạ sườn phải (trên rốn);
  • Giảm lượng nước tiểu, tiểu ít.
Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết 2
Khi nghi ngờ bị tăng huyết áp, mẹ cần được đưa đi khám ngay để xác định nguyên nhân và tránh các biến chứng nguy hiểm

Trong trường hợp nghi ngờ hoặc xác định bị tăng huyết áp, sản phụ cần được đưa đi thăm khám ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.

Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp sau sinh là một tình trạng nghiêm trọng và cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người mẹ.

Các biến chứng thường gặp bao gồm:

  • Sản giật sau sinh: Biểu hiện bằng các cơn co giật, mất ý thức, và có nguy cơ tổn thương các cơ quan quan trọng như não, gan, thận.
  • Phù phổi cấp: Là tình trạng dịch tích tụ trong phổi, gây khó thở cấp tính, suy hô hấp, và cần can thiệp y tế khẩn cấp.
  • Đột quỵ (tai biến mạch máu não): Có thể xảy ra do vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch do huyết áp tăng cao đột ngột.
  • Thuyên tắc huyết khối: Hình thành cục máu đông trong lòng mạch, có nguy cơ di chuyển và gây tắc nghẽn tại các vị trí quan trọng như phổi (thuyên tắc phổi) hoặc não.
  • Hội chứng HELLP: Là một biến chứng nặng, thường xảy ra trên nền tăng huyết áp nặng hoặc tiền sản giật, bao gồm tán huyết vi mạch, tăng men gan và giảm số lượng tiểu cầu – tình trạng này cần được xử trí khẩn cấp tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết 3
Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không?

Cách phòng ngừa cao huyết áp ở phụ nữ sau sinh

Mặc dù tăng huyết áp sau sinh chưa có biện pháp phòng ngừa tuyệt đối, tuy nhiên, phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao nên duy trì lối sống lành mạnh trước, trong và sau thai kỳ để giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp. Dưới đây là một số lưu ý cần biết:

  • Chế độ ăn hợp lý: Ăn nhạt, bổ sung rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đạm thảo mộc. Đối với phụ nữ cho con bú, cần tăng 500 kcal/ngày để đảm bảo dưỡng chất.
  • Tập luyện vận động: Nếu không có chống chỉ định y khoa, nên tập tối thiểu 150 phút/tuần, như đi bộ, yoga hoặc bơi lội.
  • Tầm soát cân nặng: Tránh tăng cân nhanh trong thai kỳ, kiểm soát cân nặng sau sinh bằng cách ăn uống khoa học.
  • Khám thai định kỳ: Giúp theo dõi sớm dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc nguy cơ tiền sản giật.
  • Duy trì thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc: Ngay cả khi giấc ngủ bị gián đoạn, mẹ vẫn nên cố gắng đi ngủ đúng giờ và tranh thủ nghỉ ngơi ngắn để đảm bảo cơ thể có thời gian phục hồi, tránh làm rối loạn huyết áp.
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Cơ thể thiếu nước có thể làm máu đặc hơn, gây áp lực lên tim. Uống đủ nước mỗi ngày giúp duy trì thể tích tuần hoàn và hỗ trợ chức năng tim mạch, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hậu sản.
Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết 4
Mẹ sau sinh nên vận động mỗi ngày để nhanh chóng hồi phục và tránh nguy cơ huyết áp cao

Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng ở phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao. Theo dõi huyết áp thường xuyên trong giai đoạn hậu sản là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người mẹ. Phụ nữ sau sinh bị huyết áp cao cần được quản lý y tế chặt chẽ để hỗ trợ quá trình hồi phục toàn diện và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin