Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em

Ngày 07/10/2022
Kích thước chữ

Sarcoma cơ vân ở trẻ em là một bệnh ung thư nguy hiểm, cần được chẩn đoán sớm để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Vậy có những phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân nào?

Sarcoma cơ vân (u cơ vân ác tính), là một loại ung thư ở mô mềm phát sinh từ tế bào trung mô - những tế bào chưa trưởng thành và có khả năng phát triển thành cơ vân. Sarcoma cơ vân thường gặp nhất ở trẻ em và thanh niên.

Phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân

Sau khi được chẩn đoán mắc Sarcoma cơ vân, có những phương pháp điều trị phổ biến sau đây:

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị giúp loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh, để lại một mặt cắt âm tính và không còn dấu vết ung thư trong các mô khỏe mạnh.

Phẫu thuật thường được lựa chọn đầu tiên để điều trị cho bệnh nhi mắc Sarcoma cơ vân, ngoại trừ những trường hợp có di căn xa. Tuy nhiên, kể cả khi khối u có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, những trẻ mắc bệnh Sarcoma cơ vân vẫn cần phải được điều trị hóa trị. 

Phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em 1 Phẫu thuật là phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em phổ biến

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách kìm hãm khả năng phát triển và phân chia của chúng. Trong điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em, hóa chất thường được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch.

Phương pháp này có thể gây nên một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào cơ địa từng bệnh nhân và liều lượng thuốc sử dụng, có thể bao gồm: Mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn, nôn, rụng tóc, chán ăn và tiêu chảy.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt năng lượng cao khác để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp xạ trị sử dụng phổ biến nhất là xạ trị bằng chùm tia ngoài, nghĩa là tia xạ trị được chiếu từ một máy nằm bên ngoài cơ thể. Ngoài ra, còn có xạ trị bằng phương pháp cấy các hạt phóng xạ được gọi là xạ trị trong hoặc cận xạ trị. 

Một liệu trình xạ trị sẽ bao gồm một số chu kỳ xạ trị cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Tác dụng phụ của xạ trị đến sức khỏe của bệnh nhân bao gồm: Mệt mỏi, phản ứng da, buồn nôn, cảm giác nôn nao ở dạ dày và giảm nhu động ruột. Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc xạ trị.

Phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em 2 Buồn nôn và nôn là những tác dụng phụ sau khi xạ trị

Điều trị triệu chứng và tác dụng phụ

Đa số các bệnh ung thư và phương pháp điều trị thường gây ra nhiều tác dụng phụ. Ngoài việc điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ tế bào ung thư, một phần quan trọng khác trong quá trình điều trị là làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ trên bệnh nhân. 

Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm nhiều phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình. Tất cả các bệnh nhân, ở mọi lứa tuổi, bất kể loại và giai đoạn ung thư, đều rất cần được chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ đạt hiệu quả nhất khi bắt đầu càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư.

Các phương pháp điều trị giảm nhẹ rất khác nhau đối với từng loại bệnh và nơi điều trị mà bệnh nhân lựa chọn, thường bao gồm dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và nhiều liệu pháp khác. 

Trẻ em mắc Sarcoma cơ vân có thể được điều trị giảm nhẹ cùng lúc với điều trị ung thư trực diện như các phương pháp hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật.

Điều trị tái phát

Nếu bệnh ung thư trở lại sau điều trị ban đầu, nó được gọi là ung thư tái phát. Sarcoma cơ vân ở trẻ em có thể tái phát ở cùng một vị trí (được gọi là tái phát tại chỗ), gần đó (tái phát vùng) hoặc tại một vị trí khác (tái phát xa).

Nếu có dấu hiệu của tái phát, một loạt các xét nghiệm sẽ được thực hiện lại từ đầu để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự tái phát bệnh. Sau khi hoàn thành các xét nghiệm, bác sĩ sẽ thảo luận với phụ huynh về các phương pháp điều trị tiếp theo cho trẻ. 

Kế hoạch điều trị tiếp theo có thể sử dụng lại những phương pháp điều trị ban đầu. Điều này phụ thuộc vào số lượng khối u, vị trí ung thư tái phát và hiệu quả của phương pháp điều trị đã thực hiện trước đó.

Phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em 3 Đưa trẻ tái khám thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu ung thư tái phát

Làm gì khi điều trị không hiệu quả?

Mặc dù điều trị Sarcoma cơ vân thường thành công cho phần lớn trẻ, đôi khi cũng có ngoại lệ. Nếu bệnh không thể kiểm soát hoặc không có khả năng chữa khỏi được thì được gọi là bệnh tiến triển hoặc giai đoạn cuối.

Chẩn đoán ung thư tiến triển thường gây ra căng thẳng cho cả đội ngũ điều trị và người nhà bệnh nhân, đồng thời là vấn đề khó thảo luận. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là phải có những cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực với đội ngũ bác sĩ để bày tỏ cảm xúc, nguyện vọng và mối quan tâm của gia đình bạn. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để hỗ trợ và luôn sẵn sàng giúp đỡ người bệnh cùng gia đình.

Chăm sóc cuối đời là phương pháp được thiết kế để cung cấp chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể cho những bệnh nhân bị ung thư tiến triển có tiên lượng sống dưới 6 tháng. Đảm bảo trẻ thoải mái về thể chất và không bị đau đớn nhiều là một yếu tố quan trọng trong chăm sóc cuối đời.

Trên đây là những thông tin về phương pháp điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích. Theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều tin tức sức khỏe bạn nhé!

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin