Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu và những thông tin cần biết

Ngày 13/06/2024
Kích thước chữ

Vòng tuần hoàn là một khái niệm trong khoa học và y học, liên quan đến sự lưu thông của chất và năng lượng qua các giai đoạn hoặc vị trí cụ thể. Trong y học, có hai vòng tuần hoàn chính là vòng tuần hoàn nước và vòng tuần hoàn máu. Vòng tuần hoàn máu là quá trình máu được bơm qua tim, các mạch máu và các cơ quan trong cơ thể để cung cấp dưỡng chất và oxy cho các tế bào. Vậy quá tải tuần hoàn liên quan đến truyền máu là gì? Những thông tin dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

Hệ tuần hoàn máu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cho cơ thể. Đặc biệt, nó giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các tế bào và mô khắp cơ thể. Nhờ vậy, các tế bào được cung cấp đủ dinh dưỡng để hoạt động, phát triển bình thường và chống lại bệnh tật.

Vòng tuần hoàn máu là gì?

Vòng tuần hoàn máu là quá trình máu được bơm qua tim, các mạch máu và các cơ quan trong cơ thể để cung cấp dưỡng chất và oxy cho các tế bào. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về vòng tuần hoàn máu mà bạn nên biết trước khi tìm hiểu quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu là gì?

Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu những thông tin cần biết - 1
Vòng tuần hoàn máu là quá trình máu di chuyển để cung cấp dưỡng chất và oxy cho các tế bào
  • Tim: Đóng vai trò quan trọng trong việc bơm máu để vận chuyển oxy và dinh dưỡng đến các cơ quan và tế bào. Tim bao gồm: Tâm thất, tâm nhĩ, nội tâm mạc, ngoại tâm mạc và van tim.
  • Động mạch: Mang máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng từ tim đến khắp cơ thể, đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng cho các tế bào và các cơ quan để duy trì sự sống.
  • Tĩnh mạch: Mang máu đã bị khử oxy từ các cơ quan trở về tim và phổi để được oxy hóa lại.
  • Mao mạch: Đảm nhiệm vai trò trao đổi chất và khí giữa máu và các tế bào, mô trong cơ thể, cho phép sự trao đổi nước, oxy, CO2 cùng các dưỡng chất khác.
  • Máu: Gồm huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Chức năng chính của máu là loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa, cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, giúp cơ thể duy trì sự cân bằng và hoạt động tốt nhất.

Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu được định nghĩa là các triệu chứng xuất hiện trong vòng 12 giờ sau khi truyền máu mà không bắt nguồn từ các nguyên nhân khác. Các triệu chứng bao gồm:

  • Suy hô hấp cấp hoặc tình trạng hô hấp xấu đi (khó thở, thở nhanh, giảm oxy máu không do các nguyên nhân khác).
  • Phù phổi cấp hoặc phù phổi tiến triển được xác định qua lâm sàng hoặc hình ảnh học.
  • Tăng N-terminal pro B-type Natriuretic Peptide (NT-proBNP) hoặc B-type Natriuretic Peptide (BNP).
  • Thay đổi chức năng tim mạch mà không giải thích được (suy tim trái, tăng huyết áp, tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, phù ngoại biên).
Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu những thông tin cần biết - 2
Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu xuất hiện ở các ca truyền máu với tỉ lệ không cao

Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu xuất hiện ở dưới 1% các ca truyền máu và thường gặp hơn ở bệnh nhân nội trú, đặc biệt là những người đang điều trị tại đơn vị Chăm sóc Đặc biệt (ICU). Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong liên quan đến truyền chế phẩm máu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của quá tải tuần hoàn liên quan đến truyền máu

  • Tình trạng quá tải tuần hoàn truyền máu có thể xuất hiện do tốc độ truyền máu quá nhanh hoặc thể tích truyền máu quá lớn.
  • Quá tải tuần hoàn có thể xảy ra đối với bất cứ ai cũng như với bất kỳ loại chế phẩm máu nào (huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, hồng cầu, tiểu cầu). Tuy nhiên, thể tích và tốc độ truyền máu được xem là các yếu tố nguy cơ chính. Phù phổi trong quá tải tuần hoàn là do nguyên nhân tim mạch và có thể phát triển hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim hiện có.
  • Nhóm nguy cơ cao qua quá trình nghiên cứu có thể kể đến đó là: Người già, người suy kiệt, suy tim, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, và những bệnh nhân có gia tăng thể tích huyết tương (thiếu máu mạn tính, thalassemia).

Các yếu tố nguy cơ khác của tình trạng quá tải tuần hoàn có thể kể đến đó là: Giới tính nữ, tiền sử suy tim sung huyết, chạy thận nhân tạo, thở máy, dùng thuốc vận mạch gần đây và cân bằng dịch dương.

Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu những thông tin cần biết - 3
Người suy kiệt dễ gặp phải tình trạng quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu

Biểu hiện lâm sàng ở người quá tải tuần hoàn liên quan đến truyền máu

  • Khó thở, tức ngực, thở nhanh, đau đầu, ho, khạc đờm bọt hồng.
  • Tim đập nhanh, tụt huyết áp.
  • Ran ẩm ở hai phổi tăng dần.
  • Triệu chứng suy tim phải: Gan to, tĩnh mạch cổ nổi, áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) cao, gallop T3.
  • Biểu hiện suy tim và phù phổi cấp tùy theo mức độ.

Cách xử trí và dự phòng đối với quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu

Xử trí

  • Ngừng truyền máu ngay lập tức.
  • Hỗ trợ hô hấp: Đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao (tư thế Fowler), cung cấp oxy.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: Tiêm Furosemide 40-80mg (1-2mg/kg/lần), có thể lặp lại sau 15-30 phút nếu cần. Tổng liều tối đa theo chỉ định bác sĩ là 200mg.
  • Giảm áp lực tĩnh mạch: Dùng isosorbide dinitrate (Risordan) 0.5mg/kg/lần ngậm dưới lưỡi để giảm áp lực thủy tĩnh ở tĩnh mạch chủ và động mạch phổi.
  • Thuốc trợ tim: Dùng Digoxin nếu bệnh nhân có suy tim.
Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu những thông tin cần biết - 4
Cần tiến hành kiểm tra đánh giá trước khi truyền máu để dự phòng tình trạng quá tải tuần hoàn

Dự phòng

  • Với bệnh nhân có nguy cơ cao, truyền máu chậm không quá 2-2.5ml/kg/h; nếu bệnh nhân có suy tim hoặc suy thận, giảm tốc độ xuống còn 1ml/kg/h và chú ý giới hạn số đơn vị truyền máu ở trong ngày.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu (Furosemide 20-40mg) trước, trong hoặc sau khi truyền máu cho nhóm nguy cơ cao hoặc có tiền sử bị quá tải tuần hoàn.
  • Cần tiến hành kiểm tra đánh giá trước khi truyền máu: Đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, đo sinh hiệu, khám tim phổi, cân bằng xuất nhập.

Trên đây là những thông tin giúp bạn nắm được thông tin quá tải tuần hoàn liên quan đến truyền máu. Bạn nên chú ý thông báo tình hình sức khỏe của bản thân khi có thể để tránh những tác động xấu không mong muốn khi thực hiện truyền máu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin