Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Quy trình sơ cứu bỏng đường hô hấp giúp hạn chế tổn thương

Ngày 28/03/2022
Kích thước chữ

Bỏng hô hấp là tình trạng các cơ quan hô hấp bị tổn thương do hít phải các tác nhân gây bỏng như khí nóng, hơi nước nóng,... hoặc do tiếp xúc với các chất lỏng nóng, các chất hóa học gây bỏng sặc. Bỏng hô hấp gây đau đớn cho người bệnh, để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm về sau và thậm chí có thể gây tử vong.

Nắm được quy trình sơ cứu bỏng đường hô hấp có thể giúp bạn hạn chế được những tổn thương, nâng cao hiệu quả chữa trị và giảm thiểu đáng kể khả năng để lại biến chứng sau bỏng.

Nguyên nhân gây bỏng đường hô hấp

Các tác nhân như lửa, hơi nước nóng, khí thải từ phương tiện giao thông, khí gas, khói than, khói củi cháy,... khi đi vào đường hô hấp sẽ gây ra những tổn thương cho các cơ quan hô hấp. Ngoài ra, nếu chẳng may các chất lỏng nóng như nước sôi, axit, vôi tôi nóng,... tiếp xúc với đường dẫn khí trong cơ thể cũng gây nên hiện tượng bỏng đường hô hấp.

Hoàn cảnh dễ làm xảy ra bỏng đường hô hấp chính là cháy nổ. Thời gian nạn nhân tiếp xúc với nguồn nhiệt càng dài thì mức độ bỏng sẽ càng nặng. Bỏng đường hô hấp có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt 1-2 ngày sau bỏng, nguy cơ tử vong có thể lên trên 50%.

Quy trình sơ cứu bỏng đường hô hấp giúp hạn chế tổn thương 1

Hoàn cảnh dễ làm xảy ra bỏng đường hô hấp chính là cháy nổ

Dấu hiệu nhận biết bỏng đường hô hấp

Trong các vụ cháy, bệnh nhân thường bị bỏng môi, mặt, lông bị cháy, những chất khí độc hại hoặc chất lỏng nóng sinh ra trong vụ cháy sẽ đi vào niêm mạc mũi, miệng, họng và đi kèm hiện tượng bỏng đường hô hấp. Theo các chuyên gia, một khi các hóa chất độc hại xâm nhập vào đường hô hấp, chúng sẽ khiến cho đường hô hấp bị tổn thương, phù nề, gây suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

Những triệu chứng của bỏng đường hô hấp nạn nhân có thể nhận ra trong 12-24 giờ đầu tiên sau khi bị bỏng. Vì hít thở nhiều khói ở đám cháy, nạn nhân sẽ cảm thấy khó chịu ở phần cổ họng và nền lưỡi, khó nuốt, nói chuyện khó khăn. Giọng nói bị khàn hoặc bị biến âm nhưng không mất giọng hoàn toàn. Ho khan, tăng tiết đờm dãi, đờm có thể có màu đen hoặc xen lẫn chút máu. Người bị bỏng hô hấp thường cảm thấy buồn nôn, nhức đầu và đau tức ngực. Khó thở, nhịp thở nhanh hơn (32-56 nhịp/ phút), tiếng thở yếu, sốt cao, huyết áp động mạch thấp và đi tiểu ít hơn.

Qua thăm khám của bác sĩ, bệnh nhân có thể nhận biết thêm các dấu hiệu khác như niêm mạc hầu họng, miệng, thanh quản bị sung huyết, trên vùng màu đỏ khô có những màn tơ huyết trắng xám. Lưỡi, dây thanh âm bị phù nề, chuyển động kém linh hoạt. Nghe phổi thấy tiếng ran rít, lép bép và có thể xuất hiện hội chứng nhiễm độc khí, hóa chất, hội chứng sang nổ,... 

Quy trình sơ cứu bỏng đường hô hấp giúp hạn chế tổn thương 2

Niêm mạc hầu họng, miệng, thanh quản bị sung huyết là dấu hiệu bỏng đường hô hấp

Phân cấp mức độ bỏng đường hô hấp

Bỏng nhẹ: Rối loạn hô hấp mức độ nhẹ, giọng nói không khàn, không có trạng thái, không biến chứng phế viêm hoặc nếu có thì cũng nhanh khỏi.

Bỏng vừa: Rối loạn hô hấp nặng, giọng nói bị khàn, da tím tái, khi nghe phổi có tiếng thở thô, ran rít, các biến chứng viêm phổi khá nặng, suy hô hấp và suy tim có thể xuất hiện ở mức độ I, II,...

Bỏng nặng: Khó thở nghiêm trọng, cơ thể tím tái, giọng nói rất khàn, tĩnh mạch cổ nổi, ho khan kèm đờm đặc, khí phế thũng, hoại tử hoặc thậm chí tử vong.

Phương pháp sơ cứu nạn nhân bỏng đường hô hấp

Để góp phần cứu sống nạn nhân, công tác nhận biết sớm và sơ cứu đúng cách, kịp thời khi bỏng đường hô hấp là điều vô cùng quan trọng.

Tại nơi xảy ra tai nạn

Lập tức đưa ngay nạn nhân ra khỏi khu vực bị cháy, tránh sự tác động của khói và nhiệt, đảm bảo không gian thoáng đãng, an toàn, mở cửa, bật quạt để tăng lưu thông không khí.

Nếu nạn nhân vẫn giữ được tỉnh táo, bạn cần thực hiện khai thông đường thở, loại bỏ dị vật trong miệng và khoang họng nếu có. Trong trường hợp nạn nhân bị nôn, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng đầu sang một bên để đảm bảo không trào ngược vào bên trong gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu nạn nhân ngừng thở, nhanh chóng tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo cũng như xoa bóp ngoài lồng ngực để kích thích hệ hô hấp hoạt động.

Nếu nạn nhân bị ngưng thở, cần tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo và bóp tim ngoài lồng ngực.

Quy trình sơ cứu bỏng đường hô hấp giúp hạn chế tổn thương 3

Nếu nạn nhân bị ngưng thở cần phải tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo

Khi đến phòng cấp cứu

  • Hút loại bỏ tất cả dị vật, dịch tiết trong mũi, miệng, họng để khai thông đường thở.
  • Tiến hành cho bệnh nhân thở oxy. Quá trình thông khí nhân tạo là yếu tố bắt buộc trong quy trình điều trị bỏng đường hô hấp.
  • Có thể sử dụng thêm thuốc an thần, giảm đau (loại không ức chế hô hấp) nếu bệnh nhân căng thẳng, hoảng loạn.
  • Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc trợ hô hấp, tim mạch, thuốc giãn phế quản, chống viêm, chống phù nề, khí dung,...
  • Truyền dịch trong 24 giờ đầu nhiều hơn khoảng 1,3-1,4 lần so với các tình huống chỉ bỏng da đơn thuần khác.
  •  Theo dõi hàm lượng lượng nước tiểu của người bệnh: 30-50ml/kg/h trở lên với người lớn và 0,5-1ml/kg/h với trẻ em dưới 30kg. 
  • Khi tình hình đã được kiểm soát, bệnh nhân cần tập thở, tập vận động, vỗ rung hàng ngày.

Quy trình sơ cứu bỏng đường hô hấp giúp hạn chế tổn thương 4

Thông khí nhân tạo rất quan trọng trong quy trình điều trị bỏng đường hô hấp

Sau khi được sơ cứu và điều trị có hiệu quả khi bị bỏng đường hô hấp, nạn nhân vẫn cần phải tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi tình trạng sức khỏe để tránh biến chứng, tái khám định kỳ cũng như xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng thực phẩm cay, nóng, dễ kích ứng nhằm giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin