Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khí phế thũng là gì? Khí phế thũng nguy hiểm như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khí phế thũng là một trong những dạng thường gặp nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí gây tử vong. Vậy làm thế nào để nhận biết được bệnh khí phế thũng và điều trị như thế nào? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Khí phế thũng là gì? 

Khí phế thũng là một bệnh lý liên quan tới phổi. Bệnh thường xảy ra ở những người hút thuốc lá hoặc hít phải chất kích ứng thường xuyên.

Khí phế thũng thường gây khó thở. Ở những người bị bệnh, những túi khí trong phổi (phế nang) bị tổn thương. Theo thời gian, những túi khí này bị suy yếu và vỡ ra, làm giảm diện tích bề mặt của phổi dẫn tới lượng oxy vào máu cũng giảm đi.

Khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính là hai bệnh lý gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đa số những người bị khí phế thũng cũng có thể bị viêm phế quản mạn tính – tình trạng ống dẫn khí bị viêm dẫn tới ho dai dẳng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khí phế thũng

Những triệu chứng của khí phế thũng thường phải mất một thời gian dài, thậm chí là nhiều năm mới xuất hiện. Một vài triệu chứng của khí phế thũng:

  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi: Đây là triệu chứng nổi bật nhất của bệnh;

  • Ho lâu ngày;

  • Ho ra một lượng chất nhầy mỗi ngày;

  • Thở khò khè;

  • Hụt hơi;

  • Cảm thấy người mệt mỏi;

  • Sụt cân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh khí phế thũng

Khí phế thũng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng:

  • Viêm phổi;

  • Suy hô hấp: Xảy ra khi lượng oxy chuyển từ phổi vào máu không đủ cung cấp cho cơ thể;

  • Suy tim phải: Khi lượng oxy không đủ. Tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cho cơ thể;

  • Nhiễm trùng đường hô hấp;

  • Xẹp phổi: Tràn khí màng phổi làm không khí tích tụ giữa phổi và khoang ngực.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Khí phế thũng

Nguyên nhân chủ yếu gây khí phế thủng là hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với những chất kích ứng trong không khí như khói, bụi bẩn, chất hóa học. Vì vậy, đây là một trong những bệnh dễ dàng phòng tránh được.

Ngoài ra, nguyên nhân gây khí phế thũng là do sự thiếu hụt di truyền alpha-1-antitrypsin. Đây là một loại protein bảo vệ những cấu trúc đàn hồi trong phổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Khí phế thũng?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị khí phế thũng. Tuy nhiên, người có độ tuổi từ 40 – 60 thì có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Khí phế thũng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ khí phế thũng: 

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu như HIV/AIDS.

  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.

  • Làm việc trong môi trường ô nhiễm.

  • Tiếp xúc với những chất kích ứng một thời gian dài như khói, bụi bẩn, hóa chất.

  • Tiền sử nhiễm trùng đường hô hấp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Khí phế thũng

Chẩn đoán khí phế thũng qua thăm khám lâm sàng, tình trạng bệnh sử cũng như lối sống của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một vài xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh, bao gồm:

  • Chụp X-quang hay CT ngực: Kiểm tra hình ảnh của phổi.

  • Đo oxy xung: Đo hàm lượng oxy trong máu.

  • Đánh giá chức năng phổi (PET): Xác định mức độ thở cũng như hoạt động của phổi thông qua đo lượng khí phổi hít và thở ra cũng như lượng khí mà phổi cũng cấp cho máu.

  • Khí máu động mạch: Đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu từ động mạch. Thường sử dụng khi bệnh trở nên trầm trọng hơn. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ sẽ xác định xem người bệnh có cần cung cấp thêm oxy không.

  • Điện tâm đồ (ECG): Kiểm tra chức năng tim và loại trừ bệnh tim là nguyên nhân làm cho người bệnh khó thở.

Phương pháp điều trị Khí phế thũng hiệu quả

Chưa có cách để điều trị bệnh khỏi hoàn toàn và tình trạng khí phế thũng sẽ xấu đi theo thời gian. Vì vậy, điều trị tập trung vào việc làm chậm tốc độ của bệnh. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ có những điều trị khác nhau.

  • Thuốc giãn phế quản: Giúp giãn những cơ xung quanh đường thở nhằm giảm ho, giảm khó thở và những vấn đề về hô hấp.

  • Thuốc chống viêm như corticoid dạng hít: Làm giảm tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như loãng xương, tăng đường huyết, tăng huyết áp,…

  • Kháng sinh: Sử dụng khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phổi, viêm phế quản cấp tính.

  • Liệu pháp oxy: Chỉ định ở những bệnh nhân không nhận đủ oxy vào máu.

  • Phẫu thuật: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương pháp phẫu thuật khác nhau như phẫu thuật giảm thể tích phổi hay ghép phổi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Khí phế thũng

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước.

  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là thức ăn giàu vitamin và khoáng chất để cải thiện thể trạng và tăng cường sức đề kháng. 

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Phương pháp phòng ngừa Khí phế thũng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không hút thuốc và tránh những nơi có nhiều khói bụi.

  • Tiêm vaccine cúm và phế cầu đều đặn.

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.

  • Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.

  • Bảo vệ cơ thể khỏi không khí lạnh.

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9370-emphysema

  2. https://www.healthline.com/health/emphysema#diagnosis

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/emphysema/diagnosis-treatment/drc-20355561

Chủ đề:Viêm phế quản

Các bệnh liên quan

  1. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  2. Hen suyễn

  3. Rắn cắn

  4. Viêm thanh quản mạn

  5. Nhiễm nấm Histoplasma

  6. Bệnh sán lá phổi

  7. Bệnh tích protein phế nang

  8. Suy hô hấp cấp

  9. Bụi phổi

  10. Tràn dịch màng phổi