Răng mọc ngầm là tình trạng răng không thể tách ra hoặc trồi lên khỏi xương hàm hoặc nướu. Răng mọc ngầm gây nhiều đau đớn cho chúng ta. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu răng mọc ngầm trong xương có nguy hiểm không nhé.
Răng mọc ngầm trong xương có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, răng mọc ngầm trong xương thường thấy nhất là răng khôn và răng nanh. Nhiều người lo lắng rằng răng mọc ngầm trong xương có nguy hiểm không. Hãy cùng chúng tôi lý giải thông qua bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu về răng mọc ngầm trong xương
Răng mọc ngầm trong xương là tình trạng răng bị kẹt trong xương hàm và bạn sẽ không thấy răng mọc lên trên hàm răng của mình. Chỉ đến khi chụp phim X-quang mới có thể thấy được răng bên trong xương hàm.
Răng mọc ngầm trong xương có thể xảy ra tại các vị trí răng khác nhau, trong đó răng khôn và răng nanh là những răng có nguy cơ mọc ngầm trong xương cao hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến răng mọc ngầm trong xương cụ thể như: Do di truyền, do cơ địa chậm phát triển, dẫn đến răng chậm phát triển theo, do không đủ chỗ trên cung hàm để răng trồi lên trên hoặc do nhổ răng sữa quá sớm khiến các răng bên cạnh di chuyển sang làm mất khoảng, khiến mầm răng lạc chỗ.
Một trong các dấu hiệu giúp bạn có thể nhận biết rằng răng đang mọc ngầm gồm:
Cảm thấy vùng lợi trồi lên bất thường khi chạm vào vùng xương ổ răng;
Các răng khác đã mọc đủ trên cung hàm nhưng chiếc răng mọc ngầm vẫn chưa xuất hiện;
Đau hoặc ê buốt răng bên cạnh khi ăn nhai. Trong một số trường hợp, răng mọc ảnh hưởng đến dây thần kinh khiến bạn bị đau nhức vùng thái dương và đầu.
Nướu sưng đỏ, đặc biệt đối với răng khôn mọc ngầm trong xương, nướu sưng đỏ và vùng mọc răng sẽ bị đau nhức nhiều, lặp đi lặp lại.
Hôi miệng hoặc miệng bị đắng do nướu sưng, thức ăn thừa bám lại không được vệ sinh sạch sẽ gây ra tình trạng hôi miệng.
Răng mọc ngầm trong xương có nguy hiểm không?
Răng mọc ngầm trong xương khiến nhiều người lo lắng liệu có nguy hiểm không. Răng mọc ngầm trong xương là tình trạng không quá nguy hiểm tuy nhiên lại gây ra nhiều đau đớn, khó chịu hoặc thậm chí gây ra một số biến chứng nếu không được chăm sóc và điều trị tốt. Một vài biến chứng có thể xảy ra nếu răng mọc ngầm trong xương không được điều trị như:
Nhiễm trùng lợi hoặc nướu;
Bị sâu răng;
Chèn ép, gây xô lệch các răng khác;
Mắc các bệnh về nướu;
Làm hỏng các chân răng xung quanh;
Hấp thụ hết các khoáng chất của răng khác, khiến răng xung quanh thiếu khoáng chất và dễ gặp các tổn thương.
Răng mọc ngầm trong xương nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì vậy nếu gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng răng mọc ngầm trong xương, bạn nên đến cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện thăm khám nhé.
Cách xử lý răng mọc ngầm trong xương
Răng mọc ngầm trong xương tuy không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ gây ra một vài biến chứng đối với sức khỏe răng miệng. Dưới đây là một số cách xử lý răng mọc ngầm trong xương mà bạn có thể tham khảo như:
Sử dụng thuốc giảm đau và theo dõi tình trạng của răng
Trong trường hợp răng mọc ngầm trong xương gây nhiều đau đớn nhưng chưa thể điều trị ngay lập tức thì bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm như ibuprofen, paracetamol,... để làm giảm cơn đau. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau bằng cách chườm lạnh hoặc súc miệng với nước muối.
Cùng với việc sử dụng thuốc giảm đau thì bác sĩ sẽ gợi ý bạn tự theo dõi tình trạng răng tại nhà và thăm khám định kỳ để kịp thời xử lý và điều trị nếu răng có sự dịch chuyển.
Điều trị bảo tồn
Trong trường hợp răng mọc ngầm trong xương là răng vĩnh viễn thì biện pháp phù hợp là can thiệp để răng mọc thoát khỏi xương hàm và nướu. Tùy vào tình trạng răng mọc ngược sẽ có phương pháp điều trị khác nhau như niềng răng, mở nướu,...
Phẫu thuật loại bỏ răng mọc ngầm
Nhổ răng là phương pháp xử lý răng mọc ngầm trong xương khá phổ biến, phương pháp này được chỉ định khi răng mọc ngầm có những đặc tính riêng mà nhổ răng là giải pháp vừa nhanh chóng vừa đỡ tốn chi phí điều trị.
Nhổ răng được áp dụng trong trường hợp răng mọc ngầm nghiêng lệch sang trái hoặc sang phải và đâm vào các răng bên cạnh. Hoặc có thể được áp dụng khi răng mọc ngầm mọc ngay dưới chân răng khác mà những hình thức xử lý khác không mang lại hiệu quả điều trị.
Răng mọc ngầm trong xương tuy không gây quá nhiều nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị tốt sẽ có thể gây ra một vài biến chứng đối với sức khỏe răng miệng. Việc thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/lần là vô cùng cần thiết để theo dõi sức khỏe răng miệng và kịp thời điều trị nếu răng miệng có bất kỳ bất thường. Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn hiểu hơn về tình trạng răng mọc ngầm trong xương cũng như các dấu hiệu nhận biết việc răng mọc ngầm. Hãy chủ động theo dõi và thăm khám bác sĩ định kỳ để bảo đảm sức khỏe răng miệng bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.