Long Châu

Rò luân nhĩ có di truyền không?

Ngày 19/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rò luân nhĩ không phải là bệnh về tai hiếm gặp. Vậy rò luân nhĩ có di truyền không, có cần điều trị triệt để hay không? Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu rõ.

Rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh với biểu hiện rõ nhất là một lỗ nhỏ ở da mặt vùng trước tai, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai. Vậy rò luân nhĩ có di truyền không? Đây có phải là căn bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng hay không? 

Rò luân nhĩ có di truyền không? 

Theo một thống kê, ở Anh, rò luân nhĩ chỉ xuất hiện ở 1% trẻ em khi sinh ra, ở Mỹ con số còn thấp hơn. Tuy nhiên ở châu Á và một phần châu Phi, có tới khoảng 4 - 10% trẻ sinh ra có thể xuất hiện rò luân nhĩ ở trước tai. 

Đây là một dị tật bẩm sinh và được phát hiện khi trẻ vừa chào đời, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai. Khi còn là bào thai, rò luân nhĩ đã xuất hiện vào tuần thứ 6 của thai kỳ. Khi trẻ chào đời, có thể nhận thấy lỗ rò này xuất hiện ở vùng trước vành tai, đi sâu vào trong đế bám vào màng sụn. Theo các phân tích khoa học, bản chất của đường rò này là một ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết, hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai để tạo ra tai ngoài. 

Rò luân nhĩ có di truyền không 1 Rò luân nhĩ có di truyền không là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Để giải đáp cho thắc mắc “rò luân nhĩ có di truyền không”, khoa học đã phân tích gen và dựa trên tỷ lệ phần trăm mắc phải cho thấy di truyền là một trong những yếu tố của hội chứng này, có thể do di truyền nhiễm sắc thể trội không hoàn toàn. Nói như vậy không có nghĩa cha/mẹ có rò luân nhĩ thì khi sinh con sinh sẽ mắc phải, đây chỉ là xác suất rất nhỏ, được đánh giá là yếu tố nguy cơ. 

Ngoài ra, rò luân nhĩ còn có thể xảy đến ở nhóm đối tượng nguy cơ như: Mẹ có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ dùng thuốc propylthiouracil điều trị bệnh tuyến giáp trong tam cá nguyệt đầu tiên, người bị dị dạng màng nhĩ hoặc thận... 

Có cần điều trị rò luân nhĩ hay không? 

Rò luân nhĩ là một bệnh dị tật bẩm sinh lành tính, không gây đau đớn cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe nếu được vệ sinh một cách sạch sẽ hàng ngày. Nói cách khác, người bị rò luân nhĩ có thể “chung sống hòa bình” với hiện tượng này nếu không có hiện tượng bất thường gì xảy ra. 

Tuy nhiên, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách, lỗ rò sẽ bị viêm nhiễm, gây sưng đau, ngứa rát, khó chịu và tiết ra dịch trắng có mùi hôi, lâu ngày sẽ tạo thành nang. Nếu không được can thiệp kịp thời, lỗ rò luân nhĩ sẽ tạo ra một ổ áp xe, lan đến vùng sau tai. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng này còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thính giác, thận hoặc tim mạch. Khi đó, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp để chấm dứt tình trạng này. 

Rò luân nhĩ có di truyền không 2 Rò luân nhĩ sẽ phải can thiệp y khoa nếu có hiện tượng sưng tấy, đau đớn, khó chịu

Các phương thức tiếp cận điều trị bệnh lý này như sau: Nếu lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, đỏ, nóng thì cần kê thuốc kháng sinh đường uống; người bệnh không đáp ứng với thuốc kháng sinh thì cần tiến hành chọc và hút dịch từ ổ nhiễm trùng nặng hoặc rạch và thoát mủ nếu áp xe luân nhĩ không đáp ứng với kim hút. Trong trường hợp lỗ rò bị nhiễm trùng tái phát thì bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đường rò. 

Bác sĩ giải đáp một số thắc mắc khác về rò luân nhĩ

Ngoài thắc mắc rò luân nhĩ có di truyền không và có cần điều trị rò luân nhĩ hay không, dưới đây là một số thắc mắc khác về hiện tượng này và lời giải đáp dưới góc nhìn khoa học. 

Rò luân nhĩ có phải là bệnh nguy hiểm hay không? 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, rò luân nhĩ không phải là bệnh lý nguy hiểm nếu không có bất kỳ phản ứng nào gây khó chịu, đau đớn cho cơ thể. Nó là một bệnh lý bẩm sinh lành tính. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng tấy thì rò luân nhĩ lại được liệt kê vào nhóm bệnh cần được đặc biệt quan tâm. 

Bởi nhiều nghiên cứu và các trường hợp mắc bệnh thực tế đã cho thấy rò luân nhĩ liên quan mật thiết đến các bệnh lý về thính giác, tim mạch, đặc biệt là thận. Các dị tật về thận liên quan đến các vấn đề về tai thường gặp chẳng hạn như thận ứ nước, thận hình móng ngựa, bất sản hoặc thiểu sản thận.

Rò luân nhĩ có di truyền không 3 Rò luân nhĩ nếu không được can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến vùng thính giác

Mổ rò luân nhĩ có lâu khỏi hay không?

Thông thường, sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong vòng 5 ngày đến 1 tuần. Khi vết thương lành hẳn, khoảng sau 1 tuần thì có thể cắt chỉ. Tuy nhiên, để hồi phục hoàn toàn, người bệnh nên chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật để tránh các di chứng về sau. 

Mổ rò luân nhĩ có phải nằm viện điều trị bao lâu?

Vậy mổ rò luân nhĩ phải nằm viện bao lâu? Trên thực tế, tùy vào mức độ bệnh cũng như khả năng hồi phục vết thương của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định thời gian lưu viện sau mổ. Mổ rò luân nhĩ chỉ là một tiểu phẫu không quá nguy hiểm nên thông thường bệnh nhân chỉ cần lưu viện 2 - 3 ngày sau mổ là đã có thể xuất viện. 

Để yên tâm hơn, nhiều bệnh nhân sẽ nằm viện đến khi cắt chỉ vết thương. Hoặc cũng có trường hợp bệnh nhân về nhà và tự theo dõi vết thương, chỉ đến viện để kiểm tra và cắt chỉ sau khi lành ở vị trí mổ. 

Mổ rò luân nhĩ có để lại sẹo không? 

Nhiều người thường đặt ra câu hỏi mổ rò luân nhĩ có để lại sẹo không? Với những bệnh nhân có vết rò luân nhĩ không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật bằng các thao tác đơn giản, không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Với công nghệ trị sẹo tiên tiến, hiện đại, mọi vết mổ đều có thể được xóa mờ. Do đó, bạn không cần lo lắng mổ rò luân nhĩ có để lại sẹo không. 

Như vậy, bài viết đã giải đáp thắc mắc rằng rò luân nhĩ có di truyền không cũng như một số vấn đề liên quan khác. Hy vọng thông tin được cung cấp cụ thể trên đây sẽ giúp bạn có những hình dung chi tiết về bệnh lý bẩm sinh này cũng như có phương án tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm