Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần thì hiệu quả?

Ngày 07/04/2022
Kích thước chữ

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là điều vô cùng cần thiết. Vậy rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần để có thể vệ sinh sạch khoang miệng, giúp bé ăn ngon?

Vệ sinh miệng cho trẻ quá nhiều lần trong ngày sẽ gây tổn hại cho khoang miệng, lưỡi và nướu răng. Do đó, còn tùy theo từng trường hợp và mục đích rơ lưỡi mà các mẹ quyết định nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần.

Vì sao phải rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh?

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh một ngày mấy lần thì hiệu quả? 1 Mẹ nên vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh mỗi ngày để tránh bị tưa lưỡi.

Ngoài việc cho trẻ uống nhiều nước sau mỗi bữa ăn, các mẹ cần thường xuyên rơ lưỡi, vệ sinh miệng cho trẻ. Thao tác rơ lưỡi, vệ sinh răng miệng cho trẻ nhỏ cũng giống như việc đánh răng mỗi ngày của người lớn. Sau khi trẻ uống sữa, cặn sữa hay bám lại trên bề mặt lưỡi. Trong 6 tháng đầu đời, trẻ cũng thường nôn trớ sữa hoặc có thể ra sữa vón cục. Do đó, trong khoang miệng cũng như ở bề mặt lưỡi của trẻ có rất nhiều vi khuẩn và vi sinh vật gây nên mùi hôi khó chịu.

Vệ sinh miệng lấy đi các mảng trắng là cặn sữa bám trên lưỡi, nướu và khoang miệng. Nếu miệng của trẻ không được làm sạch, trẻ sẽ bị tình trạng tưa lưỡi do nhiễm Candida. Candida albicans là một loại nấm men có trong khoang miệng của trẻ, khiến cho trẻ không cảm nhận được hương vị khi ăn và sinh ra chán ăn, nôn trớ, quấy khóc, bỏ bú.

Bên cạnh việc vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, các mẹ cũng nên massage lợi, hỗ trợ tốt cho quá trình trẻ mọc răng sau này.

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần?

Các mẹ thường thắc mắc có nên rơ lưỡi thường xuyên cho trẻ sơ sinh không? Bao lâu rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh? Câu trả lời là tùy thuộc vào mục đích rơ lưỡi cho trẻ mà xác định mỗi ngày nên rơ lưỡi bao nhiêu lần. 

Rơ lưỡi để vệ sinh miệng hàng ngày

Sau khi trẻ ăn sữa xong, thông thường trong miệng trẻ hay xuất hiện cặn sữa là các chấm nhỏ màu trắng, không gây đau, dễ bong và bị trôi đi khi trẻ nuốt nước bọt hay uống nước.

Nguyên nhân xuất hiện cặn sữa là do trẻ ngậm sữa khi ngủ hoặc trẻ uống sữa công thức.

Số lần rơ lưỡi: Thực hiện đều đặn 2 lần/ngày.

Cách rơ lưỡi

Rửa tay sạch.

Đặt trẻ nằm trên giường hoặc bế trẻ.

Mẹ quấn gạc quanh ngón trỏ hoặc đeo gạc trị tưa lưỡi hình ống vào ngón trỏ.

Nhúng gạc vào dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội.

Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng.

Lau vòm miệng và massage nướu trẻ một cách nhẹ nhàng.

Bước sau cùng, đặt ngón tay vào trong phía gốc lưỡi, chà nhẹ trên bề mặt lưỡi, từ từ kéo cặn sữa ra ngoài.

Lưu ý

Không đưa ngón tay vào sâu trong miệng trẻ vì có thể khiến trẻ bị nôn trớ.

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh một ngày mấy lần thì hiệu quả? 2 Mẹ nên chọn các loại gạc rơ lưỡi tốt cho trẻ.

Rơ lưỡi khi trẻ bị tưa lưỡi

Tưa lưỡi hay gọi là tưa miệng là những màng giả màu trắng ở niêm mạc miệng, đặc biệt là mặt trên của lưỡi. Nếu không điều trị kịp thời, những màng giả này phát triển nhanh và ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng. Lấy mảng trắng ra sẽ gây chảy máu, đau rát. Tình trạng nhiễm nấm nhẹ hay nặng sẽ quyết định việc nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần.

Có nhiều nguyên nhân gây tưa lưỡi như:

  • Do nấm Candida albicans sống ký sinh trong miệng, gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh.
  • Do bài tiết ít nước bọt và niêm mạc miệng ở môi trường toan, pH thấp nên trẻ nhỏ dễ bị tưa lưỡi.
  • Trẻ bị lây bệnh từ dụng cụ cho trẻ ăn như chén, ly, chai sữa nhất là đầu vú cao su không sạch.
  • Trẻ bị lây qua đường sinh dục của mẹ bị nấm trong lúc sinh nở.

Triệu chứng của tưa lưỡi là xuất hiện những chấm trắng nhỏ mọc trên đầu lưỡi, phát triển thành đốm trắng to trên mặt lưỡi và lan sang hai bên niêm mạc má, vòm miệng, tạo thành từng mảng màu trắng sữa (màu vàng kem hay xám), rất khó lấy ra. Trẻ trở nên biếng ăn, bú kém, đau rát, quấy khóc. Nếu nặng trẻ bị ho, viêm phế quản phổi, tiêu chảy.

Số lần rơ lưỡi: Dùng dung dịch chứa hoạt chất chống nấm 4 lần/ngày

Dùng thuốc liên tục đến khi hết các nốt tưa lưỡi, sau đó tiếp tục rơ lưỡi thêm 2 ngày.

Cách rơ lưỡi

Rửa tay thật sạch.

Để trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ.

Dùng miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón trỏ hoặc đeo miếng gạc trị tưa lưỡi dạng ống.

Nhúng vào thuốc bột Nyst.

Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng, đưa ngón tay trỏ vào mặt trên của lưỡi và lau từ trong lưỡi kéo ra ngoài, bỏ miếng gạc đi và rơ lưỡi lần hai nếu trẻ có nhiều mảng tưa bám.

Chú ý không để mảng tưa rơi vào miệng trẻ và không đưa ngón tay quá sâu vào họng của trẻ gây kích thích nôn trớ. Ngoài rơ lưỡi, các mẹ dùng miếng gạc khác lau mặt trong hai bên má, trên vòm miệng và cuối cùng là phần nướu của trẻ để vệ sinh toàn khoang miệng.

Lưu ý

Trước mỗi bữa ăn 30 phút, hãy rơ lưỡi bằng thuốc cho trẻ.

Không nên cạy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì có thể gây chảy máu, tạo vết thương, gây nhiễm trùng.

Không dùng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Trước khi sử dụng thuốc trị nấm lưỡi cho trẻ, cần được sự chỉ định của bác sĩ.

Rơ lưỡi cho trẻ bú mẹ hoàn toàn

Các mẹ không cần rơ lưỡi cho trẻ hàng ngày nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ thông qua bình sữa. Vì khi bú, lưỡi của bé cọ sát vào núm ti mẹ nên rất ít khi bị đọng cặn sữa.

Tuy nhiên, vệ sinh răng miệng cho trẻ luôn là điều cần thiết. Do đó, với trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ chỉ cần rơ lưỡi bé 2-3 ngày/lần.

Rơ lưỡi cho trẻ bú sữa mẹ và sữa ngoài

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh một ngày mấy lần thì hiệu quả? 3 Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần tùy vào mục đích rơ lưỡi.

Có nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh hàng ngày trong trường hợp trẻ vẫn còn bú sữa mẹ có kết hợp bú thêm sữa công thức hay không? Câu trả lời là có, mẹ cần rơ lưỡi mỗi ngày 1 lần cho trẻ.

Bên cạnh đó, sau khi trẻ bú bình, mẹ nên cho trẻ uống từ 1-2 thìa nước ấm để tráng miệng sạch cho trẻ.

Đối với trẻ bú ngoài hoàn toàn, trẻ uống sữa công thức cần được rơ lưỡi nhiều hơn các dạng bú khác vì lưỡi rất dễ bị đóng cặn dẫn đến tưa lưỡi hay đen lưỡi. Nếu không được rơ lưỡi thường xuyên trẻ uống sữa công thức dễ bị viêm lưỡi, viêm họng hoặc lười bú.

Để tránh tình trạng này, cứ sau mỗi cữ bú, các mẹ cần cho trẻ uống từ 1-2 thìa nước ấm và rơ lưỡi khoảng 2 lần/ngày.

Lưu ý: Các mẹ nên rơ lưỡi cho trẻ vào thời điểm tốt nhất là buổi sáng, sau khi ăn sáng xong khoảng 2 tiếng. Nếu rơ lưỡi cho trẻ trước thời gian này, trẻ sẽ rất dễ bị nôn khan do bụng vẫn còn rỗng và cũng không nên rơ ngay sau khi trẻ vừa ăn no xong vì bé có thể nôn trớ.

Cách phòng ngừa trẻ bị nôn trớ ra sữa vón cục

Để hạn chế tình trạng trẻ nôn sữa vón cục, các mẹ cần cho trẻ bú mẹ đúng cách, không cho ăn quá nhiều mà chỉ nên ăn no vừa đủ, tốt nhất là chia thành nhiều bữa nhỏ.

Trẻ sơ sinh nên bú mẹ trực tiếp, không nên bú qua bình. Điều này sẽ giúp dạ dày của trẻ giãn ra đủ mức để chứa lượng sữa trẻ bú vào, giảm nguy cơ bị nôn trớ do co bóp của dạ dày.

Mẹ cần lưu ý tư thế trẻ khi bú. Hãy kê gối cao khoảng một viên gạch để đầu và vai có độ dốc ít nhất 30 độ. Tư thế nửa nằm nửa ngồi sẽ giúp trẻ giảm bị ọc sữa hay nôn trớ.

Sau khi bú nên bế trẻ ở tư thế đứng ít nhất khoảng 30 phút.

Nếu trẻ bú bình, mẹ hãy chọn bình chuẩn, pha sữa đúng cách, không để bình nằm ngang khi trẻ đang bú vì lượng sữa ngập núm vú sẽ dễ gây sặc cho trẻ.

Cho trẻ uống sữa lúc trẻ tỉnh táo, không buồn ngủ.

Không ép trẻ ăn quá nhiều so với lượng bình thường trẻ có thể ăn.

Vậy là câu hỏi "Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần" đã được giải đáp trong bài viết này. Mong rằng các mẹ đã có thêm thông tin hữu ích để chăm sóc và nuôi dạy những thiên thần nhỏ của mình.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin