Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì? Dùng như thế nào cho hiệu quả?

Ngày 26/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sáp dưỡng ẩm Vaseline rất được ưa chuộng và sử dụng phổ biến nhờ những công dụng mà nó mang lại, đặc biệt là khả năng dưỡng ẩm và phục hồi da. Vaseline không chỉ có thể sử dụng ở người lớn mà trong nhiều trường hợp còn có thể dùng cho trẻ nhỏ. 

Vậy sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì? Để biết rõ hơn về những tác dụng mà Vaseline đem lại cũng như bỏ túi cách dùng sáp dưỡng ẩm Vaseline một cách đúng đắn, mời bạn tham khảo bài viết bên dưới nhé.

Sáp dưỡng ẩm Vaseline là gì?

Vaseline có thành phần chính là Petrolatum, có khả năng bảo vệ, dưỡng ẩm và tái tạo làn da. Petrolatum là một chất không tan trong nước, đặc điểm này làm cho Vaseline tạo ra một lớp màng mỏng trên bề mặt da, giúp giữ nước và ngăn ngừa sự mất nước qua da. Vì thế, Vaseline trở thành một lựa chọn phổ biến cho việc dưỡng ẩm, đặc biệt là trong các sản phẩm chăm sóc da dành cho những vùng da khô, nứt nẻ hoặc bị tổn thương.

Ngoài ra, Vaseline cũng nổi tiếng với khả năng bảo vệ da khỏi tác động của môi trường bên ngoài, làm dịu cũng như làm lành vết thương. Một điều cần lưu ý là Vaseline có tính chất kỵ nước nên sử dụng quá mức có thể tạo cảm giác nhờn và gây bí da. Do đó, việc sử dụng Vaseline nên được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu cụ thể.

Sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì? Dùng như thế nào cho hiệu quả? 1
Vaseline có dạng bán rắn

Sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì?

Dưỡng ẩm cho da

Vaseline là một sản phẩm đa năng và hiệu quả trong việc dưỡng ẩm cơ thể bao gồm cả da mặt, da tay, môi và nhiều bộ phận khác, đặc biệt là trong những thời điểm da trở nên khô và căng trước các yếu tố môi trường. Sau khi đã làm sạch da mặt, bạn có thể bôi lên da một lớp mỏng Vaseline để giữ ẩm và bảo vệ da khỏi sự mất nước. Sau khi tắm, làn da thường mất nước, bạn có thể dùng Vaseline để giữ độ ẩm cho toàn bộ cơ thể. Vaseline sẽ tạo ra một lớp bảo vệ, giữ cho da mềm mại và không mất nước quá nhanh.

Một trường hợp khác là dưỡng ẩm cho môi. Môi là một khu vực dễ bị khô và nứt nẻ, đặc biệt là khi thời tiết lạnh và hanh khô. Thoa một lớp mỏng Vaseline lên môi giúp giữ ẩm, làm dịu và ngăn chặn tình trạng nứt nẻ, giúp duy trì sự mềm mại và khỏe mạnh cho đôi môi của bạn.

Tay và chân khi vào mùa lạnh cũng thường xuyên bị khô và nứt nẻ. Vaseline cũng là một sự lựa chọn phù hợp trong những trường hợp này. Nếu ghét cảm giác bết rít của Vaseline khiến bạn khó chịu thì hãy sử dụng vào ban đêm. Thoa một lớp mỏng lên tay và chân trước khi đi ngủ để giữ độ ẩm qua đêm, giúp giảm nứt nẻ ở tay, nứt gót chân, tạo ra một cảm giác mềm mại và dễ chịu.

Sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì? Dùng như thế nào cho hiệu quả? 2
Dưỡng ẩm môi hiệu quả và đơn giản bằng Vaseline

Làm lành vết bỏng và vết thương nhỏ

Một nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng sáp dưỡng ẩm như Vaseline mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc chăm sóc và giữ ẩm cho da vết thương sau phẫu thuật, vết bỏng và các vết thương nhỏ. Điều này do Vaseline giúp giữ ẩm cho da có vết thương bằng cách tạo ra một lớp bảo vệ không thấm nước, giúp ngăn chặn sự mất nước từ da và tạo một môi trường ẩm, tạo điều kiện lý tưởng cho quá trình tái tạo tế bào và lành vết thương.

Ngoài ra, sự dưỡng ẩm của Vaseline còn giúp tăng cường quá trình phục hồi của da. Môi trường ẩm giúp tăng cường sự linh hoạt của tế bào da, giúp chúng di chuyển dễ dàng hơn và kích thích sự sản xuất collagen, một protein quan trọng trong quá trình tái tạo của da. Trong khi đó, các vùng da khô có thể cần thời gian gấp đôi để hồi phục.

Sáp dưỡng ẩm Vaseline còn giúp làm dịu vết thương, giảm vết đỏ của các sẹo mới, làm giảm đi sự khó chịu và mất tự tin khi có sẹo và giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cho vết thương nhờ việc bảo vệ da khỏi tác động của vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý, trước khi thoa Vaseline lên các vùng da này, cần làm sạch vết thương để tránh trường hợp vi khuẩn nằm lại bên trong sẽ làm chậm mức độ phục hồi của vết thương đó.

Hỗ trợ làn da trong trường hợp bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến

Khi da bị chàm và vảy nến, da khô và khó giữ nước cũng như khó loại bỏ các tác nhân gây hại ra khỏi vết thương đó. Nếu quá khô, da còn bị nứt và vết nứt chính là con đường để vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm. Da quá khô thì sự thẩm thấu, hấp thu các thuốc bôi, thuốc dưỡng da cũng giảm đi. Dùng sáp dưỡng ẩm Vaseline sẽ giúp giữ nước cho da, tạo lớp màng bảo vệ trước vi khuẩn, tăng khả năng hấp thu thuốc, giúp thuốc hoạt động và làn da mau lành hơn. Bên cạnh đó, bôi Vaseline giúp da ẩm và giảm viêm, giảm ngứa ngáy khó chịu và bạn sẽ ít gãi hơn.

Bạn cũng có thể dùng Vaseline cho trẻ nhỏ bị viêm da dị ứng hay bị chàm và nên dùng cho trẻ sơ sinh sau 3 tuần chào đời.

Ngăn ngừa hăm tã

Việc sử dụng Vaseline trong chăm sóc da trẻ em không chỉ giúp hỗ trợ khi trẻ bị viêm da mà còn mang lại nhiều lợi ích khác, đặc biệt là trong việc ngăn chặn và giảm hăm tã. Làm sạch và lau khô da trẻ trước khi thoa Vaseline, nó sẽ tạo ra một hàng rào bảo vệ cho da trẻ khỏi sự tiếp xúc quá thường xuyên với môi trường ẩm, làm giảm nguy cơ phát ban và hăm tã. Lớp bảo vệ này cũng giúp giảm ma sát giữa da và tã, giảm nguy cơ chà xát và kích thích. Vaseline không chứa mùi và không có các chất bảo quản gây hại, điều này làm cho nó trở thành một lựa chọn an toàn, nhẹ nhàng cho làn da nhạy cảm của bé và an toàn cho cả da tay của các bố mẹ.

Loại bỏ lớp trang điểm

Ngoài việc loại bỏ các lớp trang điểm trên da bằng nước tẩy trang, dùng dầu tẩy trang cũng là một xu hướng, đặc biệt đối với cá lớp trang điểm khó nhằn. Vaseline có bản chất là một dạng dầu nên nó hoàn toàn có thể được sử dụng như một phương pháp tẩy trang, đặc biệt là với những lớp trang điểm khó nhằn như mascara chống nước, son môi lâu trôi hay eyeliner chống nước. 

Sử dụng Vaseline để tẩy trang không chỉ giúp loại bỏ lớp trang điểm mà còn mang lại lợi ích dưỡng ẩm cho da. Dùng một lượng sáp dưỡng ẩm Vaseline vừa đủ bôi lên da, nhẹ nhàng dùng tay massage mặt để loại bỏ lớp trang điểm. Với những vùng da nhạy cảm, vùng da khóe mắt có thể dùng tăm bông sẽ tiện lợi hơn. Sau đó, dùng bông tẩy trang hoặc khăn mềm để lau sạch và rửa lại bằng nước, tiếp tục các bước làm sạch tiếp theo.

Sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì? Dùng như thế nào cho hiệu quả? 3
Loại bỏ lớp trang điểm bằng Vaseline

Dưỡng ẩm cho tóc

Không chỉ có khả năng giữ ẩm, chống mất nước, Vaseline còn có tác dụng dưỡng ẩm cho tóc. Khi tóc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, gió hay tiếp xúc với nước hồ bơi, tóc dễ bị khô rối và lâu dài có tình trạng chẻ ngọn. Bôi Vaseline giúp tóc giảm đi sự chẻ ngọn đó và tạo thêm độ bóng cho tóc. Thoa Vaseline lên tay, xoay tay để Vaseline trải đều và bôi lên tóc. Lưu ý không nên sử dụng quá nhiều để tránh tóc bết và nhờn gây khó chịu.

Cách dùng Vaseline để đạt hiệu quả

Để sử dụng Vaseline một cách hiệu quả và tránh gây bết rít khó chịu, một số điều dưới đây sẽ giúp bạn sử dụng Vaseline tốt nhất:

  • Làm ẩm da trước khi bôi: Trước khi áp dụng Vaseline, nên làm ẩm vùng da cần bôi, nó sẽ giúp Vaseline dễ dàng lan truyền và hấp thụ vào da hơn.
  • Rửa tay trước khi sử dụng: Rửa tay thật sạch trước khi lấy ra một lượng Vaseline để tránh việc lây nhiễm vi khuẩn hoặc bất kỳ tác nhân có thể gây kích ứng cho da và giữ cho hộp Vaseline không bị ảnh hưởng.
  • Bôi một lớp mỏng: Lượng Vaseline sử dụng nên vừa đủ phù hợp với vùng da và diện tích da cần bôi. Tránh bôi quá dày sẽ gây tắc nghẽn cho da.
  • Tránh các vết thương hở lớn và vùng mắt: Tránh bôi Vaseline quá gần vùng mắt để Vaseline không tiếp xúc với mắt. Hạn chế sử dụng Vaseline trên các vết thương lớn và hở quá nhiều.
Sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì? Dùng như thế nào cho hiệu quả? 4
Nên rửa sạch tay trước khi lấy Vaseline

Bài viết trên là các thông tin giải đáp cho vấn đề sáp dưỡng ẩm Vaseline có tác dụng gì và những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng nó. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin bổ ích và bạn bỏ túi được nhiều kiến thức cần thiết. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm