Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Da - Tóc - Móng/
  4. Bỏng da

Bỏng da: Dấu hiệu bỏng từng cấp độ và phương pháp điều trị

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin

Bỏng là một loại tổn thương rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể bị bỏng chỉ cần một sơ suất nhỏ. Tỷ lệ bỏng ở trẻ nhỏ thường cao hơn do tính hiếu động và sự bất cẩn của người lớn. Bỏng không những gây đau đớn mà việc chữa trị cũng phức tạp, lâu dài và rất tốn kém, để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co rút cơ, tàn tật và thậm chí là tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung bỏng da

Bỏng da là gì?

Bỏng da là tổn thương trên da và các tổ chức dưới da do tiếp xúc với nhiệt độ, hóa chất, bức xạ và điện. Bỏng được phân loại theo mức độ nông sâu và diện tích vết bỏng trên tổng diện tích bề mặt cơ thể (TBSA).

Triệu chứng bỏng da

Những dấu hiệu và triệu chứng của bỏng da

Dấu hiệu và triệu chứng của bỏng da phụ thuộc vào chiều sâu của bỏng:

Bỏng độ 1: Vết bỏng màu đỏ rõ rệt, lan rộng, khi ấn nhẹ sẽ thấy đau và căng. Không có các bọng nước và phồng rộp.

Bỏng biểu bì: Những vết bỏng gây đau và căng, các bọng nước xuất hiện sau 24h khi bị bỏng, vết phỏng có chứa dịch và có máu, dịch tiết ra có fibrin.

Bỏng trung bì: Vết bỏng có màu trắng, đỏ hoặc cả 2 màu. Ít đau hơn 2 loại bỏng trên, thường có cảm giác châm chích. Các bọng nước và vết phồng rộp có thể phát triển nặng thêm. Phần da tổn thương thường bị hoại tử ướt.

Bỏng toàn bộ lớp da: Vết bỏng màu trắng, đen cháy, màu nâu hoặc đỏ tươi. Thường là hoạt tử khô, bao quanh bằng một viền da màu đỏ, cứng và thô ráp. Các vết bỏng này thường đã mất cảm giác đau, không còn hình thành bọng nước và phồng rộp.

Tác động của bỏng da đối với sức khỏe

Bỏng thường gây đau, nhiễm trùng, choáng (sốc) nếu bỏng nặng, gây ra các vấn đề về da như ung thư, sẹo dính, co rúm da. Bỏng còn gây biến dạng khớp, hạn chế vận động do bị co rút, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi bỏng da

Các biến chứng khi bỏng da có thể là sốc giảm thể tích, tổn thương do hít phải, nhiễm trùng, các vết sẹo và co thắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

  • Bỏng ở tay, chân, mặt, khu vực nhạy cảm, các khớp lớn hoặc diện tích bỏng lớn;

  • Bỏng sâu;

  • Bỏng do hóa chất và do điện;

  • Khó thở do bỏng đường hô hấp;

  • Nhiễm trùng các vết bỏng;

  • Có bọng nước lâu lành;

  • Bỏng xảy ra ở người nhỏ tuổi hoặc quá lớn tuổi, người có miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh mạn tính.

Nguyên nhân bỏng da

Nguyên nhân dẫn đến bỏng da

Bỏng nhiệt: Như lửa, chất lỏng đang nóng, vật rắn đang nóng hoặc hơi nước. Khi xảy ra hỏa hoạn, cũng có thể dẫn đến ngộ độc do hít phải khói.

Bỏng bức xạ: Thường do tiếp xúc với bức xạ tia cực tím mặt trời một thời gian dài (cháy nắng); tiếp xúc nhiều và cường độ cao với các nguồn bức xạ tia cực tím khác như khi nhuộm nâu da bằng giường tắm nắng; tiếp xúc với tia X hoặc bức xạ khác.

Bỏng do hóa chất: Acid mạnh, kiềm mạnh, phenol, cresols, khí mù tạt, phospho, xăng, chất pha với sơn để làm mỏng màng sơn. Khi tiếp xúc với các hóa chất này có thể gây ra hoại tử da mà mô sâu, tiến triển chỉ trong vài giờ.

Bỏng do điện: Tiếp xúc với điện thế cao > 1000 volts sẽ gây ra tổn thương mô sâu trên diện rộng ở các mô dẫn điện như cơ, mạch máu và dây thần kinh, tuy nhiên tổn thương da thường ít.

Nguy cơ bỏng da

Những ai có nguy cơ mắc phải bỏng da?

Bỏng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bỏng da

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bỏng da, bao gồm:

  • Sử dụng bếp lửa, bếp củi, bếp điện, hay tiếp xúc với dây điện, nguồn nhiệt;

  • Lưu trữ nhiều vật liệu dễ cháy và hóa chất ăn da;

  • Hút thuốc lá không vứt cẩn thận;

  • Lạm dụng trẻ em;

  • Điều chỉnh nhiệt độ của máy nước nóng quá cao;

  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh mặt trời mà không che chắn.

Phương pháp chẩn đoán & điều trị bỏng da

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bỏng da

Đánh giá lâm sàng dựa trên độ sâu và diện tích vết bỏng.

Xét nghiệm và chụp X - quang phổi ở những bệnh nhân cần nhập viện.

Vị trí và độ sâu của vùng bỏng được ghi lại trên một sơ đồ bỏng. Tỷ lệ TBSA cần được tính toán trên các bệnh nhân bỏng biểu bì - trung bì và bỏng toàn phần.

Đối với bệnh nhân nằm viện, nên làm xét nghiệm Hb, Hct, điện giải, BUN, albumin, creatinin, phosphate, protein, calci. Xét nghiệm nước tiểu, chụp X - quang ngực và điện tim cũng cần thiết. Myoglobin niệu (gợi ý tán huyết hoặc tiêu cơ vân) nên được chỉ định khi nước tiểu có màu tối hoặc không thấy hồng cầu trên vi kính nhưng kết quả lại dương tính với máu trên que thử. Lặp lại các thử nghiệm này nếu cần thiết. Ở những bệnh nhân có myoglobin niệu cần được đánh giá có chèn ép khoang hay không.

Nhiễm trùng được xác định dựa vào dịch tiết của vết thương, vết thương khó lành hoặc có bằng chứng toàn thân về nhiễm trùng (không dung nạp được thực phẩm, giảm số lượng tiểu cầu, tăng đường huyết). Việc sốt và tăng số lượng bạch cầu cũng được phát hiện ở những bệnh nhân có bỏng không nhiễm trùng nên đây là 2 tiêu chí không đáng tin cậy để chẩn đoán bỏng nhiễm trùng. Nếu các dấu hiệu không rõ ràng, có thẻ làm sinh thiết để xác định nhiễm trùng. Việc cấy dịch tiết vết thương thường không cho kết quả đáng tin cậy.

Phương pháp điều trị bỏng da hiệu quả

Nếu bỏng > 10% TBSA cần bù dịch qua đường tĩnh mạch.

Làm sạch vết thương, thay băng.

Các biện pháp hỗ trợ.

Phẫu thuật và thực hiện vật lý trị liệu đối với bỏng biểu bì-trung bì hay bỏng toàn bộ da.

Điều trị trước khi nhập viện

Những điều trị ưu tiên ban đầu giống như đối với bất kỳ bệnh nhân bị thương khác là ABC (A - Airway control: Khai thông đường thở, B - Breathing support: Hô hấp nhân tạo, C - Circulation support: Hỗ trợ tuần hoàn). Nếu có liên quan đến việc hít phải khói, cần được thở bằng oxy 100%. Dập tắt và loại bỏ các vết cháy đang còn, bỏ toàn bộ quần áo, dùng nước làm sạch các hóa chất gây bỏng (nếu hóa chất là dạng bột, nên được phủi, chải sạch trước). Bỏng do acid, kiềm hoặc các hợp chất hữu cơ như phenol, cresol, cần dội qua nước nhiều lần, ít nhất là 20 phút đến khi sạch hoàn toàn.

Truyền dịch qua đường tĩnh mạch

Cần truyền dịch đường tĩnh mạch khi bệnh nhân bị sốc hoặc bỏng > 10% TBSA. Dùng ống thông tĩnh mạch kích thước từ 14 - 16 đặt vào 1 đến 2 tĩnh mạch ngoại vi ở vùng da không bị bỏng (nếu có thể). Tránh truyền tĩnh mạch nếu có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Nếu bệnh nhân không có sốc, vẫn có thể truyền dịch để bù lượng dịch bị thiếu hụt. Dùng công thức Parkland để tính lượng dịch cần truyền trong 24 giờ đầu tiên: 4ml x trọng lượng cơ thể x TBSA (truyền 50% thể tích này trong 8 giờ đầu tiên và 50% còn lại trong 16 giờ tiếp theo). Trên thực tế, công thức này chỉ được dùng khi khởi đầu, tốc độ truyền cần được điều chỉnh dựa vào đáp ứng trên lâm sàng với mục tiêu là duy trì lượng nước tiểu từ 30 – 50 ml/h ở người lớn và từ 0,5 – 1,0 ml/kg/h ở trẻ em. Khi truyền một lượng lớn dịch, cần chú ý để tránh tình trạng quá tải dịch, suy tim trái và hội chứng chèn ép khoang.

Nếu bệnh nhân bị bỏng nặng, quá trẻ hoặc quá lớn tuổi, có bệnh tim và cần bù một lượng lớn dịch, cần nhắc truyền dung dịch keo (thường là albumin) sau 12 giờ đầu tiên.

Đối với bệnh nhân bị tiêu cơ vân, cần duy trì lượng nước tiểu từ 0,5 – 1 ml/kg/h. Một số khuyến cáo cho rằng có thể kiềm hóa nước tiểu bằng cách pha 50 mEq NaHCO3 vào 1L dung dịch truyền tĩnh mạch.

Chăm sóc vết thương ban đầu

Sau khi giảm đau, làm sạch vết thương bằng xà bông hoặc nước. Nước rửa nên hơi ấm hoặc ở nhiệt độ phòng để tránh hạ thân nhiệt. Bọng nước không vỡ sẽ được giữ nguyên và điều trị bằng kháng sinh tác động tại chỗ.

Đối với bỏng biểu bì chỉ cần điều trị với thuốc tác động tại chỗ. Đối với bỏng trung bì và bỏng toàn bộ da nên được điều trị bằng cách cắt bỏ và ghép da, nhưng trước mắt, điều trị tại chỗ là thích hợp.

Việc điều trị tại chỗ có thể dùng:

  • Thuốc kháng khuẩn như bạc sulfadiazine 1%, mafenide acetate.

  • Băng gạc kết hợp với bạc (băng gạc y tế có chứa nano bạc): Chỉ dùng với bỏng biểu bì – trung bì và cần được giữ ẩm, có thể không cần thay thường xuyên để giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân, khoảng 7 ngày/lần.

  • Da nhân tạo.

Các chi bị bỏng nên được kê cao. Cần tiêm 1 liều tăng cường huyết thanh chống uốn ván (0,5 ml tiêm bắp hoặc tiêm dưới da) cho bệnh nhân bị bỏng và chưa được tiêm chủng trong vòng 5 năm trở lại. Phẫu thuật cắt sẹo (escharotomy) ở những sẹo co thắt để mở rộng phần ngực và đảm bảo việc tưới máu đến các chi.

Các biện pháp hỗ trợ

Điều trị hạ thân nhiệt và giảm đau. Có thể dùng opioid ví dụ như morphine đường tĩnh mạch với liều lớn để giảm đau. Bổ sung Ca, Mg, K hoặc phosphate nếu thiếu hụt điện giải.

Bệnh nhân bỏng > 20% TBSA cần được hỗ trợ dinh dưỡng hoặc bệnh nhân suy dinh dưỡng từ trước.

Nhập viện

Sau khi điều trị ban đầu và đã ổn định, việc nhập viện cần dựa vào:

  • Bỏng toàn bộ da > 1% TBSA;
  • Bỏng biểu bì - trung bì > 5% TBSA;
  • Bỏng tay, mặt, bàn chân hoặc đáy chậu;
  • Bệnh nhân < 2 tuổi hoặc > 60 tuổi.

Nhiễm trùng

Không dùng kháng sinh dự phòng toàn thân.

Điều trị theo kinh nghiệm trong 5 ngày đầu tiên đối với dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng, tập trung vào Staphylococci Streptococci (dùng vancomycin cho bệnh nhân nhập viện). Nếu nhiễm trùng phát hiện sau 5 ngày, sử dụng kháng sinh phổ rộng. Việc lựa chọn kháng sinh sau đó dựa vào độ nhạy của kháng sinh và kết quả nuôi cấy.

Phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật khi vết bỏng không thể lành trong 2 tuần đối với bỏng trung bì hoặc bỏng toàn bộ da. Mảng mô hoại tử (eschars) nên được cắt bỏ càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 3 ngày để ngăn nhiễm trùng huyết và tạo điều kiện có việc ghép da sớm, rút ngắn thời gian nhập viện. Nếu bỏng lan rộng và đe dọa tính mạng, cần phải cắt bỏ những vết bỏng lớn nhất sớm nhất có thể.

Sau khi cắt bỏ, tiến hành ghép da, việc ghép bằng da tự thân là lý tưởng nhất. Nếu bỏng > 40% TBSA, có thể sử dụng da nhân tạo, allografts (da sống từ người hiến xác) và da lợn để ghép tạm thời, sau đó sẽ đổi sang da tự thân.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu nên được bắt đầu từ khi nhập viện để giảm sẹo co rút, đặc biệt đối với phần da có độ căng cao và thường xuyên di chuyển như mặt, tay. Các bài tập sẽ dễ dàng hơn khi tình trạng phù nề giảm, tập chủ động và bị động nên thực hiện 1 – 2 lần/ngày.

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa bỏng da

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bỏng da

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo sự căn dặn của bác sĩ;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất thường xảy ra;

  • Giữ sạch vết thương;

  • Nâng cao các chi bị thương và quấn băng gạc;

  • Thay băng hàng ngày (băng có nano bạc thay 7 ngày/lần, da nhân tạo chỉ thay khi có mủ);

  • Tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của vết bỏng và có hướng điều trị phù hợp;

  • Che chắn vết thương tránh ánh nắng mặt trời.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cần bổ sung thức ăn giàu đạm, vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, ngăn chặn nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành.

Phương pháp phòng ngừa bỏng da

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cẩn thận không lại gần bếp lửa, bình thủy (đối với trẻ em);

  • Đội nón, mặc quần áo, bôi kem chống nắng khi ra đường lúc nắng to;

  • Mặc quần áo chống tia cực tím;

  • Trang bị bình cứu hỏa;

  • Để các vật dụng dễ cháy nổ xa tầm tay trẻ em;

  • Các ổ điện cần có lá cách điện bên trong;

  • Kiểm tra hệ thống điện định kỳ.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/professional/injuries-poisoning/burns/burns
  2. Phục hồi chức năng sau bỏng: http://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/08/18.-PHCN-Sau-b%E1%BB%8Fng.pdf
  3. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/cac-mo-hinh-an-toan/
Chủ đề:bỏng dabỏng

Các bệnh liên quan

  1. Viêm da do ánh nắng

  2. Lão hóa da

  3. Lichen phẳng

  4. U mềm lây

  5. Lichen xơ hóa

  6. Rám má

  7. Viêm da

  8. Lang ben

  9. Mụn nhọt

  10. Tổ đỉa

Hỏi đáp (0 bình luận)