Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì?

Ngày 29/10/2022
Kích thước chữ

Sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn của răng, nó dẫn đến sự hòa tan tại chỗ và phá hủy những mô canxi của răng. Sâu răng khi niềng răng là vấn đề khiến nhiều người trong đang trong quá trình cảm thấy lo lắng, gặp khó khăn trong cả vấn đề chăm sóc cũng như điều trị. Vậy cần làm gì nếu bị sâu răng khi niềng răng?

Tùy thuộc vào loại niềng răng mà bạn lựa chọn, có những cách chăm sóc và phòng ngừa sâu răng khi niềng răng khác nhau. Thông thường hiện nay có 2 phương pháp niềng phổ biến là niềng răng bằng mắc cài (bằng kim loại hoặc sứ) và niềng răng tháo lắp (sử dụng các máng tương thích với hàm răng).

Việc niềng răng tháo lắp thì thuận tiện trong việc chăm sóc hơn, cơ bản là giống như một người không niềng răng. Vì vậy trong bài này chúng tôi sẽ đề cập chủ yếu đến niềng răng có mắc cài.

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì? 1 Các phương pháp niềng răng hiện nay

Sâu răng là do niềng răng đúng hay sai?

Nhiều người cho rằng niềng răng là nguyên nhân gây sâu răng khi niềng răng. Nhưng thực tế là do thức ăn bị mắc kẹt giữa các kẽ răng và không được loại bỏ. Niềng răng không gây sâu răng nhưng lại làm tăng khả năng hình thành mảng bám, mắc thức ăn lại và do đó nó làm tăng nguy cơ sâu răng.

Vấn đề sâu răng hay gặp ở niềng răng với mắc cài cố định hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là niềng răng tháo lắp không gây sâu răng. Do đó, dù là loại niềng nào cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng lâu dài.

Sâu răng khi niềng răng cần làm gì?

Thông thường sâu răng sẽ xuất hiện ở các rãnh trên bề mặt răng, xung quanh mắc cài và dây cung. Nếu phát hiện răng bị sâu, nha sĩ sẽ tháo tạm thời dây cung để điều trị kịp thời răng sâu. Sâu răng nặng có thể sẽ cần tháo mắc cài khỏi răng nếu có cản trở việc điều trị. Và cần phải lắp lại sớm nhất có thể để tránh tình trạng di lệch răng do răng chạy trong quá trình niềng.

Sâu răng khi niềng răng vẫn sử dụng các phương pháp điều trị sâu răng như các trường hợp sâu răng thông thường. Các lỗ sâu nhỏ thường được điều trị bằng cách trám răng. Nha sĩ sẽ làm sạch lỗ sâu và đổ đầy lại bằng các vật liệu chuyên dụng trong niềng răng.

Còn nếu liên quan đến tủy răng như viêm tủy hay chết tủy thì cần điều trị bằng phương pháp chữa tủy. Niềng răng chỉ gây khó khăn hơn vì có các khí cụ vẫn được gắn trên răng. Do đó việc tháo các khí cụ này là cần thiết nếu gây cản trở đến trường điều trị răng sâu.

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì? 2 Sâu răng khi niềng răng cần làm gì?

Các phương pháp dự phòng sâu răng

Niềng răng làm tăng nơi bám, mắc lại của thức ăn trên răng. Nếu loại bỏ thức ăn thừa không đúng cách hoặc không loại bỏ hoàn toàn thì về lâu dài sẽ gây tích tụ vi khuẩn, mảng bám trên răng và trên lợi của bạn.

Điều này có thể sẽ dẫn đến sâu răng khi niềng răng. Dưới đây là một số gợi ý về chăm sóc răng miệng trong quá trình niềng răng để có thể ngăn ngừa tối đa nguy cơ gây sâu răng.

Tuân thủ các quy định về niềng răng

Thông thường, nha sĩ sẽ hẹn bạn tái khám định kỳ sau 2 – 4 tuần để thăm khám, siết răng hoặc đổi dây chun, máng niềng răng.

Ngoại trừ các vấn đề liên quan đến niềng răng, nha sĩ còn có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời sâu răng của bạn, từ đó giảm thiểu tối đa mức độ nặng của sâu răng. Bên cạnh đó, bạn sẽ được lấy cao răng mảng bám trên răng định kì. Vì vậy hãy đi thăm khám theo lịch hẹn hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy sức khỏe răng miệng của mình có bất thường.

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì? 3 Nên thực hiện thăm khám định kỳ khi niềng răng

Đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ

Điều này không chỉ quan trọng đối với người niềng răng mà đối với mọi người nó đều vô cùng quan trọng. Đánh răng sau khi ăn ít nhất 2 lần 1 ngày giúp tăng hiệu quả phòng tránh sâu răng.

Bên cạnh đó việc sử dụng chỉ nha khoa giúp loại bỏ được thức ăn mắc trong kẽ răng và không làm rộng chân răng của bạn như sử dụng tăm truyền thống.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp niềng răng mắc cài, dây cung của bộ niềng sẽ cản trở việc sử dụng chỉ nha khoa. Do đó, bạn có thể nghiên cứu thêm về việc sử dụng bàn chải kẽ. Một chiến binh hữu ích giúp bạn xử lý thức ăn mà không lo vướng dây cung nữa.

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì? 4 Sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ vệ sinh răng miệng

Sử dụng tăm nước

Có lẽ thiết bị này đã không còn xa lạ đối với “hội đồng niềng”. Tăm nước hiểu đơn giản là một thiết bị cung cấp một tia nước có lực đủ mạnh để đẩy thức ăn thừa khỏi kẽ răng, dây cung hoặc mắc cài nhưng không làm tổn thương lợi, răng của bạn.

Điểm mạnh của tăm nước là có thể đi qua được các ngõ ngách mà không lo bị vướng mắc bởi dây cung, band răng hay mắc cài. Làm sạch răng một cách tối đa giúp cho việc vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng hơn.

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì? 5 Sử dụng tăm nước để vệ sinh răng tối ưu

Chế độ ăn uống

Muốn giảm thiểu nguy cơ sâu răng khi niềng răng thì điều quan trọng không kém đó là thời gian niềng răng. Niềng càng lâu thì càng dễ bị sâu răng hơn. Vậy cần làm gì để được tháo niềng đúng hạn?

Hạn chế các đồ ăn cứng như hạt, bánh quy, đá lạnh… và hãy cắt nhỏ thức ăn của mình chỉ vừa một lần ăn và cho vào miệng thay vì phải cắt hay xé. Đồng thời nên tránh các thức ăn dính và dai như sô – cô – la, keo cao su, kẹo dẻo. Những thực phẩm nên trên có thể làm hỏng bộ khí cụ niềng răng của bạn dẫn đến kéo dài thời gian niềng răng.

Sâu răng khi niềng răng: Cần lưu ý những điều gì? 6 Hạn chế các đồ ăn cứng, dai và các loại đồ ngọt

Niềng răng giúp chúng ta có một hàm răng không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà con đúng với cấu trúc giải phẫu và khớp cắn, giúp mỗi người cảm thấy tự tin và khỏe mạnh hơn. Vì vậy đừng để sâu răng khi niềng răng làm tăng thêm vấn đề cần suy nghĩ thậm chí là kéo dài thời gian niềng răng. Hãy lựa chọn cho mình những phương  pháp phù hợp để có thể chăm sóc sức khỏe răng miệng khi niềng răng được toàn diện nhất nhé!

Trên đây là những thông tin về sâu răng khi niềng răng mà mọi người có thể tham khảo. Hy vọng bài viết trên có thể đem lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Chúc bạn đọc thật khỏe mạnh và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin về sức khỏe mới nhất nhé!

 Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin