Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt và niềng răng mắc cài

Ngày 05/12/2020
Kích thước chữ

Niềng răng mắc cài và niềng răng trong suốt, nên chọn phương pháp nào? Tham khảo bài viết so sánh ưu - nhược điểm của hai phương pháp niềng răng để ra quyết định chính xác nhất.

Niềng răng là phương pháp chỉnh nha giúp tăng tính thẩm mỹ, khả năng nhai cắn và giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Có rất nhiều phương pháp niềng răng bạn có thể chọn. Trong đó, niềng răng có mắc cài và niềng răng trong suốt là hai phương pháp được lựa chọn phổ biến nhất. Nếu đang phân vân không biết nên chọn phương pháp nào, sau đây là những thông tin hữu ích dành cho bạn.

Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt và niềng răng mắc cài 1

Nên chọn phương pháp niềng răng mắc cài hay niềng răng trong suốt?

Ưu nhược điểm của niềng răng mắc cài

Niềng răng mắc cài là phương pháp được sử dụng từ lâu. Cùng với sự phát triển của công nghệ nha khoa, các loại mắc cài khác nhau được ra đời nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng người. Các loại mắc cài phổ biến nhất được sử dụng bao gồm: mắc cài kim loại, mắc cài sứ và mắc cài tự buộc. Mỗi loại mắc cài đều có ưu - nhược điểm riêng.

1. Mắc cài kim loại

Loại mắc cài cổ điển thường được làm bằng những loại kim loại như: inox, thép không gỉ hay thậm chí là vàng. Mắc cài được kết hợp với dây cao su và dây khung kim loại để tạo lực kéo và định hình cấu trúc hàm.

Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt và niềng răng mắc cài 2

Phương pháp truyền thống sử dụng mắc cài và dây khung kim loại.

Ưu điểm:

  • Chi phí rẻ nhất trong các phương pháp niềng răng.
  • Không đòi hỏi công nghệ cao hay máy móc hiện đại.
  • Lực kéo ổn định mang lại hiệu quả chỉnh nha cao.

Nhược điểm:

  • Kém thẩm mỹ do mắc cài lộ ra khi nói chuyện.
  • Dễ bị bung dây cung hoặc bong mắc cài khi nhai mạnh.
  • Cần biết cách chăm sóc răng niềng, kiêng những loại thức ăn cứng, dai dính trong thời gian niềng răng.
  • Dễ gây tổn thương mô mềm trong miệng.
  • Kim loại dùng làm mắc cài có thể gây dị ứng đối với một số người.

2. Mắc cài sứ

Thay vì làm bằng kim loại, mắc cài được làm bằng sứ hoặc chất liệu khác có màu sắc trắng sáng tương đồng với màu răng.

Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt và niềng răng mắc cài 3

Niềng răng bằng mắc cài sứ có màu gần giống màu răng.

Ưu điểm:

  • Có tính thẩm mỹ cao vì màu mắc cài gần giống với màu răng.
  • Chất liệu sứ ít gây kích ứng.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao hơn so với niềng răng bằng mắc cài kim loại.
  • Chân đế mắc cài có thể bị nhiễm màu nếu không được vệ sinh đúng cách.
  • Chốt niềng răng lớn hơn so với mắc cài kim loại có thể gây cảm giác không thoải mái.
  • Mắc cài chất liệu sứ dễ vỡ trong quá trình ăn nhai.

3. Mắc cài tự buộc

Mắc cài tự buộc (hay còn gọi là mắc cài tự đóng) được làm từ chất liệu kim loại hoặc sứ. Tuy nhiên, thay vì sử dụng dây cao su để giữ dây cung, mắc cài có cánh tay kim loại hoặc nắp trượt tự động để cố định dây cung bên trong rãnh.

Ưu điểm:

  • Giảm thời gian niềng răng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chỉnh nha.
  • Hạn chế tình trạng răng đau nhức trong quá trình điều trị.
  • Hạn chế tình trạng dây cao su bị giãn gây bung, tuột mắc cài.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao hơn với hai phương pháp niềng răng mắc cài trên.
  • Mắc cài dày tạo cảm giác không thoải mái và có thể gây tổn thương mô mềm trong khoang miệng.
  • Mắc cài được thiết kế phức tạp và cần sử dụng máy móc hiện đại.

Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt

Niềng răng trong suốt Invisalign (hay còn được gọi là niềng răng tháo lắp) là kỹ thuật niềng răng được ra đời từ năm 1997 tại Mỹ. Phương pháp này cố định hàm răng bằng một khay trong suốt có khả năng tháo ráp được làm dựa trên mẫu hàm thật kết hợp với công nghệ mô phỏng 3D. Trong suốt quá trình niềng răng, một người sẽ sử dụng khoảng 25 - 40 khay tùy từng trường hợp.

Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt và niềng răng mắc cài 4

Phương pháp niềng răng sử dụng khay trong suốt để cố định răng.

Ưu điểm:

  • Mang lại hiệu quả chỉnh nha cao (đôi khi còn cao hơn so với niềng răng bằng mắc cài).
  • Tính thẩm mỹ cao vì răng được cố định bởi các khay trong suốt và người đối diện khó có thể nhận thấy bạn đang niềng răng.
  • Khay trong suốt có thể tháo lắp dễ dàng thuận tiện cho việc vệ sinh và ăn uống.
  • Khay niềng răng được làm bằng chất liệu thân thiện không gây kích ứng.
  • Khay mỏng và có cấu trúc giống với hàm răng thật nên không gây cộm hay làm tổn thương mô mềm.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao gấp 3 - 5 lần so với phương pháp niềng răng bằng mắc cài truyền thống.
  • Phải đeo khay ít nhất 22 giờ mỗi ngày.
  • Đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao.

Nên chọn niềng răng mắc cài hay niềng răng trong suốt?

Với những so sánh trên, bạn cũng phần nào định hình được mình nên sử dụng phương pháp niềng răng nào. Để chọn được phương pháp phù hợp nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, đồng thời cân nhắc nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân.

Uyên

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin